Chăm Pa Ẩn Sương

Chương: Chăm Pa Ẩn Sương Phần II- Hồi 7


Hồi 7: Tháp thông thiên

Quân đội nhân dân Cộng hòa Miến Điến từng ở gần Lashio, tấn công chiếm đóng sân bay quân dụng do người Anh xây dựng, trong nhà kho không quân còn bảo lưu rất nhiều chiến đấu cơ kiểu cũ bị hỏng hóc từ những năm trước, trong đó có một chiếc máy bay kiểu dáng giống với chiếc máy bay trong ảnh, hình thù quái dị của nó khiến người ta chỉ nhìn qua một lần là không thể quên được, tàn tích của loại máy bay này rơi xuống lòng núi, bọn họ cũng trông thấy không ít lần.
Bởi thế Tư Mã Khôi và La Đại Hải có thể phân biệt rõ ràng và nhận ra chiếc máy bay có hình thù kỳ quái này. Có lẽ đó là loại máy bay tiêm kích vận tải do người Anh chế tạo. Máy bay tiêm kích của không quân Hoàng gia Anh được sử dụng rộng rãi trong thời kỳ đại chiến thế giới thứ hai, số hiệu và chủng loại rất nhiều, ví dụ như “máy bay tiêm kích chiến đấu, máy bay phản tiêm kích ngư lôi, máy bay tiêm kích ném bom hạng nhẹ, máy bay tiêm kích thám thính, máy bay tiêm kích vận tải” v.v…Loại hình máy bay này vừa linh hoạt vừa tốc độ, vô cùng thích hợp để phi hành ở những khu vực nhiệt đới khí hậu phức tạp, dễ thay đổi. Trước đây, hàng loạt máy bay tiêm kích phục dịch không ngớt trên bầu trời Miến Điện, nhưng chủ yếu là loại tiêm kích hạng nhẹ và tiêm kích trinh sát, còn loại vận tải đã được cải tiến như trong ảnh thì không thường nhìn thấy lắm.
Tư Mã Khôi nói với Ngọc Phi Yến, loại máy bay cổ lỗ sĩ này đã sớm rút vào vũ đài lịch sử từ đời thủa nào, vậy mà các cô còn mạo hiểm và sẵn sàng trả giá đắt như vậy để đi tìm, e rằng chẳng phải chỉ vì bản thân chiếc phi cơ. Chắc chắn bên trong khoang chứa còn cất giấu bảo vật gì vô cùng quan trọng. Nhưng vì sao nó lại ở trong núi Dã Nhân? Và vì sao có người không tiếc tiền bạc thuê đội thám hiểm đi tìm kiếm nó? Trộm nghĩ trong đó chắc chắn phải ẩn chứa một nguyên do bí mật không thể tiết lộ.
Ngọc Phi Yến gật đầu thừa nhận phán đoán của Tư Mã Khôi là đúng, có điều cũng chẳng có nguyên do gì không thể tiết lộ. Thì ra sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, trước thềm các nước Miến Điện, Ấn Độ v.v… thoát khỏi ách thống trị của chế độ thuộc địa thực dân Anh, người Anh đã phái không quân đến chuyên trở hàng loạt bảo vật quý hiếm cướp bóc được ở Miến Điện, chuẩn bị đưa ra cảng biển lên thuyền vận chuyển về “Bảo tàng đại đế quốc Anh” ở bản địa.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vận chuyển bí mật này, một chiếc máy bay tiêm kích vận tải của không quân Hoàng gia Anh vì gặp phải thời tiết xấu đã buộc phải đi lệch tuyến đường phi hành, rớt xuống lòng núi Dã Nhân. Thông qua báo các của các phi hành viên trên chiến đấu cơ đi hộ tống, thông tin cuối cùng họ nhận được từ chiếc tiêm kích vận tải là: “Chúng tôi bị rơi vào sương mù…”, điểm rơi là một khe cốc lớn trong rừng nguyên sinh, có lẽ do ảnh hưởng của dòng không khí lưu thông trong khe cốc và kết cấu chiếc phi cơ tương đối nhẹ đã khiến nó không bị đâm vào núi rơi tan xác ngay tức thì.
Có điều nơi sâu thẳm trong khe cốc khổng lồ đó sương mù dày đặc, khiến tầm nhìn từ trên không bị cản trở. Sau khi chiếc tiêm kích rơi vào màn sương bí hiểm mênh mang chẳng bao lâu, lập tức vang lên những tiếng gào thét tuyệt vọng kinh hoàng của các thành viên phi hành đoàn, rồi tất cả rơi vào im lặng và hoàn toàn đoạn tuyệt mọi thông tin với thế giới bên ngoài.
Sau khi thông tin được truyền đến phía quân đội, họ lập tức điều động nhân viên, tổ chức thành các phân đội cứu viện, chia thành nhiều ngả tiến vào núi Dã Nhân tìm kiếm tông tích chiếc máy bay, thậm chí còn không ngại sự ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, phái rất nhiều phi cơ trinh sát tiến hành lùng sục ở tất cả những khu lân cận.
Nhưng những phân đội tìm kiếm cứu nạn tiến vào núi nếu không trở về công cốc vì không tìm thấy đường thì cũng mất tích bất minh sau khi tiến vào khu rừng nguyên sinh. Chẳng biết sau nhiều năm tìm kiếm, số lượng máy bay và con người đã mất tích trong núi đã lên con số bao nhiêu, hoàn cảnh và lai lịch của họ rất đa dạng phong phú, ngoài những phần tử đầu cơ và các nhà thám hiểm muốn tìm kiếm bảo vật ra, thì còn có vô số kẻ chạy nạn, phạm nhân buôn lậu, thổ phỉ và những binh sĩ các nước đi lạc vào núi Dã Nhân qua nhiều thời kỳ chiến tranh. Nhưng bất luận là thời kỳ thực dân Anh thống trị hay thời kỳ phát xít Nhật chiếm đóng, tất cả những vụ mất tích xảy ra trong núi Dã Nhân đều bị giới quan chức các nước né tránh không đả động đến, từ trước đến nay cũng không có ghi chép công khai nào tường thuật về quá trình cứu nạn.
Rừng rậm nguyên sinh quanh năm không nhìn thấy mặt trời và sương mù dày đặc ngàn năm chẳng thể tiêu tán dưới lòng đất, đều trở thành bức bình phong thị giác của thiên nhiên, thêm vào đó môi trường tự nhiên khắc nghiệt đã khiến núi Dã Nhân cách biệt triệt để với thế giới bên ngoài, đến tận bây giờ vẫn chưa một ai có thể sống sót đi ra từ núi sâu.
Chiếc máy bay mất tích không lâu sau thì Miến Điện tuyên bố độc lập, người Anh hoàn toàn rút lui khỏi lãnh thổ đất nước, vụ án quân sự liên quan đến chiếc máy bay mất tích dưới khe cốc lớn trong lòng núi Dã Nhân tưởng như cũng khép lại vĩnh viễn. Nhưng rất nhiều người lại tâm tâm niệm niệm chẳng thể quên “bí mật” vận tải trong khoang hàng của chiếc phi cơ, đến tận giờ vẫn không hề đứt đoạn công cuộc lùng sục kiếm tìm chiếc tiêm kích bị mất tích khi xưa, “Sơn lâm đội lão thiếu đoàn” của Thắng Ngọc chính là được người ta thuê để đi tìm chiếc máy bay khắc biểu tượng rắn đen và mang “hàng” trong khoang trở về.
Đầu mối trong tay Ngọc Phi Yến ngoại trừ bức ảnh mấy chiếc máy bay vận tải ra, thì chỉ có một vài tin tức tình báo còn sót lại của phân đội cứu nạn không quân Anh năm xưa mà thôi, nhưng chừng đó cũng đủ để đoán biết vị trí mất tích của chiếc tiêm kích, đại khái nằm ở khe cốc khổng lồ nơi trung tâm núi Dã Nhân. Có điều sương mù dưới lòng đất từ trong khe cốc phun lên mù mịt, càng ngày càng nhiều lên theo năm tháng, gần như che phủ tất cả các khu vực lân cận.
Nếu đội thám hiểm trực tiếp tiến vào khu rừng rậm nguyên sinh bị sương mù bủa vây, sẽ dễ giẫm phải vào vết xe đổ của người đi trước, bởi thế sau khi bàn bạc, Thắng Ngọc và Khương sư phụ quyết định trước tiên cần tìm ra con đường Stilwell do quân Mỹ xây dựng, nghe nói nơi tận cùng của con đường nằm rất gần vành đai ven khe cốc, năm đó đoàn bộ đội công trình tác chiến độc lập thứ sáu muốn xây dựng con đường phía rìa sườn để tránh đám sương mù kỳ quái dưới lòng đất phun trào, nhưng lúc đào đường hầm xuyên núi, cả đoàn lại vô tình khiến đất đá sụt lở, chỗ sụt lở lộ ra một động huyệt, sương khí từ bên trong phun ra dữ dội, những nhân viên đi vào trinh sát đều chết bất thình lình, bởi thế mới buộc phải từ bỏ kế hoạch làm đường thông núi Dã Nhân.
Khổ nỗi, đội thám hiểm lại không có bản đồ, cũng chẳng có người dẫn đường, muốn tìm một con đường bị lãng quên hoang phế mấy chục năm đâu phải chuyện dễ dàng, may mà bọn họ gặp được hội Tư Mã Khôi cùng cậu bé Karaweik. Tuy Karaweik cũng chưa từng đi vào trục đường 206B của con đường U Linh, nhưng chí ít cậu cũng có kinh nghiệm, biết rốt cục phải đi đâu để tìm nó, đồng thời hiểu cách làm sao để tránh khu vực bom mìn rộng lớn mà nhiều thời kỳ chiến tranh trong lịch sử còn để lại, chỉ cần tìm thấy vị trí đường hầm nơi tận cùng trục đường B, là có thể tìm cách từ chỗ bị sụt lở xuyên qua động huyệt dưới lòng đất, đi vào khe cốc khổng lồ, tìm chiếc máy bay tiềm kích vận tải bị mất tích.
Sau khi Ngọc Phi Yến kể xong toàn bộ đầu đuôi câu chuyện, liền quay sang nói với Tư Mã Khôi và La Đại Hải: “Bất kể các anh có tin vào số mệnh hay không, chí ít tôi cũng cho rằng giữa con người với con người luôn tồn tại một loại “lực hấp dẫn” nào đó, hôm nay chúng ta tương ngộ trong núi Dã Nhân, đồng thời cuối cùng lại trở thành bạn đồng hành, e rằng đó cũng là sự an bài của số phận, kể từ nay trở về sau, chúng ta nhất định phải đồng tâm hiệp lực.
Tư Mã Khôi biết Ngọc Phi Yến không muốn tiết lộ thông tin liên quan đến “hàng” và “khách hàng” nhưng anh cũng biết những vật trong khoang máy bay chắc chắn không phải hạng tầm thường, đã là “phi vụ đánh cược mạng sống” thì không thể dễ dàng thành công, nói không chừng lại rơi vào thảm cảnh bị tiêu diệt hoàn toàn. Nghĩ vậy, anh liền cảnh báo Thắng Ngọc: “Cô đã nói phải tin vào số mệnh, vậy thì việc thành hay bại còn phải xem ý trời, nếu chuyến đi này không thành công, thì cô cũng đừng miễn cưỡng quá”.
Thắng Ngọc khẽ cau đôi mày thanh tú, lời nói có phần trách móc: “Anh đừng lay động quyết tâm của người khác, chỉ cần chúng ta đồng tâm hiệp lực, thì làm gì có chuyện đại sự không thành?”
Tư Mã Khôi bảo, chẳng phải tôi muốn dội gáo nước lạnh vào cô, nhưng tôi thấy đội ngũ của chúng ta thế này khó mà đồng tâm hiệp lực nổi. Tôi còn nhớ trước đây, khi còn ở gần khu vực Midzu, từng nghe người ta kể một truyền thuyết tôn giáo phương Tây:
Đó là vào thời cổ đại xa xưa, con người trên trái đất phải sống một cuộc sống vô cùng khốn khó, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lại chịu sự uy hiếp của lũ lụt, mãnh thú đe dọa sự sinh tồn. Khi đó loài người nghe đồn trên Thiên quốc cuộc sống rất sung sướng, quanh năm lúc nào cũng ấm áp như mùa xuân, bốn mùa hoa lá đua nhau khoe sắc, tám tiết cỏ xanh tươi non mơn mởn, sản vật vô cùng phong phú, không bao giờ phải lo lắng về chuyện ăn mặc, càng chẳng bao giờ phải chịu đựng sự giày vò của bệnh tật. Chỉ có điều thiên không xa xôi, độ cao của nó vượt xa tầm tưởng tượng của con người, những người bình thường sống trên mặt đất không có cách gì lên trên đó được.
Kết quả, mọi người cùng chụm đầu nghĩ kế, rồi quyết định phải bắc một chiếc tháp thông thiên cao vút lên tận trời, như vậy già trẻ gái trai chúng ta đều có thể ở đó và trở thành thần tiên, không cần chịu đựng khổ ải nơi trần thế này nữa. Thế là con người bắt tay vào thi công, mọi người đồng tâm hiệp lực, nên tiến độ xây dựng vô cùng nhanh chóng.
Nhìn thấy đỉnh tháp cao đến tận chân mây, càng xây lại càng cao hơn, Thiến đế ở Thiên quốc bắt đầu lo lắng, đứng ngồi không yên, bụng thầm nghĩ: “Trên trời chỉ có một mình ta thoải mái biết bao, bây giờ đám con cháu dưới mặt đất ăn no rửng mỡ, đều muốn lên đây gây sự. Không được, phải mau mau nghĩ cách”. Kết quả, Thiên đế cũng nghĩ ra một hạ kế, đó là phân chia con người trên mặt đất thành các dân tộc khác nhau, bắt họ phải nói những ngôn ngữ khác nhau, khiến hai bên không thể tiến hành giao tiếp được nữa.
Biện pháp này phát huy tác dụng tức thì, bất đồng ngôn ngữ và bối cảnh văn hóa chủng tộc trở thành rào cản lớn khó lòng vượt qua, con người trên mặt đất vì không thể giao tiếp với nhau nên không còn đồng tâm hiệp lực, cùng hướng về một mục tiêu như trước. Cuối cùng, họ không thể xây dựng hoàn thành “tháp thông thiên”, mãi cho đến tận bây giờ, các bên vẫn không ngừng chỉ trích đối phương, chiến tranh, bạo loạn liên tiếp nổ ra hết lần này đến lần khác.
Ngọc Phi Yến cố gắng kiên nhẫn nghe hết câu chuyện nhăng cuội của Tư Mã Khôi, cuối cùng cau mày hỏi: “Rốt cục anh muốn ám chỉ điều gì?” Tư Mã Khôi nói, điều tôi muốn nhắc nhở là, trong đoàn chúng ta, vừa có người Liên Xô, vừa có người Miến Điện, người Campuchia và cả người Trung Quốc nữa, thậm chí còn có cả những người chẳng biết mình thuộc quốc tịch nào, việc giao tiếp giữa các bên đã rất khó khăn thì làm gì dám nói đến việc đồng tâm hiệp lực? Chúng ta chỉ đơn thuần là “đám quân ô hợp” miễn cưỡng lắp ghép lại trong chốc lát, tuyệt đối không thể thành đại sự. Bởi vậy tôi thấy tìm chiếc tiêm kích mất tích đã nhiều năm trong núi Dã Nhân không phải việc dễ dàng trong tầm tay, chúng ta chỉ có thể cố gắng hết sức, còn ngộ nhỡ bị thất thủ, thì cô phải đồng ý với tôi, khi bọn cô rút lui, ít nhất phải mang Karaweik theo cùng, đồng thời sắp xếp cho cậu bé rời khỏi Miến Điện.
Thắng Ngọc chẳng cần nghĩ ngợi lập tức bảo Tư Mã Khôi cứ yên tâm, Sơn lâm đội lão thiếu đoàn chẳng phải chưa từng làm công việc đánh cược mạng sống như thế này bao giờ, đừng thấy đội ngũ thành phần tạp chủng, thực ra anh đâu cần phải giao tiếp, giao lưu gì, bởi vì đã có Ngọc Phi Yến tôi là “thủ lĩnh”, tất cả chỉ cần một mình tôi nói là xong.
Tư Mã Khôi chẳng coi mấy lời của cô ả vào đâu, trong lòng thầm nghĩ: “Ngọc Phi Yến cô há chẳng phải cũng chỉ là thủ lĩnh một đội trộm mộ thôi sao? Ông đây ở Miến Điện còn chặt đầu không biết bao nhiêu người, nhiều gấp mấy lần số đầu người mà suốt đời cô có thể khai quật trong các ngôi mộ. Ranh con nhà cô có bản lĩnh gì mà dám chỉ huy ông hử?”
Nhưng anh cũng không muốn đôi co vì việc nhỏ này, nên buông xuôi cho câu chuyện tạm dừng ở đây. Anh chỉ bảo “Hy vọng được như thế”, rồi chuồn ra chỗ khác cho nhẹ nợ.
Lúc này La Đại Hải nhỏ giọng hỏi Tư Mã Khôi: “Nghe nói trong bảo tàng thực dân Anh đúng là có thu thập sưu tầm rất nhiều văn vật cổ đại, nhưng người bản địa Miến Điện nghèo khổ, vất vả như thế, ngay cả một ngôi nhà cho ra hồn cũng chẳng dựng được, thì hàng hóa trong chiếc tiêm kích vận tải của không quân Hoàng gia Anh có thể tốt đến mức nào được nhỉ? Tớ thấy quá nửa chắc chỉ là hư danh, bây giờ cơn bão nhiệt đới mang thiên tai sắp tràn về, hội người này mạo hiểm cả tính mạng như thế liệu có đáng không?”
Tư Mã Khôi bảo: “Đồ Hải ngọng nhà cậu chả hiểu biết gì cả, cậu đừng thấy dân bản địa nghèo khổ mà coi thường, ở đây từng là vương triều cổ đại hưng thịnh hiển hách nhất trong quá khứ, trầm tích lịch sử rất thâm hậu, người bản địa vô cùng sùng bái tín ngưỡng, nên những ngôi chùa lớn danh tiếng đều được xây dựng tường vàng vách ngọc, lộng lẫy huy hoàng. Hơn nữa, mệnh danh “đất nước hoàng kim, phỉ thúy” cũng không phải hư danh đâu, nói cái khác có thể cậu không hiểu, tớ chỉ lấy một ví dụ thực tế trực quan nhất, cậu có biết nữ hoàng Anh là ai không?”
La Đại Hải bị hỏi như vậy chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao, liền vặn lại: “Xem thường tớ đấy hử? Tớ còn lạ gì nữ hoàng Anh, ai chẳng biết trước đây Miến Điện là thuộc địa của thực dân Anh, bây giờ tượng bà ta vẫn còn khắp đất nước Miến Điện, chúng ta đánh nhau bao nhiêu năm ở đây, tuy chưa nhìn thấy người thật nhưng tượng điêu khắc thì khối ra đấy, ít nhất cũng chạm mặt đến phát quen, bà ta chẳng phải con dâu tổng thống Anh hay sao? Có điều chuyện tớ vừa hỏi thì liên quan gì đến bà ta?”
Tư Mã Khôi nói: “Cậu nhìn tượng điêu khắc thì biết, trên đỉnh vương miện của nữ hoàng Anh có gắn một viên hồng ngọc to như quả trứng ngỗng, màu sắc tươi đỏ như máu, toàn thế giới chỉ độc nhất vô nhị một viên ấy thôi. Viên ngọc đó được đội thám hiểm tùy quân Anh vô tình đào được ở núi Dã Nhân Bắc Miến trong một trận chiến giữa Anh và Miến Điện, sau đó mang về nước, dâng tặng lên nữ hoàng điện hạ”.
La Đại Hải như sực tỉnh, gật gật đầu: “Thì ra là vậy, xem ra hàng trong chiếc tiêm kích vận tải chắc chắn không phải hạng trâu bò bình thường, nếu tìm thấy nó thật, thì chúng ta đúng là “chó ngáp phải ruồi” trúng quả lớn rồi còn gì.
Tuyệt nghe ý của La Đại Hải dường như muốn chiếm lấy những đồ vật trong chiếc máy bay mất tích làm của riêng, liền bảo anh đừng có nằm mơ giữa ban ngày, có thể sống sót ra khỏi núi Dã Nhân mới là điều quan trọng, anh chưa nghe nói những đoàn thám hiểm trước đây vào trong núi sâu, chưa ai có thể sống sót mà ra được hay sao? Nếu chúng ta cũng chẳng thoát nổi thì biết làm thế nào?
La Đại Hải cười lớn: “Tuyệt đừng dọa tôi, cô không biết chứ, Hải ngọng tôi đây là kẻ cực kỳ nhát gan, chỉ dám buộc lông gà trên bó đuốc thôi”
Ba người bàn luận một hồi, ai nấy đều cho rằng chuyến đi này lành ít dữ nhiều, nhưng nếu quả thực có thể vớt được mạng sống trở về, thì không rõ vận mệnh gì sẽ chờ đợi họ ở phía trước? Trong lúc ngẫm nghĩ về cái được và cái mất, chỉ cảm thấy tiền đồ thật khó tiên liệu, từng dòng suy nghĩ ùa về, rồi tất cả đều dần dần chìm vào giấc ngủ đầy mộng mị.
Ngày hôm sau, khi trời còn chưa sáng rõ, cả đoàn đã bị Khương sư phụ gọi dậy, mọi người nai nịt chuẩn bị lên đường, đi xuyên qua cánh rừng rậm rạp, leo lên một mỏm núi, từ trên cao nhìn ra bốn phía xung quanh, giữa những dãy núi dài miên man, phủ mờ sương khói là cả không gian tĩnh lặng như tờ, màn sương sớm vẫn chưa tan hết, dõi mắt ra phía xa, thấy nền trời đỏ au au như máu, đó chính là điềm báo trước của cơn bão nhiệt đới cuồng nộ sắp tiến sát gần.
Khi thời tiết khắc nghiệt mang theo thiên tai tràn về, trong vòng vài ngày liên tiếp, cuồng phong bạo vũ chắc hẳn không thể nào suy yếu, lúc đó lũ lớn sẽ tràn về, đất đá sụt lở cuốn theo dòng nước, thậm chí địa hình của núi Dã Nhân cũng có thể vì nguyên nhân này mà biến dạng, bởi thế thời gian dành cho đội thám hiểm chẳng còn bao lâu, mọi người bắt buộc phải nhanh chóng tìm thấy khe cốc khổng lồ nơi có chiếc máy bay bị mất tích.
Karaweik đi trước dẫn đường, cả đoàn xuyên qua một khe núi, đi vòng tránh mấy bãi mìn, rồi tìm thấy ngã rẽ hình chữ Y ở khúc quanh gần vực thẳm, quân Mỹ gọi nơi này là “nút Kansas”, bên tay trái là tuyến đường A khúc khuỷu vòng vèo, bên tay phải là đường hầm xuyên núi, liên thông trực tiếp đến khu vực nguy hiểm bị mây mù che phủ bủa vây.
Trước đây, Karaweik cũng chỉ đến “nút Kansas” là cùng, tiếp sau đó cả đoàn đành phải tự mò mẫm tìm kiếm tuyến đường B của con đường U Linh. Tuy con đường bị bỏ hoang nhiều năm, bề mặt đều bị thảm thực vật che phủ hoặc sụt lở, đứt gẫy, con đường sớm đã chẳng còn hình hài, móng đường được xây dựng bằng sự trợ giúp cơ giới hóa giờ bị những lùm cây bụi ngoan cường xâm nhập, rễ cây đâm xuyên qua khe nứt, chúng đan cài nhằng nhịt vào nhau che kín mặt đường, khiến người ta không thể nhận ra diện mạo của nó. Nhưng chỉ cần nắm vững quy luật lối đi, cũng không khó tìm được di tích con đường bị đất đá và cây cối phủ lấp, từ đó lần dây sờ dưa, việc xác định vị trí của tuyến đường 206B cũng không mấy khó khăn.
Chẳng ngờ con đường U Linh chỉ trông thấy đầu mà chẳng tìm thấy đuôi, tổng chiều dài nửa đoạn đầu áng chừng sáu mươi mét, rộng khoảng năm mét rưỡi, toàn bộ được xây dựng trong lòng núi, nó là một con đường cụt, tất cả có mười tám khúc quanh, nửa đoạn sau của con đường đã bị hồng thủy cuốn sập, chẳng để lại dấu vết nhỏ. Đội thám hiểu mất vật tham chiếu, trước mắt chỉ thấy một dải vực thăm thẳm nhấp nhô, dài tít tắp trong rừng rậm, vực thẳm chắn ngang lối đi khiến mọi người không có cách gì tiến đến lối ra của con đường hầm, vực sâu chỉ kéo dài chừng mấy chục mét, nhưng mỗi bước trong rừng rậm nguyên sinh đều vô cùng khó khăn, nếu từ từ dò dẫm, e rằng phải mất đứt ba đến năm ngày, may ra mới tìm thấy cổng đường hầm.
Đúng lúc mọi người đang bó tay bất lực thì Karaweik lại tiết lộ một đầu mối, cậu nhớ trước đây lúc cha cậu còn sống, từng nói: Năm ấy, ông vào rừng hái thuốc, khi đến mép vực gần lối ra con đường hầm, đã tận mắt nhìn thấy một kỳ quan khiến người khác không khỏi bàng hoàng, đó chính là “Rắn thiêng hiện thân” trong truyền thuyết cổ xưa của người Miến Điện, ông bị trấn động đến mức gần như hồn lìa khỏi xác, liền hấp tấp chạy thục mạng ra khỏi cánh rừng nguyên sinh. Chẳng ngờ, chân trước vừa xuống núi, thì chân sau mưa lớn đã kéo về, nhấn chìm và hủy hoại nhiều nơi trong núi Dã Nhân. Nếu ông chỉ cần chậm chân một bước, thì đã sớm bỏ mạng trong núi. Bởi vậy ông một mực cho rằng “rắn thiêng” đã hiện thân hiển linh ứng cứu, giúp ông đoán biết được điềm báo nguy hiểm, nhờ đó mới tha nổi mạng sống về nhà.
Căn cứ vào truyền thuyết này, có thể suy đoán “rắn thiêng hiện thân” là dấu hiệu đặc thù ở gần đường hầm 206, nhưng trong những ghi chép về quá trình xây dựng con đường của quân đội Mỹ thì không thấy nhắc đến hiện tượng kỳ dị ấy. Từ đó có thể thấy hiện tượng này không phải bất cứ lúc nào cũng gặp được, hơn nữa mãi cho đến tận giờ vẫn chưa ai hiểu rõ “rắn thiêng hiện thân” rốt cục muốn ám chỉ điều gì? Chỉ đành tạm thời suy đoán, càng vào những thời điểm khí hậu khắc nghiệt, càng có nhiều khả năng gặp phải kỳ quan độc đáo này.
Dãy núi Dã Nhân sâu hút ở phía Bắc Miến Điện là nơi thâm sơn tuyệt cốc ở tận cùng mạch núi Himalaya, những khu vực nằm dưới mực nước biển phần đa đều bị rừng rậm nguyên sinh um tùm che phủ, bốn phía núi cao vực sâu trùng điệp, hàng trăm khe sông, khe suối chảy qua, khí hậu quanh năm không đổi, ngoại trừ cơn bão nhiệt đới có quy mô lớn mạnh khủng khiếp ra thì trong núi sâu rất ít khi chịu sự công kích của mưa gió sấm chớp, có lẽ mười mấy năm trở lại đây đều không có cơ duyên gặp phải thời tiết khắc nghiệt kích thích dòng hồng thủy trong núi nổi giận cuồn cuộn như thế này.
Mọi người chỉ có thể suy đoán, về truyền thuyết “rắn thiêng hiện thân” đại khái tồn tại hai khả năng. Khả năng thứ nhất là mượn để chỉ một loại “hiện tượng thiên nhiên” nào đó, bởi vì người Trung Quốc cổ đại cũng từng lấy các con vật đặt tên cho các điềm báo thiên nhiên, có điều từ trước đến nay trong lịch sử chưa hề thấy ghi chép về thuật ngữ “rắn thiêng hiện thân”, thể hệ tôn giáo ở Miến Điện đều được lưu truyền từ Ấn Độ cổ đại, có lẽ chính sự khác biệt tồn tại trong bối cảnh văn hóa đã tạo ra những ám thị mà con người hiện đại khó lòng giải thích.
Khả năng thứ hai có vẻ đúng đắn hơn, trong núi Dã Nhân có rất nhiều loại mãng xà khổng lồ, thậm chí truyền thuyết còn kể về con quái xà dài đến hàng chục mét, nó biết nhả khói trắng mịt mùng, hình thành lớp mây mù dày đặc ngàn năm không thể tiêu tán nơi sâu thẳm trong quần thể núi, che phủ khắp mấy dặm xung quanh, người hoặc gia súc mà tiến vào màn sương mù, sẽ lập tức bị nó làm cho tan chảy rồi nuốt vào bụng. Còn thuật ngữ “rắn thiêng hiện thân”, nhiều phần để chỉ những con quái xà trốn trong lòng núi bị kinh động vì ảnh hưởng của khí hậu khác thường, nên lũ lượt kéo nhau hiện thân ra khỏi màn sương mù.
Lúc này, khí áp trong núi càng ngày càng xuống thấp, không khí oi nồng dường như sắp cô kết đặc quánh, xung quanh yên ắng tịnh không tiếng động, khiến người ta cảm thấy thắc thỏm bất an đến ngộp thở. Tư Mã Khôi nói: “Chắc giông bão và mưa lớn sắp sửa tràn về, nếu không tìm thấy lối ra của đường hầm, thì chúng ta phải lập tức trèo lên chỗ cao ngay”. Đang định tự mình tìm đường leo lên mỏm núi thì trong khoảnh khắc ngẩng đầu ngước nhìn về sườn núi trọc phía đối diện, đột nhiên thấy một con mãng xà đen xì xì dài khoảng hai ba mươi mét, thân hình mờ ảo như sương khói, ẩn hiện chập chờn, điều lạ lùng nhất là con hắc xà lại treo mình trên vách đá dựng đứng, án binh bất động, trông nó giống như một bức thạch họa thần bí và cổ xưa. Dán mắt nhìn một hồi lâu, anh phát hiện trên vách vực thẳm rõ ràng hoàn toàn trống trơn, chẳng có vật gì bám víu, làm sao đột nhiên lại xuất hiện cảnh tượng kỳ dị dường vậy?