Cảnh Thịnh Đế Tân Truyện

Chương 12: Trận Xích Bích của người Việt (phần đầu)




Chương 12: Trận Xích Bích của người Việt

***** Ghi chú của tác giả trước khi vào chương 12:

Năm 1801, Nguyễn Ánh kéo trên dưới một nghìn chiến thuyền lớn nhỏ, trong đó có năm chiếc “siêu chiến hạm” của Pháp – mang được bốn mươi sáu khẩu đại bác, mười tám chiếc khác mang được hai mươi đến hai mươi sáu đại bác tiến đánh cửa Thị Nại. Đối chiến là Đô đốc Vũ Văn Dũng với trên dưới hai nghìn chiến hạm, trong đó có ba chiến hạm khổng lồ được xem là “khủng khiếp” nhất Đại Việt (cũng có thể nói là của cả Châu Á) với sáu mươi khẩu hải pháo – Chiến hạm Định Quốc.

Lúc đầu, các chiến hạm của Nguyễn Ánh, kể cả chiến hạm được Pháp cung cấp đều bị nghiền nát trước hỏa lực cực mạnh của nhà Tây Sơn. Sau, Nguyễn Ánh dùng mưu, cho một nghìn hai trăm lính đổ bộ thành công, vô hiệu hóa 1.827 khẩu đại pháo đặt trên cảng Thị Nại. Lại nữa, Nguyễn Ánh bắt được một chiến hạm của nhà Tây Sơn, bắt được mật lệnh cùng các loại hiệu lệnh khác. Từ đó, Nguyễn Ánh cho nhiều chiến hạm nhỏ giả làm chiến hạm Tây Sơn, len vào hàng ngũ, dùng kế hỏa công đốt sạch chiến hạm của địch. Cả ba chiếc Định Quốc. Nhà Tây Sơn đại bại.

Trận chiến này được các sử gia, kể cả của Việt Nam và nước ngoài đều đánh giá là Xích Bích của Việt Nam. Về quy mô cùng với sự khốc liệt của nó còn vượt xa trận Xích Bích của Trung Quốc.

Tư liệu trên lấy từ nhiều nguồn, bao gồm Wiki cùng một số tư liệu của các nhà truyền giáo Châu Âu, các sử gia người Việt.

Trong truyện này, vì Nguyễn Ánh nhận được tin Quang Toản vừa thu được lòng dân nên quyết chí thư hùng để dập tắt mối đe dọa này từ trong trứng nước. Theo đó, Ánh phái hai chiếc “Siêu chiến hạm” kể trên cùng hơn năm trăm chiến hạm khác, trong đó có mười chiếc chiến hạm cỡ trung tiến đánh Quy Nhơn. Lại phái thêm chiếc chiến hạm Phụng (cũng là siêu chiến hạm nhưng lại chuyên dùng hạm chỉ huy của Nguyễn Ánh) tiếp ứng phía sau. Trong lịch sử, quả thật lúc này Ánh cũng chỉ mới có ba chiếc siêu chiến hạm.

Đối chiến là nhà Tây Sơn (nhánh của Thái Đức Hoàng đế) với hai chiếc Định Quốc cùng trên dưới hai trăm chiếc chiến hạm khác. Mặt khác, Đô đốc Vũ Văn Dũng cũng suất lĩnh hai chiếc Định Quốc khác cùng khoảng hai trăm chiến thuyền khác đi ứng cứu, đây cũng là toàn bộ thủy quân Toản có lúc đó.

Đây là do lúc chưa xuyên việt, Toản đã từng đọc tư liệu về trận hải chiến khủng khiếp kia. Nay vừa thu phục được lòng dân, cậu quyết đẩy nhanh sự xuất hiện của trận đại chiến Xích Bích này.

Đây là truyện dã sử nên có nhiều chi tiết hư cấu trong đó. Mong quý độc giả thông cảm nếu thấy không vừa lòng vì sai sử sách*****

“Bình Định có núi Vọng Phu

Có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh

Em về Bình Định cùng anh”


Thành Quy Nhơn từ thời Chăm – pa được xem là Kinh đô lớn nhất của cả xứ Đàng trong với danh hiệu bất hủ “Đồ Bàn”.

Nhớ năm xưa, vua Nguyên sai con là Thoát Hoan đánh chiếm Chăm – pa. Toa Đô vâng mệnh Thoát Hoan, xua thủy quân đánh chiếm cửa Thị Nại. Tại đây, chúng đành ôm hận khi toàn quân đại bại.

Tháng Giêng năm Đinh Tỵ, Trần Duệ Tông cũng cho quân tiến đánh cửa Thị Nại. Lại một lần nữa, đầm Thị Nại nổi danh là thành trì trên biển không thể công phá. Năm đó, vua Chăm – pa là Chế Bồng Nga dùng mưu đánh tan quân Trần Duệ Tông.

Và còn nhiều chiến tích huy hoàng nữa. Đầm Thị Nại luôn là niềm kiêu hãnh của vương quốc Chăm – pa và giờ đây là của thành Quy Nhơn.

Đêm hôm nay, ngày 20 tháng 7 Âm lịch, nó lại vang danh trên toàn cõi Đại Việt.
Đầu giờ Tí, thành Quy Nhơn say ngủ trong tiếng sóng vỗ bờ. Đây đó trên mặt biển là ánh đèo leo lét phát ra từ những chiếc thuyền thúng đang câu mực. Đêm nay trời lạnh lắm. Những thợ câu mực liên tục nhấp lấy từng chén rượu mạnh để chống chọi. Chốc chốc lại vang lên những tiếng gọi nhau í ới xua tan cái vẻ tĩnh mịch của màn đêm.

- Này! Ông bạn già, hôm nay có khá không?

- Chưa được bao nhiêu. Đêm nay lạnh quá ông ạ. Lũ mực chắc cũng trốn mất rồi.

- A ha. Tôi mới được một con đây nhé. Các ông phải cố lên. Không khéo hôm nay phải thua tôi một chầu đấy.

Mưa bắt đầu rơi rả rích. Những chiếc cần câu mực dần dần dần được thu lại. Các chiếc thuyền thúng bắt đầu quay trở về bờ. Hôm nay họ gặp phải thất thu rồi. Mỗi chiếc chỉ có vài dăm con mực. Khá lắm cũng chỉ được non mười con. Tuy nhiên, với họ, bấy nhiêu cũng tạm đủ. Ở cái thời đại tranh tối tranh sáng này, cơ cực nhất vẫn là những người dân nghèo. Cái nghề dập dề trên sóng nước này mỗi năm lấy đi không biết bao nhiêu tính mạng. Thế nhưng, không làm thì biết lấy cái chi mà bỏ bụng đây.

Lộp bộp... Lộp bộp... Ào ào... Mưa nặng hạt dần. Trên tường thành, mấy người lính gác co ro trong những chiếc chòi canh. Họ không biết đến những nổi kinh hoàng tiếp theo đang chờ đón. Ở xa xa ngoài khơi, từng hàng chiến hạm đang lù lù tiến tới. Không đèn, không tiếng động. Chúng như những con thủy quái còn sót lại từ thời xa xưa tỉnh lại.

Ầm... Ầm... Từng tiếng nổ đinh tai vang lên như xé rách màn đêm. Những khẩu pháo trên các chiến hạm bắt đầu khai hỏa.

- Có giặc... Có giặc... Mau báo với tướng quân...

Lính gác trên thành chợt bị những tiếng pháo oanh tạc đánh thức. Họ nháo nhào chạy vội về vị trí chiến đấu trên thành lũy.

- Các pháo thủ nhanh chóng vào vị trí!

- Báo! Đã vào vị trí, đạn đã lên nòng.

- Hướng về ánh sáng đầu nòng... Chuẩn bị... Châm lửa...

Tiếng đại pháo xuất phát từ thành lũy ầm vang đáp trả. Mặt biển lúc này sục sôi. Giữa đêm đen vô định, độ chuẩn xác gần như không có. Từng quả đạn pháo rơi xuống biển làm phát sinh những con sóng cao quá mạn tàu.

Một loạt đạn nữa xuất phát từ những chiến hạm oanh tạc lên tường thành. Có vài quả trúng đích, song vẫn không đủ để làm vỡ công sự vững chãi trên bờ biển. Lúc này, từ mũi Phương Mai, từng chiếc chiến thuyền của nhà Tây Sơn xuất hiện, đi đầu là một chiếc Định Quốc.

Sự xuất hiện của tàu Định Quốc nhanh chóng trấn an binh sĩ Tây Sơn. Quả không hổ danh là siêu chiến hạm. Từng loạt đạn pháo xé tan đội hình của Nguyễn Ánh thành nhiều mảnh. Từ trong bóng tối, từng chiếc khinh thuyền của nhà Tây Sơn xuất hiện tiến công vào những chiến thuyền bị tách rời khỏi đội ngũ của địch.

Trên soái hạm, tướng Vannier hạ lệnh cho những chiến thuyền của mình tạm thời triệt thoái, cố gắng tránh đương cự trực tiếp với chiếc chiến hạm khủng khiếp kia.

“Liên lạc với tướng quân Nguyễn Văn Thắng, suất lĩnh chiến hạm lớn chuẩn bị phối hợp với ta đánh vào hai mạn của tàu Định Quốc. Khi chúng bắt đầu triệt thoái sau đợt thắng lợi này chính là thời điểm cáo chung”. Vannier nói với tên thủy thủ bằng giọng Việt lơ lớ. “Tàu Định Quốc lớn, hỏa lực khủng khiếp nhưng chắc chắn là tính cơ động kém hơn chúng ta”.