Mật Mã MaYa

Chương 46: Mật Mã MaYa Chương 46



image_5490f0ca688d79.00811751.jpg

Đám phu khuân vác ngần ngại. Tên khiêng kiệu của tôi lầm rầm mấy câu khấn vái bằng thổ ngữ làng hắn…"xin các cụ trông nom che chở con" hay những câu gì đó đại loại vậy, nhưng Cá Sấu 12 buộc họ phải đi tiếp. Chúng tôi đi xuống thung lũng. Cái khuyên môi của tôi đẫm nước nhỏ giọt và vách mũi nhoi nhói. Vì dốc núi có bậc thang nên nó không phải chạy ngoằn nghoèo như các con đường núi ở Cựu Thế Giới. Mấy lần liền tôi tưởng mình sắp lao xuống. Mùi ớt hong khô, ngô luộc, phân cháy và vị khen khét của đá cuội và đá thủy tinh mới bửa bay tạt qua. Tiếng lạch cạch và ken két liên tu bất tận vọng đến từ các phường làm dụng cụ bằng đá cuội, hệt như tiếng của hàng ngàn con bọ nhảy cánh cứng và ve sầu. Một gã quản lý tạm trú có bộ mặt trắng bợt của thị tộc Kền Kền đến ghi lại tên tuổi, chức danh và tổng số người của đoàn chúng tôi, đánh dấu lại trên một chùm những sợi thừng con queo như cái vòng quipu (Còn gọi là "những cái nút biết nói", một dụng cụ để ghi nhớ số lượng, gồm những sợi dây và những nút thắt với đơn vị quy ước sẵn) của người Inca.

Chúng tôi tập hợp lại. Nòng cốt của đoàn chỉ còn lại hai mươi người. Không có vẻ là dấu hiệu tốt. Chúng tôi tiếp tục đi xuống. Khi Bão Lốc vươn đến ngang tầm chúng tôi, các cạnh của nó xoay chuyển theo một nhịp điệu khó hiểu, các tầng tháp hiện ra rồi lại biến mất, dựng đứng, thoai thoải, rồi lại dựng đứng, như một hợp âm nhạc jazz.

Khi gần xuống đến thung lũng, cách khu teocalli khoảng nửa dặm, chúng tôi rẽ sang hướng tây, rời khỏi trục đường thông thương, tiến vào một nơi mà các bạn có thể gọi là đường hẻm dành cho khách bộ hành. Nó đông nghẹt những người là người. Mấy gã do Bị Thương 14 cử đi len lên đầu đoàn, xua xua những cái néo để gạt lũ dân đen ra khỏi lối của chúng tôi. Tránh đường, tránh đường cho Đức cha Coronel. Chúng tôi ì ạch lết qua một dãy cửa mới bị đóng chặn lại, hay đúng hơn, vừa bị bít lại bằng đá tảng và chằng thừng dây leo. Hừ, sợ lộn xộn à? Quá nhiều thủy thủ trong thành phố sao?

Đám dân thành phố rẽ sang hai bên khi chúng tôi đi qua. Họ nhìn chúng tôi chằm chặp, không có vẻ gì thù địch, nhưng hiếu kỳ đến mức khó chịu. Có lẽ chỉ vì chúng tôi không vẽ mặt. Người Maya chỉ vẽ mặt vào một vài dịp đặc biệt, nhưng người Teotihuacán thì cứ hễ ra đường là vẽ mặt. Nhưng kiểu vẽ mặt ở đây rất khó hiểu, họ bôi những vạch dài màu tối ngang qua mắt, làm mất hết đường nét khuôn mặt và khiến ai cũng giống ai, chỉ khác nhau ở những vệt chấm – dấu hiệu riêng của từng thi tộc mà đằng nào tôi cũng chẳng hiểu. Một vài người nổi cả mụn nhọt dưới lớp màu vẽ và rất nhiều người tỏ ra ốm yếu. Cơ man là tiếng ho hắng và khạc nhổ. Có bệnh lao ở đây rồi, - tôi nghĩ bụng. Trẻ con sinh ra sẽ chẳng đủ bù người chết. Chắc phải có khối bệnh nhiễm trùng ký sinh, có khi cả bệnh dịch lạ nữa cũng nên… hừ, hay quá rồi, chúng ta chỉ cần có thế nữa thôi.

Chúng tôi tiếp tục len lách lên phía trước. Người mỗi lúc một đông đặc thêm. Tôi bắt đầu có cảm giác ghê ghê với nơi này, ý tôi là ghê hơn một ngàn cảm giác ghê ghê khác tôi vẫn có. Thứ gì làm mình khó chịu nhỉ? – tôi phân vân. Không chỉ vì nơi này bẩn thỉu, thực ra, nó khá sạch sẽ. Cũng không phải vì nó đầy rẫy những kẻ ám muội. Những người chúng tôi đi ngang qua đều có vẻ là tầng lớp trung lưu. Anh sẽ không bao giờ thấy cái không khí ấy ở các thành phố Maya. Ở Ix chẳng hạn, anh hoặc là kẻ cực kỳ quý phái, hoặc ngược lại. Có lẽ chỉ vì tất cả các bức tường ở đây đều được quét than, nhìn như những thỏi than chì đen xỉn, hơi gợn lóng lánh. Cảm giác đứng giữa một thành phố đen xì thật kỳ cục. Tuy nhiên, nó không đen tuyền như khi nhìn từ trên đèo xuống. Quãng nào có vỉa hè đều được lát đá đỏ, trên các khuôn của sổ cao đều chăng những mảnh vải nhiều màu sắc, vô số chuỗi vỏ sò và tràng hoa lá rủ xuống từ mái hiên khiến thành phố có cái không khí um tùm, sum xuê như vườn treo Babylon… thế nhưng… có lẽ vì nó chẳng có lấy một chữ chạm khắc nào. Không hề có. Không một ký hiệu, khộng tượng đài chạm khắc, không bảng yết thị, không gì hết. Đúng như Cá Sấu 12 đã nói, ngôn ngữ ở đây không có chữ viết. Hình như ở đây người ta khó chịu với nó như một khoản phải chi tiêu thêm. Nói chung, trừ một vài người hành nghề kế toán học được chữ viết từ những người chép thuê Maya, còn tất cả dân chúng thành Teotihuacán đều mù chữ. Tuy vậy, họ vẫn quản lý tốt thành phố về mặt hành chính. Chúng tôi rẽ sang hướng bắc, vào một con hẻm thậm chí còn tối tăm hơn.

Sao chúng tôi lại phải vào khu trắng (tức là nửa đen) nhỉ? – tôi phân vân. Tôi cá rằng nửa đỏ của thành phố dễ chịu hơn nhiều. Mà thế quái nào nửa đen lại được gọi là nửa trắng cơ chứ? Chẳng khác gì ở Mỹ, cái thứ mà người ta gọi là "bang đỏ" ("Bang đỏ" là từ chỉ các bang có đa số ủng hộ đảng Cộng hòa, trái với "bang xanh" ủng hộ đảng Dân chủ.) chẳng hề đỏ, thực tế, họ còn có khuynh hướng chống cộng hơn. Nó được gọi thế chỉ để khiến người ta rối lên.

Mỗi nhà trong thành phố đều phải thuộc một trong hai nửa. Thị tộc Kền Kền, nửa trắng, hay nửa "hòa bình" chỉ yếu sống ở phía tây – tức màu đen – so với trục đường chính của thành phố. Có hàng trăm gia tộc lớn thuộc phe trắng, nhưng lớn nhất là gia tộc Bìm Bìm. Trưởng lão của gia tộc này là một người có tên Chuột Lang 40, người mà Sọ Đá Quý 2 cho tôi biết là cha nuôi của công nương Koh, đồng thời là quan chấp chính của Giáo hội Trắng. Hình như ông ta còn có một tước hiệu nữa là "Thủ lĩnh Hòa Bình". Nửa kia, nửa đỏ, thị tộc Bướm Đuôi Nhạn, từ trước đến nay vẫn do gia tộc Báo Sư Tử cầm đầu. "Thủ lĩnh Chiến Tranh", người đứng đầu gia tộc Bướm Đuôi Nhạn là một người có cái tên hết sức lạ tai đối với tôi: Cong Veo Ti Tiện. Theo truyền thống, nửa Trắng lo các mặt nông nghiệp, phân bổ nguồn nước, "tôn giáo" (theo cách gọi của chúng ta ngày nay), buôn bán và đa số nghề thủ công. Nửa Đỏ lo mảng chiến tranh cũng như các nghề thủ công liên quan đến khí cụ và buôn bán với bên ngoài. Các bạn hẳn nghĩ rằng kiểu phân chia như vậy sẽ là công thức nấu món "xung đột", nhưng vì ở đây không có chuyện kết hôn nội tộc – tức là một phụ nữ thuộc tộc Kền Kền buộc phải lấy một người đàn ông của tộc Đuôi Bướm Nhạn và ngược lại – nên hai nửa có những mối ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc nhau. Trong suốt nhiều thế kỷ, sự cân bằng giữa hai nửa vẫn được duy trì, có lẽ nhờ một nguyên tắc gần như xã hội chủ nghĩa. Thủ lĩnh của các thị tộc không được phép có quyền lực bên ngoài thị tộc của mình và thành phố không được cai trị bởi một nhân vật duy nhất nào, nó được quản lý bởi một hội đồng gồm những người đứng đầu của hàng trăm gia tộc lớn đến từ hai nửa.

Chúng tôi rẽ thêm một lần nữa vào một con hẻm hẹp hơn. Nó chặt cứng đến mức người ta phải quay lưng nép mình lại để nhường lối cho chúng tôi. Sau khi đi thêm một đoạn nữa, rốt cuộc chúng tôi cũng được dừng lại. Người đưa tin của Bị Thương 12 leo lên một cầu thang dốc. Chúng tôi theo sau, đi qua khoảng hai tầng nhà, lên tới ánh mặt trời sáng trắng.

Chúng tôi đang ở độ cao ngang tầm kim tự tháp Bão Lốc và bao quát khá tốt toàn bộ khu nhà trắng. Những mái nhà bằng có bậc thang giăng khắp bốn phía, xen lẫn các vườn hoa và cây ăn trái mọc trong các luống đất bùn dung nham trộn phân bắc. Những cuộn hơi nước của nhà tắm bốc lên qua các lỗ thông hơi nằm ở vị trí khuất và nhanh chóng tan biến trong bầu không khí khô khan. Một vài khu nhà xây lên tới ba tầng, nhưng phần lớn đều ở cùng một độ cao nên người ta có thể đi từ nhà này sang nhà khác qua các cầu hẹp, tương tự như ở các pueblo (cộng đồng sinh sống theo kiểu truyền thống của người da đỏ ở vùng tây nam nước Mỹ) hay khu phố cổ của các thành phố đạo Hồi của Châu Phi. Sau lưng chúng tôi, đám phu quân vác hai tay dâng các gói đồ. Tôi ra hiệu "sẵn sàng" và chúng tôi đi về hướng bắc qua các cây cầu ván kẽo cà kẽo kẹt. Hun Xoc chỉ cho tôi những dãy bình lớn đậy nắp ở rìa các mái nhà và nói rằng chúng đựng nước để phòng khi có hỏa hoạn. Cuối cùng, chúng tôi lập bập bước sang mái nhà của trụ sở giao dịch của thị tộc Đại Bàng. Đó là một khu lớn gồm nhiều tòa nhà, nơi sinh sống của các gia đình Maya thuộc các thị tộc hậu duệ của loài chim, đến từ một vài thành phố dưới đồng bằng. Đang có một vụ ầm ĩ dưới lòng đường trước mặt chúng tôi, chúng tôi không nhìn rõ là vụ gì. Nhưng như có kẻ đang bị nện cho một trận. Thằng đầy tớ riêng của Bị Thương 14 gào vọng xuống để hỏi xem có chuyện gì, và thế là chúng tôi lại phải dừng lại một lúc để nghe ai đó gào lên giải thích toàn bộ câu chuyện, rồi lại đến ai đó nữa gào lên giải thích theo một cách khác hẳn. Đồ chết dẫm, làm gì có lắm thời gian thế, - tôi nghĩ bụng. Tôi len đến chỗ Cá Sấu 12.

-Chúng ta nên gửi người đưa tin đến chỗ công nương Koh ngay, - tôi nói bằng ngôn ngữ của thị tộc Đại Bàng.

-Ta nên chờ đến khi được che chở, - Cá Sấu 12 trả lời, ý nói "được vào trong nhà". Ông tanói rằng không phải là ý hay khi giở các món hàng ra ở nơi mà những kẻ cha vơ chú vào có thể nhìn thấy.

Đúng thế thật, - tôi nghĩ. Thiên hạ đang tụ tập xúm xít trên các mái nhà xung quanh để hóng xem có chuyện gì. Tôi ra hiệu "cũng được".

Tôi quay lại chỗ của mình trong hàng, sốt ruột nhấp nhổm trên hai chân.

Bị Thương 14 quay lại và giải thích sự việc chúng tôi đang nghe thấy. Hình như một người phụ nữ đang bị hành hình bởi tay các thầy tu của giáo hội Bìm Bìm, những kẻ mà tôi đoán là tương tự như lính Taliban, chỉ vì một tràng hắt hơi trong buổi lễ vọng hồi trưa.

Cá Sấu 12 ra lệnh cho chúng tôi không được xuống dưới phố. Ông ta nói chúng tôi không được phép đi vào qua lối cửa chính. Thay vào đó, chúng tôi phải leo xuống theo một đường nửa như cầu thang, nửa như thang đứng, xuống một cái sân trong nhỏ. Nó rộng chừng ba mươi sải vuông, trống không trừ một cái bàn thờ đặt ở chính giữa với bốn tượng thờ tổ tiên bằng gỗ lớn đặt ở bốn góc và bốn cánh cửa nhỏ trên bốn bức tường. Chúng tôi tự động tập hợp lại ở góc phía đông khoảnh sân, hướng mà từ đó chúng tôi đến. Nhóm người của Bị Thương 14 đứng ở góc phía tây. Toàn gia, ít nhất là năm mươi người, đã đổ ra để giương mắt nhìn chúng tôi. Một phút ngượng nghịu. Trước khi được ngồi trong nhà ai đó thì người ta phải hỏi xin được bước vào đã. Cá Sấu 12 giậm chân ra hiệu một cái, chúng tôi lấy xì gà ra và bắt đầu nghi thức chào hỏi. Tôi cảm giác hình như Bị Thương 14 và người của hắn vẫn đang soi tôi bằng khóe mắt. Tôi biết vài người trong số họ đã từng xem Chacal chơi bóng. Nhưng nhìn tôi bây giờ khác hoàn toàn rồi, phải vậy không? Có lẽ họ nhìn chỉ vì tôi có bề ngoài ấn tượng thôi. Tôi đang dần nhận ra tôi có vẻ ngoài khá ấn tượng và cá tính, hơn nhiều khi còn là Jed. Chacal từng là một vận động viên chuyên nghiệp, và mặc dù tôi đã cố điều chỉnh vận động theo cách riêng của mình, nhưng cơ thể anh ta vẫn tự điều khiển mình như trước. Giống như khi anh gặp vận động viên bóng rổ hàng đầu, anh sẽ chẳng cần đến một giây để khẳng định anh ta là người đặc biệt. Tôi lại cảm thấy sự lo lắng hồi hộp. Sọ Đá Quý 2 đã tập cho tôi cách chào hỏi xã giao với gia đình Bị Thương 14, cách đi đứng ở Teotihuacán, cách cúi mình hoặc đứng trên kẻ khác, chỉ cho tôi vị trí ngồi so với Cá Sấu 12, so với cái bếp lò, so với kẻ hầu người hạ riêng, dạy tôi khi nào được nhìn lên, khi nào nên nhìn xuống, vân vân và vân vân. Nhưng ngay cả như vậy, vị trí trong đoàn của tôi vẫn không rõ rệt khiến hai bên đều khó xử. Mà ở đây, chỉ cần đứng sai hướng thôi, ví dụ vậy, anh cũng có thể đã khiến ai đó cảm thấy bị xúc phạm. Cẩn thận đấy, - tôi tự nhủ. Đừng lo lắng quá, nhưng phải thận trọng, Hun Xoc nhích lại gần tôi hơn một chút, hoặc để khiến ai khác khó soi vào mặt tôi, hoặc để tỏ ý đứng về phía tôi. Cảm ơn, - tôi nghĩ thầm trong bụng, - cậu quả là một anh chàng tử tế.

Bị Thương 14 dẫn chúng tôi tới trước bức tượng gỗ ở góc đông nam. Đó là tượng một người đàn bà xấu xí, to bè, gần như trần trụi trong tư thế ngồi, nhỏ hơn kích thước thật một chút, hình như không phải tổ tiên như lúc nãy tôi tưởng, mà là Phù Thủy Ngọc Bích. 14 và một tên hầu nắm lấy hai cái đòn trên vai bức tượng, quỳ xuống và nâng nó lên. Chỉ có nửa trên nhấc lên. Nghĩa là bức tượng mở ra như một con trai há miệng. Toàn bộ nửa trước của bức tượng hạ xuống, một nửa của mỗi cánh tay và mỗi bên cẳng chân khoanh lại chạm xuống bắp đùi. Bàn chân và nửa sau nằm yên trên bệ đá. Bên trong nó có chứa đầy những con búp bê bằng đất sét nhỏ xíu được tô vẽ nhiều màu, khoảng sáu mươi con cả thảy. Chúng được buộc vào khắp các vị trí chứ không chỉ ở phần thân chính, cả phía sau cánh tay, cẳng chân. Tôi đoán mỗi con tượng trưng cho một người của gia đình 14. Có lẽ những con búp bê matryoshka được làm ra dựa trên cùng một ý tưởng như thế này. Một tên hầu bước tới với cái khay gồm hai mươi con búp bê nữa, mỗi con tượng trưng cho một người trong số chúng tôi, và chúng tôi đứng xung quanh trong lúc một thợ vẽ tô cho mỗi con một màu để phân biệt.

Tôi liếc sang Hun Xoc. Cái trò điên dở gì thế này? – ánh mắt của thằng bé đáp lại. Tôi nhìn đi chỗ khác để khỏi cười. Tay thợ vẽ đưa cho tôi con búp bê của tôi. Một cục đất nặn bằng khuôn thô thiển, rẻ tiền với cái mũ to xù kiểu Teotihuacán, chẳng có tí gì giống tôi trừ những vạch màu đỏ trên thắt lưng. Nhưng tôi đoán tôi đã cầm rồi thì bây giờ nó là của tôi. Tôi đợi đến lượt mình và đưa nó cho tên hầu. Hắn buộc nó vào một cái mấu nhô ra ở mông trái bức tượng. Vị trí có thể hiện ý nghĩa gì không nhỉ? – tôi phân vân, - hay chỉ vì họ còn mỗi chỗ ấy thôi? Cá Sấu 12 lưỡng lự một chút trước khi đưa bức tượng của ông ta. Đây là một trò vẽ vời kiểu Mexico. Không phải phong tục của người Maya. Tôi có cảm tưởng rằng Cá Sấu 12 thấy Bị Thương 14 bị ảnh hưởng phong tục bản xứ hơi nhiều quá. Khi ai nấy đã vào chỗ, họ đóng bức tượng lại. Tôi bất giác cảm thấy như bức tường đó vừa khép lên chính người tôi và bây giờ tôi an toàn, ấm cúng giữa một cộng đồng lớn với tự do cá nhân về không. Có lẽ ở Teotihuacán này là như vậy, các kim tự tháp nhỏ xúm lại quanh kim tự tháp lớn, các quảng trường nhỏ dựa vào quảng trường lớn và mọi điều đều dựa vào một thứ gì đó khác.

Bây giờ chúng tôi đã là người trong nhà và được mời vào phòng tắm hơi. Khi chúng tôi xếp hàng nối đuôi nhau đi qua cổng vòm phía bắc, Cá Sấu 12 nói vài lời xin phép và ông ta cùng Hun Xoc, Bướm Đêm – viên kế toán, kiêm thầy ký, kiêm thầy khấn của chúng tôi – và tôi tách ra, khom người chui qua một cái cửa ngách. Như thế là không lịch sự, nhưng Cá Sấu 12 đã từng đến ngôi nhà này và ông ta có vai vế hơn bất cứ ai ở đây. Chúng tôi cần một chút riêng tư, nhưng căn phòng đầu tiên chúng tôi thử bước vào bốc mùi kinh người, hóa ra cái mùi đó bay ra từ một đám năm đứa nô lệ. Chúng mới chừng tám tuổi, đang nhẫn nại quỳ trong một góc tường, bị trói lại với nhau bằng một sợi thừng mảnh có tính chất tượng trưng. Một đứa rùng rùng mình vì mấy con ruổi bậu trên vai nhưng cũng không đập. Nhẫn nhục quá. Chúng tôi đi qua một khoảnh sân khác. Có những bể chứa nước, những cây lê tàu trồng trong sọt, những chiếc áo choàng màu vàng phơi trên giá và những người phụ nữ trong tấm quechquemitl vàng – tức là tấm vải hình tam giác mà các cô gái quấn thay áo cánh – đang nhuộm những dải gì đó trong một chiếc thùng. Mọi thứ đều có vẻ bình thường, - tôi tự nhủ, - đừng lo lắng. Chúng tôi tìm thấy một căn phòng trống tối hơn. Nó có vẻ tạm bợ như hang động của bọn kẻ cướp, với những súc vải chất đống cạnh tường và những chiếc hũ lớn, hình thù cho thấy đó là hũ đựng muối tinh. Một tên hầu của 14 cũng bám đuôi chúng tôi vào, nhưng Cá Sấu 12 lừ lừ nhìn hắn với ánh mắt tăm tối đến mức hẳn phải lùi ra. Hun Xoc giờ cái gói của mình và lôi ra món quà mà chúng tôi mang theo làm lễ vật cho công nương Koh. Đó là một chiếc hộp to bằng đầu người đựng bốn trăm miếng da lông ức của chim đuôi seo đực. Khi nó mở hộp vào kiểm tra, những sợi lông ánh lên như chất phóng xạ trong bóng tối lờ mờ. Một món quà thật lạ thường, tốn đến hàng trăm ngày công lao động và trị giá tương đương thứ gì thì có trời biết.