Tường Lạc Đà

Chương 5: Tường Lạc Đà Chương 5


Lão Tư Lưu quả thật không nói gì về Tường cả, nhưng câu chuyện mấy con lạc đà đã từ Hải Điện truyền vào thành rất nhanh. Trước kia, tuy không ai thấy Tường có nhược điểm gì, nhưng tính anh ta cứng cỏi, nên ít nhiều người ta cho rằng anh ta cô độc, khó chơi. Sau khi cái tên "Tường lạc đà" được truyền rộng ra, tuy Tường vẫn lầm lì mà làm ăn, không thân thiện gì với ai lắm, nhưng đối với anh ta, mọi người có phần nào vị nể. Có người nói anh ta bắt được đồng hồ vàng, có người nói anh ta vớ được ba trăm đồng bạc, và người tin rằng mình biết tường tận hơn thì gật đầu nói anh ta dắt ba chục con lạc đà từ Tây Sơn về. Mỗi người nói một phách, nhưng kết luận thì như nhau: "Tường bắt được của!". Đối với người bắt được của, dù người ta không có cảm tình, nhưng theo lệ thường người ta cũng kính nể. Bán sức kiếm miếng ăn là chuyện khó khăn như thế nên ai nấy đều mong mỏi bắt được của. Đó là chuyện nghìn năm mới có một lần, nên người đã gặp may, chắc hẳn phải khác thường: phúc lớn thì mệnh phải lớn. Vì vậy, cái tính lầm lì cô độc của Tường bỗng biến thành cái tính ít điều ít tiếng của người phú quý. Anh ta như thế là đúng, mà những người khác thì phải đổ xô đến mà nịnh hót anh ta. "Ghê thật! Nói đi nào! Anh Tường! Phát tài ra sao đấy?". Những lời ấy, ngày nào Tường cũng được nghe. Anh ta vẫn lặng thinh. Cho đến khi bị dồn quá, cái sẹo của anh ra hơi đỏ lên, anh ta mới nói:

- Phát tài gì? Con mẹ nó chứ! Thế cái xe của tôi đâu rồi?

Đúng, thật có như thế. Xe của anh ta đâu rồi? Mọi người bắt đầu suy nghĩ. Nhưng lo lắng hộ người ta bao giờ cũng chẳng bằng vui mừng cho người ta, thế là ai nấy quên bẵng chiếc xe của Tường, chỉ nghĩ đến vận may của anh ta thôi! ít ngày sau, anh em thấy Tường vẫn kéo xe, không đổi nghề, hoặc mua nhà cửa đất cát gì cả, nên đối với anh ta có phần lạnh nhạt đi. Khi nhắc đến "Tường lạc đà", cũng không ai căn vặn vì sao lại là "lạc đà" nữa, dường như vốn nên gọi anh ta như thế.

Nhưng bản thân Tường thì không thể dễ dàng gì mà quên đi được chuyện đó. Anh ta buồn bực vì không thể mua ngay được một chiếc xe mới khác. Càng buồn bực thì lại càng nhớ đến cái xe trước kia. Từ sáng sớm đến tối mịt, anh ta ra sức mà làm, nhưng làm thì vẫn làm, vẫn cứ nhớ đến chuyện đó. Mà nhớ đến thì trong lòng lại thấy như thắt lại. Anh ta không khỏi nghĩ rằng, dù cho cố gắng đến đâu, cũng không thể vì mình đã cố gắng mà đời lại công bằng hơn. Vì lẽ gì mà chúng lại cướp không cái xe của anh ta cơ chứ? Dù sắm lại ngay được chiếc xe mới, nhưng biết đâu chẳng gặp phải chuyện như thế làn nữa? Anh ta cảm thấy những ngày qua thật như một cơn ác mộng, khiến anh ta hầu như không dám hy vọng gì về tương lai. Có lúc, thấy người ta rượu chè, cờ bạc, đi nhà thổ, anh ta như có ý thèm muốn. Cố gắng đã không ăn thua gì, thì sao lại chẳng vui cái vui trước mắt? Như bọn kia thế mà đúng. Anh ta không đi nhà thổ thì cũng nên uống một vài chén rượu, cho thoải mái một chút. Thuốc lá và rượu lúc này đối với anh ta hầu như có một sức quyến rũ đặc biệt. Anh ta thấy hai cái trò đó chẳng tốn kém bao nhiêu, nhưng nhất định đủ để an ủi anh ta, khiến anh ta vẫn có thể chịu khổ chịu sở mà xông tới, đồng thời cũng lại có thể quên được những nỗi đau khổ trong quá khứ.

Nhưng anh ta vẫn chưa dám động đến số tiền đó. Anh ta cần phải thừa được đồng nào để dành ngay đồng ấy, không như thế thì không thể nào anh ta được một chiếc xe riêng cho sơm sớm. Dù mua hôm nay, ngày mai bị cướp mất, anh ta cũng vẫn phải mua cho kỳ được. Đó là ý muốn của anh ta, là hy vọng của anh ta, thậm chí là điều anh ta tin tưởng như một thứ tôn giáo. Không kéo được xe riêng của mình, anh ta coi như là sống thừa. Anh ta không nghĩ được đến chuyện làm quan, chuyện làm giàu, chuyện mua sắm ruộng vườn nhà cửa; anh ta chỉ có thể kéo được xe thôi, hy vọng thực tế nhất của anh ta là mua xe, không mua được xe thì thật không phải với mình. Suốt ngày, từ sớm đến tối, anh ta chỉ nghĩ đến chuyện đó, tính toán số tiền của anh ta. Giả dụ quên được chuyện đó tức là anh ta quên bản thân anh ta, và cảm thấy mình chỉ còn là một con vật biết chạy, chẳng có chút chí khí, chút tình người nào nữa. Xe đẹp đến đâu, nếu là xe thuê, thì anh ta cũng kéo uể oải, cứ thấy nặng chịch y như đeo tảng đá trên lưng. Xe thuê, anh ta vẫn chăm lau chùi sạch bóng và không bao giờ cho đụng chạm bừa. Nhung đó chì là tính cẩn thận chu đáo chứ không phải là một thú vui. Đúng thế, lau chùi xe của mình, cũng như đếm tiền của mình, mới vui thực sự. Anh ta vẫn cứ không hút thuốc, không uống rượu, ngay một chén trà ngon cũng dứt khoát không uống. Trong tiệm trà, những anh xe phu bảnh như anh ta, sau một cuốc nhanh như bay, thường vẫn kén loại trà một hào một gói, thêm hai gói đường kính, để "bổ khí tán hỏa". Khi anh ta chạy mồ hôi chảy ròng ròng, ngực nóng ran, anh ta cũng muốn như vậy lắm. Mà chẳng phải kiểu cách gì đâu, quả là cần phải nhấm nháp một hai chén trà như vậy. Nhưng anh ta chỉ nghĩ thế mà thôi, chứ anh ta vẫn cứ uống loại chè vụn một xu một gói. Có khi anh ta cũng đã tự xỉ vả mình, vì sao lại phải đày đọa tấm thân như vậy. Nhưng một anh phu xe muốn tháng tháng để dành một hai đồng, không thế thì sao để dành nổi. Anh ta cố nén lòng lại. Mua được xe đã, rồi hẵng hay. Có xe rồi thì muốn làm gì cũng được!

Tiêu tiền, Tường chặt chẽ như vậy, kiếm tiền, anh ta lại càng không lơ là. Không ai thuê kéo tháng thì anh ta kéo suốt cả ngày, ra xe sớm, về muộn, chưa kiếm được số tiền định sẵn, thì nhất định không chịu nghỉ, bất chấp thì giờ, bất chấp đôi chân. Có khi anh ta cố kéo cả ngày lẫn đêm. Trước kia, anh ta không muốn tranh khách của ai hết, nhất là đối với những người già yếu. Sức vóc của anh ta như thế, xe anh ta như thế, tranh khách với những người kia thì họ còn kiếm ăn vào đâu? Nhưng bây giờ thì anh ta bất chấp. Anh ta chỉ biết có tiền thôi. Được thêm đồng nào hay đồng ấy, chẳng kể được giá hay không được giá, chẳng kể phải tranh giành với ai. Anh ta chỉ biết có khách là kéo, thế thôi, y như một con dã thú đói phát cuồng. Khách lên xe là chạy, và trong lòng anh ta khoan khoái cảm thấy chỉ cứ chạy mãi không nghỉ chân mới hy vọng mua được xe. Dần dà, danh dự của anh chàng "Tường lạc đà" chẳng còn như hồi chỉ là "anh chàng Tường" nữa. Rất nhiều lần, tranh được khách, anh ta chạy liền, mặc kệ bao nhiêu tiếng chửi rủa phía sau. Anh ta chẳng đáp lời, cứ thế cúi đầu cúi cổ mà chạy, bụng nghĩ: "Không phải là để mua xe thì chẳng đời nào mình lại mặt dày mặt dạn thế!". Dường như anh ta muốn dùng lời nói đó để xin mọi người lượng thứ cho. Nhưng anh ta lại không chịu nói thẳng ra cho mọi người biết, ở bến xe, hoặc trong quán nước, thấy mọi người trừng mắt nhìn mình, anh ta định phân bua, nhưng khi thấy ai cũng lạnh nhạt như thế, lại thêm thường ngày anh ta không chè chén, cờ bạc, tán hươu tán vượn với họ nên những lời định nói anh ta lại đành để trong bụng, không nói nữa. Lúc đầu thì khó chịu, sau dẩn dần thành xấu hổ, buồn bực, rồi anh ta cũng phát cáu lên. Họ trừng mắt nhìn anh ta, anh ta cũng trừng mắt nhìn lại. Nghĩ lại trước kia khi vừa trên núi trốn về, mọi người đối với anh ta kính nể như thế, vậy mà nay lại coi thường như thế, anh ta càng buồn. Nếu ở trong quán nước, thì anh ta ngồi một mình ôm ấm trà, nếu là ở bến xe thì anh ta ngồi một mình đếm mấy đồng xu vừa kiếm được, cố nén giận. Anh ta không muốn đánh nhau, mặc dù anh ta không hề sợ đánh nhau. Còn những người kia? Họ vốn cũng chẳng sợ đánh nhau, nhưng đọ sức với Tường thì cũng nên nghĩ cho kỹ đã. Trong bọn họ, không ai có thể là đối thủ của Tường cả, mà mấy người xúm lại đánh một người thì cũng chẳng phải là chuyện quang minh chính đại. Anh ta cố nén giận, chẳng nghĩ ra được cách gì cả, đành cố chịu đựng một thời gian, đợi khi nào mua được xe rồi thì dễ đối xử thôi. Có xe riêng, trước hết hàng ngày chẳng cần lo đến thuế má nữa, tất nhiên có thế rộng rãi hơn, chẳng phải tranh giành khách để mất lòng ai. Nghĩ thế, anh ta nhìn mọi người, như có ý nói: "Để rồi xem!"

Nói về riêng bản thân anh ta, thì anh ta cũng chẳng nên cố sống cố chết mà làm như thế mới phải. Trốn về được tới thành phố, không đợi khỏi bệnh và khỏe hẳn, anh ta đã vớ lấy xe kéo luôn, tuy chưa đến nỗi quỵ, nhưng thường cũng cảm thấy mệt nhoài. Mệt, anh ta không dám nghỉ, cứ cho rằng chạy toát mổ hôi độ vài lượt là bớt đau bớt nhức ngay. Về ăn uống, anh ta không dám bóp mồm bóp miệng, nhưng cũng chẳng dám ăn ngon một chút. Anh ta thấy mình gầy đi nhiều, nhưng vóc người vẫn cao lớn, gân cốt vẫn săn cúng, anh ta lại yên chí. Anh ta nghĩ tầm vóc to cao hơn người, thì nhất định có thể chịu đựng hơn người, hầu như không bao giờ anh ta lại nghĩ, tầm vóc to cao, mệt nhọc nhiều, thì lại càng cần bồi bổ nhiều. Ả Nĩu đã căn dặn anh ta mấy lần rồi: "Anh mà cứ làm thế thì ho lao đấy!".

Anh ta biết nói như thế là phải, nhưng vì công việc làm ăn chẳng được như ý, lại ít được ăn uổng bồi dưỡng, nên cơn hỏa trong người anh ta có vẻ thịnh. Anh ta trợn mắt:

- Không chạy thì đến bao giờ mới mua được xe!

Gặp phải người khác mà trợn mắt lên như thế, ít nhất ả Nĩu cũng phải chửi cho một thôi một hồi, nhưng với Tường ả rất mực mềm mỏng, quý mến. Ả chỉ trề môi mà rằng:

- Mua xe thì cũng phải từ từ chứ! Cứ làm như anh là xương đồng da sắt ấy! Nghỉ vài ba ngày cho khỏe đi!

Thấy Tường chẳng để vào tai, ả lại nói tiếp:

- Thôi, cứ ý anh, anh làm, có chết đừng oán tôi nhé!

Lão Tư Lưu cũng có phần xem thường Tường rồi: Tường làm cố mạng như thế, đi sớm về muộn, tất nhiên chẳng có lợi cho xe của lão ta. Tuy xe thuê cà ngày thì không có hạn giờ giấc nào cả, muốn cho xe ra cho xe về lúc nào cũng được. Nhưng ai cũng làm chết thôi như Tường thì xe ít nhất cũng phải hỏng sớm đến nửa năm. Vật gì bền chắc mấy mà dùng kiểu ấy cũng không chịu nổi. Lại nữa, Tường chỉ lo kéo xe, chẳng còn thì giờ đâu mà lau chùi xe giúp lão ta nữa, đó cũng là một điều thiệt. Lão ta có ý hơi không bằng lòng. Nhưng lão ta chẳng nói gì cả. Kéo cả ngày không hạn giờ giác, đó là lệ chung; giúp lau chùi xe pháo là chuyện tình nghĩa, chứ không phải là bổn phận. Để giữ tiếng, lão ta không tỏ vẻ gì với Tường để rước lây chuyện khó chịu vào người. Lão ta chỉ để hơi lộ ý bất mãn ở khóe mắt, và mím chặt miệng lại. Có lúc, lão ta muốn tống cổ Tường đi, nhưng nhìn con lão, lão ta lại không dám làm như thế. Lão ta không hề có ý nhắm Tường làm con rể, có điều, con nó đã thích cái anh chàng gà tồ này, thì cũng không tiện sinh chuyện lôi thôi. Lão ta chỉ có độc mụn con gái, xem chừng cũng không còn hy vọng có ai đến rước đi nữa, vì vậy lão ta không thể tống cổ người bạn của con gái đi được. Nói thực tình, ả Nĩu được như thế, lão ta cũng chẳng muốn ả đi lấy chồng. Ý nghĩ đó khiến lão ta thật không phải với con, nên lão ta cũng có sợ con ít nhiều. Lão ta một đời chẳng sợ ai, thế mà nay về già lại đâm ra sợ con. Lão ngượng lắm, nhưng lại tìm ra được một cái lý: lão ta sợ một người, đủ chứng tỏ lão ta không phải là kẻ hoàn toàn bạt tử. Như vậy, có lẽ đến lúc sắp chết, lão ta sẽ tránh khỏi chuyện ác báo. Thôi được, lão ta nhận rằng lão ta sợ con gái, và vì thế không dám đuổi Tường đi. Nhưng như vậy dĩ nhiên không phải có ý nói lão ta có thể để mặc con gái muốn làm gì thì làm, và đi đến chỗ lấy Tường. Không. Lão ta thấy con mình vị tất không có ý đó, nhưng Tường thì không dám "đũa mốc chòi mâm son".

Vậy thì, lão ta chỉ cần để ý một chút là được, không nên làm con nó phải phiền lòng.

Tường không chú ý gì đến thái độ của lão Tư Lưu. Anh ta chẳng hơi đâu để ý đến chuyện vớ vẩn ấy. Giả dụ anh ta có ý rời bỏ xưởng Nhân Hòa thì quyết không phải vì tức khí vặt, mà chính là vì muốn có chỗ kéo xe tháng. Anh ta hơi chán trò kéo xe lẻ rồi, một là vì phải tranh giành khách, người ta khinh bỉ, hai là tiền kiếm được hàng ngày không nhất định, nay nhiều mai ít, không thể đoán trước chừng nào thì dành dụm đủ số tiền mua xe. Anh ta muốn cho chắc chắn, dù thừa ít cũng được, chỉ cần biết mỗi tháng thừa bao nhiêu cho nhất định, anh ta mới có hy vọng, mới yên tâm được. Anh ta là người muốn làm chuyện ăn chắc.
Thế rồi anh ta được kéo tháng. Hừ, lại vẫn cứ thấy không được như ý, như lúc còn kéo lẻ. Lần này anh ta kéo cho nhà ông Dương. Ông Dương là người Thượng Hải, vợ cả là người Thiên Tân, còn vợ hai là người Tô Châu. Một ông, hai bà, kẻ bắc người nam đẻ ra bao nhiêu con. Ngày đầu tiên đến làm, Tường thấy chóng cả mặt. Sáng tinh mơ, bà cả ngồi xe đi chợ. về đưa các cô các cậu đi học, trung học có, tiểu học có, vườn trẻ cũng có; nơi học khác nhau, lớn bé khác nhau, dáng dấp khác nhau, nhưng giống nhau ở chỗ đáng ghét như nhau. Nhất là lúc ngồi trên xe, đứa nào hiền lành nhất cũng quấy như khỉ. Kéo bọn trẻ đi học rồi, đến lượt kéo ông chủ đi làm. Kéo đến sở, vội vàng về, kéo bà hai đi chợ Đông An hoặc đến chơi nhà bạn. Lại đi đón bọn trẻ con về ăn cơm trưa. Ăn xong, lại đưa chúng đến trường, quay về, tưởng có thế ngồi ăn được, thế nhưng bà cả lại cất cái giọng Thiên Tân lên, bảo đi gánh nước. Nước ăn đã có người gánh, còn nước giặt giũ thì anh xe phải gánh. Công việc này khi mới đến, nhà chủ không nói trước, nhưng để cho qua chuyện, Tường chẳng dám nói đi nói lại, cứ lẳng lặng gánh đầy chum. Buông thùng xuống, định lấy cơm ăn, bà hai lại sai đi mua các thứ. Bà cả và bà hai bất hòa với nhau luôn, nhưng việc trong nhà hai bà nhất trí với nhau về nhiều điểm, trong đó có điểm không để cho người ở trong nhà rỗi rãi phút nào, và điểm nữa là không muốn thấy người ở ăn cơm. Tường có hiểu đâu chuyện ấy. Anh ta cứ tưởng, ngày đầu tiên đến làm, gặp phải ngày bận rộn như thế, nên anh ta cũng chẳng nói gì, móc hầu bao ra mua mấy cái bánh nướng. Tường coi đồng tiền liền khúc ruột, nhưng muốn không mất việc, đành phải cắn răng lại. Mua các thức về rồi, bà cả lại sai quét sân. Ông chủ, bà cả, bà hai mỗi khi đi đâu thì ăn mặc rất sang trọng, nhưng trong nhà ngoài sân thì bẩn như chuồng lợn. Tường nhìn cái sân mà buồn nôn, đành phải đi quét dọn vậy, quên mất anh xe không phải làm việc vặt như thế. Sân quét dọn sạch rồi, bà hai lại bảo tiện tay quét nhà nhân thể. Tường cũng chẳng từ chối. Anh ta lấy làm ngạc nhiên tại sao hai bà bề ngoài đẹp đẽ thế, mà trong nhà lại bẩn đến nỗi không muốn đặt chân vào nữa. Nhà quét xong xuôi rồi, bà hai liền giao đứa con vừa đầy năm cho bế. Anh ta chẳng biết tính sao. Công việc nặng nhọc, anh ta làm quen, nhưng trẻ con thì anh ta chưa bế bao giờ cả. Hai tay anh ta nâng lấy cậu ấm; không ôm chặt thì sợ rơi, mà ôm chặt thì sợ cậu ấm gãy xương. Anh ta toát cả mồ hôi. Anh ta định giao trả vú Trương - một người đàn bà chân to quê vùng Giang Bắc. Tìm được vú, vú liền mắng cho một thôi một hổi. Nhà này nuôi người, xưa nay vẫn dăm ba ngày lại thay đổi. Ông chủ và hai bà chủ coi người ở là gia nô, không bắt làm cho kiệt sức thì không xứng với đồng tiền công bỏ ra. Chỉ vú Trương là ở được năm sáu năm nay thôi. Lý do duy nhất là vú dám mở miệng chửi trả. Không kể ông chủ hay bà cả bà hai, động đến vú, cơn giận bốc lên là vú liền cho ngay một trận. Với những câu chửi bới cay độc kiểu Thượng Hải của ông chủ, với giống mạnh mẽ người Thiên Tân của bà cả, với lời lẽ trôi chảy vùng Tô Châu của bà hai, xưa nay bộ ba ấy không ai địch nổi; bây giờ gặp phải vú Trương ương ngạch như thế, họ bắt đầu cảm thấy cái ý vị của chuyện có đi có lại, anh hùng gặp hảo hán, cho nên họ rất thích vú, coi vú như một người tâm phúc.

Sinh trưởng ở vùng quê phương Bắc, Tường ghét nhất cái trò già mồm già miệng. Nhưng anh ta chẳng dám đánh vú Trương, bởi vì hảo hán chẳng lẽ lại đi đánh nhau với đàn bà, và anh ta cũng chả buồn đáp lời. Anh ta chỉ trừng mắt nhìn vú. Vú cũng không dám mở miệng ra nữa, dường như đã thấy hơi nguy rồi. Giữa lúc ấy, bà cả sai Tường đi đón bọn trẻ về. Anh ta vội vàng trao cậu ấm cho bà hai. Bà hai tưởng anh ta có ý xem thường bà ta, liền chửi anh ta tối mặt tối mũi. Ý bà cả cũng không thích để Tường bế con cho bà hai, nay nghe thấy bà hai chửi Tường, nên bà ta cũng thao thao chửi một hổi, và người chịu chửi cũng vẫn là Tường. Tường trở thành cái bung xung chịu chửi. Anh ta vội vàng kéo xe đi, như quên cả giận, bởi vì xưa nay anh ta chưa từng thấy chuyện như thế bao giờ, bây giờ bỗng gặp phải, thấy choáng váng cả người.

Đứa này rồi đứa kia, lần lượt đón hết bọn trẻ về rồi, trong sân liền ồn ào hơn chợ. Tiếng ba người đàn bà quát tháo, tiếng bầy trẻ con khóc, y như lúc tan hát, cứ rối rít tít mù cả lên. Vừa may anh ta còn phải đi đón ông chủ nữa, nên vội vã kéo xe ra. Tiếng người la ngựa hí ngoài đường phố xem chừng lại còn dễ chịu hơn tiếng ồn ào trong nhà.

Cứ quay như chong chóng cho mãi tới mười hai giờ đêm, Tường mới được nghỉ mà thở một chút. Không những anh ta cảm thấy người mệt nhừ mà đầu óc cũng cứ váng lên. Cà nhà, lớn bé rõ ràng ngủ cả rồi, thế mà bên tai anh ta dường như vẫn còn nghe tiếng chửi bới của ông chủ và hai bà chủ, y như có ba cái kèn hát đang quay loạn xạ trong đầu anh ta, khiến anh ta khó chịu quá. Chẳng thì giờ đâu mà nghĩ ngợi nữa, anh ta định đi ngủ. Vừa bước vào gian buồng xép dành cho anh ta, anh ta lạnh cả người và không buồn ngủ nữa. Một gian nhà có hai cái cửa ra vào, chia làm hai buồng bằng một bức ván. Vú Trương ở một bên, anh ta ở một bên. Trong nhà chả có đèn đóm gì cả. Trên tường, sát đường phố, có trổ một khuôn cửa sổ rộng khoảng hai thước, ngay dưới ngọn đèn đường, nhờ đó mà trong nhà hơi sáng một chút. Buồng vừa ẩm thấp vừa hôi hám, đất bám dưới nền nhà dày như tấm đồng. Sát tường kê một tấm phản, ngoài ra không có gì cả. Anh ta sờ vào tấm phản thấy nằm xuống thì phải gác chân lên tường, còn duỗi chân thẳng thì phải nhỏm nửa người dậy. Anh ta không quen cái thói nằm ngủ co lại như con tôm như thế. Nghĩ hồi lâu, anh ta liền kê chéo lại, hai đầu quay vào hai góc nhà, thế là có thể đặt đầu xuống, chân chỉ phải ghếch lên một tí, tạm qua đêm nay.

Anh ta mang chăn nệm từ ngoài cổng vào, trải qua loa, rồi nằm xuống. Chân ghếch lên, không quen, anh ta không sao ngủ được. Anh ta cố nhắm mắt lại, tự an ủi: "Thôi ngủ đi, mai còn phải dậy sớm cơ mà! Khố thế nào cũng còn chịu được, khố thế này sao chẳng cố chịu cho qua! Đừng thấy ăn uống không ra gì, việc nhiều mà ngại. Có lẽ ở đây thường đánh bài, khách khứa tiệc tùng luôn đấy! Bọn ta đi ra tỉnh để làm gì? Chẳng phải để kiếm tiền hay sao? Miễn là kiếm ra tiền, gì cũng chịu được tất!". Nghĩ vậy, trong lòng anh ta thấy dễ chịu hơn nhiều, gian buồng cũng không thấy hôi hám như trước nữa, rồi anh ta thiu thiu ngủ. Anh ta mơ mơ màng màng thấy có rệp, nhưng cũng chẳng nghĩ đến chuyện bắt.

Được hai ngày, Tường đã thấy nản lắm. Đến ngày thứ tư, có mấy khách đến chơi, và vú Trương vội bày bàn đánh bài. Lòng anh ta giống như mặt hồ đông cứng lại nay bỗng được cơn gió xuân ấm áp thổi tới. Các bà đánh bài, trẻ con giao cho người ở tất. Vú Trương bận hầu trà nước, nên bọn khỉ con đó tất nhiên Tường phải cai quản. Anh ta ghét bọn khỉ con này, nhưng liếc mắt nhìn trộm vào nhà, thấy bà cả đang giữ phần tiền hồ, có vẻ cẩn thận lắm. Anh ta nghĩ bụng: đừng nên cho rằng hai bà ấy nghiệt ngã, có khi cũng biết điều đây, nhân dịp này cho người ăn kẻ ở kiếm chác dăm ba hào. Anh ta hết sức nhẫn nại trông nom lũ trẻ; vì số tiền hồ, anh ta coi bọn khỉ con kia là "các cô", "các cậu".

Canh bạc tan, bà chủ bắt anh ta kéo khách về. Hai bà khách cùng muốn về ngay một lúc, nên đành phải thuê thêm một chiếc xe nữa. Tường gọi một chiếc xe đến, bà cả móc hết túi nọ đến túi kia lấy tiền, định trả tiền xe cho khách. Bà khách từ chối khéo một hai câu, bà cả liền tru tréo lên:

- Sao lại thế, hở bà chị? Bà chị đến nhà em chơi mà em lại không trả cho bà chị được một cuốc xe hay sao? bà chị cứ ngồi lên đi!

Lúc đó, bà ta mới móc ra được một hào.

Lúc bà ta đưa tiền ra, Tường thấy rõ tay bà ta hơi run run. Đưa khách về rồi lại giúp vú Trương dọn dẹp bàn ghế, Tường đưa mắt nhìn bà chủ. Bà ta sai vú Trương đi lấy nước sôi; đợi vú ấy ra khỏi cửa, mới lấy ra một hào:

- Này cầm lấy, đừng có nhìn chằm chằm người ta như thế!

Tường tái mặt đi. Anh ta vươn thẳng người lên, dường như đầu muốn chạm tới xà nhà, tay nắm lấy tờ hào giấy kia, ném thẳng vào cái mặt béo phị của mụ chủ:

- Trả bốn ngày công đây!

- Sao, thôi à?

Nói xong, mụ nhìn Tường một cái, không nói gì nữa, trả anh ta bốn ngày công.

Để bọc chăn nệm lên xe, chưa ra khỏi cổng, anh ta đã nghe tiếng chửi vang lên trong sân.
Đăng bởi: