Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 75: Phụ Lục


Phần 1: Thất Tinh Lỗ vương cung

Chương 29: Lý giải về chìa khóa trong miệng nữ thi

Chú Ba liếc nhìn, nói: “Đây chỉ là hộp mê cung thôi, không gian bên trong chủ yếu được dùng để lắp khóa, chẳng đựng được mấy đồ. Cái hộp này khó mở lắm, mày xem”. Chú vặn nắp hộp, cả bốn góc đáy hộp liền xòe ra để lộ một bàn xoay bên trên có tám cái lỗ, trên mỗi lỗ đều có một con số nhìn rất giống hộp quay số của điện thoại thời xưa. “Loại hộp này là hộp mật mã cổ xưa nhất, mày phải biết mật mã mới mở được”.

Tôi trả lời: “Không phải đâu, đây là chìa khóa cháu tìm được trong miệng của nữ thi trên bệ đá. Chú xem này, nó cắm vừa vặn vào lỗ khóa”.

Chú Ba đón lấy cái chìa, ướm thử vào lỗ khóa, ồ lên một tiếng: “Cái chìa này không dùng để mở hộp mà dùng để khóa hộp. Hộp mê cung muốn mở thì phải có mã số, nhưng không đóng bằng mã số. Khi nào mày mở được hộp ra, muốn đóng lại thì mới dùng cái chìa khóa này”.

Tôi hỏi chú có tìm được chuyên gia mở loại hộp này không. Chú nghĩ một lúc rồi thở dài, loại người đó chỉ may mắn gặp chứ dù muốn cũng chẳng tìm được, nếu đi tìm thì thà rằng tìm lấy cái đèn khò để cắt ra cho nhanh.

Tôi loay hoay hồi lâu nhưng cái hộp vẫn không suy chuyển gì, chỗ quay mã số có tám lỗ, mỗi lỗ quay lần lượt mười con số, tổ hợp mũ tám lên thì từ 00000000 đến 99999999, không biết đến đời nào mới lần ra được.

Chú Ba thấy tôi ngồi thừ ra mân mê cái hộp, liền đánh tiếng một câu rồi trở về phòng mình.

Tôi cố nhớ lại xem trong Lỗ vương cung đã từng thấy vật nào có dãy tám chữ số bao giờ chưa? Trên quan quách bằng đồng dường như có mấy chữ số, nhưng có lẽ không đủ tám vị trí này, ngoài ra mật mã tám số, chẳng lẽ là 02200059? Không thể nào, đây là những con số in trên khóa thắt lưng của tay người Mỹ cơ mà. Nghĩ đi nghĩ lại, tôi quyết định thử xem sao, 0 - 2 - 2 - 0 - 0 - 0 - 5 - 9, cạch một tiếng, tôi đờ người, cái hộp phát ra một tràng âm thanh giống như tiếng lò xo, nắp hộp đã tự động mở ra.

Phần 2: Nộ hải tiềm sa

Chương 1: Xà Mi Đồng Ngư (Phần liên quan đến nhân vật James)

Tôi cầm cái điện thoại đi động đó lên, màn hình hiện số điện thoại nước ngoài, tôi cũng không chần chừ, áp lên tai rồi ấn vào nút nghe.

Tôi vẫn luôn rất tò mò với hội người nước ngoài đã đến Lỗ vương cung ngày đó, cái điện thoại di động này có lẽ là của một trong số họ, thầm nghĩ phải nhân cơ hội tìm hiểu xem đám đấy rốt cuộc là thế nào.

Điện thoại vừa thông, tôi đã nghe đầu bên kia có người hô lên: “Gọi được rồi! Rốt cuộc cũng gọi được rồi!”, sau đó là một tràng hỗn loạn, dường như có nhiều người vây xung quanh, cả đám xì xồ một hồi, có tiếng Anh, có tiếng Trung. Một lúc sau, bên kia hình như đã chuyển máy cho một người khác. Người đó hỏi: “James, thứ đó lấy được chưa?”.

Tôi không ngờ đó là một người phụ nữ, nhất thời không biết nên trả lời thế nào, ậm ừ hồi lâu. Người phụ nữ hết sức cảnh giác, ngưng một lúc rồi hỏi: “James?”. Tôi vẫn nín thinh, bỗng đầu dây bên kia hạ giọng: “Ai đấy?”.

Ông đây là ai à, nói cho cô biết có họa ông bị dở hơi! Tôi liền đổi giọng hỏi ngược lại: “Cô là ai?”.

Đối phương kêu lên một tiếng, cúp máy nhanh như chớp. Tôi ngây ra, mẹ nó chứ, bọn này gian thật, chưa nói xong đã dập máy. Tôi nghĩ bụng, cô cúp máy cũng được, để ông đây gọi lại xem cô làm thế nào. Tôi ghét nhất là bị phụ nữ coi thường, nóng mặt lên, ngay lúc ấy màn hình điện thoại bỗng tối đen, tự động ngắt nguồn.

Tôi nghĩ, cái điện thoại này pin cũng khá thật, bị vứt lại trong rừng rậm ít nhất cũng hơn một tuần trời mà đến tận giờ mới hết pin là quá tốt rồi. Tôi cũng không động đến nó nữa, định bụng quay về Hàng Châu sẽ mua sạc pin rồi tính sau.

Im lặng một hồi, tôi nhắm mắt đi ngủ, mơ toàn thấy mộ đạo tối tăm, con mắt không tròng, cây khổng lồ, sau cùng là mơ thấy con cáo mắt xanh, sợ quá bừng tỉnh. Tỉnh dậy thấy còn mệt hơn lúc chưa ngủ, mẹ nó chứ, về Hàng Châu có khi phải đi bác sỹ tâm lý chứ cứ thế này không khéo chưa được nửa năm đã bị trầm cảm mất.

Tôi thấy chú Ba đang mở mắt trừng trừng, biết chú ấy cũng khó chịu lắm, nhưng dẫu sao chú ấy cũng là người từng trải, bề ngoài không thể hiện gì. Tôi nhìn đồng hồ, còn nửa tiếng nữa mới đến Hàng Châu, liền hỏi chú: “Chú Ba, về rồi chú có dự định gì không? Còn định đi đổ đấu nữa không?”.

Chú Ba dường như đang nghĩ gì đó, nín thinh một lát rồi nói: “Sao lại hỏi thế?”.

Tôi trả lời: “Chú xem lần này, mới có vài ngày mà chúng ta suýt nữa mất mạng mấy lần, loại đấu này về sau có đổ có khi chẳng còn đường mà về nữa ấy chứ. Cháu xem bộ dạng chú, sau lần này nghỉ hưu luôn thì hơn”. Đây là lời nói thật lòng của tôi. Phan Tử hiện giờ không biết tình hình thế nào, Khuê béo thì chết rồi, mất hai trợ thủ, chú Ba tuổi cũng đã cao, nếu còn đi đổ đấu nữa khéo một đi không trở lại mất.

Chú Ba gật đầu, lại lắc đầu: “Mày nói thì đúng, nhưng tao còn nợ ân tình người ta, dù thế nào cũng phải trả, không phải muốn nghỉ là nghỉ được đâu”.

Nói rồi, chú lấy từ túi áo trong ra một vật, đưa qua cho tôi xem. Đó là một con cá bằng đồng hết sức tinh xảo, đại khái chỉ to bằng ngón tay út của tôi, trên mí mắt con cá đồng là hai con rắn biển, điêu khắc ở trình độ cao, mỗi cái vẩy cá cực kỳ tinh xảo, chỉ có điều hơi tiếc là ở khe giữa những cái vẩy có nhiều cặn trắng mịn, bám cứng. Tôi vừa nom thấy là hiểu, nói: “Hàng biển đúng không ạ?”.

Chương 6: Tề Ân (Chú Ba nói từ “thang máy” lúc nào)

Tôi lên xe về lại khách sạn, mới bước vào cửa liền nghe điện thoại đổ chuông. Mới đầu nghe thấy loáng thoáng gì đó về bệnh viện, tôi liền cho là Phan Tử đã tỉnh lại, hỏi ra mới biết không phải, đó là điện thoại từ Tề Ângọi đến. Đến khi nghe xong mới sợ hãi, thì ra chú Ba gặp tai nạn rồi, bây giờ đang phải cấp cứu. Tôi nhận tin mà đầu đẫm mồ hôi, bên kia giục tôi đến nhanh, sự tình vô cùng phức tạp, nếu xử lý không tốt thì hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi sợ quá, vội vã thu dọn đồ đạc, bay đến Tề Ân ngay trong đêm.

Chỗ này trễ một chút, chỗ kia trễ một chút, mãi đến trưa ngày thứ hai tôi mới đến được bệnh viện đó. Chú Ba đang nằm trong phòng săn sóc đặc biệt, tôi không vào được liền tìm bác sỹ giải thích về quan hệ của mình với bệnh nhân. Bác sỹ chịu trách nhiệm chính thấy tôi liền gọi vào phòng làm việc, hỏi: “Anh là thân nhân của người chết à?”.

“Chết… người chết!” Tôi sợ quá: “Chẳng lẽ chú Ba…?”.

Bác sỹ kia vội vàng xin lỗi: “Rất xin lỗi, rất xin lỗi, gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn trên biển, chết tới hơn ba mươi người rồi, mấy hôm nay tôi bận đến mụ đầu, đúng ra phải là người bị thương. Anh là thân nhân của người bị thương à?”.

Tôi gật đầu: “Tôi là cháu ông ấy”. Bác sỹ bảo: “Chú anh đã qua cơn nguy kịch, chẳng qua bây giờ chưa nói chuyện được, anh có thể yên tâm”.

“Ông ấy vì sao mà bị thương?”, tôi hỏi.

Bác sĩ liếc nhìn tôi, bộ dạng có vẻ khó xử: “Tôi cũng không rõ, ông ấy được ngư dân cứu cùng những người bị nạn trên biển, lúc đó đã hôn mê sâu. Có điều ông ấy lại không nằm trong danh sách hành khách lên tàu, kỳ lạ nhất là trong tay ông ấy còn nắm một vật”.

Bác sĩ mở ngăn kéo lấy ra một cái túi đưa cho tôi, tôi vừa xem thì thấy bên trong là một mớ tóc dài. Bác sĩ nọ nói tiếp: “Trong lúc hôn mê, ông ấy còn lảm nhảm, nhưng tiếng địa phương các anh nên tôi không hiểu. Tôi nghĩ chắc có liên quan đến việc ông ấy bị thương liền ghi âm lại, anh nghe xem thế nào”.

Tôi nói lời cảm ơn. Ông ta liền rút điện thoại ra bấm, tôi nghe thấy tiếng chú Ba đang nhắc đi nhắc lại một câu. Tôi nghe kỹ, thì ra chú ấy nói: “Thang máy!”.

Tôi nghe vài lần, chắc chắn rằng mình không nghe nhầm, bỗng thấy buồn bực. Bác sĩ hỏi tôi: “Anh có nghe rõ không?”.

Tôi cười buồn: “Nghe thì rõ nhưng không hiểu ý ông ấy là gì”.

Từ đầu tôi đã đoán chắc chú Ba vừa mới từ đấu biển lên, người mới đi lên từ đấu biển hẳn thế nào cũng nói mấy từ liên quan đến quan tài, bánh tông hay đại loại thế, sao ở đây lại kêu “thang máy”? Chẳng lẽ chú ấy nhìn thấy một cái thang máy dưới đấu biển? Thế thì kỳ quặc quá, tôi cứ nghĩ mình nghe nhầm, nhưng phát âm chữ “thang máy” ở quê tôi là độc nhất vô nhị.

Để chứng thực cho cách nghĩ của mình, tôi lại hỏi bác sĩ: “Khi được cứu, có phải ông ấy đang mặc đồ lặn không?”.

Bác sĩ gật đầu: “Tôi cũng nghe mấy quân nhân nói, khi phát hiện ông ấy thì trên mình đang mặc một bộ đồ lặn bó sát nhưng lại không có thiết bị lặn nào cả. Sau đó, họ tiến hành điều tra, chú anh ban đầu đi cùng bốn người bản địa. Họ thuê một thuyền cá cỡ vừa, đăng ký với cơ quan Quản lý biển là đi khảo sát khoa học. Bây giờ bốn người đó đều mất tích, đội cứu hộ vẫn đang tìm kiếm ngoài khơi. Họ đoán là chú anh trôi theo hải lưu về, nhưng nơi xảy ra sự việc cụ thể thì không dễ ước lượng chút nào”.

Tôi thở dài, biết là mình đoán không lầm, chú Ba đúng là lại đi vào đấu biển lần nữa, nhưng chú ấy làm cách nào mà tìm đến nơi? Chẳng lẽ chú ấy nói không tìm thấy đấu biển là nói dối? Lão cáo già này rốt cuộc đã giấu giếm tôi điều gì.

Bác sĩ nọ thấy tôi không nói gì liền chào để ra làm việc. Tôi cứ đứng trong phòng làm việc của ông ta cũng bất tiện nên để lại một tấm danh thiếp rồi đi, vừa ra tới cổng bệnh viện thì có tiếng chuông điện thoại reo.

Điện thoại của tôi thì đã tắt vì sợ ảnh hưởng đến các thiết bị trong bệnh viện, vì vậy ban đầu tôi còn tưởng là chuông điện thoại của người khác, có điều âm thanh này rất chói tai, lại ngay cạnh tôi. Tôi lắng nghe kỹ, phát hiện thì ra nó phát ra từ trong túi của mình.

Tôi nghi hoặc mở ra, bỗng rùng mình, hóa ra là cái điện thoại tìm thấy trong rừng rậm đang không ngừng nhấp nháy.

Lúc này thì tôi có chút khó hiểu. Tôi đã sớm quên mất sự tồn tại của nó, không ngờ nó vẫn còn ở trong túi của tôi, hơn nữa qua thời gian lâu như vậy mà còn có thể kêu. Tôi chưa từng thấy một cái điện thoại di động nào mà pin lại bền đến thế.

Tôi ngần ngừ một lúc, cái điện thoại này hẳn là do đám trộm mộ trước chúng tôi bỏ lại trong rừng rậm. Không rõ tốp người Tây kỳ quái kia đến đó làm gì, cũng có thể thông qua cái điện thoại này để tìm ra chút manh mối, nếu có gì bất thường thì cứ vứt béng đi là được. Nghĩ như thế, tôi liền áp điện thoại lên tai rồi ấn phím nghe.

Cuộc gọi vừa thông, tôi nghe thấy luôn một giọng nữ: “Chào ngài Ngô”.

Tôi đờ người, đối phương biết tên mình! Thật là kỳ quái hết sức, mất một lúc tôi không biết đáp thế nào, chỉ có thể trả lời theo thói quen: “Xin chào?”. Vừa nói xong, bỗng nhien có một bàn tay thò ra từ phía sau lưng bịt chặt miệng tôi. Tôi lập tức ngửi thấy một mùi cay xộc vào mũi, trong lòng kinh hoàng, có tên chết tiệt nào đấy đánh thuốc mê tôi.

Tôi ngần này tuổi chưa từng bị đánh thuốc mê bao giờ, nhất thời không biết phải làm thế nào, chỉ thấy tay chân loáng một cái đã mất cảm giác. Tôi dùng hết sức giãy đạp, bỗng sau gáy lại bị đập một gậy, không biết kẻ nào ra tay mà ác thế. Trong lúc mơ màng tôi còn loáng thoáng nghe thấy một giọng nữ nói: “Mang hắn lên thuyền”.

Sau đó liền có người nâng tôi lên. Từ đầu đến cuối tôi vẫn còn chút tỉnh táo, chỉ cảm thấy mình như đang mộng du, đầu tiên là bị ai đó kéo đi một đoạn, bị ném lên ghế sau ô tô, trên đường xóc lên xóc xuống, tới lúc dừng xe lại tiếp tục bị lôi lên thứ gì bồng bồng bềnh bềnh, rồi chỉ thấy lắc qua lắc lại, lắc tới mức tôi càng lúc càng thấy khó chịu.

Không rõ bao lâu, đầu tôi chợt lạnh rồi tỉnh lại, mở mắt nhìn chỉ thấy một sắc xanh lam mênh mông. Lúc ấy lại có một thứ lạnh toán ập đến, tôi chợt hiểu ra, trước mặt tôi là cả một vùng đại dương rộng lớn.

Nói cho chính xác, tôi đang tựa lên mạn của một ngư thuyền cũ kỹ, bốn bề là biển, không có lấy một dải đá ngầm hay một hòn đảo nào. Tôi quay đầu lại nhìn, có vài ngư dân bản địa da đen bóng đang đứng ở đầu thuyền kéo một vật gì đó.

Nhòm qua mạn thuyền có thể thấy con thuyền này đã thả neo, nhưng vẫn rung lắc rất mạnh, thỉnh thoảng lại có sóng đánh vọt quá mạn thuyền. Cảm giác mát lạnh vừa rồi của tôi hẳn là bị nước biển táp vào. Tôi cử động tay chân, phát hiện ra mình không hề bị trói, thấy cũng kỳ quặc. Lúc ấy, từ trong khoang thuyền có một cô gái mặc bộ đồ lặn bó sát, tóc ngắn, đeo một cái kính râm, tay cầm túi của tôi. Tôi vừa trông thấy đã hoảng hồn, đứng dậy hỏi: “Cô là ai?”.

Cô gái nọ không thèm để ý đến tôi, đi lại mạn thuyền, cầm một cái bộ đàm gọi mấy tiếng, vài phút sau, đột nhiên, có mấy người nhái trồi khỏi mặt nước, bò lên thuyền. Một trong số đó bỏ ống oxy ra, thở một hơi rồi nói: “Cũng không phải nơi này. Có lẽ phải đi thêm một đoạn nữa!”.

Cô gái nhìn nước biển xanh trong tới đáy, cười vỗ vai người nhái kia rồi đi lại phía tôi. Tôi thấy trên ngực cô ta có dòng tiếng Anh: Công ty Thám hiểm Tài nguyên biển.

Cô ta cười với tôi, hỏi: “Ngài Ngô, ngài đang nhìn đi đâu thế?”.

Tôi lập tức đỏ mặt, cô ta liền đưa cái túi cho tôi, cười bảo: “Đi theo tôi”.