YÊU ANH TRAI!

Chương 1: Đệ nhất hồi tưởng thoại


YÊU ANH TRAI!
Tác giả: Kim Thảo
Chương 1: Đệ nhất hồi tưởng thoại
Năm 2015,
Đó là cái năm mà tôi không muốn lúc nào cũng nhớ tới nhưng lại không thể nào quên được.

Vâng tôi là con bé Lê Phan Kim Thảo 15 tuổi, ở cái tuổi mà dở dở ương ương người lớn không ra người lớn trẻ con không ra trẻ con.

Nếu như những người khác đều muốn mình thành người lớn, nên nó mới sinh ra cái tuổi nổi loạn mà mỗi khi đi học về đang định đi quét nhà mẹ nói:

” Đi quét nhà đi”

cái là vứt luôn cái chổi đấy hầm hừ đi vào nhà. Nó là muốn phải đối xử ngang bằng cơ, phải là:

“ Con quét hộ mẹ cái nhà cái nhé” thì mới được.

Đó đó thế nhưng tôi lại muốn mình mãi là đứa trẻ con cơ, tôi muốn mẹ sai tôi như hồi còn học tiểu học, tự giác lê thân là cả một vấn đề nghiêm trọng đối với tôi. Có lẽ cái tật lười chảy thây nó đã ăn mòn vào xương tuỷ của tôi rồi.

Bực mình ở chỗ đời ghét của nào trời thí của đó. Bố mẹ tôi thuộc dạng hết sức thoải mái với con cái nên để tôi tự quyết định tất. Từ quần áo cho tới việc học hành thậm chí là yêu đương hai người cũng không cấm.

Cứ mỗi lần tôi hỏi chuyện xin phép đi chơi cùng bạn, chưa kịp nói dứt câu hai người đều gật đầu tức thì. Ngặt nỗi tôi không thích đi chơi giao du vì theo tôi làm việc đó thật mất thời gian, trên hết là mệt thân nên tôi thèm lắm cái lắc đầu của bố mẹ. Giá ông bà cứ gắt lên:

” Ở nhà! Chơi với bời gì” thì vui biết mấy.

Lại nói đến gia đình tôi, nhà tôi cũng thuộc dạng khá giả, được cái ăn uống không phải lo nghĩ gì. Nhà cửa cũng rộng rãi cao đẹp tuy không đạt đến biệt thự nhưng cũng là nhà hai tầng. Nếu chỉ nói đến gia đình bốn người nhà tôi ra thì khi nhìn vào ai cũng phải thốt lên:

”Nhà này tử tế gớm”.

Bố mẹ đều có tiếng tốt bụng, đi hỏi từ đầu làng đến cuối làng không có ai không bảo vợ chồng Hùng My chồng thì chăm làm, vợ thì khéo léo đảm đang. Lại được luôn hai đứa con ngoan ngoãn học giỏi nữa. Nhà này phải gọi là Perfect ý chứ. Nhưng ai biết được 15 năm về trước họ đã xỉa xói những gì? Phải rồi nếu nói đến chuyện tình của bố mẹ tôi thì cứ đúng là không khác gì tấn bi hài kịch của Shakepeare, đem ra mà làm thành phim thì chắc phải tốn hàng tấn nước mắt chứ lại.

Thui không vòng vo nữa nha! Mười bảy năm về trước tính từ bây giờ, vào một ngày tháng mười theo lịch Gregorius lành lạnh. Những chiếc lá bàng đỏ hỏn cuối cùng rụng xuống đường.
Trên cánh đồng rộng lớn của một miền quê nhỏ gần Hà Nội, những bông cải sớm chớm nở lồ lộ cái màu vàng nhạt như chút lưu luyến ánh nắng mùa hạ đã khuất.

Sáng sớm tháng mười đến rất muộn, dường như cái bóng đêm ục ịch cũng bị bệnh lười nên lết rất chậm làm ánh sáng mãi không có chỗ ló dạng. Nhưng không cần chờ đến khi trời bừng hẳn ngôi làng đã nhộn nhịp những tiếng lợn kêu inh ỏi, tiếng người nói chuyện ồn ã, tiếng trẻ con nô đùa ríu rít rồi tiếng gà gáy điểm canh.

Thỉnh thoảng còn có tiếng chó sủa ầm ĩ nữa. Chẳng là ngày hôm nay trong làng có những ba đám cưới cùng lúc, mà theo các cụ nếu người nào đến rước dâu sớm nhất thì sẽ được hưởng nhiều phúc nhất.

Có lẽ cũng vì thế mà bố tôi ngày ấy ngồi làm lễ trước khi rước dâu mà cứ nhấp nha nhấp nhổm như đang ngồi trên đống lửa. Mắt nhìn chằm chằm vào người chủ hôn khiến ông ta xanh mặt. Căn bản vì nhìn mặt bố bình thường cũng băm trợn sẵn rồi. Vừa tuyên bố đến phiên chú rể lên lầu rước cô dâu xuống bố tôi đã ba chân bốn cẳng chạy ngang tốc độ ánh sáng lên kéo mẹ tôi xuống.

Đến giờ mẹ tôi vẫn trách bố về vụ đấy, người thì chưa trang điểm xong đã kéo vội kéo vàng về nhà như kiểu sợ bị người khác cướp mất ý. Kết quả đội bố tôi về nhất, mẹ tôi kể lại, biết về nhất cái nhìn bố tôi sướng rơn như muốn có thêm cái đuôi để ngoãy luôn cũng được. Bố tôi yêu mẹ thì khỏi nói nhưng khốn thay mẹ tôi lại vào một cái nhà trớ trêu được cả ông lẫn bà lại cả em chồng cùng thi nhau bắt nạt, dùng từ bắt nạt vẫn nhẹ quá phải nói là đày đoạ thì đúng hơn.

Có vợ rồi bố tôi như có thêm trách nhiệm lại vốn bản tính ham làm ông thường đi làm cả ngày đến tối mít mới về. Mẹ tôi một mình ở nhà chịu đựng bà mẹ chồng ngang ngược.

Bà ta là người vô cùng lười biếng, cả ngày chỉ thích ngồi buôn chuyện, nói xấu người khác. Nếu lúc còn ở nhà bà ngoại, mẹ tôi được tiếng là con nhà gia giáo. Nói có hàng trăm người xếp hàng muốn cưới cũng không có gì là ngoa.

Có lần tôi mò được cái ảnh chụp mẹ hồi trẻ, là người ngoài nhìn vào thì mẹ có một nét đẹp thật mĩ miều. Da vừa mịn vừa trắng, môi đỏ như máu còn mắt thì đen láy. Mẹ tôi còn có cả một chiếc hòm to đùng đựng toàn thư tình cơ mà. Nhưng từ lúc về nhà chồng, ai cũng của sao lại có người vừa vụng vừa xấu, căn nguyên cũng từ cái miệng cay độc của bà nội mà ra.

Mẹ tôi có thói quen thường dậy từ bốn giờ sáng quét nhà quét sân rồi lo chuẩn bị cơm nước,…

Nếu trước bữa cơm mà không đặt sẵn ghế vào bàn ăn bà sẽ la om sòm, nấu thịt phải thật nhừ, rau chỉ được luộc thôi nấu canh thì chỉ có nước cho lợn ăn. Ông bà ăn trước rồi con dâu mới được ăn mà trước khi ăn bà còn bày đống xoong nồi rổ giá nia sảo bắt mẹ tôi cọ sạch, ngày nào cũng vậy.

Bà thường hay thích gì mua nấy nên nhà còn có cả một kho xoong nồi,… chưa dùng đến một lần. Cái kho đó có đến hàng chồng, xấp những nồi xoong chảo úp chồng lên nhau lại còn nèn chặt đặt san sát để tiết kiệm diện tích nhất có thể. Vậy mà mẹ tôi vẫn cắn răng ngày nào cũng ngồi cọ hết mới đi ăn cơm.

Tôi biết mẹ từ nhỏ đã hay ốm yếu, đôi tay trắng ngần luôn nổi mạch máu xanh le. Chỉ cần làm hơi quá sức là ốm không dậy được ngay. Mẹ cả ngày chạy đi chạy lại lo việc không xuể còn ông bà thì nằm trên giường đùa nhau như đôi vợ chồng còn son.

Kể ra bà nội tôi cũng rất trẻ vì bà lấy ông năm 16 tuổi mà ông hơn bà đến hơn hai chục tuổi nên ông cưng bà hết sức. Bà nói gì ông nghe nấy, vì vậy mà ông cũng đâm ra ghét mẹ tôi gay gắt, ông bà hay đồng thanh nói:

” Mày là loại chuột sa chĩnh gạo” ý bảo mẹ tôi có phúc mới được vào nhà này.

Mẹ tôi không oán than lấy một lời mà chỉ cố gắng làm vừa lòng bố mẹ chồng. Bố mẹ tôi lấy nhau được một năm thì mẹ có bầu tôi. Tuy là bầu bì nhưng mẹ vẫn không bỏ thỏi quen dậy sớm ấy. Được hơn tám tháng, lúc đó là khoảng tháng bảy, trời nắng cháy da, ông bà sai bố mẹ ra làm đồng.

Mẹ tôi bụng to lại phải vác đất đắp bờ cộng thêm ăn uống không đủ chất. Từ khi có bầu to để khỏi tiếng mẹ chồng ác, con dâu có bụng bầu mà còn bắt đi cắt rau về ăn bà tôi đành ra con mương gần nhà cắt những gánh rau muống đỏ to về cho mẹ ăn. Ăn hết mới cắt gánh khác. Những ngọn rau muống để lâu thối nát hết cả lá chỉ còn trơ cái cọng co quắt mẹ vẫn phải cố gắng nuốt vì đứa con trong bụng.

Đến cuối ngày thì mẹ tôi chở dạ đau đớn. Bố tôi vội vàng chạy đi lấy xe nhưng trong nhà có mỗi cái xe đạp cọc cạch dùng để đi làm, ngoài ra làm gì có gì nữa. Nhanh trí bố tôi sang nhà bà Mỹ bên cạnh mượn tạm cái xe bò lót chăn chiếu rồi đặt mẹ tôi lên.

Một giờ sáng vừa điểm tầng trên và tầng dưới bệnh viện tiếng khóc của hai đứa trẻ vang lên. Trùng hợp thay cả hai người mẹ là người cùng làng, cùng cưới một ngày, hai đứa trẻ là một đôi nam nữ. Tôi vừa lọt lòng, bố tôi hớt hải chạy theo cô y tá chỉ sợ lạc mất con.

Vì là sinh non nên tôi nhỏ lắm, bố tôi còn bảo sao nhìn nó giống cục kẹo thế không biết. Lúc vừa sinh bác sĩ vỗ thế nào cũng không thèm khóc còn tưởng không qua nổi thế mà tự dưng nó khóc oa oa làm nhẹ cả lòng. Cùng lúc đó trời bắt đầu đổ mưa, bà tôi bảo tự nhiên mưa to như trút nước ý. Bà ngoại lên chăm sóc mẹ tôi, bế tôi trên tay cười:

” Con bé này lười thế suốt ngày không thấy động đậy gì thế này?” rồi bà quay sang bố tôi đang ngó ngang ngó dọc.

Chẳng là mẹ tôi đã sinh nhưng ông bà nội còn chưa đến xem mặt cháu gái, rồi bố tôi đinh ninh chắc vì mưa to quá chăng, bà dúi tôi vào tay bố tôi:

” Bố nó không định bế cháu bà à?”

Bố tôi nhìn tôi nhỏ bé bọc trong đống tã lót mà sợ:

” Con chỉ sợ bế nhỡ nó thọt qua tay thì sao?”

Tôi biết bố tôi vẫn luôn dễ thương như vậy giờ kể lại mà mẹ tôi với bà vẫn cười lăn lộn. Đắn đo một hồi bố tôi khom người giơ tay như kiểu đang đón lấy sinh mạng mình vậy. Bế được một lúc cảm thấy đã an toàn ông mới đứng thẳng dậy cười hạnh phúc, tôi còn đoán được ông đang nghĩ gì:” mình có con rồi, con gái bé bỏng của mình…” ông quay sang nhìn mẹ tôi:

” Ớ nó đang cười với anh này, con bé này lanh thật nó còn biết anh là bố nó đấy”
Bà tôi đứng sau tủm tỉm cười:

” Nó còn chưa mở mắt mà lại cưới được với bố nó à?”

bố tôi ngại đến nỗi mặt đỏ lựng luôn.

Từ ngày có tôi ông bà lại còn tức hơn. Cứ đến sáng ra bố tôi vừa đi khuất bóng là bà lại chạy xuống căn phòng bố mẹ tôi ở, ẵm tôi trên tay bảo là cho đi chơi chứ thực chất bà chỉ đưa tôi ra xa khỏi mẹ. Đến tận sẩm tối mới ẵm về nhà. Tôi ngày nào cũng bị thiếu bú, ốm nhom, mẹ tôi lo lắm. Dù mới về nhà được tháng nhưng lại cố ra khỏi giường đi tìm tôi, cũng vì thế mà mẹ suýt chết vì bị băng huyết. Sau này mẹ bị thiếu máu mãn tính lúc nào cũng phải uống bổ sung sắt.
Sau vụ đó bố tôi bắt đầu nghi ngờ bà. Biết thế bà ngay lập tức dừng lại, được yên ổn sáu tháng mẹ tôi chăm bẵm tôi cái khiến tôi mập hơn hẳn. Nhưng chuyện không may cứ liên tiếp xảy ra.

Một ngày kia em chồng là cô Linh từ Sài Gòn về đưa cho mẹ tôi một cái bánh bảo cho tôi ăn. Mẹ tôi không dám nhận nhưng cô lại tự cho tôi ăn, cái bánh đó là bánh hết hạn. Mẹ tôi nhận ra ngay vì đột nhiên tôi ngừng bú mà khóc inh lên. Sau đó là chuỗi ngày mẹ vật lộn vì chăm sóc tôi đang bị tiêu chảy, còn cả cô em chồng lắm chuyện cùng dây với bà mẹ chồng.

Trưa nào bà cũng mắc võng nằm trước cổng không cho mẹ tôi ra khỏi nhà đi mua thuốc cho tôi. Ròng rã suốt ba tháng tôi gầy hẳn và có khi còn trong trạng thái ngắc ngoải. Lúc đó bố tôi mới biết chuyện.

Ông nghỉ làm một buổi rồi về sớm lúc bà đang nằm ngoài cổng nghỉ trưa, không thể tin vào mắt mình…

Ngay sau đó ông dọn nhà ra ở riêng tại một mảnh đất nhỏ cách nhà bà nội một cái ngõ.

Trước khi đi bà không cho bố mẹ động vào bất cứ thứ gì. Cả gia sản chỉ có chiếc xe đạp cộc cạch, hai cái bát mẻ và một cái nồi cũ. Không có đến cái chiếu để nằm. Số tiền tiết kiệm bấy lâu bị ông bà lấy nói là đem trả nợ làm đám cưới.

Bố tôi vốn dĩ quá mức hiền hậu. Ông ko hề oán trách gì những việc bà làm. Tôi biết ngay cả khi bố mẹ không chịu nói đến nửa lời: “bố mẹ bị đuổi ra khỏi nhà”. Tôi không phải người thích chim lợn nhưng tôi lại hay vô tình nghe được những điều thầm kín.

Phòng của tôi nằm ngay trên phòng bố mẹ tôi, chẳng hiểu sao nhưng tối hôm đó tôi chẳng thế nào chợp mắt. Nằm thao thức một hồi, ban đêm yên ắng khiến giác quan của con người nhạy bén hơn gấp mấy lần thì phải, tôi bỗng nghe rõ mồn một những lời bố mẹ nói.

Cái gì mà đất đai, đại khái là hồi đó ông bà định chia đất cho các con. Cô Linh cũng muốn có phần nên rắp tâm đuổi bố mẹ tôi ra đường. Ông bà vốn dĩ đã ghét gia đình tôi nên khi bị bôi thêm tý dầu kiểu gì chả thành lửa. Cô ngồi rủ rỉ bên tai bà như một con nhặng to bẩn thỉu bám trên miếng thịt:

“ bà ở cùng để làm ô sin cho nhà nó à? Với cả, nhà nó có làm được gì đâu ở đây chỉ tổ ăn hết thức ăn của ông bà.”

Ôi thôi đánh ngay trúng tâm rồi còn gì. Bà là người tham ăn nên dĩ nhiên sẽ ngấm ngay. Vậy là vì một miếng ăn cỏn con mà nhà tôi bị đuổi thẳng cẳng. Trước khi đi còn bị vét cùng vét cạn. Người ta thương cháu không hết còn đằng này bà đi ăn hết của cháu rồi lại còn sợ nó ăn của mình nên đuổi. Không hiểu đây là thể loại bố mẹ ông bà gì nữa. Nếu là người bình thường không biết sẽ ra sao nhỉ? Liệu họ có vùng lên, nổi cơn tam bành mà đấu khẩu với ngay cả mẹ ruột mình?

Nghĩ sao thì nghĩ nhưng cái loại mẹ mà đi hại con hại cháu thế này thì đúng là không thể dung thứ rồi. Bà ta chắc chắn đã chẳng coi bố tôi là con mình từ lâu rồi, nhưng bố tôi thì vẫn cố bám víu lấy cái luân thường hổ ác cũng không ăn thịt con ấy mà sống.

Bố không dám nói một lời cắn răng mà ra đi với hai bàn tay trắng. Mẹ tôi ẵm tôi trên tay nước mắt lưng tròng. Bà từ bé đã được nuôi dạy cẩn thận, được yêu quý nên chắc chắn không thể chịu nổi uất ức rồi. Ngày ra đi được mẹ tôi miêu tả như một nỗi kinh hoàng của cuộc đời. Người trong làng đổ xô tới thi nhau mắng chửi:

“ đấy cái loại dâu bị đuổi ra khỏi nhà”

“ cái loại lười, bẩn, không có học…”

“ bị đuổi là phải rồi, cái đồ vô dạng đấy thì lo chả bị đuổi’

“con dâu mà ngồi lên cả đầu mẹ chồng…”

“…”

“ bố mẹ nó không biết dạy con à”

“ mẹ nó là loại đĩ à mà đẻ được ra nó…”

“…”

Từng lời nói như xuyên thủng trái tim mỏng manh của mẹ tôi. Bà chỉ còn biết rúc sau lưng bố tôi mà khóc, khóc cho đến khi đầu óc lu mờ, tai ù tịt không còn nghe thấy, mắt hoa đi thì thôi.

Giờ tôi đã hiểu cái uy phong lừng lẫy của miệng đời. Tôi khinh bỉ con người vô cùng dù cho tôi cũng là một trong số đó. Trong những người mắng chửi mẹ tôi liệu mấy ai có được một phần trăm đức tính của mẹ? Họ có thẩm quền để buông ra những lời cay độc đó à? Phán xét người khác qua miệng người hả? Nghĩ đến đó tôi bỗng bật cười. Trong những con người đó liệu có ai thấu hiểu được mẹ tôi không? Mà nếu có thì họ đã không ở trong đám gà vịt quang quác này rồi.

May mắn thay ông bà ngoại cho vay cân gạo với cái bếp mòn, lại lượm được cái chiếu rách cố sống đến ngày nhận lương tiếp theo. Các bác bá bên ngoại nghe chuyện thì chạy đến người cho mược cái này người cho vay cái kia. Bà ngoại cũng đồng ý cho mẹ tôi lấy lại cái máy may cổ mà ngày xưa mẹ thường dùng. Có cái máy may ấy mà nhà tôi mới tồn tại được qua tháng ngày khó khăn nhất. Sau đó cuộc sống dần khá hơn, vì khéo tay nên mẹ tôi đắt hàng lắm…

Còn về phần tôi, mẹ tôi kể chứ:

” chả hiểu nó bị gì mà ngày nào cũng chỉ cần vặt cho một cái lá nhãn là ngồi đó ngắm cái lá từ sáng đến chiều”

Những tưởng đã qua tháng ngày cực nhọc nhưng bà nội nào có tha cho gia đình bé nhỏ này, một hôm bà bỗng tốt bụng cho bố tôi mượn một chiếc xẻng để làm hàng rào. Bố tôi bụng dạ lương thiện làm sao mường tượng được thứ kinh tởm trong bụng người kia? Đến hôm sau bà bắt đầu làm om sòm:

” cho mày mượn cái xẻng mà mày làm nó sứt mẻ rồi mới trả lại…”
lúc đó mẹ tôi đang ngồi bế tôi trước cửa quán. Bà lao đến đẩy mạnh làm mẹ tôi ngã nhào ra đất. Tôi tuột khỏi tay mẹ. Nếu hồi đó không có bác Hoà đứng bên cạnh chẳng hiểu sao chụp được thì đã không có con tác giả ngồi đây kể chuyện ồi.

Tối về mẹ tôi kể chuyện, bố tôi liền lên thị trấn Phúc Yên, một nơi rất xa nhà bà nội để thuê nhà. Lại một lần nữa bắt đầu lại từ đầu. Nhưng lần này khổ hơn. Vào một ngay trời nắng oi ả, chiếc xe đạp cọc cạch sờn sơn, vật duy nhất cứu cả nhà tôi không cánh mà bay.


Từ đó bố tôi phải đi bộ đến công ty. sau đó không lâu bố tôi được tăng lương và đủ tiền mua một chiếc xe mới. Cuộc sống mới tốt đẹp hơn lại bắt đầu. Bố mẹ tôi rời xa được nơi làng quê đó thì thật tốt biết bao. Nơi đó mỗi lần ra khỏi nhà là một lần phải vượt qua bao ánh mắt dè bỉu dõi theo. Họ là người không liên quan mà, người ngoài mà. Họ thậm chí còn chẳng gọi đúng tên bố mẹ tôi mà. Họ có biết gì về gia đình tôi đâu?, tại sao chỉ là nghe những lời nói đó mà đã vội nghĩ về bố mẹ tôi như những cục sạn của xã hội, thật kinh tởm.

Không giống những đứa trẻ khác nhìn thế giới bằng một màu hồng, từ khi biết nhận thức thế giới của tôi đã toàn một màu xám xịt, nhưng trái tim của tôi lại không cho tôi hận thù người bà độc ác. Tôi đã nghĩ bà rồi sẽ biết lỗi, có lẽ khi tôi lớn lên bà sẽ nhìn tôi bằng một ánh mắt khác chăng? Suy cho cùng thì tôi cũng chỉ là một đứa trẻ.

Quay lại những ngày ở thị trấn, mẹ tôi sáng nào cũng đưa tôi đi ăn cháo. Do còn ảnh hưởng từ những lần bệnh rồi bị đày đoạ mà tôi kén ăn lắm, mẹ tôi thường phải mua một bữa đến năm loại cháo khác nhau mỗi loại tôi chỉ ăn hai ba thìa rồi bỏ.

Bố tôi hết sức chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Ông về sớm hơn và thường bế tôi đi chơi, bây giờ kể lại ông toàn cười:

” ngày xưa tao hay bế mày nhất đấy, nhờ…”

Bố tôi huých nhẹ vào vai mẹ tôi, mẹ tôi cũng cười đáp lại:

“ ừ… nhất con gái bố…”

Bố tôi lại tiếp:

” ngày xưa suốt ngày cho nó ra bò đống đá, con bé này cứ như không biết chán là gì ngày nào cũng bò lên rồi bò xuống thôi…”

Những ngày tháng hạnh phúc thường không kéo dài lâu. Một hôm bà nội gọi điện bảo bố về có việc gấp. Bố tôi giấu mẹ tôi về nhà bà suốt một tuần mới quay lại, mẹ tôi hỏi có việc gì thì ông bảo bà nói mua xe cho. Bà muốn bố tôi li hôn với mẹ tôi và về với bà, bố tôi không chịu.

Sau đó công ty bố tôi làm phá sản, bố tôi buộc phải đưa mẹ trở lại cái làng đó. Ông bà ngoại cắt cho mẹ tôi miếng đất ruộng, bố tôi phải đi nhặt từng viên gạch về cất mãi mới được một căn nhà nhỏ. Bố tôi bình thường nhanh nhẹn nhưng có bao giờ làm việc xây dựng đâu nên chân tay cứ luống cuống. Bức tường cứ xây lên được nửa mét là lại đổ cứ thế đến cả chục lần, bố tôi vẫn không nản.

Ngày thì cùng mẹ tôi đi tìm việc đêm về xây nhà. Vì không thể chăm sóc được cho tôi nên bố mẹ đành gửi tôi ở nhà bà ngoại. Cứ mỗi lần đưa tôi vào bà ngoại rồi lừa lừa để trốn đi nhưng nào có thể qua mắt nổi con ranh con đó. Chỉ cần nghe tiếng xe phóng đi là tôi lúc đó là một con nhóc con hai tuổi lại đứng ở đầu hè ngóng ra phía cổng thét bằng cái giọng the thé chua ngoắt nhưng văng vẳng:

” Mẹ Ơi! Bố Ơi! Mẹ bỏ con! Mẹ…”

Tôi nghe bố mẹ kể ra đến đầu ngõ mà còn nghe tiếng con gọi đến xé lòng…
*******************************************

Đăng bởi: