Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 51: Tiếp Tục Giải Mã Bí Ẩn


Bình Kín Miệng đi đến chỗ cánh cửa đá của thông đạo, sờ soạng bản lề, nói: “Đây đích thực là một cơ quan, hơn nữa còn cực kỳ đơn giản, chỉ có thể gạt trẻ con, vì thế hai mươi năm trước chú Ba của cậu không nhận ra, nhưng hai mươi năm sau thì đã hiểu được”.

Tên mập thấy hắn có vẻ đã biết được điều gì, liền nói: “Tiểu Ca, cậu biết thì nói mau đi, đừng úp úp mở mở nữa, bà nó chứ, tôi sốt ruột chết đến nơi rồi!”.

Bình Kín Miệng nói: “Tôi lấy ví dụ nhé, ông nghe sẽ hiểu ngay. Nếu có một căn nhà hai tầng, mỗi tầng có một phòng, ông từ căn phòng ở tầng hai bước ra, lúc này tôi ở phía dưới tầng một xây thêm một tầng nữa, đến khi ông quay trở lại thì căn phòng tầng hai đã trở thành tầng ba mất rồi, còn phòng tầng một sẽ thành tầng hai”.

Ví dụ này thực ra không sát lắm, tên mập nghe chả hiểu gì, chìa ngón tay ra đếm: “Một hai, hai một, một hai một, bà nó chứ, một hai ba cái gì thế, càng nói tôi càng hồ đồ”.

Tôi thì hiểu ngay vấn đề, thang máy mà chú Ba từng nói không ngờ lại ám chỉ ý đó, xem ra lúc mới phát hiện bí mật thì đầu óc chú nghĩ ngay đến từ này. Tôi vừa cảm thán vừa không khỏi kinh ngạc, đây quả thực là một chuyện không lường được nhưng lại vẫn nằm trong logic, kết cấu này không hề phức tạp, đích thực chỉ có thể dùng làm trò gạt trẻ con.

Thấy tên mập thực sự không thể nào hiểu được, tôi giải thích lại cho y một lượt, bấy giờ y mới vỡ lẽ, bất chợt nổi hứng lên nói: “Thì ra là thế, mẹ nó, không ngờ đơn giản thật đấy. Tôi cứ tưởng có bí ẩn gì ghê gớm lắm bên trong, thì ra cũng chỉ đến thế mà thôi”.

Lòng tôi thầm hổ thẹn ghê lắm, tôi vốn là dân kiến trúc, cơ quan này hoàn toàn nằm trong phạm trù kiến trúc học, vậy mà tôi chẳng hề phát hiện chút nào, đáng phải kiểm điểm. Xem ra bất kể chuyện gì cũng nên suy nghĩ theo hướng đơn giản hóa đi thì tốt hơn.

Vẻ mặt Bình Kín Miệng không hề nhẹ nhõm, hắn kiểm tra kỹ bản lề cửa rồi lại đến quan sát nước trong lỗ phun, nhìn hành động của hắn như thể có điều gì đó vẫn chưa thông suốt, tôi hỏi: “Sao thế, vẫn còn vấn đề à?”.

Hắn gật đầu, nói: “Những gì chú Ba kể so với những chuyện chúng ta đã trải qua có mâu thuẫn rất lớn, không biết cậu có nhận thấy không?”.

Tôi nghi hoặc nhìn hắn, thực ra tôi còn thấy cách giải thích vừa nãy của hắn cũng có chút không thỏa đáng, nhưng cụ thể chỗ nào thì bản thân tôi cũng nghĩ không ra. Bình Kín Miệng nói: “Chú Ba nằm trong chính gian phòng này, chưa hề ra khỏi thông đạo, bất kể là căn phòng lên xuống thế nào thì đáng ra chú ấy vẫn phải ở cùng một căn, sao có thể biến đổi được”.

Tôi choàng tỉnh, đích thực là như thế. Hắn tiếp tục nói: “Hơn nữa, gian buồng mé trong mộ cổ luôn có hai bên đối xứng, không thể chỉ có một gian. Theo lý thì ở phía đối diện chúng ta phải còn một gian nữa mới đúng”.

Chúng tôi đi vào thông đạo, cầm đèn pin lên soi thì chỉ thấy phía trước là một bức tường gạch làm bằng bạch ngọc, không hề có cửa nẻo gì. Bình Kín Miệng áp sát tai vào vách tường, hai ngón tay ấn lên khe gạch lần mò từng chút một, sờ soạng suốt hơn chục phút thì hắn quay lại lắc đầu, xem ra đây là tường gạch thật một trăm phần trăm.

Tên mập đợi mãi sốt ruột, ngáp dài nói: “Đừng có quan tâm phòng mé gì gì nữa, bà nó, vẫn còn chưa tìm được đường ra đây này. Cho dù tìm hiểu rõ ngọn nguồn thì cũng vẫn chết mòn trong mộ còn gì?”.

Tên mập nói rất có lý, tôi thở dài, nghĩ bụng chú Ba làm thế nào mà cả hai lần đều thoát ra được nhỉ? Rốt cuộc thì chú đã dùng cách gì đây? Lần thứ hai thoát ra trên người chú cũng không có thiết bị lặn, chẳng lẽ chú cứ thế nín thở bơi từ trong mộ cổ ra ngoài?

Trong số những chuyện chú từng trải qua chắc chắn phải có vài chuyện mà tôi không biết. Lão già gian xảo đó nhất quyết không nói, chú Ba ơi là chú Ba, chú có biết mấy câu lấp liếm vớ vẩn của mình rất có thể sẽ hại chết thằng cháu chú ở dưới đáy biển sâu mười mấy mét này không hả?

Cả hai người kia đều im lặng như thể đang suy nghĩ lại toàn bộ vấn đề. Tôi thầm suy tính, thực ra đi khỏi mộ cổ cũng chỉ có mấy con đường, một là lần theo lối cũ, điều này đương nhiên không thể, trừ phi phổi của chúng tôi khỏe như cá heo. Khả năng thứ hai là tìm ra đường hầm bí mật năm xưa những người thợ xây để lại, trên đấu cạn đây vốn dĩ đã là cách tốn sức gấp rưỡi rồi, còn ở dưới đấu biển thì chỉ e không thực tế cho lắm. Lý do là bởi cả ngôi mộ được xây hoàn thiện trên thuyền trước rồi mới thả chìm, nếu có đường hầm cũng chắc chắn sẽ thông xuống biển, nước biển trở thành vật trung gian ngăn cách âm dương lợi hại nhất. Thứ ba, cũng chính là chiêu vụng nhất, cứ thế đào tường đi ra. Tôi ngước nhìn bảo đình chỉ thấy toàn những gạch mà không khỏi thở dài, xem ra cho dù khoét thủng được thì cũng là một công trình lớn.

Tôi thử tự mình thiết kế ngôi mộ đáy biển này xem nếu áp dụng nguyên lý kiến trúc đơn giản nhất thì phía trên bảo đình sẽ có khả năng là thứ gì.

Lúc này có thể khẳng định chắc chắn nếu chỉ dùng gạch thì không thể hình thành kết cấu kín khí như thế này. Ở giữa khe gạch chắc chắn có trát đất sét, bên trên có lẽ còn nhiều tấm ván gỗ phủ sáp làm lớp cách thủy, mặt trên cùng trét thêm đất sét.

Nghĩ đến đây, đầu óc tôi chợt lóe lên, một kế hoạch rất lớn gan xuất hiện, tôi hưng phấn nói với hai người kia: “Thực ra chúng ta cũng không phải sợ, tôi đoán chúng ta chỉ cách mặt nước biển có hơn chục mét thôi, đỉnh mộ chắc sẽ cách mặt biển không xa lắm. Ngôi mộ để chứa được kết cấu như thang máy thì chắc chắn cần phải xây rất cao, nếu hết cách chúng ta có thể khoét thẳng lên trên. Mặt nước cách phía trên đấu không xa lắm, nếu làm lúc thủy triều rút, tôi tính chỉ cần cát bên trên không sập xuống thì vẫn có cơ hội thoát”.

Tên mập xua tay, lười nhác nói: “Lúc vào chúng ta có mang theo công cụ gì đâu, trên kia toàn đá tảng, lấy gì ra đục, dùng tay chắc?”.

Tôi nói: “Chuyện này ông không hiểu rồi, mộ thuyền chìm đáy biển phần lớn đều dùng gạch rỗng, chịu lực nén được chứ không chịu được lực va đập. Chỉ cần tìm mấy đồ kim loại gõ mạnh mấy cái là sẽ thủng ngay”.

Tên mập nghe thế liền phấn khởi hẳn lên, nói: “Chà, cách này nghe cũng khả thi đấy, chúng ta đừng đổ đấu cái khỉ mẹ gì nữa, lục lọi kiếm ít công cụ luôn thôi. Ngôi mộ này to như vậy, bên trong gian mộ chính chắc chắn có đồ đồng bồi táng”.

Tên này lúc nào cũng thế, nếu bản thân chết chắc là y chẳng thiết làm gì nữa, nhưng chỉ cần biết còn một tia hy vọng là y sẽ điều động hết toàn bộ trí tuệ ra dùng. Tôi suy tính thật nhanh, chẳng mấy chốc đã có một phương án sơ lược về cách khoét hang. Hồi đại học tôi theo ngành kiến trúc, mấy món này đã quá quen thuộc. Kiểm tra kỹ một hồi thấy mọi phương diện đều đạt yêu cầu, chỉ cần đường hầm hoàn thiện trong vòng mười mấy phút thủy triều rút thì khả năng thoát được là rất lớn!

Lúc này Bình Kín Miệng nói: “Từ giờ tới khi thủy triều còn khá nhiều thời gian, không khí trong này không biết sẽ cầm cự được đến khi nào, tất cả đành trông vào ý trời vậy”.

Tên mập nhảy dựng lên, nói: “Tổ sư nó, thế thì đừng có đợi thủy triều rút với chả thủy triều dâng gì nữa, đi tìm công cụ về đục đã nào. Chết kiểu này ức lắm, tôi thà đi tìm một cái bánh tông để nó cắn cho chết còn hơn!”.

Tôi vốn định bảo y rằng nếu đào thông lối thoát khi thủy triều chưa xuống, nước trên đỉnh đầu ít nhất sâu hai mét, một khi nước xối vào thì đừng mong có thể bò ra. Cả gian mộ bé tí xíu này chắc chỉ cần vài phút là ngập nước. Có điều thấy y hào hứng quá nên tôi cũng không định dội nước lạnh lên đầu y.

Cả ba người lấy lại tinh thần chỉnh trang đồ đạc rồi đi vào thông đạo. Mới ra khỏi cửa thông đạo thì cả ba đã nhất loạt sững người, tên mập mắng: “Bà nó chứ, sao chỗ này ta môn thế”.

Phía trước chúng tôi vốn phải là một ngõ cụt thì nay lại xuất hiện một cánh cửa. Tôi soi đèn chiếu thẳng vào trong, một cỗ quan tài khổng lồ bằng gỗ sụ nam mộc nằm trong đó.