Mật Mã MaYa

Chương 1: Mật Mã MaYa Chương 1 - Giới thiệu



Mật Mã MaYa Tập 1

Brian D’Amato

Mật Mã MaYa Tập 1



Nguyên tác: In The Courts Of The Sun

Dịch giả: Phong Diệp



image_5490603211f015.35166183.jpg


"Mật mã Maya" tập hợp những phẩm chất làm nên một cuốn sách hay như sự ly kỳ liên quan đến ngày tận thế, phiêu lưu mạo hiểm ở quá khứ và hiện tại, nền văn minh ít người biết tới, sự lãng mạn.

Jed Delanda là hậu duệ người Maya sinh tại Guatemala, có tài năng thiên bẩm về toán học. Khi còn nhỏ, Jed đã được người mẹ truyền dạy một trò chơi của người Maya: cờ Hiến tế. Đây là cách đặc biệt sử dụng linh tính để dự đoán các sự việc sẽ diễn ra, hay nói cách khác là một kiểu tiên tri.

Sau khi đến Utah làm con nuôi trong một gia đình người Mỹ theo đạo Mormon, anh ta được phát hiện là có năng khiếu thiên tài về lịch học; cùng với những hiểu biết về cờ Hiến tế, anh ta đã thu hút được sự chú ý của giáo sư Taro Hyaku, chuyên gia về lý thuyết trò chơi. Sau một chuyện hiểu nhầm, Jed đã ngừng cộng tác nghiên cứu với Taro, quay sang dùng cờ Hiến tế để đầu tư chứng khoán và vớ được những món hời lớn tới hàng triệu USD.

Cuộc đời Jed rẽ sang một hướng mới khi anh ta được biết nhóm nghiên cứu của Taro đã giải mã được một cuốn sách cổ của người Maya mà chính anh ta cũng rất muốn xem. Anh ta liên lạc lại với vị giáo sư (lúc này đang làm việc cho tập đoàn Warren ) và được biết họ đang lập trình cho Leon - một chiếc máy tính để nó có thể chơi cờ Hiến tế.

Taro giới thiệu Jed với "sếp lớn" là Marena Park, một phụ nữ thông minh và đầy bí ẩn. Tại đây, Jed đã chơi cùng Leon và hé lộ tài dự đoán của anh ta về thảm họa sắp xảy ra tại một nơi được coi là biểu tượng của nước Mỹ. Sau sự kiện đó, Jed gia nhập dự án nghiên cứu của tập đoàn Warren để tìm hiểu và ngăn chặn thảm họa sẽ xảy đến vào ngày 21/12 theo lời tiên đoán của người Maya cổ.

Jed được chọn làm người tình nguyện trở về quá khứ để học cách chơi cờ Hiến tế đỉnh cao và gửi những gì học được về hiện tại. Cuộc hành trình trở về quá khứ của anh ta được các nhà khoa học tiến hành dưới hình thức sao chép ký ức và gửi đến bộ óc của một người Maya cổ sống vào năm 664 sau công nguyên. Theo kế hoạch, ký ức của Jed sẽ được chuyển vào bộ não của một vị vua đang trị vì vào năm 664 CE.

Nhưng mọi việc không như dự tính, thay vì trở thành vua, một sự nhầm lẫn lớn đã biến Jed trở thành Chacal - một người hiến tế mạng sống của mình bất đắc dĩ. Điều này dẫn tới tình cảnh anh ta phải chia sẻ ý thức với Chacal và dấn thân vào nhiều cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm.

Đến phần kết của cuốn sách, nhân vật chính Jed đã biết mình phải làm gì. Nhưng liệu anh ta có làm điều đó thật hay không?



image_54906031e70e24.37108634.jpg

image_54906033eb0169.35137220.jpg


D’Amato đã viết nên một câu chuyện phiêu lưu tuyệt vời với nhiều chi tiết thú vị về nền văn hóa Maya. Nếu bạn từng ao ước được quay trở về thời đại của người Maya thì đây chính là cơ hội… - The Agony Column, 24 tháng 2 năm 2009.

"Mật mã Maya" là một trong những cuốn sách gây bất ngờ nhất năm 2009 về cả chất lượng lẫn tính giải trí và nó vượt hẳn lên trên những cuốn tiểu thuyết ly kỳ về những vấn đề bí ẩn khác. – Fantasy Book Critic, 15 tháng 4 năm 2009.

"Mật mã Maya" là tác phẩm độc đáo và vô cùng thú vị, một cuốn tiểu thuyết có tính sáng tạo phi thường khiến người đọc bị cuốn theo không ngừng. Với bàn tay điêu luyện của một người kể chuyện bậc thầy, D’Amato kết hợp lịch sử Maya, khoa học hiện đại, lý thuyết trò chơi và lời dự đóan về ngày tận thế của người Maya để dệt nên một câu chuyện hết sức ly kỳ. – Douglas Preston, tác giả cuốn sách The Codex và The Monster of Florence.

Một tác phẩm nổi bật, xuất sắc, độc nhất vô nhị. Đồ sộ về tầm vóc, tính sáng tạo, tham vọng và sự hiểu biết. Tóm gọn trong một từ: Tuyệt vời. Hoặc: Sáng chói. Hoặc thành hai từ: Tuyệt vời và sáng chói. – Raymond Khoury, tác giả cuốn sách The Last Templar và The Sanctuary.

"Độc giả hâm mộ Michael Crichton sẽ chào đón cuốn tỉeu thuyết ly kỳ này. Các chi tiết liên quan đến văn hóa và lịch sử thuyết phục không kém gì sách về người Aztec của Simon Levack" – Publishers Weekly.



image_54906032656bf0.96084131.jpgimage_5490603191e590.96200014.jpg


PHẦN ZERO

image_5490603233a701.93373408.jpg


0

image_5490603282f893.83473140.jpg

Tôi nhìn thấy là một chấm màu đỏ trên nền xanh lơ. Rồi một chấm nữa xuất hiện phía trên, lệch về bên trái, chấm thứ ba hiện ra ngay sát dưới chấm thứ hai, và một chấm nữa, một chấm nữa, năm, rồi chín, rồi mười ba. Những chấm đỏ lớn dần lên và loang ra, khi gặp nhau, chúng hòa vào làm một, chảy thành dòng, và tôi nhận ra đó chính là máu từ lưỡi tôi nhỏ xuống tờ giấy tế lễ màu xanh.

Quỷ thần ơi, - tôi thầm nghĩ, - nó có tác dụng thật.

Bây giờ không còn là năm 2012 nữa. Mà là năm 664. Ngày 20 tháng 3 năm 664 Công nguyên theo Tây lịch. Hay theo cách tính của người Maya, hôm nay là ngày Rắn đất 3, ếch mưa 5 của uinal (Cách tính thời gian của người Maya, 1 uinal có 20 ngày) 11, tun (1 tun gồm 360 ngày) 11, k’atun (1 k’atun gồm 7.200 ngày, tương ứng với gần 20 năm theo Tây lịch) 11, b’ak’tun (1 b’ak’tun gồm 144.000 ngày, tương ứng với 394.52 năm theo Tây lịch) 10. Lúc này khoảng 4 giờ 48 phút sáng. Chủ nhật.

Hừm.

Tôi có cảm tưởng việc này cũng giống như một biến cố lớn nào đó xảy ra trong đời mà người ta chỉ có thể nhận biết sau khi đã đờ người ra một lúc lâu, kiểu như: "Chúa ơi, mình bị bắt thật!", hay "Chúa ơi, mình vừa bị đâm một nhát!", hay "Chúa ơi, mình lấy vợ thật rồi!", hay "Chúa ơi, mình có con rồi!", hay "Chúa ơi, mình bị chơi khăm đến ba lần!", hay "Chúa ơi, tòa nhà kia đang sập thật kìa!", và mỗi lần như vậy, người ta đều có cảm giác rằng chưa từng có chuyện gì nghiêm trọng đến thế xảy ra với mình. Hijo de pita (Chết tiệt! – tiếng Tây Ban Nha)! Tôi ngước lên và nheo mắt nhìn qua ô cửa hình thang nhỏ xíu. Bầu trời đã phớt màu tím xanh nhưng không hiểu sao tôi vẫn nhìn thấy rất nhiều sao, nhiều chưa từng thấy, độ sáng và độ phân tán của những ngôi sao đã giảm xuống cấp thứ tư (Mức độ sáng của các ngôi sao được những người Hy Lạp cổ đại chia thành 6 cấp, cấp sáng nhất là cấp 1). Chúng đã di chuyển vị trí, dĩ nhiên, nhưng Taro đã tính toán dung lượng tải xuống trên máy tính sao cho đầu điếu xì gà của Mèo Rừng 1, tương ứng với vị trí của ngôi sao Algenib thuộc chỏm Thiên Mã, vẫn nằm ở vị trí gần như lúc trước trong ô hình thang, ngay bên phải trung điểm. Có một ngôi sao lạ nằm bên trái nó và bên phải ngôi Homam (Tên gọi cổ xưa của ngôi Zeta Pegasi thuộc chỏm Thiên Mã), nó sáng đến mức có thể sánh ngang với ngôi Gamma Andromedi (Ngôi sao sáng thứ ba trong chòm Tiên Nữ). Ngôi sao đó ắt hẳn sẽ tắt khoảng một trăm năm gì đó sau thời điểm này, bằng không nó đã được al-Khawarzimi (al-Khawarzimi: Nhà thiên văn học người Ba Tư(khoảng 780 – 850)đặt tên.

Không thể tin được, - tôi nghĩ, - họ làm được điều đó thật. Vẫn cùng vị trí đó, chỉ có thời gian là khác đi.

Tôi không hẳn vẫn ở nguyên vị trí trong vũ trụ, đương nhiên, mà điều đó cũng chẳng có gì quan trọng. Hệ mặt trời đã dịch chuyển rất nhiều trong 1347 năm. Nhưng tôi vẫn đứng ở nguyên vị trí cũ trên trái đất. Tôi vẫn đứng trong căn phòng nhỏ sát đỉnh kim tự tháp cao nhất của thành Ix mà trong tương lai chính là tỉnh Alta Verapaz thuộc miền trung Guatemala. Nhưng vào lúc này, căn điện thờ đang nhuốm một màu vàng cam bởi ánh sáng sáng từ những ngọn đuốc; những chuỗi chạm trổ hình bọ cạp trên tường nhẵn bóng, không hề tróc lở, với nhiều màu sắc pha trộn: đen, xanh lam và đỏ son. Và thành phố này đang sống. Tôi có thể nghe thấy tiếng của đám đông bên ngoài, hay nói đúng hơn, qua bức tường đá tôi có thể cảm nhận được những tiếng cầu nguyện rầm lầm của họ. Tôi cho rằng vị trí trong không gian của tôi không thay đổi, nhưng tôi đã…

Hừm. Tôi suýt định nói rằng tôi đã được đưa về quá khứ. Nhưng tôi không muốn bắt đầu câu chuyện theo cách đơn giản hóa đi như thế.

Vấn đề nằm ở chỗ việc đi xuyên thời gian là không thể. Tôi muốn nói đến việc đi ngược về quá khứ. Nếu muốn đến tương lai một cách chóng vánh hơn, anh chỉ việc tự đóng băng mình (Người ta cho rằng có thể đưa một người đến tương lai bằng cách đóng băng, hay nói cách khác là làm đông lạnh anh ta. Rồi vào một thời điểm nào đó, rất lâu sau, khi khoa học tiến bộ hơn, người đó sẽ được rã đông, sống lại và như thế là anh ta đã đến tương lai). Nhưng đi về chiều ngược lại là không thể, chắc chắn không bao giờ làm được vì những lý do hiển nhiên ai cũng biết. Đầu tiên là thuyết nghịch lý "Ông nội" (Học thuyết do tiểu thuyết gia viễn tưởng Rene Barjuvel đề xuất năm 1943), nghĩa là anh có thể trở lại quá khứ, giết ông nội mình và ắt sẽ không bao giờ có mặt trên đời để thực hiện hành vi lúc đầu. Thứ hai là cho dù anh không làm gì lúc ở quá khứ đi chăng nữa, thì cũng xảy ra mâu thuẫn là trong cơ thể anh sẽ tồn tại những phân tử đã tồn tại trong chính anh ở quá khứ, hoặc những phân tử đó phải di chuyển trong không gian và tái hợp thành cơ thể anh. Như vậy, các phân tử đó sẽ phải ở hai nơi cùng một lúc. Mà điều đó thì không thể xảy ra. Lý do thứ ba là vấn đề cơ học đơn thuần. Cách duy nhất để về quá khứ mà ai cũng từng nghe là hành trình hố giun (Hố giun: Đây là một khái niệm trong vật lý, "hố giun" là một không-thời gian tạo nên đường đi tắt trong không gian và thời gian) nổi tiếng qua một lỗ hổng hoàn toàn trống rỗng. Nhưng đưa vật chất qua lỗ hổng này chẳng khác gì đút một cái bình Meissen (Bình Meissen: Một loại bình gốm ở châu Âu) qua máy cắt mì sợi. Mọi thứ đi qua nó và ra ở đầu kia đều bị nghiền vụn, nát tung và chẳng được tích sự gì nữa.

Thế nhưng… thế nhưng… thế nhưng… vẫn còn một cách khác.

Sự nhìn xa trông rộng của những người ở phòng thí nghiệm Warren là ở chỗ họ biết nếu không đưa được vật chất về quá khứ thì điều đó không có nghĩa là mọi khả năng khác đều bị loại bỏ. Nếu anh không đưa được gì, thì anh có thể đưa "không gì cả". "Không gì cả" ở đây bao gồm cả sóng điện từ. Họ đã phát triển một phương thức để đưa các chùm năng lượng qua một ống Krasnikov (Ống Krasnikov: Là một đường đi xuyên không – thời gian được giả định tạo thành bằng cách uốn cong không – thời gian, từ đó tạo ra các con đường siêu quang) nhân tạo. Họ tính toán rằng hành trình của các chùm năng lượng có thể truyền đi một số thông tin. Và quả đúng thế, nó đã truyền được rất nhiều thông tin. Trong tín hiệu họ chuyển về quá khứ có mã hóa toàn bộ ký ức đã được cô đọng lại, chính là tất cả những gì tạo thành một ảo giác mà người ta gọi là nhận thức về bản thân. Mà trong trường hợp này chính là tôi.

Vấn đề tiếp theo đương nhiên là phải có ai đó hay thứ gì đó nhận và lưu trữ ký ức ấy ở đầu bên kia. Nhưng ở thời đại chúng tôi cần quay về lại chưa có bất cứ thứ gì kiểu như chảo ra-đa, ổ đĩa, chíp silicôn, ăng ten thu phát tín hiệu hay radio tinh thể. Vào khoảng năm 664, chỉ có một thứ duy nhất có thể nhận và lưu giữ nhiều thông tin đến thế. Một bộ não.

Tôi bắt đầu cử động được con ngươi. Tôi bắt đầu nhận thấy tay phải đang nắm một sợi thừng gai của mình mới to lớn, rắn chắc làm sao và chỗ lòng bàn tay sát cổ tay chai sần ghê tởm đến mức nào. Những cái móng dài, sắc, nạm đá đỏ hình chữ T, những ngón tay xăm trổ nhiều vằn dài màu đỏ và đen nom như hình rắn san hô. Một vòng xuyến xếp vảy màu ngọc bích quấn từ cổ tay lên tới gần khuỷu. Cũng giống như một phần của bộ ngực trần mà tôi có thể nhìn thấy, đầu gối trái nổi chai sần của tôi trát đầy một thứ đất sét màu xanh lam sáng.

Điểm đầu tiên cho nhóm Thứ Sáu Kỳ Quặc – tôi nghĩ. Tôi đang thực sự sống trong cơ thể một người khác. Chính xác thì tôi đang ở trong bộ óc của một người có cái tên Chim Ruồi Có Nanh 9.

Chúng tôi – tức là những người tham gia dự án Warren – có biết đôi chút về ông ta. Ông ta là tù trưởng của thị tộc Mèo Rừng, là ahau, tức là vua, hay chúa tể, hay chiến binh đứng đầu của thành Ix và gần hai ngàn đô thị, thôn làng khác quanh Ix. Ông ta là con trai của vị ahau thứ mười hai, người được gọi là Rừng Cháy 22, và hoàng hậu Tiếng Gió Lốc. Hôm nay, ông ta tròn 48 tuổi 6 ngày. Ông ta đang ngồi đó, nhịn ăn đã bốn mươi hai giờ liền. Và ông ta đang chuẩn bị đứng lên, vào đúng phút rạng đông để nhận ngôi vị ahau lần thứ hai, sau hai mươi năm trị vì lần thứ nhất.

Cách đầu gối trái tôi khoảng năm inch (1 inch = 2.54 cm) về hướng bắc có một chảo than hồng. Một cách vô thức, tôi bóc tờ giấy hình chữ nhật thấm đầy máu khỏi chiếc chiếu sậy, giơ nó lên trên chảo than nóng. Ánh sáng của đám than hồng hắt le lói qua tờ giấy một lúc lâu và tôi có thể nom thấy những hình vẽ trang trí ở mặt bên kia, thấy dòng chữ "hãy trông nom, che chở chúng con", và cuối cùng là thấy hình vẽ nhìn nghiêng của một con đại bàng.

image_549060329fd760.58861611.jpg

Chính xác hơn đó là con yêu quái đại bàng Harpy. Thrasyaetus harpyia (Con yêu quái được thể hiện bằng hình ảnh một phụ nữ mình người cánh chim). Trong tiếng Tây Ban Nha, nó được gọi là arpion, còn trong ngôn ngữ của người Maya, nó được gọi là hunk’uk, tức "kẻ đào vàng". Những người Aztec (Aztec: Một bộ tộc da đỏ cư trú ở miền Trung Mexico) thì gọi nó là "sói có cánh". Đó là biểu tượng của một thị tộc, thị tộc của tôi, tức thị tộc của người mà tôi đang nắm quyền điều khiển bộ óc. Tờ giấy đó chính là một bức thư, là lời thỉnh cầu mà thị tộc tôi muốn gửi tới Mèo Rừng 1 đang ngự trên đỉnh bầu trời. Một cách vô thức, tôi gập tờ giấy dính nham nháp đó thành một khối hình tam giác – đó là một chuỗi thao tác phức tạp, giống như thao tác xếp hình một con sếu origami (Nghệ thuật xếp giấy của người Nhật Bản), mà tôi, hay đúng hơn là người chủ cũ của thân xác tôi, hẳn đã thực hành hàng trăm lượt – và đặt nó vào chảo than. Tờ giấy chắc đã được ngâm tẩm một thứ muối đồng nào đó vì nó kêu xèo xèo và bốc lên ngọn lửa màu xanh lá cây.

Lưỡi tôi giật giật. Tôi rụt nó lại… không, chờ đã. Tôi rụt lại… Hừ.

Chẳng có gì xảy ra sất.

Tôi ra sức nuốt vào để cố ngậm miệng lại. Mặt tôi cứ như thể bị đóng băng vậy. Không có một chuyển động nào.

M’AX ECHE? – Tôi nghĩ trong đầu bằng tiếng Ch’olan Mayan, - Ngươi là ai? (Ch’olan Mayan: Phiên bản tiếng Maya hiện đại được những người Ix và một số dân tộc Maya khác sử dụng ở thế kỉ 21)

Không, khoan đã.

Đó không phải ý nghĩ của tôi. Đó là tiếng của một ai đó khác.

Có vẻ như tôi đã nghe thấy một giọng nói, nhưng tôi biết thực ra tôi không nghe thấy gì cả ngoài tiếng lao xao của đám đông trên quảng trường bên dưới và âm thanh trầm trầm, đùng đục của những chiếc trống hở làm từ thân cây tuyết tùng đang vang lên dai dẳng theo nhịp 5/4 kỳ dị. Có lẽ sẽ đúng hơn nếu diễn tả là tôi có cảm giác như đã đọc câu nói đó từ một hàng tít chạy ngang trước mắt. Và mặc dù nó không gây tiếng động, nhưng nó vẫn vang lên, hay chính xác hơn là gây ấn tượng như thể được viết bằng chữ hoa. Cứ như thể chính tôi đã nghĩ nó mà không nghĩ…

-M’ax eche?

Ôi, quỷ sứ ơi.

Không chỉ có mình tôi trong cái xác này.

Tôi chỉ có một mình trong căn phòng, nhưng trong bộ óc thì không.

Ôi, cái đồ chết toi!

Đáng ra bước đầu tiên trong kế hoạch Thứ Sáu Kỳ Quặc là phải tẩy sạch trí nhớ của đối tượng và để lại cho ý thức của tôi một tờ giấy trắng tinh mà hoạt động chứ. Nhưng rõ ràng là bước đầu của kế hoạch đã không đạt, hay chí ít là chưa đạt như mong muốn. Ông ta vẫn biết mình là mình.

- M’ax eche?

- Tôi là Jed Delanda. – Tôi đáp trong ý nghĩ.

- B’A’AX UKA’AJ CHOK B’OLECH TEN? Đại khái là: "SAO NGƯƠI KHỐNG CHẾ TA?"

- Tôi không khống chế ông, - tôi nghĩ trong đầu, - chỉ là, tôi đang ở trong… ý tôi là… ý thức của tôi đang ở trong ông, bởi vì họ đã gửi tôi đến ông…

- T’ECHE HUN BALAMAC? (NGƯỜI LÀ MÈO RỪNG 1 Ư?)

- Không. – Tôi đáp, quá vội vã. – ý tôi là…

Mẹ kiếp. Ngu thật.

Nào, Jed – tôi nghĩ, - như Winston đã nói, nếu ai đó hỏi mày có phải là Chúa trời không, hãy trả lời: "đúng thế". Mày hiểu chứ? Hiểu rồi.

Bắt đầu thôi.

- Đúng thế? – Tôi trả lời ông ta trong đầu, một cách có chủ ý hơn. – Ta là Mèo Rừng Ocetarian. Ta là Mèo Rừng vĩ đại đầy quyền lực…

- MA-I’IJ TEC. (KHÔNG, KHÔNG PHẢI VẬY)

- Không, không phải, - tôi nghĩ, - tôi… ôi, demonio. – Lừa tay này quả không dễ. Cũng chẳng có gì lạ. Ông ta nghe thấy mọi ý nghĩ của tôi. Và mặc dù ông ta chỉ biết tiếng Ch’olan còn tôi thì nói lẫn lộn cả tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ch’olan nhưng chúng tôi vẫn hoàn toàn hiểu nhau. Thực sự việc này giống như đang tranh cãi với chính mình hơn là đang nói chuyện với người khác, kiểu như: "Jed, mày nên làm thế này" và "không, Jed, mày nên làm thế kia", chỉ có điều khác là trong cuộc đối thoại thầm này, một bên thì tự chủ và điềm tĩnh hơn, còn bên kia, tức là tôi, thì đang gặp rắc rối trong việc tập hợp ý nghĩ của mình.

- VÌ SAO NGƯƠI ÁM VÀO TA?

- Vì sao à? – Tôi đáp, hay nghĩ trong đầu thì đúng hơn. – Tôi đến để tìm hiểu về cờ Hiến tế. Đó là sự thật.

- Vì sao?

- À, bởi vì… bởi vì tôi đến từ những ngày cuối cùng của thế giới, từ baktun thứ mười ba. Thế giới của tôi đang gặp tai họa rất, rất lớn nên chúng tôi cần tìm hiểu trò chơi để xem có thể cứu vãn nó hay không.

- HÃY CÚT ĐI, - Ông ta nghĩ.

- Tôi không thể.

- CÚT ĐI.

- Xin lỗi, tôi thực sự, thực sự không thể. Ông là người…

- IM 0T’ XEN. (CÚT RA KHỎI BỘ DA CỦA TA)

- Tôi không làm được. – Tôi trả lời trong ý nghĩ. – Nhưng ông hãy nghe này, thế này có được không, tôi có thể…

- THẾ THÌ GIẤU MÌNH ĐI. – Ông ta nói. – NÍN ĐI, YÊN ĐI, ĐỪNG NÓI GÌ HẾT.

Tôi ngậm miệng lại. Tôi có cảm giác không lành.

Bàn tay tôi đưa lên cái miệng đang há ngoác và nắm lấy một sợi thừng gai, chính xác là một sợi dây đầy gai nhọn, được xâu qua một lỗ hổng ngay chính giữa lưỡi tôi. Tôi giật mạnh. Năm nút gai kéo đánh soạt một phát qua cái lỗ làm máu tóe ra trước khi sợ dây tuột xuống.

Hừ, đau đấy, - tôi lơ mơ tự nhủ.

Thực ra đau như thế đủ làm cái thân xác cũ của tôi kêu gào cả tiếng đồng hồ, nhưng bây giờ tôi thậm chí còn chẳng quằn quại. Kỳ quặc hơn, tôi cũng không có cảm giác sợ hãi, cái cảm giác sợ bị chảy máu cố hữu của một người mắc chứng máu khó đông mà tôi không bao giờ tránh được khi còn là Jed. Tôi cuộn sợi dây lại thành cuộn tròn một cách máy móc như người phi công sau khi nhảy dù cuộn tấm dù lại vậy. Nó thâm đen và xoắn lại. Máu cháy khiến căn phòng sực mùi khói đồng.

Tôi nuốt một cục đờm máu lớn. Ngon. Tiếng cầu nguyện lầm rầm bên ngoài to hơn lúc trước và tôi chợt nhận ra tôi đã nghe được rõ các từ, và mặc dù tiếng Ch’olan thời này có khác so với tiếng được cải biên ở thế kỉ 21 của chúng ta, nhưng tôi vẫn hiểu:

"Uuk ahau K’alomte yaxoc…

Hỡi chúa trời, tổ tiên,

Hỡi ông bà

Hỡi Mặt trời cao quý, hỡi Mèo Rừng cao quý

Người chiến thắng 25 kẻ thù ở Hồ Ba Núi

Người chiến thắng 1000 tên giết người ở Vũng Trời Mấp Mô…"

Chúng tôi duỗi thẳng chân ra. Tay chúng tôi vuốt phẳng lại chiếc khăn đội đầu – sờ vào nó có cảm giác như sờ vào một cái gối phồng cứng, được trang trí bằng những túm lông mèo – nhưng không lau máu trên mặt đi.

"Người chiến thắng 17 cơn bão cát ở Núi Cháy,

Người bảo vệ, người coi sóc chúng con

Chim Ruồi Có Nanh 9 cao quý

Khi nào người sẽ hiện ra

Từ hang đá trên cao

Để nhìn chúng con, để nghe chúng con cầu khẩn?"

Chúng tôi trườn đến ô cửa nhỏ, cúi đầu và nhoài người ra ngoài khoảng không. Một sự im lặng đột ngột bao trùm lấy đám đông trên quảng trường và rồi những tiếng thở dồn dập lại cùng một lúc bật ra từ nhiều buồng phổi đến mức tôi cảm thấy áp suất trong không khí dường như đột ngột nhẹ đi. Chúng tôi đứng lên. Chiếc vòng xếp vảy màu ngọc bích và những chuỗi hạt hình vỏ hàu chơm chởm va vào nhau kêu lanh canh khắp người chúng tôi. Dường như chút máu còn lại trong người đã cạn ráo khỏi đầu, và tôi đoán rằng vào những lúc bình thường thì ngay cả cơ thể này chắc cũng đã chết ngất, nhưng giờ đây, một loại hoóc-môn hưng phấn nào đó đã giúp ông ta tỉnh táo, và chúng tôi thậm chí không hề loạng choạng trên đôi dép cao gần như chiếc cà kheo với cái đế dày ít nhất tám inch. Tôi cảm thấy thân hình tôi nhỏ bé hơn Jed. Nhẹ nhõm hơn, khỏe khoắn hơn. Tôi hoàn toàn không có cảm giác của cái tuổi 48. Tôi cảm giác mới chỉ 16. Lạ thật. Tôi nhìn lên. Ix trải rộng bên dưới chúng tôi và bao trùm toàn bộ thế giới.

Cặp mắt chúng tôi chỉ bị hút vào nó chừng hai giây rưỡi trước khi ngước lên nhìn ngôi sao Algenib. Nhưng chừng ấy thời gian cũng đủ để tôi nhận ra một điều rằng không ai trong số chúng ta ở năm 2012 – và trong vòng cả năm thế kỷ trở về trước – có được chút khái niệm chính xác về bộ mặt của nơi này trong quá khứ.

Còn hơn cả nhầm lẫn, - tôi nghĩ, - chúng ta thật ngu ngốc. Chuyện này cũng giống như chúng ta đi qua một sa mạc và tìm thấy năm khúc xương trắng từ năm 206 hoặc những thứ xương xẩu gì đó tương tự giúp chúng ta hình dung được bản phác họa ban đầu. Nhưng thay vì chỉ tìm hiểu tuổi tác, giới tính, gen di truyền của kẻ đã chết, hay bất cứ điều gì khác mà người ta có thể suy diễn một cách hợp lý từ mấy cái xương sống và xương sườn rồi dừng lại ở đó thì chúng ta lại vẽ vời ra cả một kịch bản về cuộc đời cô ta, nào trang phục, nào sở thích, nào tên tuổi những đứa con và những thứ đại loại như thế, và rồi chúng ta tiếp tục viết ra cả một cuốn tiểu sử chi tiết với những biểu đồ hình khối tròn xám xỉn và những hình minh họa nhợt nhạt bôi bằng bột màu lem nhem. Còn giờ đây tôi đang đứng trước con người sống thực sự, không những vẻ bề ngoài của cô ta rất ít giống những gì chúng ta đã dựng lại mà tính cách, câu chuyện cuộc đời cũng như vị trí xã hội của cô gái đó cũng khác xa những phán đoán tẻ nhạt của chúng ta.

Những vụn tàn tích tồn tại được đến thế kỷ 21 cho ta biết không đầy năm phần trăm câu chuyện thực, chỉ phần nền móng bằng đá của thành phố thôi không thể khiến người ta hình dung được cả một đô thành, xứ sở của những đồ thủ công đan từ liễu gai, được dệt, tết, bện từ sậy, xơ cây thùa và tre trúc, hoàn toàn khác xa những gì trước đây tôi có thể tưởng tượng từ những di tích còn lại kia. Chúng tôi đang quay mặt về hướng chính đông, nơi có con sông chảy ngang qua, phía bên kia là Cerro San Enero, đỉnh cao nhất của dãy núi bao quanh thung lũng Ix. Núi lửa này đã tắt từ thế Pleistocene (Thế Pleistocene: Là thế thứ ba trong kỷ Neogen hay thế thứ sáu của đại Tân Sinh, kéo dài từ khoàng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay. Sự kết thúc của thế thế Pleistocene tương ứng với sự kết thúc của thời kỳ đồ đá cũ), nhưng vào thời điểm này nó lại đang phun trào, phả lên màn trời màu tím hoa cà trước lúc bình minh một cuộn tàn tro đen sì… không, từ từ đã, - tôi nghĩ. Không phải, đó không phải núi lửa phun trào thực sự. Chắc họ đã nhóm một đống lửa lễ hội bằng gỗ cây cao su trong miệng núi lửa đã tắt. Nhưng cả những ngọn đồi cũng không giống như trước. Lúc trước là rừng rậm bao phủ còn giờ đây tất cả đều trống trơn, được gọt đẽo thành các bậc thang và quảng trường dốc xuống theo triền đồi như hình dáng của những khu hồ có thác nước đổ vào, trên mỗi đỉnh đồi đều có đặt một vòng tròn gồm những cây sậy cắm xuống đất tỏa đều như chiếc vương miện tượng trưng cho tự do. Phía trước những ngọn đồi và kim tự tháp là các vệt, hay đốm li ti, hoặc thứ gì đó tương tự đang đu đưa, trong nửa giây đầu tiên, tôi những tưởng đó là ảo giác của cặp mắt mới, hay những tia chớp lóe của cơn đau nửa đầu, hoặc những vằn óng ánh ngụp lặn trong chất dịch trong mắt tôi, nhưng ngay một tích tắc sau, tôi nhận ra chúng là những con diều kết bằng lông vũ to bằng người thật, hình tròn hoặc ngũ giác với màu sắc chủ đạo là trắng, đen và đỏ tươi, bay lơ lửng trong làn không khí nóng bỏng phả ra từ hơi thở của đám đông khiến thành phố nom như một cái hồ trong không trung.

Họ bắt đầu bài cầu nguyện khác theo một nhịp điệu mới:

"Hun k’in, ka k’inob, ox k’inob

Một mặt trời, rồi hai mặt trời, rồi ba mặt trời…"

De todos modos (Thôi được – Tiếng Tây Ban Nha), - tôi nghĩ. Tập trung vào. Định thần lại.

Phải tìm một mốc nào đó. Con sông đâu rồi nhỉ? Tôi có ấn tượng là nó đã lan rộng ra thành một cái hồ nhưng lại không nhìn thấy tí nước nào. Thay vào đó là một khoảng trống xếp đầy bè mảng đan bằng cói và những chiếc xuồng khổng lồ, xen giữa chúng là những dải màu vàng sáng nom như hằng hà sa số bông cúc vạn thọ đang nổi bập bềnh. Tôi có ấn tượng là ở bờ bên kia có lớp lớp những khu trại liền kề nhau, những ngôi nhà dài có hình dáng tựa như lưng của loài khủng long lưng gai, những ngọn tháp có trụ đỡ với phần nhô ra bất chấp định luật về lực hấp dẫn, chông chênh đến mức phải nhẹ như lông vũ thì mới đứng nổi, chắc chúng được xây bằng lưới và trát bằng bột ngô… nhưng như tôi đã nói, đó chỉ là ấn tượng của tôi mà thôi, bởi mọi chiều ngang và dọc của không gian, từ các đỉnh đồi xuống đến quảng trường ngay dưới chân tôi đều tràn một không khí sôi sục những người là người. Những dãy dài ajche’ejob, hay những Người Cười, tức người dân thành Ix, đang đứng chen chúc thành từng đám đông trên quảng trường, tay bám lấy những cây sào và dàn giáo một cách đầy phấn khích, giống như những đám pô-líp bò thành từng mảng gợn lăn tăn trên dải đá ngầm một ngàn năm tuổi phơi bộ xương san hô trên mặt biển. Nơi duy nhất không có người là các bề mặt dốc đứng của bốn mul cao sừng sững, tức là bốn kim tự tháp phụ vươn cao giữa đám đông hỗn độn như những khối thủy tinh các-bon bị cắt lát chéo. Và ngay cả những kim tự tháp này cũng không hề để lộ ra bất cứ một mạch đá nào, tất cả đều được trát kín, nhuộm màu, phủ dầu bóng, kết cánh hoa trang trí, tô vẽ những đường viền màu vàng, đen và ngọc lam – những mảng bột màu có độc ghê gớm thực sự. Mỗi mul đều có một tháp mái lớn và khói tỏa ra từ những lỗ thông hơi nằm ở vị trí khuất. Có bao nhiêu nghìn người ở dưới kia? Năm mươi? Bảy mươi? Tôi chỉ nhìn thấy một phần rất nhỏ. Cứ cho là có hai nghìn người trên một quảng trường rộng chừng hai mẫu rưỡi, và có khoảng ba mươi quảng trường cùng kích thước đó ở… thôi, đừng bận tâm chuyện đó. Quay lại nhiệm vụ của mình đi. De todos modos. Chim Ruồi Có Nanh 9 đâu nhỉ? Phải cố bắt chuyện lại với ông ta mới được.

"Wak k’inob, wuk k’inob…

Sáu mặt trời, rồi bảy mặt trời…"

Chà.

Có chuyện gì đó không ổn.

Ngoài việc người này vẫn ở trong bộ óc của ông ta, vẫn còn chuyện gì đó không ổn. Không ổn, và rất đáng sợ. Đó là gì thế nhỉ?

Tôi cố lắng nghe ý nghĩ của ông ta, cũng như ông ta đang cố nghe tôi. Và quả thực tôi nghe thấy điều gì đó, tôi tóm được một vài hình ảnh lóe lên: những khuôn mặt nông dân nhăn nheo, móm mém, những đứa trẻ trần trụi, cổ to phềnh, nhoai người ra khỏi căn lều dựng bằng cành cây, những vết chân vấy máu trên mặt đường nắng vàng mắt, những trải bóng to và nặng rơi vèo trong không trung, lao đến rồi vụt đi… đó không thể là ký ức của một vị tù trưởng. Bằng cách nào đó, ý thức về bản thân của ông ta ngấm vào tôi, và tôi nhận ra là mình biết tên ông ta:

Chacal.

Không phải Chim Ruồi Có Nanh 9. Là Chacal.

Và anh ta không phải tù trưởng. Không… tôi là… anh ta là… một người chơi bóng hông (Một trong những trò chơi bóng nằm trong nghi thức tế lễ của người bản địa Châu Mỹ).

Phải rồi. Hỏng rồi. Có sai lầm gì đó thực sự nghiêm trọng.

Người này được mặc trang phục của ahau, và anh ta ở đây, trong căn phòng đặc biệt dành riêng cho ahau, nhưng anh ta không phải…

"Bolon k’niob, lahun k’niob," – đám đông cầu nguyện;

"Chín mặt trời, rồi mười mặt trời…

Mười một mặt trời, mười hai mặt trời…"

Đó là một cách đếm ngược. Mặc dù đang họ đếm xuôi đến mười chín.

Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra thế nhỉ? Người này không phải ahau, nhưng anh ta đang chuẩn bị… anh ta đang đóng…

Sự thật trút xuống người tôi như một cơn mưa chì. Anh ta đang thế chân Chim Ruổi Có Nanh 9.

Và đây không phải là lễ đăng quang lần thứ hai, -tôi nghĩ, - đây là một lễ tế. Anh ta là vật hiến sinh. Một vật hiến sinh vui vẻ tự nguyện. Họ đang đếm ngược đến giây phút anh ta nhảy xuống. Sau khi đếm đến "mười chín", số đếm sẽ trở về "không". Và đó là lúc tôi lao đầu xuống.

Ôi, trời ơi.

Thật ngu xuẩn. Đáng ra phải lường trước điều này chứ. Tình huống này hoàn toàn có thể xảy ra.

Thực tế, khi nghĩ đến đó, tôi mới nhớ ra là đã từng đọc được ở đâu đó về sự việc này. Đó là một bài viết trong "Tạp chí phân tích tâm lý văn hóa xã hội" có tựa đề "Lễ hiến sinh vô thức ở châu Mỹ thời tiền Columbia (Là thời kỳ trước khi người châu Âu đặt chân tới châu Mỹ)" Giả thuyết cho rằng vào thời kỳ xa xưa – tức là những ngày rất, rất xưa, trước cả thời kỳ này – các vị ahau chỉ có thể ở ngôi trong vòng một k’atun. K’atun là một chu kỳ kéo dài khoảng hai mươi năm. Sau thời gian đó, trước khi vị ahau trở nên già nua, mỏi mệt và khiến cả nền cai trị yếu đuối theo, ông ta phải chuyển giao thành phố cho một người thừa kế trẻ tuổi hơn rồi tự vẫn. Nhưng đến một ngày, một vị ahau khôn ngoan nào đó đã nghĩ ra cách để vứt bỏ gánh nặng này cho bản thân mà vẫn không đi ngược lại với luật tục. Thế là ông ta tổ chức một lễ hội lớn để trao lại tước hiệu và y phục của mình cho một người khác – người đó không cần có dung mạo giống ông ta, có khi chỉ là một tù nhân, hoặc một người tự nguyện, hoặc bất cứ ai – người đó sẽ đóng giả ông ta và trở thành ahau trong vòng năm ngày. Hết năm ngày đó, anh ta sẽ tự hiến mình. Cách này giống như đốt hình nộm vậy. Nhưng là hình nộm sống. Và khi sự việc kết thúc, vị ahau thật sẽ tổ chức một nghi lễ khác để tự đặt cho mình một cái tên mới và tiếp tục trị vì thêm một k’atun nữa.

Hừ, tốt thôi. Chí ít tôi cũng biết chuyện gì đang diễn ra. Chuyện đang diễn ra là tôi đang ở trên cái chỗ chết tiệt này, trong cơ thể một người xa lạ, hoàn toàn đơn độc – thực thế, tất cả những người tôi quen biết đều chưa ra đời – và bây giờ té ra tôi sẽ phải tự sát. Tiếp theo là gì nữa đây?

Nào, nào. Đừng làm gì xốc nổi. Mày vẫn có thể ngăn chuyện này lại. Vậy là mày đã chui vào nhầm người. Ve al grano (Hãy nhìn thẳng vào vấn đề - Tiếng Tây Ban Nha). Đây chỉ là một thất bại nhỏ thôi. Phải không? Rất may là chúng ta còn có kế hoạch phòng ngừa cho những trường hợp lộn xộn như thế này.

Ngoài nhóm Chocula và Thứ Sáu Kỳ Quặc… đến đây tôi nhận ra mấy cái tên này tuôn ra quá nhiều thuật ngữ cùng một lúc… Warren còn lập thêm một nhóm nghiên cứu ngôn ngữ gọi là nhóm Connecticut Yankee (Lấy theo tên cuốn tiểu thuyết "A Connecticut Yankee in King Arthur’s Court" của Mark Twain viết về đề tài du hành xuyên thời gian). Nhiệm vụ của nhóm này là viết ra một danh sách những gì tôi cần nói hoặc làm khi gặp phải rắc rối kiểu này. Họ huấn luyện tôi kỹ đến mức tôi thuộc làu từng bài như thuộc lời bài hát chúc mừng sinh nhật vậy. Thích hợp nhất cho tình huống bất ngờ này là chiến lược có tên Bài diễn thuyết Núi lửa. Rồi. Tôi nhẩm lại trong đầu vài lần, dùng một thứ tiếng Ch’olan xa lạ đến kinh ngạc. Bueno (Tốt rồi – Tiếng Tây Ban Nha). Nhớ rồi. Không có trục trặc gì.

Sẵn sàng chưa? Chỉ cần gào những câu ấy lên thôi. "Ta là người che khuất mặt trời", và cứ thế tiếp tục. Họ sẽ nghe thấy lời tiên đoán, họ sẽ chờ xem nó có xảy ra thật hay không, và khi nó xảy ra tôi sẽ trở nên quá đáng giá, không thể giết bỏ được. Có khi họ còn thu xếp cho tôi một cung điện riêng ấy chứ. Một cung điện khiêm nhường với năm mươi phòng, ba hoặc bốn trăm cô hầu gái xinh đẹp trẻ măng và một, thậm chí hai kim tự tháp. Chả khéo họ lại tôn tôi làm ahau. Giống như chuyện Jim – Chúa tể rừng xanh gặp tai nạn máy bay, rơi xuống khu rừng già ấy. Hắn ta chỉ bật cái bật lửa để châm điếu xì gà và thế là đám mọi rợ ăn thịt người lập tức vớt hắn ra khỏi nồi hầm và gọi hắn là Bwana (Bawana: Cách tôn xưng kính cẩn ở một số vùng châu Phi) Trắng. Dễ không ấy mà. Được chứ? Được rồi.

Estas bien (Tốt – Tiếng Tây Ban Nha). Hít thật sâu vào. Bắt đầu thôi.

Bắt đầu.

Chẳng có gì hết.

Nào. Lại nào.

Chẳng có gì.

Lại đi. Nào. Gào lên. Làm đi nào!

Nó cứ trơ ra.

Ôi, quỷ thần ơi.

Nào, Jed, mày biết phải nói gì mà. Phun ra đi. Ta là người che khuất mặt trời sắp lên. Nào. Mở miệng ra. Mở miệng ra. Tất cả việc cần làm chỉ là mở miệng…

- Miệng này là của ta.

ối giời ơi, ma quỷ ơi. Ni mierditas (Đồ chết tiệt – Tiếng Tây Ban Nha)!

Nào, cố lên, anh bạn, cố lên… nnnnnNNNNNNh!!!

Tôi căng hết cả người để cậy hàm mở ra nhưng kết quả duy nhất nhận được là cơn đau điếng như cắn phải cục gạch

Ôi, lạy chúa Jesu. Chuyện này không thể xảy ra được. Chacal không thể nào còn điều khiển cơ thể này được. Nó là của mình cơ mà. Nào, cử động đi. Làm gì cũng được. Vặn vẹo người đi. Kêu trời đi. Giơ tay lên vậy.

Chẳng có gì sất.

Đưa tay lên.

Không được.

Đưa tay lên. Đưa tay lên. Giơ ngón tay lên…

Chết tiệt.

Môi chúng tôi cứ mím chặt lại. Ngu xuẩn, ngu xuẩn, ngu xuẩn.

Chúng tôi trang trọng bước năm bước ra rìa cầu thang. Tông gồng mình ghìm chân anh ta. Chẳng có kết quả gì. Tôi có cảm giác như đang mắc kẹt trong mình một con rô bốt, giống như con trong phim "Người ngoài hành tinh" ấy, nó cứ thế bước đi như đã được lập trình còn tôi thì không thể tìm thấy bàn điều khiển. Chúng tôi dừng lại. Mười ngón chân chớm chìa ra ngoài khoảng không.

Tôi biết chúng tôi đang ở cách quảng trường Mèo Rừng bên dưới đúng 116 feet rưỡi (Số nhiều của foot, đơn vị đo của Anh. 116,5 feet bằng xấp xỉ 35,51m) theo chiều thẳng đứng, và nếu tính theo đường chéo thì là hai trăm sáu mươi bậc thang, dài 389 feet. Nhưng giờ đây tôi có cảm giác nó cao gấp đôi, và không chỉ vì cơ thể tôi nhỏ đi so với lúc trước. Chúng tôi nhìn xuống các dãy cầu thang xoáy sâu hun hút. Cảm giác chóng mặt ập đến. Những bậc cầu thang màu ngọc lam ánh lên những vết bọt màu hồng mà tôi đoán là rượu thùa (Rượu thùa: Một loại nước uống lên men của người Maya, ủ bằng nước chiết từ cây thùa) và máu của những kẻ hiến sinh trước hòa vào nhau. Các bậc thang được lát những phiến đá hình tam giác khiến chúng nom lởm chởm như lưỡi cưa kim loại. Kiến trúc gì mà như vũ khí vậy.

Ý tưởng của việc này là tôi sẽ nhảy xuống từ bậc thang này một cách đầy duyên dáng, và khi chạm đến đất, tôi sẽ tan xác thành từng mảnh. Họ sẽ xúm lại chộp lấy tôi và biết đâu sẽ trộn xác tôi thành món thịt tamale để đem chia khắp các nhà trong vùng kim tự tháp tam giác này.

Ôi giời ơi. Thế thì thật xui xẻo. Có lẽ tôi đã hy vọng quá nhiều. Tôi nghĩ đơn giản là sẽ quay về đây một cách ổn thỏa, chui vào bộ óc trắng tinh của vị ahau cai trị cả vùng này, và rằng một khi đã chui vào được rồi, tôi sẽ làm được tất tật những gì tôi muốn, tôi sẽ có cơ hội ngon lành để tìm hiểu mọi thứ liên quan đến trò chơi, tôi sẽ xây lăng mộ của mình theo đúng cách tôi thích, sẽ sống xa xỉ hơn một tẹo. Không vấn đề gì. Nếu mọi chuyện…

Dừng lại nào, - tôi nghĩ, - quay lại thực tế đi.

Thực tế ở đây đơn giản là tôi không điều khiển được các tế bào thần kinh chỉ huy vận động của Chacal. Tôi chỉ đang ở nhờ trong cơ thể anh ta, đang quanh quẩn đâu đó trong vỏ não anh ta. Anh ta đang rất cung kính, quyết tâm một cách ngu đần đi tự sát sao cho oanh liệt và ngoạn mục chỉ trong vài giây nữa thôi.

"Mười bốn mặt trời, mười lăm mặt trời…"

Những tiếng cầu nguyện cất cao hơn. Họ đang reo hò chúc mừng tôi, xúi giục tôi; trước sự trông đợi của họ, cảm giác thúc giục muốn nhảy xuống trào lên trong tôi. Họ đang tràn đầy háo hức và hy vọng, họ chỉ cần một điều rất nhỏ nơi tôi mà thôi. Tôi cảm tưởng như bất cứ ai trong hoàn cảnh này cũng sẽ nhảy xuống chỉ vì phấn khích. Có lẽ đây là một việc nên làm…

Không. Dừng ngay cái ý nghĩ ấy lại. Nào, Jed. Hãy đẩy cái thằng ngu kia ra khỏi tay lái, nắm lấy vô lăng và quay cái xe chết tiệt này lại. Đám thổ dân kia sẽ mắc bẫy thôi. Dễ thôi mà…

- MA, - Chacal rít lên với tôi, - không!

Có thứ gì đó đang siết chặt lấy ý nghĩ của tôi, hàm tôi co cứng lại, và trong một khoảng thời gian tưởng như dài đằng đẵng, tôi chỉ cảm thấy nỗi sợ tê cứng và ngạt thở. Có lúc tôi tưởng mình đã kêu được lên, nhưng rồi tôi nhận thấy miệng tôi không mở, ngực không phập phồng, và chẳng có gì xảy ra hết. Tôi vẫn đứng đó, rất đáng yêu, nhưng ruột gan thì rối bời, hồn xiêu phách lạc, liên tục kêu thầm trong bụng: "ôi, giời ơi, giời ơi"; và rồi tôi nghĩ tôi nghe được, hoặc cảm nhận được tiếng cười rất tỉnh táo của Chacal, anh ta gần như hoan hỉ, gần như vui sướng tột độ.

Hừ, thế đấy. Giờ phút cuối cùng trước khi đi vào lãng quên của Jed thân mến xem ra mỗi lúc một hay ho như thế này đây.

Estoy jodido (Đồ con hoang - Tiếng Tây Ban Nha). Mẹ kiếp. Nó là như vậy ư? Cái chết. Nó là như thế này sao? …

Khoan đã nào. Bỏ cái tật ấy đi. Tập trung vào. Suy nghĩ đi!

En todos modos (Thôi đành vậy – Tiếng Tây Ban Nha). Thật đen đủi. Lại nào. Nghĩ cách khác vậy.

Việc cần làm bây giờ là… ờ… việc phải làm bây giờ là kéo cái anh bạn Chacal quý hóa này về phe mình.

Phải rồi. Đúng thế.

-Chacal? – Tôi gọi anh ta trong đầu, - Ta thư thư lại một tý nhé. Prenez un chill pill (cậu không cần phải làm việc này).

Im lặng , ý tôi là sự im lặng trong ý nghĩ.

- Chac man? Compadre? (Thế nào, anh bạn?)

Để tôi nói cậu nghe điều này nhé. Được không? Những thứ quanh đây không phải là tất cả thế giới. Thế giới còn nhiều điều lắm. Hãy nhìn qua ký ức của tôi mà xem. Cậu có thể thấy nó, đúng không? Hãy nhìn mà xem: châu Âu, châu Á, máy tính, kẹo dẻo… cậu thấy mọi sự vật liên quan đến nhau thế nào không? Hãy nhìn vào ký ức tôi. Cá là cậu không biết trái đất hình cầu. Thú vị đấy chứ, hả? Và còn nhiều điều khác nữa. Chúng có khiến cậu nghĩ lại đôi chút không?

- NGƯƠI LÀ GIÒI BỌ CỦA KẺ REO RẮC GHẺ, ĐÂY LÀ TRÒ LỪA ĐẢO CỦA NGƯƠI, - Chacal đáp.

- Hở? – Tôi đáp. Tôi không thực sự hiểu hết câu đó. Nhưng ít nhất chúng tôi cũng nói chuyện được với nhau. Thế là tốt rồi. Chacal? Nghe này. Cậu biết tôi không nói dối. Bây giờ chúng ta là một. Chúng ta đang cùng ở trong này. Về phần tôi, tôi thấy thế cũng ổn. Cậu nghĩ sao?

- Tôi nghĩ ta sẽ phối hợp với nhau rất tốt. Phải không Chacal?

- NGƯƠI LÀ ĐỒ BẨN THỈU VÀ NGƯƠI SỢ HÃI. TA SẼ KHÔNG ĐỂ NGƯƠI LÀM Ô UẾ NƠI THANH SẠCH NHẤT NÀY.

- Tốt thôi, - tôi đáp, - sao cũng được. Nào, nghe tôi, anh bạn. Tỉnh lại đi. Cậu đang bị lợi dụng đấy.

- QUÁ MUỘN VỚI NGƯƠI RỒI. TA ĐÃ CÓ QUYẾT ĐỊNH ĐẦY TRÁCH NHIỆM.

- Ồ, được thôi, Rất tốt, tôi tôn trọng điều đó, ít ra thì cậu cũng biết là không có Mèo Rừng 1 nào trên đời, phải không? Không có trên đỉnh bầu trời hay bất cứ nơi nào khác. Đó chỉ là cách người ta tuyên truyền thôi. Cậu biết tuyên truyền là gì chứ? Dù sao đi nữa, dù đây có là quyết định đúng đắn tại thời điểm này, là việc nên làm ngay lúc này, dù là để giúp đỡ gia đình, giả dụ vậy, thì chí ít cậu cũng nên nghe xem tôi có đề nghị gì, rồi sau đó…

- ĐỒ GIÒI BỌ NHÀ NGƯƠI IM ĐI.

"Mười bảy mặt trời, mười tám mặt trời…"

- Được rồi, cậu nghe này, Chaco, hãy thử một lần thôi, sao cậu không để tôi nói điều tôi muốn nói, rồi ta sẽ xem chuyện gì xảy ra. Tôi hứa với cậu rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp với cả hai chúng ta…

- KHÔNG MỘT LỜI NÀO TỪ MIỆNG NGƯƠI.

- Chỉ một giây thôi. Tôi thực sự có điều cần nói. Thêm vài ngày nữa và cậu sẽ được tôn làm thủ lĩnh. Đập tan kẻ thù và đem phần thưởng đến cho những người bạn. Hãy tận hưởng điều đó. Tôi có phép thuật. Những điều tôi sẽ nói thực sự có uy lực…

- KHÔNG!

Đó là câu trả lời cuối cùng của anh ta.

Áp lực lại càng đè nặng lên tôi, bóp nghẹt hơn. Không thở được. Thậm chí không thể suy nghĩ được.

Nnnn…

Nào. Hãy cưỡng lại. Phải buộc hắn nói ra câu đó, bằng bất cứ giá nào. Hãy nghĩ ra cách gì đó đi.

Nnnnn…

Được rồi. Cố lên, Jed. Mày vẫn có thể điều khiển được cử động của hắn. Hắn chắc gì đã là kẻ áp đảo. Chỉ là hắn nghĩ vậy thôi. Đây có lẽ chỉ là vấn đề cách nhìn, là sức mạnh tinh thần thôi. Hãy chiếm lấy vị trí của hắn. Hãy làm kẻ mạnh một lần đi.

Nào. Hãy cho hắn thấy mày mạnh hơn hắn. Nói đi! Ta là người che khuất mặt trời sắp lên. Nói đi. Nào, Jed, hãy khẳng định cái tôi chết tiệt của mày một lần đi. Ta là người che khuất mặt trời sắp lên. Nào, nhúc nhích đi! Nói ra! Ta là người che khuất mặt trời

Nnnnn...

"Mười chín mặt trời…"

Cố lên, Jed. Cưỡng lại cái thằng ngu ấy đi. Không phải vô ích đâu.

Tôi gắng sức.

Nnnnn…

Jed! Nào! Gắng lên!

Mày phải làm gì đó. Nói, gào thét, gầm gừ, gì cũng được…

NnnnnmmmmNNNzzznnkk. Mẹ nó chứ! Chẳng khác gì táo bón nặng, quằn quại rặn mãi mà chẳng được gì, chẳng có gì ra hết, chẳng có gì…

"Không mặt trời"

Nào, Jed. Hãy cứu dự án, cứu hành tinh này, cứu chính cái thân mày nữa, nào, chỉ một lần này thôi, phải làm gì đó đi, làm gì đó, hãy làm gì đó khôn ngoan…

image_54906032bd6e73.69347689.jpg


PHẦN I

image_5490603304f347.33809690.jpg

THÀNH PHỐ CHẾT MEGACON



image_54906033124ea3.09554879.jpg

Gượm hẵng nào. Hình như tôi hơi rườm lời thì phải.

Có lẽ tôi đang kể quá nhiều chuyện một cách đột ngột. Chúng ta cần phải biết vài điều căn bản đã. Suy cho cùng, đây là truyện được thuật lại và có một số việc cần tường trình. Vì vậy có lẽ tôi nên nghiêm túc hơn một chút, bớt hoa mỹ đi và kể lại cho các bạn ngắn gọn tại sao tôi lại ở cái chỗ chết tiệt kia. Có lẽ các bạn đang mù mịt về câu chuyện này chẳng kém gì mù tịt về tương lai.

Tên đầy đủ của tôi là Joaquín Carlos Xul Mixoc DeLanda. Khác với những người Maya bản địa khác, tôi được sinh ra trong một bệnh viện thực thụ tại môt thành phố nhỏ tên là San Cristobal Verapaz thuộc tỉnh Alta Verapaz, miền trung Guatemala, cách vịnh Honduras ba mười dặm về phía tây, cách CG, tức là Cidad Guatemala hay Guatemala City (Guatemala City: thủ đô nước cộng hòa Guatemala), chừng chín mươi dặm về phía đông bắc, và cách làng T’ozal, mà thực ra chỉ là một thôn nhỏ nơi tôi lớn lên, đúng mười dặm về phía tây. Ba ngày sau khi ra đời, ngày mùng 2 tháng 11 năm 1974 mới là ngày quantrọng - ngày tôi được làm lễ đặt tên. Theo cách tính của người Maya chúng tôi, đó là ngày Gầm rú 11, Trắng 4 của uinal 5, tun 1, k’atun 18, b’ak’tun 13, cũng là b’ak’tun cuối cùng. Đó đúng là thời điểm một triệu tám trăm năm mười tám ngàn và bảy mươi mốt k’inob - nghĩa là mặt trời, ánh sáng hoặc ngày – sau ngày đầu tiên của hệ thống lịch Long Count (Long Count: là phương thức tính thời gian mà người Maya tiếp thu từ bản địa khác xa xưa hơn) - tức là ngày Chúa tể 4, Bóng tối 8, 0.0.0.0.0 hay ngày 11 tháng 8 năm 3113 trước Công nguyên; đồng thời đúng là thời điểm mười ba ngàn chín trăm hai mươi tám ngày trước khi mặt trời lặn trước ngày Chúa tể 4, Gân vàng 3, là ngày cuối cùng của k’atun cuối cùng của b’ak’tun 13 tương ứng với ngày 21 tháng 12 năm 2012, tức là thời điểm, mà các bạn có thể nghe nói, ánh sáng ngày sẽ chấm dứt vĩnh viễn.

Cha tôi là một thổ dân nói tiếng K’ekchi (K’ekchi: ngôn ngữ người Maya ở Guatemala và Belize sử dụng) mang nửa dòng máu Tây Ban Nha và được coi là người có học thức của địa phương. Ông theo học tại học viện Santiago Indigenous ở Guate City và sau đó quản lý hệ thống trường sơ cấp trong vùng. Mẹ tôi nói tiếng Ch’olan, trong số các thứ tiếng Mayan, đây là tiếng gần nhất với ngôn ngữ Mayan phương nam cổ xưa. Nhà ngoại tôi chuyển từ Chiapas về đây từ năm 1930 và lập nên một cộng đồng nhỏ nói tiếng Ch’olan nằm biệt lập với cộng đồng lớn của họ về phía tây bắc. Hơn tất cả các đứa trẻ khác trong vùng, tôi được học về quá khứ dân tộc tôi, lịch sử đất nước tôi và mọi điều khác. Nhưng tôi vẫn không hiểu rõ nhiều chuyện. Chúng tôibiết rằng xa xưa, chúng tôi đã từng là những nhà kiến trúc, những vị vua và giờ đây chúng tôi trở nên khốn khổ. Nhưng tôi không biết nền văn hóa của chúng tôi đang chết dần. Tôi cứ ngỡ thế giới này nhỏ hẹp và jon-ka’il – quảng trường thị trấn và akal - ngôi nhà có tường xây bằng xỉ than đóng bánh và lợp rạ - của chúng tôi là trung tâm của cái thế giới ấy. Và… lạy Chúa, tôi đã lớn lên dưới một mái nhà lợp rạ. Vì Chúa, tôi cứ như thành viên khảo cổ vậy, đôi khi chính tôi cũng không thể tin được là mình lại như thế. Khi nhìn lại, tôi thấy mình đã bị kìm hãm trong sự ngu dốt. Nhưng tôi thực sự cho rằng hiểu biết của tôi về lịch sử khi ấy không kém mấy so với những đứa trẻ học ở trường công lập Mỹ bây giờ. Phần lớn mọi người đều biết đâu đó dưới phía Nam có những kim tự tháp đố nát, hình dạng kỳ cục. Một số ít hơn thì biết rằng ở đó có những dạng người cổ xưa gọi là người Aztec, người Toltec, người Inca và người Maya. Nhiều người đã biết đến dân tộc Maya qua một bộ phim của Mel Gibson, hoặc đã tới thành phố Mexico và được thấy di tích Teotihuacán (Teotihuacán: khu di tích kiến trúc và đô thị cổ thời Colombus ở Mexico)đổ nát. Nhưng chẳng mấy khi gặp được người Mỹ nào kể được cho anh nghe sự khác biệt, ví dụ, giữa người Aztec và người Toltec, hoặc biết rằng có những tộc người khác tuy ít được biết đến hơn nhưng không kém phần phát triển như Mixtec, Zapotec hay Tarascan đã từng sinh sống khắp một vùng từ miền trung Mexico đến Honduras mà ngày nay chúng ta quen gọi là Mesoamerica, hoặc biết rằng người Inca trước kia sống trên một vùng đất nào tách biệt, cách xa hàng ngàn dặm về phía tây nam và vì thế, theo suy nghĩ của người Maya chúng tôi, họ còn sinh sống trên cả sao Hải vương nữa.

Giai đoạn phát triển rực rỡ của những nền văn minh này cách nhau rất xa. Nền văn minh của người Toltec lên đến đỉnh cao vào khoảng năm 1100. Phần lớn đô thị Teotihuacán bị bỏ hoang từ năm 650 đến 700. Giai đoạn gọi là Cổ Maya kéo dài từ 600 đến 850 Công nguyên; và đến khi nền văn minh của người Aztec chuẩn bị trỗi dậy, tức là khoảng 600 năm sau, thì cũng là lúc nền chính trị của người Maya đi vào thoái trào. Trong nghiên cứu giới thiệu về Mesoamerica, có một cách ví von thường gặp là nếu người Maya Cổ được coi là những người Hy Lạp cổ đại thì người Aztec và Toltec là những người La Mã. Tuy nhiên, người Maya và người Hy Lạp chỉ có một điểm chung duy nhất là tài năng.

Thời nay, hiển nhiên các bạn cho rằng mỗi nên văn hóa, hay bất cứ thứ gì khác, đều có đặc điểm nổi bật. Hồi tôi còn đi học, một hôm, ở Bảo tàng nghệ thuật của trường đại học, người ta đi vòng quanh và thay đổi tất cả các biển chú thích, thay vì viết rằng: "Tín ngưỡng tôn thờ sự ô uế, Bộ tộcOokaboolakonga, thế kỷ 19" thì người ta viết lại là: "Tín ngưỡng tôn thờ sự ô uế, Nền văn minh Ookaboolakonga, thế kỷ 19". Cứ như thể năm cái lều với một bản khắc gỗ đã là một nền văn minh vậy. Nhưng có một điều đáng buồn là văn hóa cũng như giới nghệ sĩ, chỉ có một số ít là thiên tài thực sự thôi. Trong tất cả các nền văn minh phát triển cao nhất trên thế giới, nền văn minh Maya dường như đã thăng hoa một cách bất ngờ nhất. Chỉ có duy nhất ba dạng chữ viết dưới dạng ngữ âm đã được phát minh: một ở Trung Quốc, một ở Lưỡng Hà (Teotihuacán: khu di tích kiến trúc và đô thị cổ thời Colombus ở Mexico) và một bởi tổ tiên của người Maya. Khái niệm "số không" cũng chỉđược phát hiện duy nhất hai lần: một ở gần vùng đất mà ngày nay là Pakistan, và trước đó là bởi những người Maya. Dân tộc Maya đã từng và đến nay vẫn là một dân tộc rất đặc biệt, đó là tất cả những gì bạn nên biết.

Ngay cả điều ấy cũng không mấy ai hay. Có thể có hai lý do. Thứ nhất: định kiến đơn thuần. Thứ hai: nói một cách công bình thì có lẽ chưa có một nền văn minh nào, và chắc chắn chưa từng một nền văn minh nào có chữ viết lại bị nhổ tận rễ như thế. Nhưng vẫn còn đó hai triệu rưỡi người nói tiếng Mayan, hơn một triệu trong số đó đang định cư ở Guatemala và rất nhiều trong số chúng tôi còn biết ít nhiều về ngày xa xưa. Đặc biệt là mẹ tôi. Nhưng tôi chưa từng có cảm giác rằng bà có điều gì đặc biệt ngoại trừ bà là người quan trọng nhất trên đời đối với tôi. Và tôi đoán các bạn cũng sẽ nói vậy. Ngoại trừ một điều nho nhỏ bà đã dạy tôi vào mùa mưa năm 1981, năm ấy tôi bị ốm nặng đến mức "suýt ra đi", theo lối diễn đạt đầy duyên dáng của ngài mục sư.