[Việt Nam] Trăng Nước Chương Dương

Chương 6: 5 (3)


Đến sáng bạch nhật, Hoàng Đỗ dẫn mấy người lính viễn thám trở về hành trung doanh, mang tin Trung Thành vương đã xuống thuyền vào vùng đầm. Nhưng hành doanh đã biết tin ấy rồi và Trần Quốc Tuấn còn biết hơn thế nữa: hiệu cờ truyền theo trạm nêu báo tin tức ông hoàng bảy đã đến chỗ tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đóng quân! Trần Quốc Tuấn và Trần Quang Khải chỉ vừa ngả lưng chợp mắt được một tí. Tin vui làm cho hai ông không ngủ được nữa, mặc dầu mấy bữa rày việc quân vất vả, ăn uống cũng thất thường. Trần Quang Khải tung chiếc chăn bọc gấm ra. Ông vùng đứng lên, ra khỏi lều trận, sang trướng hổ của Trần Quốc Tuấn thì thấy Quốc công Tiết chế cũng đã ngồi xem các bản cáo mới từ các mặt trận gửi về. Hai đức ông bàn chọn mấy tướng giỏi đem thêm quân tinh nhuệ mai phục ở những nơi hiểm yếu. Chiêu Minh vương cử Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đem đội quân sáu trăm thiếu niên hào kiệt lên chặn ở sông Như Nguyệt. Ông nói:

- Ởsông này, ta cần cậy tới tráng khí của cháu Hoài Văn. Trận phủ đầu phải sấm sét.

- Nhưng phải ra lệnh cho nó không được ham đánh. Đây mới là tuyến mai phục đầu tiên, giặc còn đông, đang hăng chạy. Triền sông Thiên Đức ta giao cho em Chiêu Văn cùng tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa thống lĩnh dân binh lộ Thượng Hồng. Ở mạn sông này, có thể ta đã bắt được vài tướng giặc.

- Vương huynh tính đánh quyết liệt ở sông Lục Đầu chăng?

- Phải đó. Ta nghĩ giặc sẽ chạy qua Vạn Kiếp. Ta đã lệnh cho hành doanh Lục Đầu chưa được đánh kho lương Vạn Kiếp và mặc cho chúng thông báo hiệu nêu cờ. Ta muốn nhử giặc đến đây. Ta cử Điện súy Phạm Ngũ Lão đem cả hai quân tả và hữu Thánh dực về đó. Tướng đánh trận này phải trí dũng song toàn.

Trần Quang Khải khen phải, nhưng tỏ ý e ngại hai quân Thánh dực chưa đủ sức đánh trận quyết liệt này. Trần Quốc Tuấn không trả lời, tủm tỉm cười nhìn Trần Quang Khải. Trần Quang Khải cũng cười và không hỏi thêm. Ông rời hành trung doanh trở về bên kia sông ra lệnh cho các đội quân dưới quyền vừa dùng tất cả hiệu nêu hiệu cờ, vừa dùng từng đô đánh vào các trạm viễn tiêu của giặc để làm rối loạn sự phán đoán của tướng giặc. Trần Quốc Tuấn ở lại trướng hổ. Ông sai đốt một lư trầm tinh khiết, ngồi tĩnh tâm suy nghĩ lá sớ dâng vuạ Bên ngoài cửa trướng hổ, Dã Tượng cắp gươm tuốt trần trấn giữ. Viên tướng coi quản hành trung doanh được lệnh nghiêm cấm quân lính trong trại không được làm náo động. Đàn ngựa của hành trung doanh cũng phải cho dắt xuống chăn ở cuối bãi Màn Trò. Chiêng, trống không được đánh. Đến cuối giờ tị đột nhiên Trần Quốc Tuấn sai gọi ông già Lê Văn Hưu đến hầu. Đi trong hành doanh im lặng, Lê Văn Hưu đã kinh ngạc, nhưng khi bước vào trướng hổ, ông già lạnh người trước vẻ thành kính, uy nghi của Trần Quốc Tuấn. Quốc công mặc áo chiến đại trào vóc tía thêu rồng bốn móng, ngồi trên ghế da hổ nom thật đường bệ và nghiêm khắc. Trên mặt văn án bày đủ văn phòng tứ bảo; cây kiếm Thượng Phương chém trước tâu sau vỏ nạm vàng, chuôi nạm ngọc đặt ngang án. Khói lam từ chiếc lư đồng điếu bay lên nóc lều trận thẳng đứng. Lê Văn Hưu cúi chào cung kính.

- Mời tiên sinh ngồi xuống đây.

Trần Quốc Tuấn chỉ tay vào chiếc ghế để sẵn ở cạnh văn án ra hiệu cho Lê Văn Hưu ngồi xuống. Đi theo hành trung doanh đã lâu, Lê Văn Hưu cũng hiểu Trần Quốc Tuấn là bậc tướng gồm đủ ân, uy, trí, dũng, nhưng chỉ đến trưa hôm nay ông già chép sử mới hiểu rằng trước đây ông chưa cân lường nổi tầm vóc các đức tính của Quốc công Tiết chế. Hưng Đạo vương sai ban trà cho Lê Văn Hưu, sai ban trầu cau, miếng trầu đã được giã nhiễn trong cối ngà bằng chày bạc.

- Ta muốn phiền tiên sinh một việc. . Khoảng 11 giờ trưa.

- Bẩm đức ông cứ phán, kẻ bồi thần có bao nhiêu sức già cũng xin dùng hết.

- Không, việc này không phải có sức mà làm được. Ta muốn thảo sớ dâng Quan gia. Phải phiền tới bậc đại bút như tiên sinh.

“Bậc đại bút”! Ông già chép sử giật mình. Bậc đại bút phải là Quốc công, con người nổi tiếng văn võ song toàn, sự hiểu biết thấu suốt cổ kim. Trần Quốc Tuấn dường như hiểu ý Lê Văn Hưu, ông bình thản nói:

- Tiên Sinh hãy thay ta thảo lá sớ này!

Và ông vạch tỉ mỉ từng ý phải có. Trước hết, ông nhận định rằng giặc sắp bỏ chạy. Các hành doanh đã được lệnh mai phục trên cả hai đường thủy, bộ để tiêu diệt chúng. Ông xin Thượng hoàng và Quan gia cũng tiến quân diệt Toa Độ Xin Quan gia cứ để Toa Đô kéo quân ngược sông vào sâu nữa trong đất liền. Như thế khả năng rút ra của chúng sẽ không còn nữa, tướng giặc ắt bị chém đầu. Điều ông nói kỹ, nói tỉ mỉ là âm mưu giặc. Ông nói giặc thuộc nòi kiệt hiệt, thua trận này chưa thể làm nhụt chí xâm lược của chúng. Vả chăng, mưu mẹo thâm hiểm của chúng đã lộ ra: chúng đã cho dẫn bọn gian tặc Trần Ích Tắc, Trần Văn Lộng, Trần Kiện về nước chúng. Nhờ phúc ấm tổ tông, ta đã bắn chết Trần Kiện, nhưng mấy tên kia vẫn chạy thoát. Giặc đem bọn gian tặc đi, chứng tỏ chúng còn muốn sang ta nữa. Trần Quốc Tuấn hỏi Lê Văn Hưu:

- Tiên Sinh đã hiểu ý ta chưa?

- Bẩm, Quốc công muốn nhắc lại kế rễ sâu gốc vững!

- Đúng đó. Vừa qua tiên sinh hỏi ta về tôn trọng người hiền, kẻ sĩ, nhưng ta muốn nhìn thế cục rộng hơn. Ta hỏi tiên sinh: Ngày xưa, khi cuộc đao binh sắp xong, bậc đế vương phải làm gì? Tiên Sinh hãy soi trong sử xanh cổ kim nam bắc, tìm xem các minh quân thánh chúa đã làm thế nào để nước mạnh dân giàu? Thời chiến, lấy rễ sâu gốc vững mà giữ nước. Thời bình cũng phải lấy rễ sâu gốc vững mà dựng nước. Tiên Sinh còn nhớ lời Thái sư Trần Thủ Độ trối trăng với Tiên đế không?

- Bẩm nhớ!

Trần Quốc Tuấn nói tách bạch từng tiếng:

- Thái sư đã nói: “Thần là người vô học cầm quyền coi việc nước, chỉ nghĩ trăm họ yên vui no ấm là kế sách giữ nước thần diệu nhất”. Tiên Sinh hãy thảo sớ sao cho văn chất tha thiết mà vẫn bình dị, ý tứ sâu xa mà vẫn gần gụi người đời. Ta muốn lá sớ này phải có hơi hướng trên ba ngàn năm dựng nước của tổ tông ta.

Lê Văn Hưu lĩnh ý, tạ từ. Trần Quốc Tuấn sai tả hữu lấy ban cho ông già chép sử một đôi bút song Chu, một thỏi mực Hương Lan, một chiếc nghiên ngọc đỏ vân trắng và một bình trà Yên Tử ướp sen.

- Để cho sử bút của tiên sinh thêm đanh thép!

Lê Văn Hưu ra khỏi trướng hổ. Trần Quốc Tuấn lập tức cho gọi thư nhi, tì tướng của hành trung doanh đến hầu. Chúa tôi đằm vào những công việc tưởng như tủn mủn nhưng kỳ thực hết sức cần thiết cho một chiến cuộc to lớn: việc tính toán số lương khô cần phát cho mỗi người lính tính theo đoạn đường từ nơi xuất quân đến nơi mai phục; việc tính số thuyền cần thiết cho mỗi bến đò ngang; việc đôn thúc các lộ Tam Đái, quá Hóa nộp nứa để làm cầu phao trên các triền sông Như Nguyệt, Thiên Đức; việc lấy dân phu làm gấp hai triệu mũi tên cho hành doanh Lục Đầu và việc làm mấy kho cỏ bí mật ở ven sông Sách dành cho đội voi trận... Trần Quốc Tuấn ra nhiều mệnh lệnh. Ông làm việc mê mải, toàn tâm toàn ý cho trận đánh giải phóng kinh thành và cuộc chiến quét giặc ra khỏi đất nước. Cách làm việc nhanh, mạnh, dứt khoát chứng tỏ Hưng Đạo vương tràn trề niềm tin chiến thắng, một niềm tin hình thành do sự hiểu biết sâu sắc thế chiến trường và sự suy nghĩ thấu đáo về tâm trạng tướng lĩnh đôi bên.