Tường Lạc Đà

Chương 2: Tường Lạc Đà Chương 2


Phấn khởi sinh ra mạnh bạo; từ khi có xe riêng, anh chàng Tường chạy càng nhanh hơn. Xe của mình tất nhiên thận trọng rồi, nhưng nhìn con người mình, lại nhìn xe mình, nếu không chạy thì anh ta thấy nó thế nào ấy.

Từ dạo lên tỉnh, anh ta đã cao hơn trước trên một tấc. Bản thân anh ta cảm thấy rằng còn phải cao thêm nữa. Phải, da thịt đã sắt lại, dáng người đã cứng cáp hơn, và trên mép lại đã có một hàng ria lơ thơ rồi, thế mà anh ta vẫn cho rằng còn phải cao thêm một chút mới phải.

Mỗi khi qua một cái cửa con hoặc một cái cổng đầu phố làm phải cúi khom xuống mới lọt, tuy không nói gì nhưng anh ta vui thầm trong bụng, bởi vì anh ta thấy mình đã cao rồi, mà vẫn còn đang cao thêm, hầu như đã là người lớn, mà vẫn là trẻ con, rất thích.

Người cao to như thế, lại kéo cái xe đẹp như thế, xe thì xe riêng, díp nhún lên nhún xuống êm ru, đến cả càng xe cũng nhè nhẹ rung lên; hòm xe bóng lộn, đệm trắng tinh, còi kêu to thế, mà không chạy nhanh hơn thì sao xứng với con người mình, sao xứng với xe? Cái đó chẳng phải là hư danh, mà tựa hồ như là trách nhiệm. Không chạy nhanh, chạy như bay thì không phát huy đầy đủ sức mạnh của mình và cái tốt đẹp của xe. Chiếc xe đó quả cũng đáng yêu thật, kéo được chừng nửa năm, dường như bộ phận nào cũng có tri giác và tình cảm. Khi Tường còng lưng lại, co chân lên hoặc vươn thẳng người ra, nó liền hưởng ứng ngay, giúp anh ta đúng như ý muốn. Giữa anh ta và nó không hề có chút gì cách biệt. Qua những quãng đường phẳng phiu, vắng người, anh ta có thể cầm càng một tay thôi, bánh cao su lăn nhẹ trên đường, kêu vo vo, y như có cơn gió thoảng đẩy anh ta chạy tới vừa nhanh vừa vững. Đến nơi quần áo có thể vắt ra mồ hôi, như vừa vớt trong chậu nước ra. Anh ta thấy mệt mỏi, nhưng lại vui sướng lắm, một thứ mệt mỏi đáng tự hào, như vừa cưỡi một con ngựa hay vượt mấy chục dặm đường vậy.

Nếu mạnh bạo không phải là cẩu thả thì khi Tường mạnh bạo chạy như vậy, anh ta không thể cẩu thả một chút nào. Không chạy nhanh khách không vừa ý, chạy nhanh mà lại đâm hỏng xe thì mình lại khổ tâm. Xe là bản mệnh của anh ta, anh ta biết nên cẩn thận như thế nào rồi. Vừa cẩn thận vừa mạnh bạo, anh ta càng ngày càng tin ở mình, anh ta tin chắc rằng mình và xe đều bằng sắt cả.

Vì thế, không những anh ta dám mạnh bạo chạy, mà lại không bao giờ phải suy tính đến chuyện nên ra xe vào lúc nào. Anh ta thấy cái nghề đem sức ra kéo xe để giành giật miếng cơm là một nghề có khí phách bậc nhất ở gầm trời này. Anh ta muốn ra xe lúc nào thì ra, không ai ngăn được. Những lời đồn đại bên ngoài, anh ta không hề để ý nghe, nào là khu Tây Uyển có lính kéo đến, nào là vùng Trường Tân Điếm lại đánh nhau, nào là bên ngoài cửa Tây Trực lại bắt phu, nào là cửa Tề Hóa đã đóng lâu rồi, anh ta đều mặc kệ. Lẽ tất nhiên, phố xá đóng cửa, cảnh sát và bảo an vũ trang đầy đường; không muốn cố chuốc lấy phiền não, anh ta cũng vội vàng cho xe về như những người khác. Có điều anh ta vẫn không tin những lời đồn đại. Anh ta biết nên cẩn thận như thế nào rồi, nhất là vì xe là xe riêng, nhưng dù sao anh ta cũng vẫn là người nhà quê, không như người thành phố, thấy gió là biết sẽ mưa. Với lại thân hình anh ta cho phép anh ta tin tưởng rằng, giá thử chẳng may "gặp chuyện" thì thế nào cũng có cách, không đến nỗi thua thiệt nhiều. Anh ta không phải là người dễ bắt nạt, vóc người cao lớn thế kia, vai rộng thế kia cơ mà!

Hằng năm, tin chiến trận và những lời đồn đại hầu như cùng đến với lúa mạch mùa xuân. Bông lúa mạch và lưỡi lê có thể coi như tượng trưng cho niềm hy vọng và nỗi lo sợ của người phương Bắc. Anh chàng Tường mua xe mới vừa được nửa năm, thì đúng vào lúc lúa mạch cần mưa xuân. Mưa xuân không nhất thiết chiều theo lòng mong ước của người ta mà rơi xuống, nhưng chiến tranh thì không kể có ai mong đợi hay không, vẫn cứ kéo đến như thường. Đồn đại cũng vậy, mà chuyện thật cũng vậy, Tường hầu như đã quên rằng mình đã từng làm công việc nhà nông; anh ta không quan tâm gì lắm đến chuyện chiến tranh sẽ tàn phá ruộng đồng, cũng chẳng chú ý đến chuyện có mưa hay không có mưa. Anh ta chỉ quan tâm đến chiếc xe của anh ta. Chiếc xe của anh ta có thế sản xuất ra được bánh nướng và các thức ăn khác. Nó là một mảnh ruộng vạn năng, một mảnh ruộng sống quý báu, ngoan ngoãn đi theo anh ta. Vì thiếu mưa, vì tin tức chiến sự, lương thực đều tăng giá, chuyện ấy thì Tường biết. Nhưng, cũng như những người khác trong thành phố, anh ta chỉ biết kêu ca lương thực đắt, mà chẳng có chú ý gì cả. Lương thực đắt, ừ thì cứ đắt đi, nào ai có cách gì làm cho nó rẻ được? Thái độ đó làm cho anh ta chỉ nghĩ đến cuộc sống của mình, mặc kệ mọi hoạn nạn tai ương.

Người thành phố, nếu như đối với mọi việc họ chẳng có cách gì giải quyết cả, thì họ lại có cái tài phao tin đồn nhảm có khi hoàn toàn bịa ra mà nói, có khi một kháo thành mười cốt để tỏ ra họ không phải ngu ngốc và không phải không có việc làm. Họ giống như những con cá nhỏ, lúc rỗi rãi lại ngoi lên mặt nước, nhả vài cái bong bóng hoàn toàn vô dụng, cũng lấy làm đắc ý lắm. Trong những lời đồn đại lý thú nhất là những lời đồn đại về chuyện đánh nhau. Những lời đồn đại khác thường thường trước sau vẫn chi là lời đồn đại, cũng giống như nói chuyện yêu tinh, không thể cứ nói mãi mà thấy thật. Còn những lời đồn đại về chiến sự, chính vì căn bản không có tin chính xác, nên rút cục "cắm gậy thấy bóng" ngay, về tiểu tiết so với thực tế, có thể sai nhiều, nhưng về chuyện có đánh nhau hay không, mười phần đúng tám chín. "Sắp đánh nhau rồi!".Câu nói đó vừa ra khỏi cửa miệng, thì sớm muộn thế nào cũng sẽ có đánh nhau; còn như ai đánh ai, đánh như thế nào thì mỗi người một phách. Tường không phải là không biết như thế. Có điều những người làm việc nặng - kéo xe cũng trong số đó - họ tuy không hoan nghênh chiến tranh, nhưng gặp phải chiến tranh, chưa chắc đã là rủi ro. Mỗi lần chiến tranh lan đến, hoảng nhất là những kẻ giàu sang. Vừa nghe phong thanh tình hình không ổn là họ vội vàng tính chuyện lánh nạn. Đồng tiền xui họ đến nhanh, mà chạy cũng nhanh. Bản thân họ thì không chạy được, vì tiền bám vào chân quá nặng. Họ phải thuê rất nhiều người làm chân; hòm xiểng phải có người khiêng, già trẻ gái trai phải có xe kéo; những lúc ấy chân và tay của các anh em chuyên bán sức chân sức tay nhất loạt trở nên cao giá.

- Cửa Tiền, ga Đông!

- Đâu cơ?

- Ga... Đông?...

- À... Xin đúng một đồng tư! Không phải mặc cả. Thời buổi loạn lạc này!

Giữa tình hình như thế. Tường kéo xe ra khỏi thành. Người ta đồn đại đã mười ngày nay rồi, các thứ đều đã lên giá, nhưng chiến sự tựa hồ vẫn còn ở xa lắm, không thể trong chốc lát mà đánh tới Bắc Bình được. Tường vẫn kéo xe như thường, không vì lời đồn đại mà lười biếng. Một hôm, kéo đến Tây Thành, anh ta biết được đôi chút binh tình. Ở đường chùa Hộ quốc và đường phố Mới, không một ai gọi xe đi "Tây Uyển" "Thanh Hoa" cả! Anh ta lượn đi lượn lại một hồi ở đường phố Mới, nghe nói, xe không dám ra khỏi thành, ngoài cửa Tây Trực đang bắt xe; xe lớn, xe nhỏ, xe lừa, xe tay, bắt tất. Anh ta định uống một bát nước chè rồi kéo xe về phía nam mà đỗ. Bến xe vắng tanh, tỏ ra rằng nguy đến nơi. Anh ta tuy khá gan dạ, nhưng cũng chẳng nên tìm đi vào con đường chết. Giữa lúc đó thì ở phía nam có hai chiếc xe chạy tới, người ngồi trên xe giống như là học sinh; anh phu xe vừa chạy vừa gọi:

- Này, có đi Thanh Hoa không?

Mấy chiếc xe đỗ ở bến không cái nào lên tiếng. Người thì nhìn hai chiếc xe kia, cười nhạt, người thì ngậm điếu, ngồi yên, chẳng buồn ngẩng đầu lên nữa. Hai chiếc xe kia vẫn cứ gào:

- Câm cả rồi à? Đi Thanh Hoa không?

- Hai đồng thì đi!

Một anh xe trẻ tuổi, đầu húi trọc, người thấp, thấy không ai trả lời, liền nói một câu như để pha trò.

Hai chiếc xe kia liền đỗ lại:

- Kéo lại đây! Gọi cái nữa!
Anh ta ngớ người ra, dường như vẫn không biết xử trí ra sao. Những người kia vẫn ngồi yên. Tường thấy thế, biết ra khỏi thành nhất định nguy hiểm, nếu không thì hai đồng từ đây đến Thanh Hoa bình thường chỉ độ hai ba hào sao lại không có người tranh lấy? Anh ta cũng chẳng muốn kéo. Nhưng cái anh chàng đầu trọc kia dường như đã có ý định, nếu ai cùng anh ta chạy cuốc này thì anh ta sẽ chạy ngay. Anh ta nhìn Tường chằm chằm:

- Thế nào, ông hộ pháp?

Hai tiếng "hộ pháp" làm Tường bật cười. Đó là một lời khen. Anh ta nghĩ thầm trong bụng: "Mình đã được khen thì cũng phải lấy lòng anh chàng đầu trọc bé người mà to gan kia mới đúng. Huống chi, hai đồng bạc, là hai đồng bạc, không phải chuyện ngày nào cũng gặp. Còn nguy hiểm ư? Lẽ nào lại vừa khéo đến thế? Huống hồ, hai hôm trước, có người nói Thiên Đàn đầy lính, thế mà anh ta thấy tận mắt chẳng có một mống nào hết". Nghĩ thế, anh ta liền kéo xe tới.

Đến cửa Tây Trực, nhìn trong cổng thành hầu như chẳng có ai qua lại, Tường hơi rợn. Anh chàng trọc kia cũng thấy không ổn, nhưng vẫn cười nói:

- Cứ việc kéo đi, anh bạn! Tai họa thì tránh cũng chẳng được nào, ăn thua là ở cả lúc này đây!

Tường thì biết không xuôi rồi, nhưng sống lăn lóc ở giữa phố phường này mấy năm nay, không thể giở thói bà già, nói rồi bỏ đó được.

Qua cửa Tây Trực, quả thật không gặp một chiếc xe nào cả. Tường cúi đầu chạy không dám nhìn hai bên đường nữa. Tim anh ta dường như thúc vào lồng ngực. Đến cầu Cao Lượng, anh ta đưa mắt nhìn bốn xung quanh. Không thấy một tên lính nào, anh ta mới hơi yên trí. Hai đồng rút cục vẫn là hai đồng, anh ta tính toán, không có gan một chút thì làm gì vớ được món bở như thế. Bình thường, anh ta không hay nói, nhưng lúc này lại muốn nói với anh trọc kia vài câu. Phố xá im lặng đến phát sợ:

- Rẽ vào đường đất nhé! Đường cái...

Anh chàng trọc kia đã đoán được ý anh ta:

- Ừ, phải đấy, rẽ được vào đường tắt thế là ăn chắc rồi!

Nhưng, chưa rẽ được vào đường tắt thì Tường và anh chàng đầu trọc kia, cả xe lẫn người, bị khoảng mười tên lính tóm cổ lôi đi!

Tuy đã gần hết tiết dâng hương ở miếu Khai núi Diệu Phong rồi, nhưng đêm, đắp một tấm chăn đơn vẫn không chịu được. Trên thân Tường không có gì vướng víu, ngoài chiếc áo lính mỏng màu tro, và chiếc quần lính màu xanh, nồng nặc mùi mồ hôi từ khi anh ta chưa mặc, vốn dĩ đã thế rồi. Nhìn bộ quần áo rách rưới đó, anh ta nhớ đến chiếc áo cánh trắng mặc hồi xưa; so với bộ quần áo xanh lè này thì nó sạch sẽ và sang trọng biết mấy! Đúng thế, trên đời có rất nhiều cái sang trọng hơn màu xanh lè kia nhiều, nhưng Tường cũng biết, thân anh ta khó khăn lắm mới được bảnh bao sạch sẽ như thế. Ngửi mùi hôi rình trên người, anh ta thấy rõ đời sống lăn lộn và những thành công xưa kia thực vô cùng vẻ vang; vẻ vang một, anh ta thấy vẻ vang mười. Càng nghĩ đến những ngày qua, anh ta càng giận bọn lính kia. Áo quần, giày mũ của anh ta, xe của anh ta, thậm chí cái thắt lưng vải, bị chúng cướp sạch, chỉ để lại cho anh ta đầy người thương tích tím bầm; và hai bàn chân phỏng rộp! Có điều áo quần thì cũng chẳng đáng kể gì, thương tích trên người chẳng bao lâu rồi cũng khỏi, nhưng còn xe của anh ta, chiếc xe phải đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt hàng mấy năm liền mới sắm được thì mất đứt rồi! Từ lúc kéo vào trại lính, thế là không thấy tăm hơi đâu nữa. Bao nhiêu nỗi đau khổ nhọc nhằn trong chớp mắt anh ta có thể quên đi được, nhưng không tài nào quên chiếc xe ấy!

Khổ cực, anh ta không sợ, nhưng sắm cho ra chiếc xe nữa, không phải là chuyện nói là làm được ngay. ít nhất cũng phải mấy năm! Thành công xưa kia thế là đi đứt. Anh ta phải ra sức làm lại từ đầu! Anh ta khóc! Không những anh ta căm thù bọn lính kia, mà còn căm thù tất cả mọi cái trên đời. Vì lẽ gì lại ức hiếp người ta đến nông nỗi này? Vì lẽ gì? Anh ta gào nên. "Ừ, vì lẽ gì?"

Gào lên như thế, tuy có hả được phần nào, nhưng anh ta liền nghĩ đến nguy hiểm. Thôi thì đành mặc kệ những cái khác đấy, hãy thoát lấy thân đã!

Anh ta đang ở đâu đây? Bản thân anh ta cũng chẳng trả lời cho đúng được. Mấy ngày nay, anh ta chạy theo bọn lính, mồ hôi chảy từ đầu đến gót chân. Khi đi thì phải khiêng phải kéo, hoặc đẩy các đồ vật của chúng nó; khi dừng lại thì phải gánh nước, nấu cơm, cho lừa ngựa ăn. Suốt ngày, từ sáng đến tối, anh ta phải dồn hết sức lực ra chân tay, còn bụng thì trống rỗng. Đêm đến, vừa đặt lưng xuống đất là ngủ thiếp đi như chết, và dù không bao giờ mở mắt ra nữa, cũng chưa chắc đã là chuyện không may.

Lúc đầu, anh ta nhớ tựa hồ bọn lính rút lui về phía núi Diệu Phong. Đến lớp núi sau, anh ta chỉ lo leo núi, và thấp thỏm chưa biết lúc nào trượt chân ngã lăn xuống khe, xương thịt để cho diều tha quạ mổ, nên chẳng còn để ý gì đến cái khác nữa. Loanh quanh trong núi bao nhiêu ngày, bỗng một hôm thấy đường núi thưa đi. Khi mặt trời xuống sau lưng anh ta, thì anh ta trông thấy đồng bằng ở đằng xa. Tiếng kèn cơm chiều gọi lính và phu quay về trại; có mấy tên vác ngang súng, dắt theo mấy con lạc đà.

Lạc đà! Lòng Tường rung động lên. Anh ta bỗng suy nghĩ được, y như người lạc đường tìm được dấu vết gì quen thuộc, trong phút chốc nhớ ra tất cả. Lạc đà không leo được núi, nhất định anh ta đã đến đồng bằng rồi. Theo chỗ anh ta biết, thì cả vùng Tây Bắc Bình, như Bát Lý Trang, Hoàng Thôn, Bắc Tân An, Ma Thạch Khẩu, Ngũ Lý Đồn, Tam Gia Điếm đều nuôi lạc đà. Chẳng lẽ quanh đi quẩn lại, lại về Ma Thạch Khẩu ư? Đó là chiến lược gì? - giá thử bọn lính chỉ biết chạy và ăn cướp kia cũng có chiến lược - thì Tường không biết, nhưng anh ta biết rõ rằng, nếu quả thật đây là Ma Thạch Khẩu thì bọn lính này tất không ra khỏi núi được, nên định xuống chân núi để tìm đường sống. Ma Thạch Khẩu là một địa điểm tốt, đi về phía Đông Bắc có thể đến Tây Sơn; đi về phía Nam có thể đến Trường Tân Diêm hoặc Phong Đài; ra khỏi cửa khẩu đi thẳng về phía Tây, cũng là một lối thoát. Anh ta tính toán hộ cho chúng nó như thế, và trong bụng cũng tự vạch ra cho mình một con đường: đã đến lúc bỏ trốn rồi đây. Vạn nhất chúng nó lại quay về vùng núi non quanh co kia thì dù có thoát khỏi tay chúng nó cũng không khỏi chết đói. Muốn trốn, phải nhân cơ hội này. Anh ta tin rằng, từ đây mà chạy thì một bước có thể chạy về Hải Điện! Tuy khoảng giữa còn bao nhiêu đường đất, nhưng anh ta đã thông thuộc cả. Nhắm mắt lại, anh ta liền có cả một bản đồ: đây là Ma Thạch Khẩu, trời ơi, nhất định đây phải là Ma Thạch Khẩu rồi! Anh ta sẽ rẽ lên phía Đông Bắc, qua núi Kim Đỉnh, lăng Lễ vương, thế là đến Bát Đại Xứ; từ Tứ Bình Đài chạy thẳng về phía Đông qua Hạnh Tử Khẩu, liền đến Nam Tân Trang. Để khỏi lộ, tốt nhất cứ men theo núi từ Bắc Tân Trang đi thẳng lên phía Bắc, qua Ngụy Gia Thôn, lại lên phía Bắc, qua bãi Nam Hà; cứ đi mãi lên phía Bắc, đến Hồng Sơn Đầu, phủ Kiệt Vương, Tĩnh Nghi Viên rồi! Đến được Tĩnh Nghi Viên thì nhắm mắt cũng có thể lần về được Hải Điện! Tim anh ta như muốn nhảy khỏi lổng ngực! Mấy hôm nay, máu trong người dường như ra cả tứ chi, lúc này dường như lại dồn cả về tim, tim nóng bỏng mà tứ chi lại lạnh đi; lòng hy vọng làm anh ta run lên.

Cho mãi đến tận nửa đêm, anh ta vẫn không sao nhắm mắt được. Hy vọng làm anh ta vui sướng, lo sợ làm anh ta kinh hoàng. Anh ta muốn ngủ nhưng không ngủ được. Trên nệm cỏ khô, tay chân anh ta như rã rời. Không một tiếng động, chỉ còn sao trên trời nhấp nháy theo nhịp đập của trái tim. Lạc đà bỗng kêu lên mấy tiếng buồn bã, cách anh ta không xa. Anh ta thích tiếng kêu đó, như giữa ban đêm bỗng nghe tiếng gà gáy khiến người ta vừa buồn vừa vui.

Phía xa có tiếng đại bác, xa lắm, nhưng rõ ràng là tiếng đại bác. Anh ta không dám động đậy. Nhưng tức thì trại lính bỗng nhốn nháo lên. Anh ta nín thở, thời cơ đã đến! Anh ta biết chắc, bọn lính lại phải rút lui, và nhất định sẽ đi vào núi. Kinh nghiệm mấy ngày qua cho anh ta biết, phương pháp tác chiến của bọn lính này chẳng khác gì ong mắc kẹt trong nhà, bạ đâu đâm đầu vào đó. Có tiếng đại bác, nhất định bọn chúng lại bỏ chạy. Vậy thì, phải cẩn thận một tí mới được. Anh ta nín thở, bò chầm chậm, tìm mấy con lạc đà kia. Anh ta biết lạc đà cũng chẳng giúp gì cho anh ta đâu, nhưng anh ta với chúng cùng bị cầm tù, thì dường như cũng nên thương nhau mới phải. Trại lính lại càng nhốn nháo. Anh ta đã đến gần mấy con lạc đà kia rồi - trông giống như mấy cái gò đất nhô lên trong đêm tối. Ngoài tiếng thở phì phò, không có động tĩnh gì, dường như thiên hạ thái bình lắm. Điều đó khiến anh ta bạo dạn lên. Anh ta nằm phục xuống bên cạnh lạc đà, y như lính nằm phục sau những bao tải đựng cát. Anh ta vụt nghĩ ra rằng: tiếng đại bác từ phía Nam vọng tới, dù không phải thực tâm muốn choảng nhau, ít nhất cũng cảnh cáo cho biết: "Đường này không đi được!". Thế thì, bọn lính này nhất định phải rúc vào núi. Nếu phải leo núi thật, chúng không thể dắt lạc đà theo. Như vậy, số phận mấy con lạc đà này cũng chính là số phận anh ta. Nếu chúng không bỏ mấy con vật này lại, thế là anh ta hỏng việc. Chúng quên đi thế là anh ta thoát. Anh ta áp tai sát đất, lắng nghe có tiếng chân hay không, trống ngực đập liên hồi.

Chẳng hiểu anh ta chờ bao lâu, rút cục không có tên lính nào đến dắt lạc đà đi cả. Anh ta mạnh dạn ngồi dậy, nhìn qua khe trống giữa hai cái bướu lạc đà, chẳng thấy gì hết, xung quanh tối mò! Chuồn thôi! Chuồn! Muốn ra sao thì ra!
Đăng bởi: