Hủ Mộc Sung Đống Lương

Chương 7: GIÁN ĐIỆP CÔNG NGHIỆP


Chiều thứ bảy, Tứ quái chơi ở nhà Gaby.

Ông Glockner vẫn trực ở Tổng nha cảnh sát, nhưng không vì thế mà bà Margot Glockner không làm một chiếc bánh ga-tô dâu tây cực ngon để đãi mấy vị khách nhỏ.

Năm người đang ngồi quanh bàn ăn bánh, uống nước trà thì chuông điện thoại réo.

Gaby bảo:

- Chắc là ba đó. Mẹ ra nghe đi, con đoán thế nào ba cũng dặn để phần bánh ngọt mà.

Tròn Vo thở dài áy náy:

- Ôi trời! Mình lại vừa vớ được miếng bánh cuối cùng mới chết chớ.

Tarzan cười:

- Mày hên ghê đó mập. Mày vớ được miếng đầu tiên, miếng cuối cùng và gần hết cả miếng giữa nữa kìa…

Karl tham gia:

- Ăn nhanh không tưởng tượng nổi. Còn những việc khác thì lại chậm đến sốt ruột đó, Willi.

- Xạo hoài. Người ta cũng nhanh nhảu lắm chớ bộ.

Gaby cười:

- Nhanh gì vậy Willi? Đạp xe chậm nè, viết chậm nè, tính toán chậm nè…

Tròn Vo toét miệng cười, giở giọng cùn:

- Vậy là bạn chưa biết mình nhanh chỗ nào à? Thú thật nhé, mình nhanh mệt lắm.

- Trời đất.

Bà Glockner đang trả lời điện thoại. Nhưng không phải với ông chồng.

- Ồ, tôi đâu có được thông tin gì… Một bức tranh vẽ con gái tôi ư? Tarzan và Willi đã đề nghị ông như vậy hả? Ôi chao, chúng đang có mặt ở nhà tôi cả đấy… Xin lỗi, ông cho biết quý danh. À, Blassmuller. Vâng, tôi hiểu, chào ông họa sĩ.

Gaby ngồi thẳng như cây nến mở to đôi mắt xanh biếc nhìn mẹ ngạc nhiên. Tarzan và Kloesen cười thật tươi. Rồi Tarzan giải thích:

- Thưa cô, đây là cách tạ ơn độc đáo của ông Blassmuller đấy ạ. Tụi cháu đã giúp ông họa sĩ lúc hoạn nạn nên ông ấy muốn vẽ chân dung Willi và cháu. Nhưng tụi cháu đã đề nghị ông họa sĩ vẽ Gaby. Cháu và Willi sẽ treo bức chân dung đó trong “Tổ đại bàng” ạ.

Khỏi phải nói, hai má Gaby hồng hẳn lên. Bà Margot đặt tay lên vai con gái, tủm tỉm:

- Không phải cô bé nào cũng may mắn thế đâu Gaby. Hồi nãy ông Blassmuller có hỏi mẹ khi nào thì con có thể ngồi cho ông ấy vẽ?

- Bất cứ lúc nào mẹ ạ, trừ giờ đi học. Con chưa biết nên để tóc thế nào đây?

Tròn Vo khuyên:

- Tất nhiên tóc phải gội sạch đó Công Chúa.

Gaby phì cười:

- Là mình muốn hỏi nên để xõa tóc hay cột lại kìa. Ai mà nói ba cái chuyện sạch bẩn đó.

Tarzan bàn:

- Mình thấy bạn để tóc kiểu gì cũng… được mà. Nhưng hãy để cho ông Blassmuller góp ý. Ông ấy có con mắt thẩm mĩ.

Tròn Vo lại ngứa mồm:

- Mình cuộc là ông ấy sẽ thích bạn xõa tóc. Để ông ấy dùng được nhiều màu vàng… à… vàng khè.

- Hả? Tóc mình mà màu vàng khè? Vàng óng chớ, cái đồ chỉ biết có màu… sô-cô-la kia.

Cô bé quay sang mẹ:

- Mai là chủ nhật. Nếu ông họa sĩ làm việc ngày chủ nhật thì con sẽ ngồi mẫu. Sau đó tụi con sẽ đến nhà thầy Lattmann. Con nhất định sẽ kể chuyện này với thầy.

*

Pleff ủi chiếc Audi vào bãi đậu xe quen thuộc, tắt máy và khóa cẩn thận. Đoạn lê gót về chiếc xe cắm trại của gã. Gã nắn túi rồi thở dài. Gã đang cạn tiền. Tương lai gần sao mà mù mịt.

Đúng lúc đó thì gã trông thấy mảnh giấy. Mảnh giấy gấp đôi nhét ở khe cửa: “Gọi điện ngay – J.P”

Ô-kê. Đó là Jacques Perrigon, kĩ sư trưởng của tập đoàn máy tính ASHBURN-CENTRE. Vậy là sắp có tiền. Perrigon lại có việc thuê gã đây mà. Không chậm trễ, Pleff phôn liền cho Perrigon. Giọng bên kia đầu dây ra vẻ bề trên, mắng:

- Mẹ kiếp, anh lang thang ở đâu để tôi tìm suốt từ sáng đến giờ? Có việc cho anh đây.

- Hừ, đừng giở giọng cha như vậy. Lịch làm việc của tôi đã chật kín tới… tết. Tuy nhiên tôi sẵn sàng dành ngoại lệ cho ông. Nào, nói đi…

- Thì vẫn là phi vụ cũ. Xoay quanh hồ sơ của “X-U-1%-Gamma-Chip” nhưng tình thế đã biến chuyển không ngờ. Lão Rodermeyer bị tai nạn đột ngột phải nằm viện vài tháng là ít. Một kĩ sư trẻ đã được bổ nhiệm thay lão lãnh đạo phòng nghiên cứu. Mãi chiều hôm qua tôi mới biết chuyện này qua một nguồn tin đáng tin cậy. Tôi nói luôn, lãnh đạo mới của phòng nghiên cứu tên là Ludwig Droselhoff. Anh ta sống ở phố Schiller, có vợ và một con gái năm tuổi. Anh cần tiếp xúc ngay với anh ta. Bằng mọi cách. Hãy chào giá anh ta 100.000 mark cho hồ sơ đó. Tôi sẽ có phần xứng đáng cho anh. Rõ chưa?

Pleff Đinh Vít nuốt nước bọt:

- Rõ cả rồi!

*

Chiều chủ nhật, thầy Lattmann ngồi trong phòng tranh như mọi ngày. Thỉnh thoảng ông lại cười một mình. Không phải ông cười vì các bức tranh của Picasso trong cuốn sách ông đang cầm. Quỷ tha ma bắt ạ, cái chân bó bột lên da non nhột nhột như có kiến bò. Ngứa kinh khủng. Ông phải thò một cái thước dài vào dưới lớp thạch cao để gãi.

Cửa sổ phòng tranh mở hé. Mùi hoa thơm ngát lọt vào phòng.

Lattmann lại cười. Nhưng rồi ông nín thinh ngay.

Trời ạ, hình như có tiếng cửa vườn nhà bên cọt kẹt. Chuyện gì hả? Hồi nãy vợ chồng viên kĩ sư đã lên xe đi khỏi nhà rồi mà. Trong nhà giờ chỉ còn lại đứa bé. Bé Sabine…

Lattmann lo lắng ngẩng đầu lên, ngó qua khe cửa sổ. Chúa ơi, một gã đàn ông lực lưỡng, tuổi trung niên, mũi to như củ hành tây, nách cặp một cái gói đang lén lút mò lại cửa căn hộ láng giềng. Gã đảo cặp mắt láo liên một hồi rồi chụp lên đầu chiếc mũ sùm sụp. Thêm cặp kính râm to bản nữa chớ.

Gã lạ mặt bấm chuông. Một cửa sổ ở tầng hai mở cửa. Bé Sabine ló ra, giọng trong như chuông ngân:

- Má không có nhà, ba cũng đi vắng.

Mũi To làm ra vẻ vui mừng:

- May mà ta gặp cháu. Mở cửa cho bác đi. Cháu nhận giùm bác cái gói này.

- Không. Cháu không được phép mở cửa cho người lạ.

- Vậy chúng ta phải làm sao đây? Gói này có những thứ quan trọng ba cháu cần.

- Nhưng má cháu dặn không được cho ai vào nhà.

Mũi To búng ngón tay:

- Má cháu có lí. Thôi được, bác biết phải làm sao rồi. Bác sẽ để cái gói ở đây. Bác đi là cháu mang vào nhé.

Gã vừa nhấc chân là bé Sabine đóng liền cửa sổ. Con bé thiệt là được giáo dục tốt. Thầy Lattmann mừng thầm. Ông tính quay trở lại với những bức tranh Picasso, thì bỗng sợ thót tim. Điều ông thấy khiến ông nghẹn thở. Trời ạ, gã Mũi To đâu có đi ra phố hồi nào, gã đã vòng lại thật lẹ khi hai cánh cửa sổ vừa khép. Gã vọt nhanh qua cửa nhà, ra góc bên kia. Đoạn nép người sát tường, chỉ cách cửa ra vào một bước nhảy.

Gã… gã… Tim ông Lattmann giật thon thót. Ông nghẹt thở. Toàn thân run bần bật. Đúng giây phút ấy, ông chợt hiểu sự bất lực của mình.

Phải đánh động cho bé Sabine. Nhưng bằng cách nào đây? Gọi điện, đúng rồi! Lattmann nhấc máy lên và cuống cuồng lật lia lịa cuốn danh bạ điện thoại. Nhưng muộn mất rồi! Bên kia cửa đã mở, bé Sabine vừa rút chốt cửa chính là gã mất dạy đã nhảy đến như một con báo. Gã bịt miệng bé chớp nhoáng và nhấc bổng Sabine lên phóng vô nhà, tung cú đá hậu sập cửa cái rầm.

Mồ hôi lạnh đầm đìa lưng lẫn gáy Lattmann. Lạy Chúa, nó giết con bé mất. Trong giây phút định mệnh, ông sực nhớ đến thanh tra Glockner.

Cuốn danh bạ điện thoại được lật muốn rách từng trang một. Cuối cùng, bàn tay run cầm cập của ông thầy cũng mò ra được số phôn của cảnh sát. Giọng ông như người sắp chết:

- Cảnh sát phải không? Làm ơn đến số nhà 11 phố Schiller ngay. Một đứa trẻ bị tấn công. Sao ạ? À, tên tôi là Lattmann, là nhà hàng xóm. Ông hãy báo giùm thanh tra Glockner gấp. Nguy ngập cực kì. Cảm ơn ông.

Lattmann gác máy. Ông đăm đăm nhìn sang bên kia và cầu nguyện lầm rầm. Không hiểu lời kinh tiếng kệ của ông có động lòng Thượng đế hay không.

Lát sau, cửa nhà bên kia mở ra.

Mũi To thò đầu ra ngó nghiêng. Tay gã kẹp một chồng tài liệu gì đó.

Gã đóng cửa, lượm gói đồ hồi nãy rồi lủi ra phố mất tăm.

Ông Lattmann thấy cửa chưa sập hẳn vào ổ, vẫn mở he hé.

*

Tứ quái đang trên đường đến nhà thầy “Picasso”. Trên tay trái của Tròn Vo là một cái đĩa bằng nhựa tổng hợp mà cu cậu lượm ở dọc đường. Thằng mập lái xe đạp bằng một tay, cười khoái chí:

- Ta sẽ là một vận động viên cừ khôi của môn ném đĩa. Này…

Nói xong nó liệng cái đĩa bay vèo vèo rồi co giò đạp rượt theo muốn… ná thở. Chẳng đứa nào cản trò chơi ngộ nghĩnh của Tròn Vo. Nhân vật chậm chạp nhất của nhóm mà chơi trò này thì quãng đường càng mau rút ngắn chớ sao.

Chúng rẽ vào phố Schiller. Đã thấy nhà của “Picasso” thấp thoáng từ xa. Trưa chủ nhật êm đềm trên mọi khu vườn. Những chiếc máy xén cỏ ngày thường bận rộn, bây giờ cũng im tiếng. Chiếc đĩa phù thủy trong tay Tròn Vo lại tung lên. Lần này không hiểu trời xui đất khiến hay sao mà nó bay với một vận tốc đáng kinh ngạc đập “cạch” vào kính trước một chiếc xe Audi màu trắng đậu cô độc bên vỉa hè.

Từ sau xe hơi, một gã đàn ông đang lom khom buộc dây giày bật dậy. Gã mắng:

- Ê, tụi mày mù chắc? Bộ hết trò quậy rồi sao hả?

Tarzan dừng lại. Hắn nhảy khỏi xe đạp. Đúng rồi! Đây rõ ràng là người đàn ông đã dắt thằng nhóc mặt tàn nhang dạo trên phố Ratzebor và bị nhóc tì tặng cho một cú đá láo xược vô ống quyển.

Tarzan cố nhịn cười khi nhớ đến cú đá nọ và liếc nhanh chiếc Audi:

- Không hề gì. Chẳng bị trầy, chẳng nổi u cũng không chảy máu. Xe đó của ông phải không ạ?

Gã đàn ông kéo cái mũ sùm sụp quen thuộc xuống như muốn nuốt luôn chiếc kính râm và cái mũi củ tỏi. Gã trả lời Tarzan bằng cách lầm lì mở cửa xe bỏ chồng kẹp hồ sơ tài liệu lên băng ghế nơi buồng lái và càu nhàu:

- Đây đâu phải sân thể thao. Muốn quậy tá lả thì tìm sân vận động mà quậy.

Tarzan hơi đâu mà tranh biện với bộ mặt khó ưa của gã - một bộ mặt kín mít và tối sầm. Hắn lặng lẽ vẫy các các chiến hữu tiếp tục đi thẳng.

Hắn hỏi:

- Các bạn nhận ra người đó rồi chứ?

Karl cười:

- Sao không! Mình chưa quậy ông ta tá lả nhưng con trai ông ta đã sút vô chân “ổng” một cú phải nói là… tới bến. Chắc chân ông ta vẫn còn ê ẩm nên ông ta cáu bẳn.

Bốn đứa dựa xe đạp vào bờ rào nhà thầy Lattmann. Chìa khóa nhà vẫn ở chỗ cũ. Chúng ùa lên cầu thang. Tarzan gọi vọng lên:

- Tụi em đây, thưa thầy!

Hai phút sau Tứ quái đã được ông thầy cho biết toàn bộ vụ việc.

Còn gì để nói nữa, chúng phóng sang nhà hàng xóm như bốn chiếc hỏa tiễn rời bệ phóng. Cửa chính ở đây chỉ khép hờ.

Tarzan dựng tóc gáy khi thấy nhà cửa tanh bành. Trời đất, không hiểu bé Sabine có bị gã hành hạ gì không?

Gaby lo lắng gọi:

- Sabine, em ở đâu?

- Em ở đây. Trong kho thực phẩm ạ.

Một giọng nhỏ và thanh thanh vẳng ra. Bốn quái lao đến. May phước, cửa kho khóa nhưng chìa vẫn cắm trong ổ. Coi, con bé ngày thường nhí nhảnh biết bao, giờ ngồi thu lu run bắn ở một góc. Mình mẩy Sabine không có vết thương nào.

Gaby dịu dàng ôm lấy bé:

- Đừng sợ nữa, bé cưng. Gã đi rồi.

Con bé sụt sịt:

- Ông ấy dọa sẽ dán mồm em lại nếu em khóc.

- Ồ, ông ấy sẽ chẳng bao giờ dám làm thế đâu. Nín đi cưng.

Tròn Vo xúc động đến nỗi chìa ngay một phong sô-cô-la cho bé:

- Đây, em cầm lấy này. Em có thể nhận kẹo của anh, vì anh không phải là người xấu như gã kia đâu.

Đúng lúc đó tiếng gọi của Tarzan từ phòng làm việc của kĩ sư Ludwig Droselhoff vang lên:

- Các bạn qua đây mà xem này.

Hai quái Karl và Kloesen vọt qua. Khủng khiếp, căn phòng của gia chủ như một bãi chiến trường ngổn ngang thê thảm.

Karl ngó qua cửa sổ:

- Xe cảnh sát kìa. Hi vọng trên xe có cả chú Glockner.

Đúng là trên xe có cả thanh tra Glockner. Ông cùng hai nhân viên hình sự bước vào nhà. Trông thấy Gaby bên bé Sabine ông sửng sốt:

- Ơ… con đến một mình à? Hay ba ông tướng kia cũng ở đây rồi?

- Dạ, chúng con có đủ cả bộ tứ ba à. Tụi con đến thăm thầy Lattmann và tình cờ biết nội vụ thôi. Gã đàn ông đã biến rồi. Gã đã nhốt bé Sabine trong kho và hình như đã ăn cắp một thứ gì đó mà tụi con chưa rõ.

Lúc này ba thằng con trai đã ra trình diện người bạn… già. Ông thanh tra xoa đầu bé Sabine:

- Ông ta có làm cháu đau không hở?

- Dạ, không đau lắm ạ. Ông ấy chỉ bóp vào tay cháu và làm cháu sợ.

- Cháu biết ông ta không?

Con bé lắc đầu:

- Không ạ. Chỉ thấy ông ấy đội mũ, đeo kính râm, đem theo một cái gói. Ngoài ra ông ta còn nói dối. Bảo sẽ đi về nhưng đâu có về. Ông ấy quay lại rình cháu mở cửa.

Cuộc “thẩm vấn” tạm ngừng ở đây. Không tạm ngừng sao được khi động cơ xe hơi đã rền lên ngoài sân. Ái chà, gia chủ đã về. Tarzan ngước mắt nhìn hai vợ chồng Ludwig và Helga Droselhoff đang chạy vào hớt ha hớt hải. Người thiếu phụ này hắn mới trông thấy lần đầu tiên. Chị có khuôn mặt xinh xắn, mái tóc nâu và cái mũi hếch. Nhưng khuôn mặt đó hiện giờ tái nhợt.

Hai mẹ con lao tới ôm chầm lấy nhau. Droselhoff đảo mắt nhìn quanh:

- Lạy Chúa, chuyện gì đã xảy ra vậy?

Làm sao anh ta không nhận ra TKKG. Nhưng nét mặt anh ta tỉnh bơ.

Tiếng người vợ nức nở:

- Em đã nói trước mà, Ludwig. Chúng ta không được để bé Sabine ở nhà một mình.

Thanh tra Glockner trầm giọng:

- Chị hãy bình tĩnh. Bé Sabine đã an toàn. Xin tự giới thiệu, tôi là thanh tra Glockner. Anh Droselhoff, chắc anh còn nhớ anh và tôi đã nói chuyện điện thoại với nhau về Krawutschke. Còn việc vừa xảy ra, theo nhận định ban đầu thì thế này…

Ông thanh tra bắt đầu kể lại các tình tiết theo nội dung phát hiện của thầy Lattmann.

Tarzan nghĩ ngợi lắm. Hôm thứ sáu rõ ràng Krawutschke đã rình rập sau góc nhà. Mà 90% là gã định bẻ xương Droselhoff. Chỉ 10% là định ăn trộm. Còn bây giờ, một hung thần khác mò đến lừa bé Sabine và cuỗm đi hàng xấp tài liệu. Trong một giây, mắt Tarzan sáng lên. Trời ạ, gã đàn ông mới toanh này cực khổ như vậy nhằm mục đích gì nữa nếu không ngoài việc cướp tài liệu về phát minh “X-U-1%-Gamma-Chip” hả trời?

Đúng như hắn đã nghĩ, Droselhoff là người đầu tiên chết điếng khi bước vào phòng làm việc. Anh ta lao đến bàn giấy, cúi xuống lục tung tóe rồi ngơ ngác đứng dậy như hóa đá, cặp mắt kinh hoàng, thoạt tiên không thốt nên lời. Cuối cùng anh ta lắp bắp giữa không khí im lặng căng thẳng:

- Tài… tài… liệu… mất rồi!

Ông Glockner ngạc nhiên:

- Tài liệu nào?

Droselhoff buông người xuống chiếc ghế bành:

- Đời tôi tiêu tùng rồi! Tiêu tất thảy. Vừa nhậm chức đã toi sự nghiệp. Ồ không, không thể được. Sao chuyện này lại xảy ra với tôi chứ?

- Anh hãy hệ thống lại các ý nghĩ giùm tôi. Nào, anh kể từ đầu coi.

Droselhoff gật gật:

- Vâng. Kể từ chiều thứ sáu, tôi được cấp trên đề bạt làm lãnh đạo phòng nghiên cứu ở WBCB. Kết quả nghiên cứu “X-U-1%-Gamma-Chip” của chúng tôi cần được đưa vào thử nghiệm trước tiên trong một loại Computer đặc biệt nhằm tái sử dụng rác thải công nghiệp. Đây là một công trình sẽ làm cách mạng cho nền kinh tế của phương tây. Nó sẽ rất tiện dụng, tiết kiệm, gìn giữ môi trường và áp dụng được ở bất cứ đâu trên Trái Đất. Với công trình này, hành tinh của chúng ta tránh được nguy cơ biến thành cái thùng rác. Nhưng làm sao tránh được bọn cạnh tranh?

- Anh làm ơn nói rõ hơn xem nào?

- Nghĩa là có những công ti muốn cản trở công trình này. Họ muốn thế để quy trình cũ vẫn được sử dụng và họ vẫn bán được các máy móc lỗi thời của họ dài dài trên thị trường.

- Cụ thể là các công ti nào thế?

- Nhiều công ti. Nhưng đây không phải là lãnh vực chuyên môn của tôi. Những người khác trong WBCB có thể cho ông những thông tin rõ ràng hơn. Không, tôi không chỉ nghĩ đến những công ti ấy. Cả những công ti gián tiếp cạnh tranh với chúng tôi trên thị trường cũng tiến hành những nghiên cứu tương tự. Tuy nhiên họ còn cách xa đích lắm. Và việc nghiên cứu ngốn hàng triệu mark. Thật rõ như một cộng một bằng hai là…

Anh ta ngưng lại dụ dự trước một cái tên tập đoàn. Có điều thanh tra Glockner lại hiểu ý khác. Ông tiếp lời:

- … là có kẻ tính tận dụng những thành tựu khoa học phi thường của người khác để vụ lợi cho các sản phẩm của mình chớ gì. Tôi đoán anh muốn nói gì rồi. Kiểu ăn cướp trí tuệ mà không hề xin phép chủ nhân đó, gọi là… gián điệp công nghiệp.

Droselhoff thở phào. Anh ta gật đầu như một cái máy.

- Anh có nghi ngờ đặc biệt nào không?

Viên kĩ sư thiết kế giữ vai trò lãnh đạo nghiên cứu của tập đoàn WBCB nhún vai:

- Tôi không dám nghi ngờ cụ thể. Trong vấn đề này, tôi… tôi cũng thấy mình phần nào có lỗi.

- Sao?

- Thông thường những tài liệu mật quan trọng như thế này không ai dại dột gì mang về nhà. Nhưng do tới chiều thứ sáu tôi mới nhận nhiệm vụ nên đành phải bắt tay vào tìm hiểu công việc ngay. Cho nên vừa hết giờ hành chính là tôi đã…

Mặt anh ta lộ vẻ tuyệt vọng. Thanh tra Glockner nhận xét:

- Phải, kể cũng khá là nhẹ dạ.

- Vâng. Tôi hiểu. Nhưng mấy ai học được chữ ngờ.

- Lẽ ra anh phải cảnh giác mới phải chớ. Chính anh cũng hiểu rằng tên lưu manh Krawutschke từng rình mò ở đây kia mà. Bây giờ thì đã rõ là gã toan đột nhập vào nhà anh.

- Ồ, thật vậy ư?

Ánh mắt của Droselhoff trở nên hoang vắng, đảo khắp phòng, rồi trở lại nơi ông Glockner:

- Tôi cứ nghĩ rằng gã đã bị bắt thì… không còn mối đe dọa nào khác.

Thanh tra Glockner nói thêm:

- Rõ ràng thủ phạm biết rất rõ, gã chỉ vào nhà một lúc mà tìm được đúng chỗ ngay. Nhưng tất nhiên, ai cũng biết chỗ của tài liệu nghiên cứu là ở trong ngăn bàn giấy, chứ không phải ở dưới bồn rửa trong bếp rồi.

Rồi ông quay sang Tứ quái:

- Bây giờ chúng ta hãy sang chỗ thầy dạy họa của các con. Ông ấy đã nhìn thấy thủ phạm.