Phiên chợ Giát

Chương: Phiên chợ Giát Tập 2




Tác giả: Nguyễn Minh Châu

Vuhuu

Con bò già, lão Khúng cùng chiếc xe vẫn chưa mò mẫm ra khỏi cái hỗm đất dưới chân dốc trước nhà. Ðất bột sục lên ngang bắp chân hắt lên trời một cái quầng trắng nhờ nhờ. Khắp mặt đất xó nào cũng vứt ngổn ngang từng đống thanh sắt hoặc cuộn dây thép hoặc những cái hòm gỗ cao to lừng lững như những cái nhà khiến lão Khúng phải nhảy xuống dắt con bò đi len ỏi giữa những khoảng bóng tối của đám vật liệu công nghiệp vít mất hết cả đường xá. Con

Mực, con chó có tính hay phất phơ, lang thang vẫn lẽo đẽo chạy theo lão. Lão đứng lại, quay đầu chiếc roi chỉ về hướng nhà rồi cất tiếng đằng hắng. Con chó đen liền cun cút quay trở lại để giữ nhà. Ra đến đường, trời đất hình như có sáng hơn một chút. Một vệt đất nhẵn chìm ngập trong rừng cỏ may lẫn sim mua của những vạt đồi nằm nghiêng nghiêng nhấp nhô hai bên, đến lúc này lão Khúng mới cảm thấy ớn lạnh, cái lạnh như từ những vạt sao xanh ngời ngời tận trên đỉnh trời tiết ra theo từng nhịp ánh sáng nhấp nháy. Lão quài tay ra sau túm ngay được chiếc áo dạ cứt ngựa mà mụ Huệ đã chu đáo nhét vào giữa những bó củi ngay sau lưng chỗ lão ngồi. - Chậc, trời với đất..., lão thốt lên một câu nửa chừng rồi im, không dám thú nhận với mình đã dại dột đánh con bò đi quá sớm. Ðáng lý có thể để cho nó và cả lão đàng hoàng ngủ thêm một giấc đẫy nữa rồi hẵng ra đi cũng vừa. Bỗng nhiên lão Khúng có cảm tưởng mình là một tên đêm lén lút đi ăn trộm bò của nhà ai và lấy làm bực cả mình. Cũng tại cả cái con vật này nó đã không cho lão ngủ, nửa đêm đầu hôm thức chong, nửa đêm về sáng vừa chợp mắt lại nằm mê thấy nó... Khoác hờ chiếc áo dạ ở một bên vai ngồi co ro trên thành xe, lão đưa mắt nhìn đau đáu vào cái khoảng cổ đã trụi hết lông và sần sùi da cóc của con vật trên đó chiếc ách cổ đang xiết chặt lấy làm phát ra những tiếng lọc cọc trong đêm vắng, và một khoảng bóng tối đen kịt cứ như đóng đinh vào phía trước mặt con bò, một khoảng bóng tối chừng như quá sâu, quá đầy, còn lâu mới chọc thủng, và dưới chân lão Khúng và con vật tất cả đất đai cùng cỏ cây đều đang còn nồng nàn trong giấc ngủ say như chết, những con chim sâu lẩn lút trong đám cỏ may cũng chưa hề cất lên tiếng kêu chích chích, lão chỉ nghe tiếng côn trùng tỉ tê rất xa, và bốn phía trời đất dường như đang còn mịt mùng chìm đắm trong khoảng bóng tối của âm ti.

Ngồi một mình, lúc này lão Khúng đang nghĩ đến cái lúc nay mai lão phải báo tin đã bán con bò khoang đen cho tất cả chín đứa con của lão biết, từ thằng Bút đứa con trai út đầy dại dột cho đến con Hương đang học lớp 12 dưới phố Cầu Giát, cho tới thằng Ðoan, con Lê nửa ngày đi học nửa ngày đi làm với vợ chồng lão ở nhà, rồi những đám vợ chồng thằng Dũng, đang ở trong tỉnh, vợ chồng thằng Lạc ở tận Ðắc Lắc. Ôi, mới đáng sợ làm sao, cả một thời trẻ thơ của từng đứa con lão cũng như cả một đời làm lụng vất vả trong gia đình của từng đứa một đều gắn bó với con vật này, đã từng chăn dắt đùa nghịch với con vật rồi đi cày đi bừa, thức khuya dậy sớm, con khoang đen này suốt 18 năm nay đã trở thành một người trong gia đình lão, một thành viên trong gia đình lão, dường như đến tận bây giờ lão mới thấu hiểu rõ cái điều hiển nhiên này. Có đi nhanh lên không nào, lão Khúng lấy làm bực mình vô cùng lên tiếng quát thật lực, đi nhanh lên! Rào bước đi nhanh lên, mà chết cho sớm sủa! Để cho người ta nện một búa vào đầu mày cho nhanh lên, đồ quỷ ạ! Rồi đến lượt tao, tao cũng phải tìm cách “báo cáo” với chúng nó, với những đứa con trai lẫn con gái của tao rằng tao đã phải bán mày, rằng từ nay trong nhà không còn mày nữa, rằng tao đã giết mày! Mà mày cũng đã già nua tuổi tác rồi chứ chả còn là thiếu nữ hay nạ dòng gì nữa, ông trời sinh ra số kiếp mày đã như thế, suốt cả một đời nai lưng kéo cày, già thì giết thịt! Có ai để cho một con bò già rồi chết để làm đám tang cho thật to, thật linh đình bao giờ?

*

* *

Trong thế giới bao la giữa đêm tối sâu thẳm tĩnh mịch, chỉ những ngôi sao xanh ngời ngời và ẩm ước đang nhấp nháy tận đỉnh trời là có thể nhìn thấy hai giọt nước đặc quánh như một thứ chất đầu đang dâng lên tận trong khoé mắt lão Khúng. Lúc này bằng những lời nói âm thầm từ trong lòng lão, lão đang báo tin việc bán con bò với thằng Dũng, “báo cáo” cái việc này với đứa con thứ hai của lão đã hy sinh trên chiến trường Cămpuchia cách đây hai năm. Ðấy là thằng con trai đích thực mang dòng máu thay đổi, lão đâm ra hay nghĩ, không hùng hục chỉ biết làm như trước. Sau khi nỗi thống khổ đã dần dần qua đi nhưng vẫn âm ỉ như một đợt sóng biển phủ vào đất liền đã rút nhưng vẫn để lại cái chất mặn làm xót cây khoai, cây lúa, dường như là lần đầu tiên lão nghĩ đến nỗi nhọc lòng mà từ nay đời lão phải gánh chịu: Một nỗi đau đớn không bao giờ nguôi quên vì cái chết của thằng dũng. Ðiều này chỉ có mụ Huệ là người có thể thấu hiểu hết được cõi lòng của lão. Ðó là một buổi chiều cách đây hai năm, lúc ấy đã nhập nhoạng tối, chỉ còn một mình lão với con khoang đen ở nán lại bên một đống đá xếp vuông vức bên bờ một mảnh ruộng mới khai phá tận trong khe Ðá Dầu. Lão gắt mù lên với cái con vật lúc bấy giờ có cái gì làm nó sốt ruột cứ lồng lên kéo chiếc xe chở đá về nhà.

- Họ... Họ... Khoan đã nào! Mày tưởng tao không biết đói bụng đấy hử?

Nói nhẹ không xong, lão nhiếc móc nó, nào đồ siêng ăn nhác làm, đồ rắn mặt, đồ khó bảo, những con vật vẫn vươn cổ, bấm bốn móng xuống, kéo bánh xe lăn đi. Lão vội vã hất hòn đá màu gan gà to bằng cái cối đang ôm trước bụng vào giữa lòng chiếc xe chất ngổn ngang những đá là đá, lão muốn tranh thủ chở hết đống đá về nhà trong dăm ba buổi chiều cho xong để kịp xây lại bức tường phía sau nhà bếp thay vào chỗ bức vách đã nát. Mà sao cái con vật hôm này bỗng giở chứng, mọi ngày có bướng thế đâu, lão thủng thẳng đi phía sau, vừa đi vừa nghĩ, thỉnh thoảng đưa tay đẩy giúp cho con bò đỡ nẵng mỗi lúc chiếc xe chở đá lắc lư bò qua một khúc suối nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, với những bụi cây rậm rạp hai bên đã chứa đầy bóng tối. Lão và con bò chưa về đến gốc vối đầu ngõ đã nghe trong nhà khóc ran lên, những tiếng khóc đầy đau đớn thảm thiết. Cả dưới bếp lẫn nhà trên tối mò mò, chả đèn đóm. Một cái gì xụp đổ xuống trong người lão. Ðể mặc kệ con khoang đen một mình đang gò cổ vồng lưng lên gần như chết đứng với xe đá trên lưng chừng cái đốc ngay trước nhà, lão Khúng đã thấy tối tăm cả mặt mũi nhưng vẫn cố gượng để đừng ngã vật xuống, lão cố lê bước lên dốc. Chưa bao giờ quãng đường ngắn ngủi chỉ dăm bước chân trên lối đi về nhà đối với lão lại xa như thế, khó nhọc như thế, tưởng sức lão chẳng bao giờ đi thấu. Lúc bấy giờ con Lê, đứa con thứ 5 sinh cặp kè sau con Hương, một đứa con gái trông thô kệch, nhưng đa cảm, đen như cột nhà cháy, đứa con gái ấy đã gần như hoá dại, khóc lóc không thoả nó chạy ra ôm lấy ngang thân cây vối ở đầu ngõ, đập đầu chan chát vào cái cành mà lão Khúng vừa cưa cụt.

- Bố ơi, anh Dũng chết rồi!

Có lẽ suốt đời lão sẽ không bao giờ quên được cho nổi mấy cái tiếng ấy, nó sao mà xót xa, não nề và đầy bất lực của đứa con gái đứng gục đầu vào gốc cây vối với hai con mắt trợn ngược lên như hoá dại trước ngõ, đang nói lên cái lời báo tử cho người anh của nó ngay trước ngõ. Cũng vào trong lúc bấy giờ lão chợt nhận ra rằng, lúc này, lão phải làm một cái cột chống ở trong nhà. Mọi sự như thể và đại thể lão đã hiểu. Vợ con đầu đã ngã gục xuống cả thì lão càng phải đứng thẳng. Lão đứng tại chỗ một lát để định thần lại, khi đã đỡ hoa mát rồi quay trở xuống dốc bằng những bước bình thản, lão cúi xuống lấy hết sức liên tiếp bắt bánh giúp con khoang đen lúc bấy giờ đã gân ngã gục xuống lôi chiếc xe đá nhích dần lên. Rồi vẫn bằng những bước đi bình thản, lão đi vào nhà. Ở trong nhà bếp vợ lão ngất đi, vừa tỉnh lại được và cái anh bộ đội lạ mặt mới hỏi thăm đến nhà lão Khúng cách đây chưa đầy nửa

Tiếng đồng hồ bây giờ đã như một người trong nhà, tự động mò mẫm trong khắp các hốc cột lôi ra được chiếc đèn dầu hoả. Anh ta châm đèn, ngồi tựa lưng vào chiếc ba lô dính đầy đất cát vứt ngay bên chân cột nhà đối diện với lão Khúng, người lính bắt đầu tường thuật vắn tắt đầu đuôi trường hợp hy sinh của thằng Dũng mà lúc ấy anh cũng có mặt ngay bên cạnh cho lão Khúng và mụ Huệ nghe.
Ngày thường, những người trong xóm “Thống Nhất” vừa muốn đi lại chơi bời với gia đình lão Khúng lại vừa có ý e ngại, hơi xa lánh. Với cái thứ tính nết chật chưỡng đầy trái khoáy của lão Khúng, người ta chỉ muốn tránh nhưng nói cho công bằng thì cũng chẳng ai nỡ tâm ghét lão bởi xét cho đến cùng thì lão cũng không phải con người lèo lá, nhớp bụng, tham vặt hoặc độc địa, độc ác. Lão chỉ có một cái tật là chẳng giống ai, lão là lão Khúng, chỉ đáng trách có thế. Ngoài ra ngày mụ Huệ hãy còn trẻ mụ đã làm đám đàn ông trong xóm phân tâm không ít, đám đàn bà trong cả xóm khai hoang sinh lòng ghét, cũng chả phải mụ lẳng lơ (lẳng lơ gì với những lão đàn ông vốn là chồng của các mụ người nào cũng đầy tục tằn và bẩn thỉu) mà chỉ vì mụ Huệ đi đâu, đứng đâu cũng như một bằng chứng để cho đám đàn ông phân tâm, ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Trong cái buổi chiều tang tóc đổ ập xuống mái nhà của lão, nếu không có bà con láng giềng trong xóm xúm vào giúp đỡ thì lão lúng túng quá. Guồng máy lao động của cái gia đình ấy xưa nay như một cỗ máy tra kỹ dầu mỡ. Thế mà trong khoảng khắc đã gãy vụn, vợ lão Chắt Hoè, bây giờ là chỗ thông gia với gia đình lão Khúng, phải cùng với mấy mụ đàn bà khác ra tay cho lợn cho gà ăn rồi chạy ra các góc vườn hoặc xó buồng, lôi ra những đứa con của lão Khúng trở dậy, vỗ về dỗ dành chúng.

Lão Khúng tỏ ra cứng cỏi nhưng cố lắm lão cũng chỉ giữ được cái vẻ bề ngoài. Cho tận đến sáng ngày hôm sau lão mới biết xẩm tối hôm qua, lúc tháo ra khỏi chiếc xe đá lùa con khoang đen vào chuồng, lão đã lú lẫn quên cài then, thậm chí quên cả cho con bò ăn, suốt đêm con vật phải nhịn đói không có được cọng cỏ nào vào bụng. Anh bộ đội người Thanh Hoá, bạn thân của thằng Dũng đã cùng mấy anh em trong tiểu đội chôn cất đứa con trai lão Khúng trong một khu rừng Tây Bắc Cămpuchia giáp nước Thái Lan, việc ấy xẩy ra đã

Gần nửa năm trước khi anh lính về nhà lão. Sáng hôm sau, người lính quê Thanh Hoá xin phép vợ chồng lão ra đi từ tờ mờ đất. Hai ngày sau mụ Huệ vẫn không gượng dậy được, không hề ăn một miếng, nỗi đau khổ của con người chỉ có nỗi đau khổ của kẻ khác là cởi giải được phần nào. Mụ Hái, đã ngoài 60, vừa con trai vừa con gái từ ngày cái trận Ðiện Biên đến giờ đếm trên đốt ngón tay đã có ba người hy sinh ở các mặt trận, chẳng biết làm cách nào, mụ Hái đã bắt mụ Huệ ngồi dậy húp được nửa bát cháo. Sang ngày thứ ba, mụ Huệ vịn tay vào bức vách vừa rên rỉ một mình vừa lục tìm chiếc nồi hông bằng đất đem ra giếng cọ rửa

Chuẩn bị nấu đĩa xôi cúng con.


Lão Khúng xách chiếc rựa ra bụi tre sau nhà chặt một cây vác vào ngồi chẻ ra, đan một tấm phên để thiết lập cái bàn thờ thằng con trai thứ hai bên gian trái. Lão đã làm xong cái bàn thờ đứa con. Lão ngắm nghía cái công trình đơn sơ vừa hoàn thành sau hi trải lên mặt tấm phên tre mảnh ni lông màu đọt chuối mà con Nghiên thường dùng khoác đi cắt cỏ, lại bày lên mặt tấm ni lông một cái bát sành đựng gạo. Vợ lão từ nhà bếp lên, ngó cái bàn thờ mới rồi ngó sang lão Khúng bằng cái nhìn trân trân, vô hồn, không còn là hai con mắt của mụ Huệ mọi ngày mà là hai cái vực thẳm người ta vừa tát cạn hết nước. Lão Khúng thầm cám ơn vợ; Mấy ngày qua mụ Huệ đã không hề thốt lên, dù rằng chỉ thốt lên qua tiếng khóc kể lể cái cơn bốc đồng của chí khí ái quốc của lão ngày ấy - từ đó thằng Dũng mới nắm lấy mấy câu khích lệ đầy cao hứng của bố để đòi đi bộ đội cho kỳ được. Thực tình thì ngày ấy trong nhà đã có thằng Hùng, thằng anh đang ở lính, nó xung phong đi là chính chứ có ai bắt, và ngày đó một mình mụ Huệ không làm sao mà ngăn cản, cầm chân cầm tay cái thằng Dũng của mụ. Chính vào lúc này lão Khúng cũng phải tự gồng mình lên để cố giữ lấy trong người lão cái ý nghĩ rằng thằng Dũng đã hy sinh vì Tổ quốc. Cái ý nghĩ ấy như một tấm ván lát cầu ao đã lâu năm vừa nhún nhẩy vì mỏng manh lại vừa hay trùng triềng. Lão chỉ lơ là một chút, lãng quên đi những điều tâm niệm thiêng liêng chỉ một chút là lập tức xỉa chân xuống và nỗi niềm âm thầm của cái sự thực trần trụi và đơn giản. Trong một thoáng chốc, lão đâm ra sợ cả chính mình, như một con chiên sợ đánh mất đức tin lão đã đánh mất đứa con, lại đánh mất luôn cả những ảo ảnh về nó. Con ơi, giá những ngày còn sống bàn thờ của con lúc này. Bố sẽ xuống phố cầu Giát thuê người ta phóng đại, tô màu, cái bức ảnh sẽ mãi mãi suốt đời đem đến cho bố nỗi khuây khoả và niềm vinh dự... Hiệu ảnh ở dưới ấy thiếu gì mà bố cũng thiếu gì tiền? Hồi ở nhà mày hay trêu bố keo kiệt nhưng trong cái việc này... Phóng đại, tô màu một bức ảnh anh bộ đội đã hy sinh ở trong nhà...

*

* *

Lão lục tung mớ giấy má của gia đình cất trong một đoạn ống bương có nắp đậy và vẫn còn giữ được nguyên vẹn cả một đoạn dây đeo bằng bả có thể choàng qua vai - vật còn lại của quãng đời nông ngư xam bán thỉnh thoảng “đi nghề” ra biển đánh cá, trong những năm lão hãy đang còn trẻ trai ở dưới làng Khơi. Bỗng lão Khúng sực nhớ ra chiếc ba lô của thằng Dũng do anh bộ đội người Thanh Hoá đã mất công phu khoác về từ bên nước Cămpuchia cho gia đình lão. Mấy ngày nay lão đã cẩn thận đem cất trong một cái chum đựng khoai lang khô tận trong buồng vợ và lão quên khuấy đi. Lão vội vã chạy vào trong buồng mụ Huệ ôm cái ba lô ra nhà ngoài. Lão tin chắc thế nào cũng tìm thấy một bức ảnh của thằng Dũng thật đẹp, thật oai phong, đàng hoàng, trong bộ quân phục mới là thẳng nếp. Nhưng lão Khúng chỉ thấy dội lên tận đáy lòng một nỗi đau xót tận lúc này lão mới có dịp nhìn kỹ cái kỷ vật vô cùng quy báu của đứa con đã chết để lại: Cái ba lô sao mà bẩn thỉu, rách rưới, y như chiếc đẫy của đứa ăn mày, không cầm lòng đặng lão bật lên một tiếng khóc hu hu, kêu lên một tiếng rồi im bặt, lẳng lặng lôi các thứ đựng bên trong ra. Chẳng có gì ngoài vài cái quần, cái áo bộ đội cũng đã cũ rách và hôi hám như chiếc ba lô, một mẩu sắt tây hình tròn chạm hình một vũ nữ Cămpuchia đứng múa uốn éo, cùng với một đôi đũa mà chắc con lão đang vót dở bằng một thứ gỗ gì dó hết sức lạ lùng, thớ gỗ nhỏ mịn và rắn như đá, màu đỏ sậm. Lão cắp cái đẫy lính vào bên nách, xăm xắm bước ra ngõ.

Trên dọc đường lúc băng qua ruộng lúa qua xóm, lão chả thèm nhìn ai, gần như chả trông thấy ai, người ta chào hỏi, lão cũng làm thinh. Lão đi thẳng đến trụ sở xã. Hai dẫy nhà nằm theo hình thước thợ cửa giả mở toang, cả nếp nhà trên đứng trên bậc thềm cao lẫn dãy nhà dưới chất một đống cây lạc, đứng ngoài ngó vào chỉ thấy những chiếc ghế băng cùng với những cái nồi nhôm đựng bã chè xanh vứt lăn lóc. Một cái mặt người vừa mảnh vừa khô như chiếc lá tre rụng ló ra giữa đống cây lạc. Lão Khúng nhận ra ngay là lão Kẹp chồng mụ Hái, giữ chức trách giao thông của uỷ ban kiêm đóng, mở cửa trụ sở. Trông thấy chồng mụ Hái, không biết nghĩ thế nào lão Khúng liền quay ngoắt trở ra và cứ thế hai chân bước thẳng một mạch trở về nhà. Vứt cái đẫy lính bẩn thỉu ra giữa thềm, lão chạy vào nhà xách ra chai rượu trắng cùng với hai chiếc chén. Lão rót ra đầy cả hai chiếc chén, nhón những ngón tay đẩy về phía trước mặt một chén, miệng lầu bầu:

- Uống đi, con! Ngày xưa bố cấm mày nhưng rồi mày vẫn uống, húp xoàm xoạp như húp canh rồi nhăn răng ra cười, rồi sặc, rồi nói năng lung tung với mấy đứa em... Từ đấy mẹ mày đe tao;... Ừ, mà bây giờ thì chắc mẹ mày cũng chẳng đe tao nữa. Bố cũng chẳng cấm nữa! Uống đi, uống đi con!

Chừng như lão đã say. Ngồi tựa vào bậc cửa ngay trước dải thềm nhà, lão cầm mân mê trên bàn tay khô rám của lão đôi đũa mà con lão đang vót dở, ừ, một đôi đũa dùng ăn cơm cũng như đũa con lão dùng ở nhà, nhưng đây là một đôi đũa vót bằng cái thứ gỗ màu hồng rắn như đá, thớ gỗ mà y như thớ đá đầy, nhỏ mịn, và lão nghĩ đến cái đất nước Cămpuchia lạ lẫm có thứ đất mọc lên giống cây gỗ lạ lẫm này - ở đấy con lão đã chiến đấu và đã ngã xuống. Giữa lúc ấy, Mụ Hái từ đưới bếp đi lên trông thấy cái người bố đau khổ đang ngồi gục đầu xuống đầu gối, đôi đũa bằng gỗ hồng sắc để rơi dưới chân - Bỗng lão Khúng như bừng tỉnh ngủ ngước lên nhìn người đàn bà bằng hai con mắt trống rỗng vằn đầy tia máu từ đó những giọt nước mắt rơi xuống lã chã.

- Ông Khúng ạ, mụ Hái ngồi xuống bên cạnh lên tiếng an ủi lão, cháu Dũng dù sao cũng đã mất. Tôi biết là cái việc này nó nhọc lòng lắm. Ông chỉ mới có một lần đi qua cái cầu này chứ tôi với ông Kẹp đã đi qua đến ba lần. Tôi đã mất đến những ba đứa con... Nghe mụ hàng xóm nói đến đấy, lập tức lão nhổm dậy, hai con mắt vằn đỏ ghé sát tận mặt mụ Hái, lão mếu máo quát tướng:

- Ba đứa con của mụ cũng không bằng một đứa của tui. Hừm, nói vậy mà cũng đòi nói...