Những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chương: Những bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh Thư từ Trung Quốc (21-5-1939)




Người viết: Chủ tịch Hồ Chí Minh



Hôm nay, tôi sẽ nói với các bạn về tình hình nội bộ quân thù.

Lúc đầu, bọn quân phiệt Nhật hứa là sẽ chiến thắng trong 3 tháng, rồi 6 tháng, rồi lại sau khi chiếm Hán Khẩu. Nhưng cuộc đấu tranh đã kéo dài từ gần 2 nǎm nay. Hán Khẩu một lúc nào đó đã bị thất thủ, nhưng thắng lợi thì vẫn chưa có. Hơn nữa, tình hình của nhân dân Nhật lại ngày càng tồi tệ. Giá sinh hoạt và thuế má ngày một tǎng nhanh và không thể nào tính toán nổi. Mùa màng thu hoạch kém, 1,8 triệu công nhân không có việc làm, 3 triệu người thất nghiệp từng phần. Bất chấp sự đe doạ của toà án quân sự, từ tháng 1 đến tháng 6-1938, đã nổ ra 593 cuộc bãi công của công nhân và 2.995 cuộc biểu tình thị uy của nông dân. Một số lớn trí thức bị bắt. Các hiệu buôn nhỏ bị khánh kiệt, vì những người chủ của chúng bị gọi ra mặt trận. Người ta thấy binh lính ra đi, nhưng chỉ thấy chở về nước những bình đựng di hài 1 hoặc chỉ thấy gửi về những tờ phiếu nhỏ ghi là “Đã hy sinh ở chiến trường”.

Thêm vào đó là không khí phát xít trong quân đội của Nhật hoàng và nỗi đau khổ của những cuộc trường chinh trên một đất nước xa lạ và thù địch. Cuộc tiến công dồn dập của du kích, việc tuyên truyền chống chiến tranh được tiến hành ở Nhật, sự tỏ tình thân thiện của quân đội và nhân dân Trung Quốc – tất cả những điều đó đã ảnh hưởng nặng nề đến binh lính Nhật. Đối với những người tiêu cực, sau khi mất tinh thần thì họ tự tử.

Những người giác ngộ nhất thì nổi dậy. Tôi không kể ra đây danh sách những vụ tự tử vì sẽ quá dài dòng. Tôi chỉ kể vài – chứ không phải tất cả cuộc nổi dậy gần đây nhất, vẫn là theo những thông cáo chính thức thôi.

NHỮNG VỤ BINH BIẾN

Takou, ngày 22-1.

3.000 binh sĩ đã làm binh biến. Trong khi lên tàu thuỷ ở Thượng Hải, họ được những viên thuyền trưởng cho biết họ sắp được trở về Nhật Bản. Nhưng đến ngoài khơi Takou, đáng lẽ các tàu đó tiếp tục đi về hướng Đông, nhưng chúng lại hướng vào cảng này. Bị binh lính chất vấn, các viên thuyền trưởng nói rằng theo phản lệnh của bộ tổng tư lệnh, binh lính phải hoãn nghỉ phép để đi đến Sơn Tây là nơi mà hoạt động của du kích đang phát triển. Thế là cuộc binh biến bắt đầu. Bốn chiếc tàu chiến đậu ở cảng bắt đầu bắn vào những người làm binh biến. Những binh lính đồn trú ở Takou – tưởng rằng bọn lính thuỷ tiến công chúng, liền nã súng vào những chiếc tàu đó. Về phía du kích, thì tưởng rằng quân đội của chúng tôi đã đến và đang bị quân Nhật tấn công, nên cũng vội vàng xông vào cứu. Người ta đánh nhau loạn xạ. Cuộc chiến đấu kéo dài trong nhiều giờ và chỉ chấm dứt khi những lực lượng Nhật Bản khác được điều đến. Binh lính và những người Nhật làm binh biến đều bị chết và bị thương nhiều. Những người làm binh biến còn sống sót đều bị áp giải lên mặt trận Luyouan.

Hán Khẩu, ngày 9-2.

Những tổ chức bí mật do binh lính Nhật thành lập, muốn tỏ tình đoàn kết với những người làm binh biến ở Takou. Nhưng không may là kế hoạch đã bị lộ từ trước. Những người bị bắt gồm có: 12 hiến binh, 130 sĩ quan và binh lính, 55 người dân thường (tất cả đều là người Nhật) và 8 người Bạch Nga.

Chouangtung (phía bắc tỉnh Hà Bắc), ngày 13-2.

Từ mặt trận Wangxung trở về để đi lên Hán Khẩu, khoảng 2.000 binh sĩ Nhật đã nổi dậy và giết viên chỉ huy của họ là thiếu tá Yo Katha. Những người làm binh biến bị tấn công cùng một lúc bởi những lính thuỷ và bộ binh được phái đến đàn áp họ. Về phía họ có nhiều người chết.

Chongcha, ngày 17-2.

2.000 lính Nhật được lệnh phải ra mặt trận. Đến Jouchikiou, họ không chịu lên tàu. Lữ đoàn của tướng Hamito được điều đến để đàn áp họ. Cuộc chiến đấu giữa quân đội và những người làm binh biến đã diễn ra trong một ngày rưỡi. Khoảng 800 binh sĩ làm binh biến đã bị hy sinh.

Singlo, ngày 26-2.

Theo tin tức do một số người Nhật ở Thái Nguyên cho biết thì ngày 13-2, trung đoàn của đại tá Nomura vừa đến phía tây tỉnh Sơn Tây thì nổi dậy. Viên đại tá đã tự sát và 9 tên sĩ quan bị những người làm binh biến giết.
LÒNG CUỒNG TÍN ẤY CÒN ĐÂU NỮA

Người ta thấy rằng trong cuộc chiến tranh Trung – Nhật và trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật, khi một người lính ra mặt trận, anh ta được gia đình và làng xóm dọn tiệc mừng. Lúc lên đường, anh ta được cả làng đi tiễn, có mang theo nhạc cụ và cờ. Trên những lá cờ đó có ghi những lời động viên như: “Hy sinh vì Nhật hoàng là vinh dự lớn nhất!”, “Hãy chiến thắng khi trở về hoặc là tự sát trên chiến trường!”, v. V.. Người Nhật lấy làm tự hào được phục vụ Nhật hoàng. Người ta tự hào vì đã có con hoặc chồng ở mặt trận. Còn ngày nay thì thế nào?

Ngày nay, sự cuồng tín đó đã giảm đi nhiều, nếu không nói là đã tiêu tan rồi. Chúng tôi xin trích vài đoạn trong các báo, những đoạn này đã được các tù binh xác nhận.

Singlo, ngày 6-2.

Một sĩ quan phiên dịch người Nhật nói rằng, gần đây trong huyện X, khi những đoàn tàu quân sự sắp chuyển bánh, bố mẹ các binh sĩ bắt đầu khóc than và la ó, rồi họ nằm lên trên đường sắt để ngǎn không cho tàu chạy. Họ đông đến nỗi hình thành một dãy dài khoảng 6 kilômét. Cảnh tượng thật là đáng thương đến nỗi có những công nhân lái đầu máy xe lửa phải tự tử để khỏi bị buộc phải lái những đoàn tàu đó.

Thái Nguyên, ngày 15-2.

Phần đông binh lính vừa mới đến Sơn Tây là những người buôn bán, tuổi từ 30 đến 35 – họ không thích chiến tranh. Trong khi trò chuyện, họ kể rằng những người phụ nữ Nhật đã tự tổ chức lại thành cái gọi là “tổ chức để đòi chồng”.

Mặt trận trải quá dài. Bọn quân phiệt không có đủ người. Để khắc phục điều đó, chúng cưỡng ép những người Triều Tiên, Mãn Châu và những người Trung Quốc trong vùng bị chiếm phải nhập ngũ và đưa họ ra mặt trận. Chúng nói “Làm như vậy rẻ hơn”. Nhưng trên thực tế, đó là “uống thuốc độc cho đỡ khát”, như ngạn ngữ Trung Quốc đã từng nói. Những người Triều Tiên, Mãn Châu và những người Trung Quốc trong các vùng bị chiếm chỉ mong chờ có cơ hội thuận tiện là sẽ quay súng chống lại bọn Nhật tàn bạo đó. Xin trích dẫn thêm vài bản thông cáo chính thức mà tình cờ chúng tôi đọc được.

Hồng Công, ngày 12-2.

Gần Quảng Châu, 6.000 binh lính Triều Tiên đã nổi dậy. Nhiều sĩ quan Nhật bị giết. Những đội tảo phạt gồm lính bộ binh và hải quân được phái đến để đàn áp những người làm binh biến. Cuộc chiến đấu kéo dài suốt cả ngày. Những người đứng đầu cuộc nổi dậy là Thôi Chang Kwei, Li Vin Ka, Kim Chang Han và 800 người Triều Tiên khác đều bị giết. Số còn lại bị quân lính áp giải về Triều Tiên.

Louang, ngày 23-2.

Những đội gọi là tự vệ ở các khu Lang Song và Jongshan, sát ngay Bắc Kinh, đều do Chang Dung Lai, Oei Sou Tin, Chou Wan Lung và Hoa The Hai chỉ huy. Những đội đó gồm trên 1.000 người. Sau khi cấp vũ khí và trả lương, bọn Nhật phái những đội ấy đi coi như những đội quân tiên phong đi chống du kích tại miền Nam Hồ Bắc. Nhưng đáng lẽ đi về phía nam thì Chang Dung Lai và những người bạn chiến đấu của anh lại gặp nhau ở Joumachang, gần Jongshan, và tấn công mạnh mẽ vào quân đội Nhật.

Sau khi đọc qua vài sự việc trên đây, chắc các bạn thừa hiểu vì sao bọn Nhật sau khi chiếm Hán Khẩu, Quảng Châu và Nam Dương thì không còn tiến được nữa.

P. C. LIN

———————————

Báo Notre Voix, ngày 21-5-1939