Thục Sơn Kiếm Hiệp truyện (Mới nhất: Hồi 20)

Chương 13: Hồi thứ mười bốn Cửu Hoa sơn Bạch hiệp ngộ hung tăng Tỏa vân động Hồng Dược phùng tiên lữ Hoàn Châu Lâu Chủ herobk13 BH Mod wwwtangthuviencom Cửu Hoa sơn Bạch hiệp đụng hung tăng Tỏa Vân động Hồng Dược gặp tiên nữ ~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~* Chú


Cửu Hoa sơn, Bạch hiệp đụng hung tăng
Tỏa Vân động, Hồng Dược gặp tiên nữ

~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*~*
Lại nói Pháp Nguyên rời khỏi Từ Vân tự đi cầu cao nhân kiếm hiệp ở những nơi núi cao rừng sâu, chuẩn bị cho cuộc chiến thư hùng với phái Nga My vào mùa xuân năm tới. Sau khi rời khỏi miếu, trên đường tính toán, lão quyết định trước tiên đến Quy Nguyên tự trên Cửu Hoa sơn Kim đính* mời Sư Tử Thiên Vương Long Hóa và Tử Diện Già Lam Lôi Âm. Kiếm quang bay vù vù, chưa đầy hai ngày đã đến trước Cửu Hoa sơn, lão liền thu lại kiếm quang hạ xuống, đi lên Kim đính.

Cửu Hoa sơn rất gần Hoàng sơn. Kim đính là nơi cao nhất ở Cửu Hoa sơn, trên đó có Địa Tạng Bồ Tát Nhục Thân tháp, sơn thế hùng kỳ, là nơi đẹp nhất của toàn bộ dãy núi. Đang giữa mùa đông giá rét, lòng Pháp Nguyên lại nặng trĩu nên cũng không có tâm tình thưởng ngoạn cảnh vật. Đang đi bỗng lão nghe thấy trong rừng như có tiếng phụ nữ và trẻ con cười nói rúc rích với nhau, trong lòng rất kinh ngạc. Lão thầm nghĩ: “Trời rét như vậy, gió núi lạnh thấu xương, làm sao lại có phụ nữ và hài nhi du ngoạn ở đây nhỉ?”

Lão liền vào trong rừng lưu tâm quan sát. Chỉ thấy dưới ánh tịch dương có một khoảng trống rộng rãi sáng sủa mở ra nhưng lại không một bóng người. Trong lúc lão đang kinh ngạc bỗng có tiếng một tiểu hài nhi cất lên: “Tỷ tỷ, Tôn sư huynh đã đến rồi đó. Tỷ xem này, còn có một tặc hòa thượng đang lấm la lấm lét nhìn ngang nhìn dọc. Tỷ đi bảo Tôn sư huynh đến đây để lão tặc hòa thượng đó khỏi nhòm ngó mà sinh phiền toái.”

Pháp Nguyên nghe xong những lời ấy, vội vàng đến trước rừng quan sát nhưng vẫn chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy ai. Lão biết rằng người nói chuyện không phải yêu ma quỷ quái mà là cao thủ, cố tình dùng lời nói để chòng ghẹo mình. Lão đang định lên tiếng hỏi thử thì bỗng thấy ở ngọn núi đối diện có một thiếu niên cỡ mười bảy mười tám tuổi, toàn thân vận đồ trắng, đang bay qua các đỉnh núi đến khu rừng trước mặt.

Lại nghe trong rừng có tiếng tiểu hài nhi: “Tỷ tỷ, tỷ mau ra tiếp Tôn sư huynh, tặc hòa thượng kia tất có ý đồ không tốt.”

Rồi có tiếng người đáp: “Hài tử nhà ngươi, làm sao phải sợ như vậy? Lão hòa thượng đó có gan to bằng trời cũng nào dám đến Cửu Hoa sơn bứt đi một nhành cây ngọn cỏ? Nếu lão thức thời thì nên chạy càng sớm càng tốt, sau này khỏi phải hối tiếc. Bọn ta há sợ lão sao?”

Pháp Nguyên nghe bọn họ nói chuyện, càng nghe càng thấy giống như họ chửi mình nên không khỏi tức giận. Nôn nóng không biết bọn họ trốn ở đâu nhưng không thể hạ thủ nên lão đành đè cơn giận xuống, quan sát động tĩnh. Lúc này gã bạch y thiếu niên cũng đã bay vào trong rừng. Pháp Nguyên thấy gã thiếu niên dừng lại, biết nhất định gã ở cùng chỗ với mấy người nói chuyện, muốn nhân lúc bất ngờ ngầm xuất ra độc thủ.

Lão cố ý làm ra vẻ đi lên núi, đột nhiên quay ngoắt lại, vỗ ra sau đầu, vài chục đạo hồng tuyến xuất ra nhanh như chớp bay vào trong rừng. Lão thầm nghĩ địch nhân chỉ cần bị kiếm quang của lão vây bọc thì đừng hòng sống sót. Chủ ý quá ư thâm độc! Lão một mặt chỉ huy kiếm quang, một mặt tập trung quan sát, chỉ thấy gã bạch y thiếu niên trông có vẻ như không có chuyện gì xảy ra, trong sát na ấy đột nhiên chẳng thấy bóng dáng gã đâu nữa.

Pháp Nguyên nghĩ thầm: “Gã thiếu nên này thực ra cũng cơ cảnh, bất quá một khoảng chu vi vài chục trượng trong khu rừng này đã bị kiếm quang của ta phong tỏa, cho dù công phu khinh thân của ngươi có cao cũng khó lòng thoát chết.”

Đang ngẫm nghĩ, bỗng nhiên lão thấy kiếm quang dừng lại không tiến, giống như có cái gì đó ngăn cản. Pháp Nguyên tức giận, chỉ vào kiếm quang hô lên một tiếng: “Mau!”

Kiếm quang được gia tăng thêm chút khí lực, dưới ánh tịch dương của buổi chiều muộn, chiếu sáng rực cả khu rừng, không ngừng nhảy múa trong không trung.

Sau đó kiếm quang lại trùng trùng vây bọc lấy cánh rừng. Nơi kiếm quang đi qua, cành khô rào rào rơi xuống như mưa. Vài lần cả những cây đại thụ ôm không xuể cũng bị cắt đứt lìa rơi xuống đất. Tuy nhiên ở giữa chỗ cánh rừng mở ra ấy, kiếm quang chỉ cần đến gần là bị đánh bật lại, không thể nào tiến vào được. Người trong rừng vẫn nói cười như cũ, vô cùng nhiệt náo. Dù Pháp Nguyên nghĩ đã vây khốn địch nhân nhưng cũng vô kế khả thi.

Lằng nhằng một hồi, bỗng trong rừng có tiếng nữ tử nói: “Sư đệ, đều là ngươi chuốc lấy phiền hà, hiện tại mẫu thân lại không ở nhà, ta không hiểu ngươi làm thế nào?”

Rồi một giọng nói nam nhân trả lời: “Sư tỷ, tỷ nể mặt đệ ra đối địch nhé. Lão hung tăng đó không hỏi rõ trắng đen gì đã hạ độc thủ, thật rất đáng giận! Nếu sự tỷ không kéo đệ thì chắc đã bị lão ám toán rồi. Chẳng lẽ tỷ để người ta khi dễ chúng ta thế sao?”

Nữ tử đó còn chưa trả lời thì tiểu hài nhi đã nói: “Sư huynh không cần phải cầu tỷ ấy, tỷ tỷ của ta từ xưa đến nay càng cầu khẩn thì tỷ ấy lại càng dửng dưng. Muốn không ra thì tất cả đều không ra, vui vẻ mà xem lão tặc hòa thượng đó diễn trò. Nếu không phải đệ sợ mẫu thân đánh thì đệ đã ra đùa nghịch với lão một lát rồi.”

Nữ tử đó chỉ cười lạnh hai tiếng, không nói năng gì.

Mấy người đó nói chuyện rất rõ ràng dễ nghe. Pháp Nguyên nghe thấy cung cách nói chuyện của bọn họ giống như chẳng coi lão vào đâu, mang nhiều ý coi thường nên biết là đám trẻ ranh này không phải dễ trêu. Kỳ quái nhất là mười năm gần đây, lão chưa từng nghe thấy phái Nga My sản sinh ra nhân vật xuất sắc nào. Mấy tên này lại trẻ như vậy mà đã có bản lĩnh kinh nhân. Bọn con nít còn như thế, người lớn thế nào thì không cần nói cũng có thể biết.

Sau cái chết của Thái Ất Hỗn Nguyên tổ sư, hai phái Ngũ Đài và Nga My dù mất đi những nhân vật chủ chốt nhưng lão cũng biết các nhân vật trong phái. Lão tự tin ngoại trừ lãnh tụ phái Nga Mỹ kiếm tiên Càn Khôn Chính Khí Diệu Nhất chân nhân Tề Thấu Minh, Đông hải tam tiên cùng Tung sơn nhị lão, những người khác không phải đối thủ của mình. Hiện giờ bị địch nhân cười nhạo vào mặt, không những không cách nào tiếp cận, mà đến cái bóng cũng nhìn không ra, phí mất khí lực một hồi mà ngược lại bọn chúng vẫn cười cười nói nói.

Lão biết nếu chúng chân chính hiện thân thì vị tất lão đã chiếm được tiện nghi. Lão định bỏ chạy nhưng như thế thật là đầu voi đuôi chuột. Lão đã ra sức khua khoắng mãi mà hình bóng địch nhân thế nào cũng không thấy, chẳng lẽ không phải chuyện tiếu lâm sao? Lão không khỏi vừa thẹn vừa tức, liền nghĩ ra kế khích tướng, đi vào trong rừng cao giọng nói: “Đám trẻ con miệng còn hôi sữa các ngươi, có bản sự gì thì cứ ra trổ tài đi, La Hán gia ta có đức hiếu sinh, quyết không hại tính mạng các ngươi đâu. Nếu như các ngươi vẫn muốn chơi trò trốn tìm thì ta sẽ phải dùng lôi hỏa thiêu cháy các ngươi đó.”

Nói chưa dứt đã nghe thấy tiểu hài nhi trong rừng lên tiếng: “Tỷ tỷ, tỷ xem lão tặc hòa thượng đó nổi nóng, đòi đánh nhau rồi kìa. Tỷ không ra đánh cho lão cút đi sao? Đệ đã đói bụng, muốn về nhà ăn cơm rồi.”

Nữ tử đó nói: “Ngươi chuốc lấy họa, ta đâu có quản được.”

Tiểu hài tử đáp: “Không xấu hổ à, tỷ nghĩ rằng đệ muốn tỷ quản sao, tỷ xem đệ đi dạy cho lão một bài học đây.”

Pháp Nguyên nghe xong, thầm nghĩ quả nhiên địch nhân bị kích động ra mặt nên lão phấn chấn tinh thần, vận động kiếm quang, một mặt tập trung xem kẻ đi ra là nhân vật như thế nào. Quan sát một hồi vẫn không thấy động tĩnh gì, đang bực bội bỗng lão nghe thấy tiếng nữ tử hỏi: “Tặc hòa thượng, ngươi lén la lén lút ở đây làm gì?”

Sau đó trước mặt lão sáng bừng lên, hiện ra một nam một nữ, nam chính là bạch y thiếu niên đó. Nữ là một nữ tử xinh đẹp tuyệt trần, tuổi chừng mười tám mười chín, toàn thân mặc đồ tím, eo dắt một thanh bảo kiếm. Pháp Nguyên thấy địch nhân đột nhiên xuất hiện, giật mình nhảy dựng lên. Kiếm quang vẫn còn đang chém giết tưng bừng trong rừng nên trước hết lão vội thu hồi lại. Nữ tử đó khẽ mở môi son nói: “Ngươi không cần phải vội, từ từ thôi, ta sẽ không lấy cái mạng chó của ngươi đâu.”

Cung cách trấn tĩnh an nhàn, coi chuyện như không kiểu đó khiến cho Kim Thân La Hán Pháp Nguyên chẳng biết phải ứng phó ra sao cho tốt. Nữ tử đó lại hỏi: “Hung tăng nhà ngươi thật đáng giận! Ngươi đi đường ngươi, chúng ta nói chuyện chúng ta, tại sao lại vô duyên vô cớ hạ độc thủ đả thương người khác, chẳng có đạo lý gì hết thế?”

Pháp Nguyên biết nữ tử này thuộc loại khó trêu, liền xuống nước đáp: “Đạo hữu không rõ rồi. Tại hạ vì đến núi này thăm bạn, thấy các đạo hữu ở trong rừng nói chuyện, chỉ nghe thấy tiếng mà không thấy một bóng người, e rằng trong núi có yêu quái xuất hiện nên mới phóng ra kiếm quang thám thính động tĩnh, cũng không có ý đả thương người. Hiện giờ đã hiểu rõ, tại hạ còn có việc phải đi giải quyết, sau này gặp lại, tại hạ đi đây.”

Nói xong, không đợi nữ tử đáp lại, đang định đào tẩu thì bỗng một viên kim hoàn mang theo tiếng gió như sấm sét bay lại. Pháp Nguyên biết rằng không hay, định chống đỡ thì đã không kịp, vội nghiêng đầu sang một bên, kim hoàn trúng vào vai trái. Nếu đạo hạnh Pháp Nguyên không cao thâm thì đã bị mất mạng với đòn đó, hoặc chí ít cũng đứt gân gãy xương.

Pháp Nguyên bị trúng kim hoàn, vô cùng đau đớn, biết rằng muốn chạy người ta cũng không cho, chỉ đành nhịn đau, lớn tiếng thóa mạ: “Lũ oắt con miệng còn hôi sữa các ngươi, La Hán gia có đức hiếu sinh, vốn không muốn so đo với các ngươi, vậy mà các ngươi lại dám ám toán đả thương người khác. Hôm nay không lấy mạng chó của các ngươi thì các ngươi cũng không biết sự lợi hại của La Hán gia!”

Vừa hét lão vừa phóng ra kiếm quang, bay thẳng đến cặp nam nữ.

Chỉ thấy nữ tử đó thong thả tránh sang một bên, bảo kiếm bên người như rồng vàng lao ra, kim quang chói lòa đấu với kiếm của Pháp Nguyên trên không trung. Gã bạch y thiếu niên đang định phi kiếm tương trợ thì nữ tử nói: “Tôn sư đệ không được động thủ, để ta thu thập lão tặc hòa thượng này cũng đủ rồi.”

Bạch y thiếu niên không tiến lên, chỉ ở bên cạnh quan sát.

Trên không trung, kiếm của hai người này đánh giết bất phân thắng phụ, chưa định cao thấp. Pháp Nguyên thầm ngạc nhiên: “Nữ tử này còn nhỏ tuổi mà kiếm thuật đã ở mức thượng thừa. Bạch y nam tử kia chắc càng lợi hại.”

Lão đang toan tính trong lòng bỗng có vài đạo kim quang ầm ầm xé gió phá không lao đến. Lần này Pháp Nguyên đã có phòng bị nên đều tránh được. Kim hoàn đó vốn khi đã phóng ra thì phải thu hồi mới có thể tái sử dụng.

Pháp Nguyên một mặt nghênh địch, một mặt đưa mắt nhìn lộ tuyến của kim hoàn, chỉ thấy cách lão không xa ở trên một mỏm đá có một tiểu hài tử, tuổi chỉ tầm mười một mười hai, mặt trắng như ngọc, đầu để tóc trái đào. Trên người gã mặc một chiếc áo ngắn màu phấn hồng, phanh ngực, đeo một vòng cổ vàng, mặc khố ngắn, chân đi một đôi giày cỏ. Răng trắng môi hồng, mày thanh mắt sáng, cả người gã như một thỏi bạch ngọc vậy.

Pháp Nguyên bị trúng kim hoàn của gã, vô cùng tức giận. Lão thầm nghĩ: “Thằng ranh con ngỗ ngược này thì có tài cán gì?”

Rồi lão thầm tính hạ độc thủ để báo thù việc bị trúng kim hoàn ấy. Lão chỉ vào kiếm quang, phân ra một đạo hồng tuyến lao thẳng đến tiểu hài nhi đó. Một đòn bất ngờ khiến nữ tử cũng giật mình kinh hãi, biết rằng không kịp phân thân để cứu nên vội la lên: “Thiền đệ lưu tâm!”

Bạch y thiếu niên cũng vội phóng ra kiếm quang lao về phía trước. Ai ngờ hài tử nhỏ tuổi thấy hồng tuyến bay lại cũng không hề chậm trễ, lấy ra mười hai viên kim hoàn, nhằm hồng tuyến ném ra như liên châu, một mặt quay người chạy xuống dưới. Hồng tuyến bị kim hoàn chặn đánh nên chậm lại. Nhưng kim hoàn chạm phải hồng tuyến đều bị rơi xuống đất.

Hồng tuyến đang tiến lên thì viên kim hoàn thứ hai đã đến. Như thế sau mười hai lần đụng kim hoàn, gã tiểu hài nhi đã chui tọt vào bên trong một sơn động, không thấy tăm hơi. Lúc này bạch y thiếu niên vừa đuổi tới, nữ tử đó một mặt nghênh địch, một mặt lùi lại phía sau. Kiếm của bạch y thiếu niên đối chọi với một nhánh hồng tuyến, cảm thấy vô cùng mất sức, xem như có vẻ không địch nổi.

Đúng lúc đó nữ tử lao đến, nhìn thấy tình huống hiện tại, nàng vội la lên: “Sư đệ mau tiến vào trong động đi!”

Một mặt nàng hướng đến kiếm quang hít một hơi dài, hô to: “Mau!”

Kiếm quang đó hóa thành một luồng cầu vồng, vây đạo hồng tuyến trên không trung lại. Bạch y thiếu niên nhân cơ hội này chui tọt vào động. Pháp Nguyên được thể không nhường nhịn gì nữa, lại thấy tiểu hài nhi và bạch y thiếu niên đã chạy nên càng phấn chấn tinh thần, hận không thể lập tức giết chết nữ tử đó. Nhưng hai người đánh nhau mãi vẫn không phân cao thấp như cũ.

Lúc này mặt trời đã khuất núi, bầu trời quang đãng không chút mây mù, vầng trăng sáng như gương hiện ra, treo lơ lửng trên ngọn cây, soi rọi trận chiến giữa một mỹ nữ áo tím và một hung tăng béo lùn. Pháp Nguyên đang nghĩ sẽ dùng diệu pháp khác để lấy tính mạng nữ tử thì bỗng một chuỗi âm thanh phá không vang lên, lão biết có kiếm khách đi đến. Cả hai người đều nghi ngờ là trợ thủ của địch nhân.

Về phía Pháp Nguyên thì nghĩ rằng đã đến núi này, nhất định là trợ thủ của địch nhân, còn nữ tử kia lại nghe thấy người đang đến không ở trong bản phái. Đang lúc song phương cùng nghi hoặc bất định, một đạo cô hạ xuống mỏm đá, mang theo một cô gái. Nữ tử đó và Pháp Nguyên trông thấy đạo cô đều vui mừng khôn xiết. Nguyên lai người đến chính là Vạn Diệu tiên cô Hứa Phi Nương ở Hoàng sơn Ngũ Vân bộ. Lúc này Pháp Nguyên và nữ tử đang đánh nhau, giật mình nên hai bên đều không kịp nói năng gì nhưng đều nghĩ rằng người đến là bạn chứ không phải thù.

Nguyên là Pháp Nguyên và Hứa Phi Nương có tình đồng môn nhưng mẫu thân của nữ tử lại là bạn thân mà Hứa Phi Nương, thường hay lai vãng tới, cho nên cả hai bên đều có hiểu lầm. Pháp Nguyên vốn tưởng Hứa Phi Nương nhất định lao vào tương trợ cho mình, ai ngờ lại không như trông đợi. Chỉ thấy Hứa Phi Nương đó không những không giúp mình mà còn tỏ vẻ không nhận ra, lớn tiếng nói: “Tăng nhân phương nào lớn mật dám đến náo loạn Cửu Hoa sơn vậy? Ngươi phải biết Tỏa Vân động này là biệt phủ của Càn Khôn Chính Khí Diệu Nhất chân nhân Tề Thấu Minh, nếu thức thời thì xéo mau, Hứa Phi Nương ta đây sẽ tha cho ngươi lần đầu, nếu không ngươi khó lòng thoát khỏi công đạo!”

Pháp Nguyên nghe thấy những lời như vậy, không khỏi giận dữ, thầm rủa: “Tiện tỳ vô sỉ, thấy người trong bản phái vờ như không biết, đã thế còn trợ uy cho ngoại nhân sao?”

Đang định châm chọc một câu, bỗng nhiên lão hiểu ra vấn đề thầm nghĩ: “Khi ta đến từng nghe Phi Thiên Dạ Xoa Mã Giác nói bà ta giả như hữu hảo với phái Nga My nhưng ngầm quang phục bản môn, thề báo thù trận đấu kiếm trên Nga My thuở trước. Hiện tại ở trước mặt địch nhân nên bà ta không tiện ra mặt, do đó mới ngầm bảo ta mau chạy. Nơi này là biệt phủ của Tề Thấu Minh, ta khó tránh khỏi công đạo. Nữ tử đó chắc là con gái của Tề Thấu Minh, cho nên mới lợi hại như thế. May là lão Tề chưa về, nếu không tình thế của ta không phải xấu mà là cực xấu rồi.”

Vì vậy lão càng nghĩ càng sợ hãi, nên một mặt nghênh địch, một mặt nói: “Ta cũng không muốn dấy động can qua, chỉ là hai bên nhất thời hiểm lầm mà thôi. Đạo hữu đã xuất hiện giải vây, nể mặt đạo hữu, ta cũng đi đây.”

Nữ tử đó không chịu buông tha, Phi Nương vội vàng ngăn lại nói: “Vân cô nể mặt ta tha cho lão đi.”

Nữ tử đó cảm tạ Phi Nương giải vây cho. Đang nói chuyện thì tiểu hài nhi đi ra thu nhặt mười hai viên kim hoàn, chỉ thấy chúng đã bị phi kiếm của Pháp Nguyên chém vỡ, biến thành hai mươi bốn mảnh nửa viên. Sau đó gã đi tới bên tỷ tỷ đòi nàng ta bồi thường.

Gã hỏi: “Tỷ vì sao lại để tặc hòa thượng đó trốn thoát? Tỷ phải trả lại kim hoàn cho đệ! Đó là của Xan Hà đại sư cho đệ, chơi chưa đầy một năm đã bị lão tặc hòa thượng đó phá mất.”

Nữ tử nói: “Thật không biết xấu hổ, dám làm dám chịu, sao lại kêu với tỷ tỷ. Đệ lén phóng ra ám khí, có được chút tiện nghi đã là tốt rồi, lại còn được đằng chân lân đằng đầu, chỉ lo thi triển hết bản sự, khiến cho người ta tức giận dùng phi kiếm truy đuổi. Nếu không có những viên kim hoàn đó, chỉ sợ mạng nhỏ cũng không giữ được ấy chứ. Lão hòa thượng đó rất lợi hại, tiên cô không đến giải vây thì thật chẳng biết là trận đấu có kết quả thế nào nữa. Vừa rồi Tôn sư đệ vì cứu đệ mà thiếu chút nữa để hòa thượng đó cướp mất bảo kiếm với bao năm tâm huyết của mình. Đệ lại còn dám tìm ta lằng nhằng sao?”

Tiểu hài đó bị tỷ tỷ của gã chỉ trích cho một trận, mặt mũi đỏ bừng lên, cũng không chào hỏi khách đến, vỗ vào hai má mình làm bộ trách móc: “Kim hoàn của đệ có đáng gì, chỉ cần bảo kiếm của Tôn sư huynh không sao là được. Tỷ lại hiểu nỗi đau của đệ sao?” Gã vừa nói vừa đi vào trong động.

Nữ tử nghe thấy tiểu hài nói vậy, không khỏi đỏ cả mặt, quay sang nói với Phi Nương: “Hài tử này trời phú thông minh, căn cơ thâm hậu. Thêm vào đó gia phụ mẫu với kiếp trước của gã có quan hệ sâu sắc, khi gã mới ba tuổi đã hết lòng hết sức đem gã lên núi. Bởi vì nhân duyên kiếp trước nên mười phần sủng ái, do đó gã thường hay làm nũng như vậy, tiên cô đừng cười.”

Phi Nương không khỏi thở dài nói: “Ta thấy quý phái không những người tài rất nhiều mà đám hậu bối có triển vọng các ngươi ai cũng là trò giỏi hơn thầy? Ta vì muốn có một đồ đệ tốt để truyền y bát nên đã nghĩ cách tìm kiếm, ai ngờ hơn mười năm nay, chưa từng tìm được một ai có căn cơ tốt như tỷ đệ các ngươi.”

Nói rồi chỉ vào nữ tử đi cùng: “Ví dụ như nó, căn cơ và thiên bẩm không phải không tốt nhưng so với tỷ đệ các ngươi thì còn kém xa.”

Dứt lời, bà ta đưa nữ tử đi cùng ra giới thiệu chào hỏi.

Nữ tử nói: “Ta thực đáng chết, chỉ lo lằng nhằng với tiểu đệ mà quên hỏi quý tính vị tiên cô này, cũng không mời tiên cô vào hàn xá ngồi, thật sơ ý quá.”

Phi Nương nói: “Vân cô không cần nói vậy. Nó tên Liêm Hồng Dược, chính là đệ tử ta mới thu được. Ta thấy nó tư chất rất tốt nên hai lần độ nó. Mẫu thân của nó mất sớm. Phụ thân của nó vốn là Tiểu Bá Vương Thiết Tiên Liêm Thủ Kính nổi tiếng khắp Tam Tương** ngày trước. Khi xưa đi bảo tiêu cùng người ta kết hạ thâm cừu nên tránh họa ở đất Thục. Khi ta đến độ nó, phụ thân nó vì chỉ có một mụn con nên không chịu. Hồng Dược lại có lòng, nói là phụ thân đã thất thập, tính toán sau khi cha già khuất núi, sẽ đến Hoàng sơn quy đầu theo ta. Ta và nó bàn bạc hẹn hò ngày sau gặp lại. Một buổi tối, đột nhiên nghe thấy người ta nói nhà nó bốc cháy, ta liền vội đi cứu thì thấy cha nó đã đầu một nơi thân một nẻo, còn nó thì không thấy tăm hơi.”

Bà ta thở dài nói tiếp: “Ta liền vội xuất ra kiếm quang bay đi đuổi theo. Ra khỏi thành mới mười dặm, ta thấy một đám cường nhân, ta liền tiến đến truy hỏi, sau lại động thủ. Bọn chúng cũng biết kiếm thuật nên tiếc là cả bọn đều đào tẩu, cũng không lưu lại danh tính, chỉ để lại một cái bọc. Mở ra thì thấy Hồng Dược đã ngất bên trong. Ta đã cứu nó tỉnh lại, quay về nhà, tìm hài cốt của cha nó trong đống lửa đi an táng. Nó nài nỉ muốn bái ta làm sư phụ ngay để ngày sau nó tìm đám cường nhân đó, báo mối thâm cừu giết phụ thân.”

Nữ tử nghe xong quay sang nhìn Liêm Hồng Dược, thấy nàng ta đã đầm đìa nước mắt, không nén được đau khổ, cảm thấy vô cùng đáng thương. Từ ngàn xưa con người vốn hay đồng cảm với nỗi khổ của nhau, nữ tử đó thấy Liêm Hồng Dược mặt mày sáng sủa xinh đẹp, trông có vài phần giống mình nên cảm thấy thương tâm cho thân thế của nàng ta. Nàng mời Phi Nương và Hồng Dược đi vào trong động nói chuyện. Phi Nương chần chừ không muốn, chỉ thấy mặt Hồng Dược lộ ra vẻ mười phần muốn vào động mà không dám mở miệng.

Phi Nương không khỏi nghĩ mình mang quá nhiều tư tâm, có chút hổ thẹn, liền nói: “Ta vốn định về núi nhưng thấy Hồng Dược rất muốn vào trong động bái phỏng, đã có thịnh ý của Vân cô, chúng ta sẽ đi vào quấy quả vài chén trà xanh.”

Hồng Dược nghe vậy trong lòng tràn ngập vui sướng. Nữ tử được gọi là Vân cô thấy Hồng Dược vô tư chất phác, không có chút giả dối cũng rất vui mừng. Liền nhường Phi Nương đi trước rồi mình thì cầm tay Hồng Dược tiến vào trong động.

Hồng Dược lần đầu tiên đến một tòa bảo sơn nên thấy chỗ nào cũng thần diệu. Ban đầu nàng nghĩ rằng bên trong chỉ là một thạch động nên nhất định sẽ tối mịt mùng, cũng chỉ có chút đèn đóm là cùng. Ai ngờ tiến vào động quan sát mới thấy, bên trong dù hơi nhỏ, không có đèn đóm nhưng bốn vách đều sáng rõ như ban ngày, bố trí trang nhã, ấm áp như tiết xuân. Chỉ là không thấy tiểu hài tử mới rồi đâu, trong lòng nàng cảm thấy vô cùng kỳ dị.

Ba người ngồi xuống, nói chuyện một hồi. Phi Nương nguyên là chiều lòng ái đồ nên cố miễn cưỡng nói chuyện vui vẻ với địch nhân. Hồng Dược đó lại mười phần kính ái Vân cô, hai bên càng nói càng tâm đầu ý hợp, khi chuẩn bị ra về còn quyến luyến không rời. Vân cô nói: “Nơi muội đến rất gần động ta, nhàn rỗi có thể thường xuyên đến đàm đạo, tỷ còn có thể giới thiệu muội với gia mẫu.”

Hồng Dược buồn bã nói: “Tiểu muội ngu tối được tiên tỷ yêu mến, muội hết lòng cảm kích. Chỉ là đại cừu của muội còn chưa báo nên phải theo ân sư hết lòng khổ công tu luyện. Ngày trước dù có theo tiên phụ học chút võ nghệ nhưng nghe nói Hoàng sơn Ngũ Vân bộ núi non hiểm yếu, cách đây cũng một trăm vài chục dặm, cả đi và về e cũng phải ba trăm dặm. Tiểu muội tư chất ngu dốt, làm sao có thể du hành tự tại như tiên tỷ được!”

Vân cô nghe lời nàng ta nói mười phần đáng thương liền an ủi: “Nếu muội không thể đến, chỉ cần tiên cô không trách ta phá hỏng việc tu luyện của muội, ta cũng có thể thường xuyên đến thăm muội mà.”

Phi Nương nói: “Nếu Vân cô giá lâm hoang sơn, nó sẽ được chỉ giáo thêm nhiều điều, chính là phúc phận lớn nhất của nó. Sư đồ bọn ta cầu còn chẳng được, làm sao có thể không đồng ý?”

Dứt lời bà ta nói với Hồng Dược: “Chúng ta đi thôi.”

Rồi lại cắp lấy Hồng Dược như cũ, tạm biệt Vân cô xong, chân không dừng bước, phá không bay đi.

Ôi!

Oán cừu đè nén thật khó chịu
Thù hận không tuôn nào dễ nguôi.
Muốn biết tình hình tiếp diễn thế nào, mời xem hồi sau sẽ rõ.

Chú thích

* Đính nghĩa là đỉnh núi.

** Tương Giang bắt nguồn từ Quảng Tây chảy theo hướng Đông bắc vào tỉnh Hồ Nam. Lúc đầu hợp với Ly Thủy gọi là Ly Tương, sau hợp với Tiêu Thủy thành Tiêu Tương, rồi chảy lên phía bắc huyện Hành Dương hợp với Chưng Thủy gọi là Chưng Tương, cho nên gọi là Tam Tương. Sau chảy đến Trường Sa vào Ðộng Ðình hồ.


Hết hồi thứ mười bốn
~*~*~*~*~*~*~*~*~ ngantruyen.com