Dạ Đàm Bồng Lai Điếm

Chương 10: Ta đã mất nhà, người về nơi đâu


“Phất lên sau một đêm… Phất lên sau một đêm…”

Một lúc sau, Cố Niệm mới lẩm bẩm lặp lại, rồi cười thảm: “Nơi đó là kho báu lớn nhất trên đời, dưới đất trải đầy vàng bạc châu báu, đáy nước là ngọc thạch trân châu trải kín lòng sông. Nhưng ngoại trừ huynh muội chúng ta ra, cha mẹ không mang theo bất cứ thứ gì khác của nơi đó… Lấy gì ra để phất lên sau một đêm?”

Cố Phán cắn chặt môi dưới, oán hận ngắt lời: “Chỉ trách ta còn nhỏ ngây ngô, chỉ trách con người tham lam! Ta thấy một lão bà đáng thương, mới tặng bà mấy viên minh châu để dưỡng lão, không ngờ hóa ra bà ta là kẻ thù của cha! Bà cố ý giả ngây giả dại, muốn đối phó với cha mẹ, còn ta thì ngốc nghếch lại đi tin bà ta! Cha mẹ rõ ràng đã dặn ta không cần để ý tới bà, nhưng ta lại lén lút đi tìm — nếu không phải vì mười viên minh châu vô giá đó, chắc gì chúng ta đã rơi vào cảnh nhà tan cửa nát lưu lạc tha hương?!”

Tô Vọng Ngôn nghiêng đầu suy nghĩ một chút, lấy làm lạ hỏi: “Nếu Cố tiên sinh và Cố phu nhân không lấy gì trong kho báu mang theo, thì sao ngươi lại có mười viên minh châu để đưa cho bà ta? Các ngươi cho Tang Thanh rất nhiều tiền, số tiền đó lại từ đâu mà có?”

Vi Trường Ca cũng nói: “Nếu ta không đoán sai, mấy năm nay, những nữ nhân từng chăm sóc các ngươi, các ngươi đều hứa sẽ cho họ tài phú bất tận. Các ngươi lấy những thứ này ở đâu ra? Hay là, các ngươi đã tìm ra lối vào kho báu?”

Cố Niệm nói: “Nếu đã tìm được đường quay lại, thì chúng ta… aii…” Rồi thở dài, nhưng chỉ lắc đầu.

Cố Phán thì lắc lư đứng dậy, giang tay hướng về phía Vi Trường Ca.

Vi Trường Ca ngây ra.

Cố Phán ngước lên cười: “Ôm ta xuống dưới!”

Vi Trường Ca cười cười, tiến lên bế nó từ trên bàn nhẹ nhàng đặt xuống đất. Cố Phán kéo tay y, đẩy cửa bước ra ngoài, ngồi xổm xuống nhặt lấy một hòn đá dưới đất, cầm lên, rồi lại kéo tay Vi Trường Ca quay lại phòng.

Trong phòng im lặng.

Một ngọn đèn cô độc chiếu sáng, ánh lửa lúc dài lúc ngắn, bóng tối và ánh sáng chập chờn qua lại, gương mặt mỗi người đều có chút khác biệt so với ban ngày.

Cố Phán đưa tay tới gần ngọn đèn, rồi chậm rãi mở ra.

Đột nhiên, trong lòng bàn tay nó xuất hiện một viên ngọc trai, cỡ bằng ngón út, trơn bóng lấp lánh, bề mặt còn mơ hồ tỏa ra vầng sáng xanh.

Cố Phán tiện tay ném viên ngọc trai đi, nói: “Các ngươi hiểu rồi chứ?” Rồi không đợi hai người Vi Tô trả lời, lại chỉ vào một gốc hòe lớn ở ngoài cửa: “Cách gốc cây bảy thước có một rương sắt, thứ đó có tuổi thọ trên hai trăm năm rồi, những thứ bên trong trị giá hàng chục vạn.” Ngừng một chút, tay hơi nâng lên, lại chỉ về phía dãy núi xanh thẫm phía xa xa: “Thấy ngọn núi kia không? Đi về phía tây nam tám dặm, giữa hai ngọn núi có một mỏ đồng. Còn cả khối bình nguyên bên kia, nơi đó là lăng mộ tiên hoàng. Trong chiếu thư có nói toàn bộ đồ bồi táng làm bằng gỗ đào, kỳ thực ngày đêm đều có thanh khí ngút trời, nơi đó chôn không biết bao nhiêu là vàng bạc châu báu hi thế kỳ trân.”

Hai người Vi Tô nghe nó kể mà không ngừng kinh ngạc.
Vi Trường Ca hỏi: “Sao ngươi lại biết?”

“Biết chính là biết thôi.” Cố Phán nhìn xa xăm, cười lạnh: “Dưới lòng đất này, nơi nơi đều có bảo bối, tất cả đều là những thứ mà người xưa đổi mạng lấy để chôn cùng. Ngươi tranh ta đoạt, ngươi lừa ta gạt, liều mạng cá chết lưới rách để cướp đoạt, cũng bất quá chỉ để ôm lấy, nhìn ngắm, rồi vui vẻ vài năm, cuối cùng tất thảy đều vùi sâu dưới đất — hừ, tới khi văn bia bị bào mòn, mộ thạch đều sụp đổ, chẳng phải đều thành thứ vô chủ?”

Bên khóe miệng lộ ra ý cười châm biếm, rồi tự lẩm bẩm: “Thế nhân vô tri, luôn tìm kiếm những thứ vô định — cha nói không sai chút nào…” Hết lời cuối liền im bặt. Hơn nửa ngày sau cũng chỉ chăm chú nhìn về phía xa, không biết rốt cuộc thấy được điều gì từ giữa khoảng tối kia.

Giữa lúc im lặng, hoa đèn cháy ‘tách’ một cái, mỗi người đều nghe ra được sự trầm mặc của mình giữa tiếng vang rất nhỏ đó.

Vi Trường Ca hỏi: “Vậy sau đó thì sao? Buổi tối hôm đó sau khi Cố phu nhân dẫn các ngươi trốn khỏi Tập Phượng Phong rồi thì sao nữa?”

Cố Niệm lắc đầu nói: “Chúng ta vốn không rời khỏi Tập Phượng Phong — dù sao mẹ cũng là nữ nhân, lại mang theo hai đứa con, dù muốn trốn cũng không trốn xa được. Tối hôm đó, cha thân trúng kịch độc, nhảy xuống vách núi muôn trượng, mẹ biết Phượng Hiển Bình sẽ không bỏ qua, vì vậy dẫn chúng ta đi theo đường nhỏ lặng lẽ vòng lại Phượng gia, trốn trong khuê phòng bà từng ở khi còn là thiếu nữ. Ba mẹ con chúng ta ngồi trong căn phòng tối như mực, nghe bên ngoài toàn những tiếng động lớn xôn xao, thỉnh thoảng lại có tiếng bước chân ngang qua phòng. Ta và Cố Phán đều vô cùng sợ hãi, vạn nhất có người đẩy cửa vào thì phải làm sao, sẽ phải làm gì bây giờ? Mẹ nắm chặt tay chúng ta, bảo chúng ta đừng sợ. Cũng may ông trời có mắt, cho ba mẹ con chúng ta một con đường sống — cả tối hôm đó, tuy ngoài cửa không ngừng có người qua lại, nhưng từ đầu tới cuối không một ai vào kiểm tra…”

Tô Vọng Ngôn suy nghĩ một chút, rồi cười nhạt, nói: “Cũng không phải ông trời có mắt, mà sự thật là Cố phu nhân quá thông minh. Người nhà của nàng hung ác như vậy, đến chính nàng cũng không tha, trong thời khắc quan trọng đó, làm gì có ai vào phòng cũ của nàng để ôn lại kỷ niệm xưa? Đương nhiên là chẳng buồn ngó ngàng tới rồi. Cho dù là huynh đệ tỷ muội có tình cảm tốt với nàng, Phượng Hiển Bình sợ chuyện xấu lộ ra, cũng tuyệt đối sẽ không để họ ở lại Tập Phượng Phong, vậy nên tối hôm đó mới không có một ai trên Tập Phượng Phong bước vào phòng.”

Vi Trường Ca mỉm cười đáp: “Không sai. Huống hồ Phượng Hiển Bình hao tổn tâm cơ thiết lập cái bẫy này, mất rất nhiều công sức, nhưng vẫn để Cố phu nhân đào thoát, lão một lòng muốn tìm vị trí của kho báu, làm sao chịu cam tâm? Còn nữa, tất cả chuyện xảy ra tối hôm đó tuyệt đối không thể để cho người ngoài biết, Phượng Hiển Bình sợ sự tình bại lộ, cũng nhất định sẽ điều động tất cả mọi người xuống núi đuổi theo Cố phu nhân và huynh muội các ngươi. Đây gọi là điệu hổ ly sơn, cũng chỉ có vậy Cố phu nhân mới có thể mang theo các người toàn thây trốn ra — Cố phu nhân biết rõ tất cả nên mới tự tin trốn ngay trong phòng như thế.”

Cố Niệm sửng sốt, rồi lẩm bẩm: “Thì ra là thế. Hèn gì ngày hôm đó cả Tập Phượng Phong lớn như thế mà không có một ai…” Rồi lại kể tiếp: “Chúng ta trốn trong phòng một đêm, chỉ nghe thấy bên ngoài không ngừng láo nháo, đến hừng đông mới dần an tĩnh lại. Đến buổi trưa, bên ngoài im ắng không có thanh âm, lúc này mẹ mới đưa chúng ta ra khỏi phòng, lặng lẽ theo cửa sau rời khỏi Phượng gia. Trước khi đi, mẹ nhìn về phía xa nơi cha nhảy xuống vực, không nói một lời, chỉ đứng thật lâu. Ánh mắt của bà… Khi đó, ta vẫn chưa hiểu ánh mắt này của bà, chỉ nhìn thôi mà bất giác thấy sợ hãi. Dọc đường đi không ai nói gì, ta ngơ ngác để cho bà dắt đi, giống như là chỉ có một mình, ngồi trước sân khấu kịch dịp tết Trung Nguyên, xung quanh vô số bóng người lướt qua như đèn kéo quân, trên đài oanh oanh liệt liệt, dưới đài hỗn loạn ầm ĩ, còn ta, thì cái gì cũng không rõ — ta chỉ nhớ là, dọc theo đường đi, thấy trong sơn cốc từng đám mây trắng bồng bềnh, vừa mỏng vừa nhẹ, quét qua rừng phong sắc đỏ…

Khi đi ngang qua Bạch Thủy Tự, mẹ dừng lại thẫn thờ nhìn vào thật lâu, rồi nói, lần này ra đi không biết còn có thể quay lại không, mẹ đưa các con vào nghe Đạn Cầm Oa được không?”

Tô Vọng Ngôn nói: “Hoa hòa thượng gặp các ngươi ở nơi đó?”

Cố Niệm gật đầu. Rồi không biết là nhớ tới điều gì, đột nhiên cười ha ha: “Tên hòa thượng đó cũng thật thú vị! Hắn vừa nhìn thấy mẹ thì tròng mắt như rớt ra ngoài, quả nhiên là một Hoa hòa thượng lục căn chưa sạch! Đáng tiếc a đáng tiếc!” Nói liên tiếp hai lần ‘đáng tiếc’, rồi ngước lên nhìn hai người Vi Trường Ca Tô Vọng Ngôn, hỏi: “Các ngươi có biết, mẹ ta bất chấp mạo hiểm cũng muốn tới Bạch Thủy Tự kia lần cuối là vì cái gì không?”

Vi Trường Ca và Tô Vọng Ngôn đều lắc đầu.

“Bởi vì nơi đó, là nơi mà lần đầu tiên mẹ gặp cha –”

Cố Niệm mỉm cười kể: “Có Trung thu một năm, vốn mẹ muốn vội về Tập Phượng Phong để ăn tết với gia đình, nhưng trên đường vì giúp một đôi lão nhân bị người khác chiếm mất điền sản mà lỡ hành trình. Khi mẹ về đến Bạch Thủy Tự đã là khuya của đêm Trung thu rồi, bà thấy cũng đã muộn, lại thấy trăng trên trời vừa tròn vừa sáng, liền không về nữa mà đi thẳng vào trong ngôi chùa cổ, định một mình thưởng thức bạch thủy thu nguyệt. Khi đó tuy là giữa thu, nhưng trên núi Nga My vẫn xanh biêng biếc, trong chùa cũng vẫn còn um tùm cây cỏ, ánh trăng chênh chếch chiếu lên cửa sổ, hắt vào bức tường sơn đỏ bong tróc, ánh lên rêu xanh giữa phiến đá, cũng có một sự thú vị đặc biệt. Bà nương theo ánh trăng đi vào trong, cứ đi tới đi tới, liền nghe thấy phía trước có người đang ngâm nga câu ‘Giang sơn bất cải Tần thì nguyệt –’, bà thấy đồng cảm liền buột miệng tiếp lời: ‘Bán luân ngọc phách cổ kim thu’. Nói xong mới sửng sốt, khi ngẩng đầu nhìn sang, thấy người kia mặc áo vải đứng một mình hiên ngang bên ao, nhưng cũng đang kinh ngạc nhìn lại — haha, khi đó, bà cũng đâu biết trước mặt mình chính là Cố Tấn Chi mà…”

(Câu của Cố Tấn Chi là “Núi non không làm thay đổi được trăng thời Tần”, còn câu của Phượng Sở thì hơi khó hiểu mình dịch theo mặt chữ thì có vẻ là “Nửa mảnh hồn ngọc thu xưa nay”