Mật Mã MaYa

Chương 45: Mật Mã MaYa Chương 45



PHẦN III

image_5490f0c1df3c06.05571380.jpg

THÀNH PHỐ LƯỠI DAO

image_5490f0c25ee0b3.74469431.jpg

image_5490f0c2c05cb0.19293868.jpg

image_5490f0c31490b7.62126434.jpg


image_5490f0c28153a5.06644585.jpg

Một biển sương mù lấp lánh trọn thung lũng dưới chân chúng tôi, duy nhất có một chỏm núi tù, Cerro Gordo – Đỉnh Núi Trắng của thành phố, vạch một nét lên bầu trời xám xịt. Chúng tôi đang đứng trên một con đèo tại điểm xa nhất về phía nam của lòng chảo, trước mặt là con đường đẽo thành hình bậc thang thoai thoải giữa hai dãy nhà trại lớn, vuông vắn, tường trát thạch cao, chạy xuống nơi mà tôi biết là một cánh đồng phù sa bằng phẳng. Không phải sương mù, - tôi nghĩ lại, - nó có màu xanh lam. Đó là khói, khói nhựa cô-pan bốc lên từ hàng trăm ngàn lư hương nhỏ. Rất lâu sau, lớp khói trên cùng của cái lòng chảo không khí im lìm mới tản bớt một chút, cho phép chúng tôi nhìn thấy một, rồi ba đốm sáng màu da cam giữa khoảng không mờ mịt, cao gần ngang vị trí chúng tôi đang đứng, đốm xa nhất dựa vào vách núi Cerro Gordo, rồi đến hai đốm gần hơn, phía trên tay phải. Và rồi, những hình thù dưới các đốm sáng hiện dần lên, tôi nhận ra chúng là những đống lửa được đốt trên đỉnh ba kim tự tháp lớn. Kim tự tháp của Phù Thủy Ngọc Bích nằm ở tận cùng phía Bắc là chiếc xa chúng tôi nhất, bên tay phải là kim tự tháp Bão Lốc khổng lồ, và cuối cùng, gần nhất và nhỏ nhất, là kim tự tháp màu xanh chàm của những đứa con của Rắn Chuông Sao. Nhiều đốm sáng khác le lói giữa khoảng không mờ xám, tất cả đều là lửa thắp trên đỉnh của hàng trăm kim tự tháp nhỏ, tuy không cao bằng ba gã khổng lồ kia nhưng cũng chẳng phải những thằng lùn. Khói bốc cao lên và tản đi, thêm nhiều hình thù trở nên rõ nét, hệt như Brigadoon (Ngôi làng thần thoại ở xứ Scotland, cứ một trăm năm mới xuất hiện một lần) dần hiện ra giữa sương mù; mỗi lúc một nhiều khối vững chãi được từ từ bồi đắp thành hình như những mảnh đá mặt trăng tích tụ lại trong bình thí nghiệm; một khung xương rời rạc đang biến hình thành một quang cảnh lộng lẫy và hùng vĩ.

Khi lần đầu tiên nhìn thấy nó dưới hình dạng một đống đổ nát vào một ngàn ba trăm năm mươi mốt năm sau, tôi đang là một thị dân cuối thế kỉ hai mươi, đã quá quen với việc nhìn ngắm từ trên không và những tòa nhà cao chọc trời, vậy mà vẫn còn thấy choáng ngợp. Vậy thì với một thổ dân Mesoamerica vào thế kỉ thứ bảy, không nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là thiên đàng dưới trần gian, chưa từng và sẽ không bao giờ có thành phố nào vĩ đại hơn, được thần linh tạo ra trước khi con người có mặt trên đời, và ngày này, người cai trị nó chính là hậu duệ của các vị thần, ngồi ở trung tâm của hai mươi ba tầng vũ trụ, nơi không kẻ nào có thể chạm tới. Không từ ngữ nào trong tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ch’olan, tiếng Klingon (Ngôn ngữ tưởng tượng của người ngoài hành tinh trong phim Star Trek) hay bất cứ thứ tiếng nào khác có thể diễn tả được sự kì vĩ phi phàm của thành phố này trong thời kì cực thịnh. Trước khi nhìn thấy những đám đông, anh đã có thể nghe và cảm thấy họ, như khi đặt tay lên tường ngoài của một cái tổ ong, anh có thể cảm thấy bên trong nó đầy nhung nhúc những đốm đen, vàng và xám. Không thể nào có đủ nhà cho toàn bộ số người này được. Đây không thể là số dân thường ngày. Chắc họ phải ngủ cả ngoài trời, chồng chất lên nhau. Chật cứng, chật cứng…

Cũng như Ix, chỉ một số rất ít công trình xxây dựng của thành phố này tồn tại được đến thế kỉ 20. Nhưng không như Ix, những đám đổ nát ấy đã được khai quật và trùng tu từ đầu thế kỉ 20. Tôi đã đến đây tham quan vài tuần vào năm 1999 và biết rất rõ bản đồ dựng lại theo nghiên cứu khảo cổ. Và bây giờ đây, tôi mới thấy công trình phục dựng của Viện Lịch sử và Nhân chủng học vụng về và sai toét đến mức nào. Nhưng ngay cả nếu nó có hoàn hảo đi chăng nữa thì những gì sót lại đến thời điểm đó cũng quá ít, có quá nhiều thứ mới lạ ở đây đến mức tôi khó lòng nhận ra thành phố này chính là nơi tôi từng tìm hiểu. Cái mà khách du lịch được nhìn thấy là phần trung tâm còn sót lại của khu teocalli (Nghĩa là "Ngôi nhà của thần linh"trong tiếng Nahuatl, dùng để chỉ các kim tự tháp có đền thờ trên đỉnh), một đống đá nâu nằm trơ trọi. Còn lúc này đây, cái trung tâm đó chỉ là phần tráng lệ hơn một chút của cả một thành phố đông đúc, đồ sộ, cứ trải rộng mãi theo hình dáng của những chiếc tổ ong đan cài vào nhau khiến người ta có cảm tưởng đó là một chứ không phải nhiều ngôi nhà, chúng giăng chật kín thung lũng, bò lan lên các dãy đồi và lên tận đỉnh Cerro Gordo, một cảnh tượng của sự nhân tạo hóa triệt để như ở Hồng Kông hay Las Vegas chứ không phải ở một thế giới tiền hiện đại. Không trông rõ đường phố bởi chúng chỉ là những lối đi hẹp giữa những tòa nhà lớn, hay chính xác hơn là những khu gồm nhiều căn nhà của các gia đình có quan hệ dòng tộc, vì thế, nhìn từ đây, các khu dân cư nom giống một thành phố Trung Đông hơn bất cứ kiểu đô thị nào khác ở Cựu Thế Giới, chỉ khác ở những điểm nho nhỏ như màu sắc và kiểu cách. Giống như Manhattan, thành phố được phát triển hơn lệch về hướng đông bắc, khoảng 15,25 độ, để thẳng hàng với Kochab (Tức Beta Uriae Minoria, ngôi sao trong chòm Tiểu Hùng), một dãy sân trũng xuống và những bức tường khán đài rộng nối thành một hàng dài thẳng tắp mà sau này người Aztec gọi là Dãy Phố Thần Chết trải dài trước mắt chúng tôi. Thực ra, nó hoàn toàn không phải là một dãy phố, theo cách nhìn của chúng ta ngày nay, nó thậm chí chẳng phải một đường rước lễ mà chỉ là một dãy quảng trường nối liền với những ngọn tháp cao dựng đứng mà chưa ai từng nghĩ đến trong quá trình phục dựng. Để hình dung cho rõ, tôi nghĩ có thể gọi nó là trục chính của thành phố. Đến lúc này, đã có thể thấy rõ màu đen và đỏ của kim tự tháp Bão Lốc, màu đen và trắng của kim tự tháp Phù Thủy Ngọc Bích, và màu đen và xanh da trời của kim tự tháp Rắn Chuông Sao. Bão Lốc to lù lù như một quả tim đập vào dãy đồi và… ôi trời, nó còn hơn cả to lớn nữa, nó ở một tầm vóc khác hẳn, nó được xây nên không phải dành cho con người. Người ta có thể cảm thấy sức hút ghê gớm của nó, dường như nếu đặt một quả bóng thép xuống mặt đường phẳng, nó sẽ tự lăn về phía ấy. Trên đỉnh tháp, vẫn ngọn lửa ấy đã cháy liên tục hơn bốn mươi tư năm, kể từ khoảng trống trước trong chu kỳ (Tức lần nhật thực trước), nhưng họ sẽ dập tắt nó sau mười một ánh sáng nữa tính từ hôm nay để khỏi coi thường Prank – Người Nuốt ánh Sáng Đen. Sau đó, khi nhật thực kết thúc, họ sẽ lại thắp nó lên bằng chính ánh sáng mặt trời. Đây là điều hiển nhiên bất di bất dịch đến mức đơn giản là nó không cho phép bất cứ sự phản đối nào. Nhưng ai nghĩ đến chuyện phản đối cái sự ấy làm gì?

Và đây, đã có thể trông rõ kim tự tháp Phù Thủy Ngọc Bích – rất lâu sau này sẽ là kim tự tháp Mặt Trăng – nhìn xuống dãy phố lớn. Chỗ chúng tôi đang đứng còn cách quá xa nên không thể nhìn thật rõ qua màn khói và hơi nước, nhưng hình như có những vệt gì đó đang bu đầy quanh nó. Chim à? Hay tôi hoa mắt? Kim tự tháp lớn thứ ba, tỏa màu xanh, công trình duy nhất có màu xanh trong thành phố. Đền thờ của Hội Rắn Chuông Sao, nằm đúng nơi nó nên nằm, chềnh ềnh ở phía đông nam, cuối trục đường chính, như quân xe nhảy bổ vào vị trí quân vua vừa đi qua. Nó nhỏ hơn hai kim tự tháp kia nhưng lộng lẫy hơn hẳn và vẫn đủ to lớn để không kẻ nào dám cà khịa, thực tế, nó lớn hơn khá nhiều so với công trình được phục dựng lại nhiều thế kỉ sau, khi người ta khám phá được một mặt tiền có niên đại còn sớm hơn nữa. Tòa tháp có ít nhiều dáng dấp của phong cách Maya phương nam với tường ngoài chạm hình rắn cuộn vào nhau, tuy thế, kiến trúc vẫn được hình khối hóa, lập thể hóa, Mexico hóa, hay gì gì đó khiến nó vừa hài hòa lại vừa không hài hòa với phần còn lại của thành phố, một phần không cân xứng và chông chênh hơn.

Ở trung tâm của trục đường chính, giữa quảng trường lớn đối diện Bão Lốc là công trình thứ tư, chưa có trên bản đồ trong đầu tôi. Sọ Đá Quý không nhắc đến nó, và giới khảo cổ cũng không tái hiện lại. Sao họ có thể bỏ sót nó được cơ chứ? Giời ạ, một hình nón dốc đứng,dựng thẳng lên trời như một ngón tay màu xanh lá cây, cao lừng lững không kém gì tòa kim tự tháp. Khi nhìn thật kỹ, tôi nhận ra nó là một kiểu giống như tòa tháp không có vách tường, cao mười ba tầng, mỗi tầng cách nhau chừng năm sải tay. Một đám đông lúi húi đi lại quanh nó như kiến bò, trần trụi với những vệt xám trên người: những tên nô lệ. Tôi đoán rằng nó được bện bằng thân sậy và gỗ tươi, có lẽ là đây chính là xcanacatl, lửa-dâng-cho-hư-vô mà Cá Sấu 12 đã nói tới. Nó sẽ được dựng xong và chất đầy đồ cúng trước lúc nhật thực, khi nào các thầy tế đuổi được Người Nuốt ánh Sáng đi, họ sẽ đốt bỏ nó bằng lửa tinh khiết của bình minh thứ hai.

Kim tự tháp của Phù Thủy Ngọc Bích nhòm xuống con đường chính, y như ông tướng dự buổi duyệt binh, nhưng kim tự tháp Bão Lốc thì đối diện một khoảng trống không. Phía bên kia trục đường chính chỉ có một quảng trường cỡ vừa để cân đối với tòa tháp, nhưng cũng chẳng cân đối được, gã khổng lồ to kềnh nhìn đăm đăm cô độc về hướng tây với vẻ hiu quạnh. Người nhìn nó bỗng có cảm giác băn khoăn, như khi nhìn một bức tượng cẩm thạch cổ tạc hình một vận động viên với cánh tay giơ lên, nhưng cánh tay lại gẫy mất từ phần bả vai, và người ta thắc mắc không biết anh ta đang giơ tay chào? hay đang ném lao? hay đang vung gươm? Hoặc như khi anh nghe đoạn đầu của một khúc nhạc mà không thấy đoạn kết, nó khiến anh bứt rứt đến mức phải tự nghĩ ra một đoạn kết mà ngâm nga ư ử trong họng. Nó gợi lên một cảm giác mong ngóng đến lạ lùng… không hẳn là sự trống trải, mà chỉ là sự chờ đợi, cảm giác của một người phụ nữ cô độc bên bàn ăn lớn chờ đón một vị khách quan trọng từ ngoài kia sắp bước vào.