Tường Lạc Đà

Chương 1: Tường Lạc Đà Chương 1


Chúng tôi muốn giới thiệu anh chàng Tường, chứ không phải con lạc đà, bởi vì "lạc đà" chỉ là một cái biệt hiệu. Vậy chúng tôi nói về anh chàng Tường trước, rồi nhân tiện sẽ nói qua mối liên quan giữa con lạc đà và anh ta. Như vậy cũng được.

Phu xe Bắc Bình có nhiều hạng: những anh trai trẻ, khỏe mạnh, nhanh chân thì thuê loại xe đẹp, kéo "cả ngày", muốn làm muốn nghỉ lúc nào cũng được, tự do tùy thích; lấy xe xong, đến đỗ sẵn ở bến xe hoặc trước cổng các nhà, chỉ chờ các ông khách cần đi nhanh; gặp may, loáng một cái, kiếm được một hai đồng; chẳng may, có khi toi cả ngày, đến "thuế xe" cũng không có, nhưng cóc cần. Các anh chàng thuộc hạng này đại khái chỉ mong mỏi hai điều: hoặc kéo xe tháng, hoặc tậu một chiếc xe riêng, có xe riêng thì kéo tháng hay kéo vặt cũng chẳng sao, đằng nào cũng là xe của mình.

Những anh lớn tuổi hơn hạng nói trên, hoặc vì sức yếu chạy chậm, hoặc vì còn vợ còn con, không dám ngồi không cả ngày, phần đông thuê những chiếc xe hơi cũ, xe với người trông cũng khá sạch mắt, cho nên khi đòi tiền vẫn được giá. Hạng phu xe này, có khi kéo "cả ngày", có khi kéo "nửa ngày". Nếu kéo nửa ngày, thì vì còn có sức, nên bất kỳ mùa đông hay mùa hè, bao giờ họ cũng "kéo đêm", Ban đêm, tất nhiên phải nhanh mắt, nhanh chân hơn ban ngày, tất nhiên tiền kiếm được cũng khá hơn.

Những anh khoảng trên bốn mươi, hoặc dưới hai mươi, e khó mà lọt vào hai hạng trên. Xe họ cũ kỹ lại không dám "kéo đêm", nên phải ra xe sơm sớm, mong kéo từ sáng tinh mơ cho tới độ ba bốn giờ chiều, kiếm đủ "thuế xe" và cơm ăn. Xe cũ, chạy chậm, nên kéo nhiều đường đất mà tiền thì được ít. Đến các chợ bán rau, chở rau dưa hoa quả, đều là bọn họ cả. Ít tiền nhưng chẳng cần chạy nhanh!

Ở đây, hạng dưới hai chục tuổi, có anh làm nghề này từ năm mười một mười hai và rất ít anh quá hai mươi lại có thể trở thành hạng phu xe "sạch mắt", bởi vì khó nhọc từ tấm bé, họ khó lòng khỏe mạnh lên được. Có thể là họ kéo xe suốt đời, nhưng suốt đời chẳng bao giờ nổi đình nổi đám trong làng kéo xe. Hạng bốn mươi trở xuống, có người đã kéo đến chín mười năm rồi, gân cốt suy yếu khiến họ cam chịu tụt lại sau; dần dần họ biết sớm muộn rồi có phen cũng chết lăn quay giữa đường. Kiểu họ kéo xe, lối họ tùy cơ ứng biến mà đòi tiền, cái tài chạy tắt hay chạy vòng quanh của họ đủ cho họ nghĩ đến thời oanh liệt trước kia mà nở mũi tự phụ trước bọn đàn em. Nhưng chút hãnh diện đó không hề giảm bớt cái tương lai đen tối được; cũng chính vì thế mà sau khi lau mồ hôi họ vẫn thường khẽ thở dài. Có điều, so sánh với hạng phu trên bốn mươi, thì hầu như họ chưa lấy gì làm khổ lắm. Hạng sau này chắc trước kia không hề nghĩ rằng mình lại có duyên nợ với chiếc xe tay, đến lúc sống dở chết dở mới phải cầm lấy cái càng xe lên. Thầy phú-lít, bác loong-toong bị đuổi, người bán rong tiền lưng đã cạn, hoặc thợ thuyền bị thất nghiệp, đến bước không còn gì mà cầm, mà bán nữa, đành cắn răng, nuốt nước mắt, bước lên con đường này để đi đến cõi chết. Bọn họ thuở còn trai tráng có bao nhiêu sức lực đã đem bán sạch rồi, bây giờ phải đem những giọt máu và mồ hôi của tấm thân nuôi bằng ngô khoai mà đổ xuống mặt đường. Sức tàn, lực kiệt, không thạo nghề, không bạn bè, ngay cả ở trong làng kéo xe họ cũng chẳng được ai coi ra gì. Họ kéo những chiếc xe tã nhất, săm lốp một ngày xì hơi không biết bao nhiêu lần, vừa kéo vừa xin lỗi khách, và được mươi mười lăm xu đã cho là bở lắm.

Ngoài ra, do hoàn cảnh và sự hiểu biết, có một số phu xe lại đứng riêng ra thành một hạng. Những người sống ở khu Tây Uyển, Hải Điện tất nhiên chạy đường Tây Sơn, Yên Kinh, Thanh Hoa, tiện hơn; cũng như những người vùng ngoài cửa Vĩnh Định thì chạy đường Thanh Hà, Bắc Uyển; ở vùng ngoài cửa Vĩnh Định thì chạy đường Nam Uyển. Bọn họ đều chạy đường trường cả chứ không thích kéo vặt, bởi vì kéo "cuốc" nào ra "cuốc" ấy, không thèm góp nhặt dăm ba đồng xu. Nhưng họ cũng vẫn chưa được "oách" bằng mấy anh xe ở khu Đông Giao dân hạng. Những anh loại xe sang này chuyên kéo người ngoại quốc từ Đông Giao dân hạng đến Ngọc Tuyền Sơn, Di Hòa Viên, hoặc Tây Sơn. "Oách" cũng chỉ là chuyện nhỏ thôi. Nguyên nhân khiến các anh em phu xe thường không dám đến tranh khách, chính là vì những tay làm ăn với người ngoại quốc đó có đôi chút hiểu biết khác người thường. Họ nói được tiếng ngoại quốc. Lính Anh, lính Pháp, thuê kéo đến Vạn Thị Sơn, Ứng Hòa Cung, "Tám ngõ lớn" họ đều hiểu cả. Họ có một lô tiếng ngoại quốc, không truyền cho ai. Lối chạy của họ cũng đặc biệt, cứ thủng thỉnh bước một, không nhanh mà cũng không chậm, đầu cúi xuống, không nhìn ngang nhìn ngửa, chạy sát vỉa hè, có vẻ mặc kệ đời và ta đây có sở trường riêng. Vì kéo cho người ngoại quốc nên họ không cần phải mang dấu, mà nhất loạt mặc áo cánh trắng tay, quần trắng hoặc đen, ống rất rộng, cổ chân đeo nịt; đi giày vải xanh má rộng đế dày, trông thật sạch sẽ, lanh lẹn, bảnh bao. Thấy kiểu ăn mặc đó, anh em các xe phu khác không bao giờ lại đến tranh khách hoặc chèn lên trước. Họ dường như thuộc vào một ngành nghề riêng biệt.

Có giới thiệu sơ qua như vậy rồi bây giờ nói đến vị trí của anh chàng Tường trong làng kéo xe, chúng tôi mới mong có thể nói rõ ràng chính xác như nói đến một cái đinh vít trong bộ máy.

Trước khi có duyên nợ với cái biệt hiệu "lạc đà" này, Tường là một anh phu xe sống khá tự do thoải mái, nghĩa là anh ta thuộc vào hạng trai trẻ khỏe mạnh và có xe riêng: xe của mình, muốn làm ăn ra sao tùy ý, thật là vào bậc nhất trong làng phu xe.

Được như thế quyết không phải là chuyện dễ. Một năm, hai năm, ít nhất cũng phải tới ba bốn năm, từng giọt từng giọt mồ hôi đổ xuống, chẳng biết đến hàng mấy mươi vạn giọt, dãi dầu sương gió, bóp mồm bóp miệng mới tậu được chiếc xe. Chiếc xe là kết quả và là sự bù đắp của mọi nỗi cực khổ, xoay xở của anh ta, cũng giống như tấm huy chương của người dũng sĩ trải qua hàng trăm trận. Khi còn phải thuê xe người khác, anh ta chạy từ sáng đến tối, từ đông sang tây, từ nam chí bắc, y như con quay bị người ta quất cho xoay tít. Anh ta không tự chủ nữa, nhưng trong khi quay tít thò lò như thế, mắt anh ta vẫn không hoa, lòng anh ta vẫn không rối. Anh ta luôn luôn mơ tưởng một chiếc xe, nhờ nó anh ta sẽ được tự do, độc lập, một chiếc xe của mình như chân tay mình vậy. Có xe riêng, sẽ không phải chịu ức với bọn chủ thầu nữa, mà cũng chẳng cần phải a dua bợ đỡ người này người nọ. Có sức khỏe, lại có xe riêng, hàng ngày mở mắt ra là có miếng ăn rồi.

Anh ta không sợ khổ và cũng chẳng có những thói hư tật xấu, vốn có thể tha thứ nhưng không nên bắt chước, của các anh em xe phu khác. Sáng ý và chịu khó, anh ta có thể làm cho điều mình mơ ước trở thành sự thực. Giả dụ hoàn cảnh khấm khá hơn, hoặc được học hành chút ít, nhất định anh ta chẳng rơi vào "làng xe kéo". Và dù làm gì, anh ta cũng chẳng bao giờ chịu bỏ lỡ thời cơ. Khốn thay, anh ta lại cứ phải kéo xe. Thôi thì đành vậy. Trong cái nghề này, anh ta vẫn có thể tỏ ra mình là người sáng ý và có tài, dường như ngay ở dưới địa ngục, anh ta vẫn có thể làm một con quỷ khôn. Lớn lên ở thôn quê, mồ côi cha mẹ và có mấy mẫu ruộng xấu cũng mất nốt, năm mười tám anh ta đã phải mò lên tỉnh kiếm ăn. Với sức khỏe và tính thật thà của một gã trai quê, phàm việc gì đổ mồ hôi mà có miếng ăn là hầu như anh ta đã làm qua cả. Nhưng không bao lâu, anh ta nhận thấy, kéo xe dễ kiếm ra tiền nhất. Làm việc lao lực khác, kiếm chác có hạn. Còn kéo xe, khéo xoay xở và gặp dịp thì chưa biết lúc nào, ở chỗ nào đó, sẽ vớ được những món bở, qua cả lòng mong ước. Tất nhiên, anh ta cũng biết những cơ hội đó chẳng phải tình cờ mà đến; xe và người đều phải lo tươm tất, ra trò đã. Có của tốt đem bán mới mong gặp khách biết mua của về. Nghĩ đi nghĩ lại, anh ta thấy mình có đủ điều kiện: anh ta đang độ khỏe mạnh, trai tráng, chỉ hiềm chưa kéo xe bao giờ, nên không dám kéo xe đẹp ngay. Nhưng đó không phải là một khó khăn không thể vượt qua được. Sức vóc của anh ta, chỉ cần tập khoảng mươi mười lăm hôm nhất định sẽ chạy ra trò, rồi sẽ thuê một chiếc xe mới, chưa biết chừng chẳng bao lâu có thể tìm ra chỗ kéo xe tháng; sau nữa chịu khó tằn tiện độ một hai năm, cứ cho là bốn năm đi, nhất định sẽ sắm nổi một chiếc xe, một chiếc xe thật oách! Nhìn vào sức lực đương trai của mình, anh ta cho chỉ là chuyện chóng hay chầy mà thôi. Đó là mục đích và là điều mong ước có thể đạt tới được, quyết không phải mơ tưởng hão huyền.

Sức vóc của anh ta phát triển trước tuổi, mới độ hai mươi mà người rất cao to; tuy mình mẩy, tay chân chưa được năm tháng rèn luyện thành thục, nhưng trông đã ra người lớn rồi - một người lớn mà mặt mũi dáng dấp vẫn còn mang theo cái vẻ ngây thơ, nghịch ngợm của trẻ con. Nhìn bọn phu xe "bậc nhất", anh ta nghĩ cách sẽ thắt bụng cho thon để càng lộ rõ bộ ngực như phiến sắt và tấm lưng như cánh phản. Ngoái cổ lại nhìn đôi vai của mình, anh ta thấy sao nó rộng thế, oai thế. Thắt bụng cho thon, mặc cái quần ống trắng rộng vào, gấu quần sẽ dùng dây ruột gà buộc lại, để lòi đôi bàn chân "ngoại khổ" ra! Rõ ràng anh ta có thể trở thành một anh phu xe thuộc loại xuất sắc nhất. Như người ngớ ngẩn, anh ta cười một mình.

Người anh ta không có gì đặc biệt, chỉ cái vẻ mặt là khiến anh ta dễ được cảm tình. Đầu không to lắm, con mắt tròn, mũi nở, hai hàng lông mày rậm và ngắn, tóc bao giờ cũng cạo nhẵn thín, má không bệu, cổ to gần như bằng đầu, mặt lúc nào cũng hồng hào; nổi bật hơn cả là vết sẹo khá to nằm giữa gò má và tai bên phải - ngày bé, anh ta nằm ngủ dưới gốc cây, bị lừa ngoạm cho một miếng. Anh ta cũng chẳng chú ý lắm đến vẻ người của mình. Anh ta thích bộ mặt của anh ta; cũng y như anh ta thích cái thân hình của anh ta; tất cả đều rắn chắc như thế kia! Dường như anh ta cho mặt cũng như tay chân, chỉ cần rắn chắc là tốt rồi. Đúng thế, sau khi lên tỉnh, anh ta vẫn có thể đầu lộn ngược trồng cây chuối một lúc rõ lâu. Lúc làm như thế, anh ta cảm thấy mình giống như một thân cây trên dưới thẳng đuột, phẳng lì.

Quả anh ta giống một thân cây thật, vững chãi, lặng lẽ, nhưng tràn đầy sức sống. Anh có những ý định, tính toán riêng, nhưng không muốn nói với ai. Trong làng phu xe, những nỗi bực dọc khó khăn riêng lại là đầu đề câu chuyện chung của mọi người. Ở bến xe, quán nước, rạp tuồng, họ đem chuyện riêng ra mà kể lể, than thở, kêu ca. Những chuyện đó sau sẽ trở thành của chung, truyền từ đời này sang đời nọ, y như những bài dân ca. Tường vốn là người nhà quê, không được mồm mép như dân thành phố. Nếu như nhanh mồm nhanh miệng là một đức tính trời phú cho, thì anh ta vốn bẩm sinh không ưa nhiều lời, nên cũng chẳng muốn đua đòi cái tài bẻm mép của dân thành phố. Chuyện của anh ta, riêng mình anh ta biết, không bàn bạc với ai. Vì ít nói, nên anh ta chẳng có nhiều thì giờ để mà suy nghĩ. Dường như anh ta bao giờ cũng cứ nhìn vào cõi lòng mình. Một khi đã có chủ ý rồi, thì anh ta cứ theo con đường đã vạch sẵn trong óc. Nếu con đường đó không thông suốt thì hàng ngày liền, anh ta có thể cứ im lặng, chẳng nói chẳng rằng, cắn chặt răng lại, y như đang tự đay nghiến mình.

Anh ta quyết chí đi kéo xe, thế là đi kéo xe. Anh ta thuê một chiếc xe tàng, để luyện đôi chân đã. Ngày đầu tiên chẳng được đồng xu nào hết. Ngày hôm sau, làm ăn có khá hơn, nhưng lại phải nằm bẹp mất hai ngày, chân sưng như hai trái bầu, không sao nhấc nổi. Đau thế mà anh ta cũng gắng chịu. Anh ta biết đó là chuyện không thể tránh được; đã làm nghề kéo xe tất phải vượt qua cửa ải này, không vượt qua thì chẳng có gan đâu mà kéo.

Chân khỏi đau, anh ta đã dám chạy rồi. Điều đó làm cho anh ta sướng lắm, bởi vì những chuyện khác thì không có gì đáng lo nữa: tên phố anh ta thuộc làu, đôi khi có phải chạy vòng quanh tí chút, cũng chẳng sao, khỏe mạnh thì có ngại gì. Anh ta từng có kinh nghiệm đẩy, kéo, khiêng, gánh, nên kéo xe cũng chẳng lấy gì làm khó lắm. Huống hồ, anh ta có những chú ý riêng: cẩn thận nhiều vào, bớt cái trò tranh giành hơn thua đi, sẽ ít xảy ra tai nạn. Còn như chuyện đòi giá cả và tranh khách, thì vì mồm miệng chậm chạp, nên không địch nổi những tay lọc lõi. Biết rõ chỗ kém của mình, anh ta dứt khoát không hay đến "bến xe". Ở đâu không có xe, anh ta đỗ ở đó. Chỗ nắng, anh ta có thể đứng ung dung nói giá, có khi lại chẳng đòi bao nhiêu cả chỉ nói: "Xin cứ ngồi lên, rồi liệu đấy mà trả!". Trông anh ta có vẻ thật thà, mặt mũi lại sáng sủa dễ thương, dường như người ta chỉ có thể tin anh ta thôi, chứ không dám nghĩ cái anh chàng "ngốc nghếch gà tồ" này lại biết "chém đắt". Dù có nghi ngờ chăng nữa, cũng chỉ có thể cho anh ta là một gã nhà quê mới lên tỉnh, chắc không thuộc đường, nên không biết đòi bao nhiêu. Đến khi họ hỏi "biết đường à?", thì anh ta cười, có vẻ ngốc nghếch, mà lại có vẻ hóm hỉnh, khiến khách đi xe chẳng biết làm gì cho phải.

Độ ba tuần lễ sau, anh ta đã chạy dẻo chân rồi. Anh ta biết kiểu chạy của mình trông gọn mắt lắm. Kiểu chạy là bằng cứ chứng tỏ năng lực và tư cách của một anh phu xe. Chạy xoạc cẳng như hai cái nan quạt mở rộng, đúng là tay mới ở nhà quê lên. Chạy đầu chúi xuống, chân kéo lê trên mặt đất, chạy mà chẳng nhanh hơn đi, nhưng trông vẫn có vẻ đang chạy, thì đúng là những lão trên năm mươi rồi. Những người giàu kinh nghiệm, nhưng sức yếu này lại còn có một mánh khóe khác: ngực hóp vào, chân giơ thật cao, cứ mỗi bước đầu lại nhô ra phía trước một cái, trông có vẻ đang chạy cật lực nhưng thật ra chẳng nhanh hơn người khác chút nào. Bọn họ nhờ vào "kiểu làm ăn" đó mà giữ được uy tín. Tường cố nhiên không theo mấy kiểu ấy. Chân dài nên bước rộng, sức mạnh nên chạy êm, nhịp nhàng, xe không lắc, khách thấy yên trí, thoải mái. Khi bảo đỗ, mặc dù xe đang chạy rất nhanh, anh ta chỉ cần bước chùng hai bước nữa, thế là xe dừng lại ngay. Sức lực của anh ta hầu như không chế được tất cả các bộ phận của xe. Lưng hơi khom khom về phía trước, hai tay đỡ nhẹ càng xe, điệu bộ trông gọn gàng, chính xác, không ra vẻ vội vã nhưng lại chạy rất nhanh, nhanh mà không nguy hiểm. Ngay trong làng kéo xe tháng cũng ít người chạy được như thế.
Anh ta đổi một chiếc xe mới. Ngay từ hôm đổi xe, anh ta đã hỏi dò biết rằng, như chiếc xe anh ta đang thuê đây - díp êm, trục tốt, áo tơi cánh gà đủ, đèn trước, đèn sau, còi đồng cổ dài giá hơn trăm bạc. Nếu như nước sơn và bộ trục kém một chút, thì một trăm cũng mua được rồi. Tóm lại, chỉ cần có một trăm đồng là anh ta có thể tậu được một chiếc xe. Bỗng anh ta nghĩ, một ngày dành dụm một hào, thì một trăm đồng phải là một nghìn ngày. Một nghìn ngày! Nói dồn một nghìn ngày lại như thế, anh ta hầu như không tính ra được nó dài bao nhiêu. Nhưng chí anh ta đã quyết, một nghìn ngày chứ một vạn ngày, thế nào cũng phải mua bằng được một chiếc xe. Anh ta đã nghĩ kỹ rồi, bước đầu cần phải kéo xe tháng. Gặp ông chủ giao thiệp rộng, tiệc tùng nhiều, trung bình mỗi tháng độ mười bữa tiệc, là có thể kiếm vài ba đồng tiền cơm đãi phu xe. Thêm vào đó, mỗi tháng để dành độ tám chín hào, một đồng nữa, có thể được bốn hay năm đồng cũng nên, và thế là một năm góp được sáu chục? Như vậy hy vọng của anh ta không cao xa lắm nữa. Anh ta không hút thuốc, không uống rượu, không đánh bạc, không nghiện ngập say mê trò gì cả, lại không có gánh nặng vợ con, miễn chịu thắt lưng buộc bụng, thì chẳng việc gì không thành. Anh ta thề với mình: "Một năm rưỡi nữa, nhất định thằng Tường này phải mua cho được một chiếc xe! Xe mới, chứ không phải là xe chữa lại".

Thế rồi, anh ta kéo xe tháng thật. Có điều, thực tế không phải hoàn toàn giống như anh ta mong ước. Anh ta quả đã thắt lưng buộc bụng, nhưng một năm rưỡi trôi qua mà vẫn chưa được như nguyện. Kéo tháng thì đã kéo rồi, và đã kéo rất cẩn thận, nhưng không may, mọi việc trên đời này đâu phải chỉ có một chiều! Dù anh ta kéo rất cẩn thận, nhưng nhà chủ vẫn cứ không thuê nữa. Được độ hai ba tháng, có khi chín mười ngày, họ lại thôi, và anh ta lại tiếp tục đi kiếm chủ khác. Tất nhiên, anh ta vừa đi kiếm, vừa kéo lẻ. Đang cưỡi ngựa mà vẫn phải tìm ngựa, lòng anh ta không lúc nào thảnh thơi. Trong thời gian đó, anh ta lại thường gặp đen. Anh ta phải cố gắng phấn chấn lên, không riêng chỉ để kiếm lấy miếng ăn hàng ngày, mà còn phải tiếp tục dành dụm mua xe. Nhưng không phải cố gắng là mọi chuyện sẽ ổn cả. Nhấc càng xe lên, anh ta không thể chuyên tâm mà chạy, cứ như luôn luôn nghĩ gì ở đâu đâu ấy, càng nghĩ càng sợ hãi bực bội. Giá thử cứ như thế này mãi thì bao giờ mới có thể mua được xe? Tại sao lại như thế này? Chẳng lẽ mình lại là thằng không muốn khấm khá lên hay sao? Những lúc nghĩ ngợi lung tung như thế, anh ta quên mất cái tính cẩn thận thường ngày. Lốp xe đè vào mảnh sành, gai sắt, nổ bung, thế là đành phải nghỉ. Nguy hơn nữa, có khi đâm cả vào người đi đường, thậm chí có lần vì vội chèn lên trước mà văng mất nắp trục xe. Nếu như kéo tháng thì chẳng đời nào lại xảy ra những chuyện đen đủi ấy. Cứ gặp chuyện là anh ta buồn bực, thờ thẫn cả người. Xe hỏng, tất nhiên phải đền tiền, thế là như lửa đổ thêm dầu, anh ta lại càng nóng ruột. Sợ gặp phải những tai họa lớn hơn, có khi anh ta rầu rĩ nằm khoèo ngủ cả ngày ở nhà. Mở mắt ra thấy phí mất một ngày, anh ta lại hối, và tự giận mình. Còn nữa, trong thời kỳ này, càng lo, anh ta lại càng sống kham khổ, ăn uống chẳng ra gì. Anh ta tự cho mình là xương đồng da sắt, thế mà cũng vẫn ốm như thường. Ốm, anh ta tiếc không dám bỏ tiền ra mua thuốc, cứ nằm liều, rút cục, ốm ngày càng nặng, không những bỏ tiền ra mua thuốc mà lại còn phải nghỉ mấy ngày liền. Những khó khăn đó khiến anh ta càng phải cắn răng cố gắng, nhưng số tiền mua xe không phải vì thế mà tích góp được nhanh chóng hơn.

Ba năm ròng rã, anh ta dành dụm đủ một trăm đồng!

Anh ta không thể chờ đợi được nữa. Vốn định tâm mua một chiếc xe thật hoàn toàn, thật mới và thật vừa ý, nhưng bây giờ chỉ có thể bằng vào một trăm đồng ấy mà mua thôi. Không thể nấn ná được nữa. Nhỡ có việc gì xảy ra lại hụt đi mất mấy đồng thì sao? Vừa may có chiếc xe mới đóng xong (có người đặt nhưng không có tiền lấy), đại khái cũng xấp xỉ như chiếc xe anh ta mong ước. Chiếc xe này vốn đáng giá những hơn trăm, nhưng vì có số tiền đặt cọc bỏ lại, nên hiệu xe bằng lòng bớt cho một ít. Tường, mặt đỏ gay, tay run run, xỉa chín mươi sáu đồng bạc ra

- Tôi lấy chiếc này!

Chủ hiệu xe định nài chẵn một trăm, nói đi nói lại mãi, kéo xe ra rồi lại kéo xe vào, giương mui lên rồi lại cụp mui xuống, bóp còi inh ỏi, mỗi động tác kèm theo hàng tràng lời tán tụng. Cuối cùng, ông ta đưa chân đá vào vành xe mấy cái, nói:

- Đấy nghe này! Cứ boong boong y như tiếng chuông ấy! Kéo cho đến lúc xe hỏng, đũa có chiếc nào oằn cứ việc mang lại đây quẳng vào mặt tôi! Đúng một trăm, thiếu một xu cũng không được!

Tường lại đếm lại tiền:

- Tôi lấy chiếc này! Chín mươi sáu đồng đấy!

Chủ hiệu biết gặp phải người riết róng, đưa mắt nhìn số tiền, rồi lại nhìn anh ta, thở dài:

- Thôi, để lấy chỗ đi lại, bán cho anh đấy! Bảo đảm sáu tháng: trừ phi làm vỡ thùng xe, còn thì hỏng tôi xin chữa, không tính tiền. Giấy bảo đảm đây, cầm lấy!

Tay Tường lại càng run tợn. Anh ta cầm lấy giấy bảo đảm, kéo xe ra, dường như muốn khóc. Kéo đến một chỗ vắng, anh ta ngắm nghía thật kỹ chiếc xe của mình, thử soi vào mặt gỗ sơn! Càng ngắm càng thấy thích. Những chỗ không thật vừa ý cũng có thể bỏ qua, bởi vì đây là xe của mình! Ngắm một lúc, như thế cũng tựa như được nghỉ ngơi rồi, anh ta ngồi xuống cái đệm chân mới đan hình mắt cáo để thoát nước, nhìn cái còi bằng đồng sáng choang mắc ở càng xe. Bỗng anh ta sực nhớ, năm nay anh ta hăm hai tuổi. Bố mẹ mất sớm, nên anh ta cũng quên cả ngày sinh tháng đẻ. Từ dạo lên tỉnh đến nay, anh ta chưa ăn mừng sinh nhật lần nào. Được rồi! Hôm nay mua được xe mới, kể như là sinh nhật vậy. Sinh nhật của người mà cũng là sinh nhật của xe, càng dễ nhớ. Vả lại, xe là xương máu của mình, thì cũng không vì lý gì lại không thể coi xe như người.

Nên ăn mừng ngày "song thọ" này như thế nào đây? Tường đã có chủ định rồi: món khách đầu tiên phải là người cho sang, tuyệt đối không kéo đàn bà. Tốt nhất là kéo đến cửa Tiền, thứ đến là chợ Đông An. Kéo đến nơi, sẽ vào một quán cơm tươm nhất, đánh một bữa, bánh rán nóng cặp chả cừu nướng chẳng hạn. Ăn xong, gặp món nào bở thì kéo nữa, không thì cho xe về nghỉ. Thế là ăn mừng sinh nhật rồi!

Từ ngày có xe, cuộc sống của anh ta ngày một khấm khá hơn. Kéo tháng cũng thế, mà kéo vặt cũng thế, hàng ngày anh ta chẳng phải lo đến cái món "thuế xe" nữa. Kéo được bao nhiêu là của mình tất. Lòng thảnh thơi, đối với mọi người anh ta càng hòa nhã, việc làm ăn cũng vừa thấy vừa ý. Kéo được nửa năm, anh ta lại có ước vọng to hơn: cứ thế này, làm độ hai năm, nhiều nhất là hai năm, anh ta lại có thể mua được một chiếc nữa. Một chiếc, rồi hai chiếc... Anh ta cũng sẽ mở một hiệu cho thuê xe.

Nhưng hy vọng phần lớn chẳng mấy khi thực hiện được. Anh chàng Tường cũng chẳng phải là một ngoại lệ.
Đăng bởi: