Tường Lạc Đà

Chương 11: Tường Lạc Đà Chương 11


Cứ nghĩ đến hai ông cháu thằng Mã là Tường chẳng hy vọng mong ước gì nữa, muốn vui chơi cho thỏa thích, được ngày nào hay ngày ấy, tội gì cứ bo bo cho khổ thân mình! Cái số người nghèo, anh ta dường như đã thấy rõ rồi, giống y như hột táo, hai đầu nhọn hoắt: ngày bé, không chết đói là chuyện may lắm, về già, không chết đói là chuyện rất khó. Chỉ có quãng giữa, đang thì trai tráng, không sợ khổ không ngại mệt, thì còn ra vẻ con người một chút. Trong quãng thời gian đó, vui sướng mà lại không dám hưởng, thật quả là ngốc. Nghĩ thế, anh ta thấy ngay chuyện ả Nĩu cũng chẳng có gì đáng phải lo buồn cả.

Đến khi anh ta trông thấy con lợn đất kia, ý nghĩ anh ta mới đảo ngược lại. Không, không thể bừa bãi thế được. Chỉ còn thiếu độ mấy chục đồng nữa là mua đủ cái xe, không thể bỏ phí bao nhiêu công sức trước đây, ít nhất cũng không phung phí số tiền trong con lợn này, đâu có phải là dễ tích góp được bằng ấy! Cứ nên đi theo con đường thẳng thì hơn. Nhất quyết phải như vậy. Nhưng còn ả Nĩu thì sao? Vẫn không có cách nào cả. Vẫn cứ phải lo lắng phiền muộn vì cái ngày hăm bảy chết tiệt kia!

Lo lắng buồn phiền mãi chẳng biết làm cách nào, anh ta lại ôm con lợn đất ra thủ thỉ một mình: Muốn thế nào thì thế, dù sao số tiền này cũng là của mình! Không ai cướp đi được! Có số tiền này, thằng Tường chẳng sợ cái cóc gì cả! Bức bách ông quá, ông co cẳng chuồn thẳng. Có tiền, chân khắc biết chạy!

Phố xá ngày càng náo nhiệt. Bỏng đường hình quả dưa cúng ông Táo bày khắp nơi, đi đến nơi nào cũng nghe thấy tiếng rao: "Bỏng đường đây!" Tường vốn rất mong tết đến, thế mà bây giờ lại chán ngán. Phố phường càng đông vui thì tinh thần anh ta lại càng rối loạn, cái ngày hăm bảy đáng sợ kia đã ở ngay trước mắt rồi! Mắt anh ta trũng xuống, cả vết sẹo trên má kia cũng xám lại. Kéo xe, phố xá đông đúc lộn xộn, mặt đường thì trơn, anh ta phải hết sức chú ý. Vừa lo buồn, vừa phải chú ý, anh ta thấy tinh thần sút kém tợn, nhớ chuyện này lại quên chuyện khác, luôn luôn hoảng hốt, người ngứa ran lên y như trẻ con mùa hè bị rôm cắn.

Buổi chiều hôm cúng ông Táo, gió đông nổi lên, mây đen kéo đầy trời. Tiết trời bỗng ấm hơn một chút. Vào lúc chập tối sắp lên đèn, gió nhỏ đi, tuyết rơi lác đác. Mấy người bán bỏng đường lo ngay ngáy, trời ấm, lại thêm tuyết xuống, họ rắc mãi bột vào bỏng vẫn cứ sợ dính chặt vào nhau. Tuyết xuống không nhiều, thành từng hạt nhỏ, rơi lộp bộp, trắng cả đất. Qua bảy giờ, các cửa hiệu và các nhà bắt đầu cúng ông Táo, có nhang đèn ánh pháo, lại có tuyết rơi, trong cảnh tưng bừng náo nhiệt, xen lẫn vẻ âm u lạnh lẽo. Người trên phố đều có vẻ vội vã. Kẻ đi bộ, kẻ đi xe, ai cũng vội về nhà để cúng bái, nhưng mặt đường ướt mà trơn, không dám bước nhanh. Những người bán bỏng đường muốn bán tống bán tháo chỗ hàng chỉ dùng được cho ngày tết ông Táo, gân cổ lên mà kêu, nghe đến thương hại.

Đại khái vào khoảng chín giờ, Tường kéo ông Tào từ Tây thành về nhà. Qua quãng đông đúc ở lầu Tây Đan, rẽ về phía đông, vào phố Trường An, phố xá dần dần trở nên vắng vẻ. Đường nhựa phẳng phiu phủ lên một lớp tuyết mỏng, phản chiếu ánh đèn, hơi lóa mắt. Thỉnh thoảng một chiếc xe hơi chạy tới, đèn chiếu rất xa, những bông tuyết nhỏ vàng óng lên trước ánh đèn như ai rắc hàng muôn ngàn hạt vàng. Quãng gần cửa Tân Hoa, đường vốn rất rộng, lại thêm một lần tuyết mỏng, trông khoan khoái dễ chịu. Tất cả mọi cái như thêm phần trang trọng. Lầu Trường An, lầu trên Cổng Tân Hoa, dãy tường đỏ Nam Hải, đều phủ tuyết trắng, cùng với hàng cột son và dãy tường đỏ, đứng lặng lẽ dưới ánh đèn, tỏ rõ vẻ tôn nghiêm của chôn cố đô...

Khung cảnh này, vào lúc này, khiến người ta cảm thấy dường như thành phố Bắc Bình không có dân cư, chỉ có lầu son gác tía, điện ngọc thềm vàng, chỉ có những hàng thông cổ thụ lặng lẽ đứng đón tuyết rơi. Tường không có thì giờ ngắm cảnh đẹp, vừa nhìn thấy "Ngọc lộ" là anh ta chỉ mong một bước về tới nhà. Con đường thẳng băng, trắng toát, vắng vẻ, làm cho anh ta tưởng đã trông thấy cổng nhà rồi. Nhưng anh ta không thể nào chạy nhanh được, tuyết trên mặt đường tuy không nhiều, nhưng lại dính chân, loáng một cái dưới đế giày đã thành một mảng dày cộp. Giũ sạch, một lát lại dính vào. Hạt tuyết rất nhỏ, nhưng mà cũng thấy nặng, vừa dính chân, lại vừa lóa mắt, anh ta không thể chạy nhanh được. Tuyết rơi trên người cũng lâu tan, đọng lại thành một lớp nhỏ trên vai áo, tuy không đáng kể vào đâu, nhưng ướt át, cũng thấy khó chịu. Cả quãng này không có hàng quán gì cả, những tiếng pháo từ phía xa vẫn không ngớt dội lại, thỉnh thoảng, giữa bầu trời đen kịt lại bắn lên mấy chiếc pháo thăng thiên hoặc cây bông. Tàn lửa lụi hết, bầu trời lại càng tối hơn, tối đến phát sợ. Anh ta lắng nghe tiếng pháo nổ; nhìn những tia lửa và bầu trời đến tối, anh ta càng muốn về ngay tới nhà. Nhưng anh ta không dám xoải cẳng mà chạy. Thật đến bực!

Điểu khiến anh ta thật khó chịu hơn nữa là từ Tây Thành trở đi, anh ta cảm thấy phía sau có một chiếc xe đạp bám theo. Đến phố Tây Trường An, vang vẻ hơn, lại càng cảm thấy rõ rệt nó bám sát phía sau, bánh xe nghiên xuống tuyết mỏng, tuy không kêu to, nhưng cũng có thế biết được. Cũng như các anh em phu xe khác, Tường ghét nhất là xe đạp. Ô tô cũng đáng ghét, nhưng máy nó nổ to, từ xa đã có thể tránh được. Còn xe đạp cứ thấy chỗ nào hở là len vào, rồi còn lại lái bên này, quành bên kia, cứ rối cả mắt lên. Phải cố tránh sao cho khỏi đụng nhau, hễ đụng nhau, bao giờ xe tay cũng có lỗi. Trong óc, bọn cảnh sát nghĩ rằng, dù thế nào thì phu xe cũng dễ bắt nạt hơn là những người đi xe đạp, cho nên bao giờ cũng bảo phu xe trái. Mấy lần, Tường định bất thình lình dừng lại cho tay xe đạp kia ngã một cái, nhưng anh ta không dám. Kéo xe thì đành phải nhẫn nhục vậy. Mỗi khi giậm chân giũ tuyết, anh ta lại phải kêu lên "Dừng xe đây này!". Đến Nam Hải Tiền môn, đường phố rộng thế vậy mà chiếc xe đạp kia vẫn cứ bám sát theo sau. Tưởng càng bực tợn. Anh ra cố ý dừng xe lại phủi tuyết trên vai. Chiếc xe đạp vượt qua. Người ngồi trên xe còn ngoái cổ lại nhìn. Tường cố ý chần chừ, đợi chiếc xe đạp kia đi rõ xa, mới nhấc càng xe lên, mắng với một câu. Cái "chủ nghĩa nhân đạo" của ông Tào khiến ông ta không đành lòng kéo chiếc áo tơi cáng gà lên chắn gió, ngay cả chiếc mui vải bạt kia cũng chỉ giương lên những lúc mưa to mà thôi, để nhẹ cho anh xe phu. Tuyết nhỏ, ông ta cho rằng không cần phải dựng mui, huống chi ông ta lại còn muốn ngắm cảnh tuyết xuống ban đêm nữa. Ông ta cũng chú ý đến chiếc xe đạp kia. Tường vừa mắng dứt lời, ông ta liền hạ thấp giọng:

- Nếu nó cứ bám riết thì về qua nhà đừng đỗ xuống nữa! Kéo thẳng đến nhà ông Tả ở Hoàng Hóa! Cứ bình tĩnh.

Tường hơi hoảng. Anh ta chỉ thấy tay cưỡi xe đạp kia đáng ghét, chứ biết đâu hắn còn đáng sợ nữa. Ông Tào mà không dám về nhà, thì chắc hắn cũng chẳng phải tay vừa! Anh ta chạy dấn lên gần vài chục bước thì đuổi kịp tay kia. Hắn cố ý đợi anh ta và ông Tào hay sao ấy. Hắn để Tường vượt lên trước. Tường liếc nhìn hắn, liền rõ ngay. Mật thám. Anh ta thường gặp bọn này ở các tiệm nước, tuy chưa tiếp xúc trò chuyện lần nào, nhưng thuộc lòng cái bộ dạng và cách ăn mặc của bọn chúng nó. Cách ăn mặc ấy, anh ta đã quen mắt lắm rồi: áo kép ngắn màu xanh, mũ dạ đội sụp xuống.

Đến ngã tư Nam Trường, nhân lúc rẽ, Tường liếc nhìn, thấy gã kia vẫn bám theo. Anh ta hầu như quên cả tuyết trên mặt đường, rảo cẳng nhanh hơn. Con đường dài thẳng tắp, trắng toát, chỉ có ánh đèn lạnh lẽo và một tên mật thám theo sát phía sau! Tường chưa trải qua cảnh này bao giờ. Anh ta toát mồ hôi. Đến cửa sau công viên, anh ta quay lại nhìn, vẫn thấy tên kia phía sau! Qua trước cửa nhà, anh ta không dám dừng lại, nhưng cũng có hơi ngập ngừng. Ông Tào chẳng nói chẳng rằng, anh ta đành phải chạy thẳng về phía trước. Chạy một mạch đến đầu phố đằng kia, chiếc xe đạp vẫn bám riết. Anh ta rẽ vào một ngõ nhỏ, nó vẫn bám theo. Ra khỏi ngõ, vẫn thấy nó bám theo!

Đến cửa Hoàng Hóa, đáng lẽ không nên rẽ vào ngõ nhỏ, nhưng mãi đến đầu ngõ đằng kia, anh ta mới nhớ ra. Anh ta phải tự nhận là mình có phần luống cuống, đâm ra lú lẫn, nên lại càng bực mình tợn.

Chạy đến phía sau Cảnh Sơn, chiếc xe đạp kia đi thẳng, rồi rẽ về phía cửa Hậu. Tường lau mồ hôi, tuyết xuống nhỏ hơn, nhưng xen lẫn hạt tuyết lại có vài bông tuyết. Hình như Tường thích bông tuyết hơn, chúng bay thoải mái tự do giữa bầu trời, không giống như những hạt tuyết, làm người ta thấy khó chịu. Anh ta quay đầu lại hỏi:

- Thưa ông, đi đâu đây ạ?

- Cứ đến nhà ông Tả. Có ai hỏi dò gì tôi, cứ nói không biết nhá!

- Vâng!

Tường thấy lo lắm, nhưng không tiện hỏi cặn kẽ.

Đến nhà ông Tả, ông Tào bảo Tường cho cả xe vào, vội vàng đóng cổng lại. Ông ta vẫn có vẻ bình tĩnh, nhưng sắc mặt không được tự nhiên. Dặn dò Tường xong, ông ta đi vào. Tường cho xe vào cổng, vừa đặt càng xuống, thì ông Tào lại đi ra, cùng với ông Tả. Tường có biết ông Tả, và cũng biết đó là bạn thân của ông Tào.

Ông Tào nói rất nhanh:

- Anh Tường, anh đi tắc-xi về nhà, thưa với bà tôi ở đây nhé! Bảo bà và cả nhà cũng đến cả đây, đi tắc-xi đến, thuê một cái khác. Đừng bảo cái xe anh đi chờ ở cửa đấy! Anh rõ chưa! Thôi được rồi! Bảo bà đem theo những thức cần dùng và mấy bức tranh trong buồng giấy ấy. Anh rõ chưa. Ở đây, tôi sẽ gọi điện thoại thẳng cho bà, nhưng cứ dặn thêm anh thế, sợ bà luông cuống quên mất lời tôi dặn, nhớ nhắc bà đấy nhé!

Ông Tả hỏi:

- Tôi đến có tiện không?

- Không cần thiết. Thằng lúc nãy chưa chắc đã phải là mật thám. Có điều, mình có chuyện, nên không thể không đề phòng. Bác gọi hộ chiếc tắc-xi có được không?

Ông Tả vào quay điện thoại, gọi tắc-xi. Ông Tào lại dặn dò Tường một lượt nữa:

- Xe đến, tôi sẽ trả tiền trước. Bảo bà thu dọn đổ đạc mau lên nhá! Những thứ khác không cần, nhưng thế nào cũng phải mang theo đồ dùng cho em bé, và mấy bức tranh kia, mấy bức tranh, nhớ đấy! Đợi bà thu xếp xong, thì bảo vú Cao gọi điện thuê tắc-xi đến đây, anh rõ rồi chứ? Đợi cả nhà đi rồi, anh đóng chặt cổng lại, dọn vào buồng giấy mà ngủ, ở đó có điện thoại đây. Anh biết gọi điện thoại không?

- Cháu chỉ biết nghe thôi, không biết gọi đi nơi khác!

Kỳ thực thì cả việc nghe điện thoại, Tường cũng chẳng thạo lắm, nhưng không muốn làm ông Tào lo nên anh ta đành trả lời vậy.

- Thế được rồi!

Rồi ông Tào nói tiếp, vẫn rất nhanh:

- Ngộ nhỡ có chuyện gì, anh chớ có ra mở cửa đấy! Chúng tôi đi cả rồi, còn lại mỗi mình anh, bọn chúng quyết không buông tha anh đâu. Thấy có chuyện gì không hay, anh tắt đèn, trốn ra lối sau, sang nhà ông Vương. Người bên nhà ông Vương, anh có biết đấy chứ? Được rồi. Lánh bên đó một lúc rồi hẵng đi. Đồ đạc của tôi, đồ đạc của anh, cứ vứt cả đó, nhảy qua tường mà trốn, đừng để chúng bắt được. Đồ đạc của anh, mất cái gì rồi tôi sẽ đền. Bây giờ, tôi đưa trước cho anh năm đồng. Thôi được rồi. Tôi đi gọi điện thoại cho bà đây. Lát nữa, anh nhớ dặn lại bà đấy nhé! Đừng nói đến chuyện bắt bớ gì cả. Tay đi xe đạp lúc nãy có thể là mật thám, mà cũng có thể không phải. Anh cũng đừng có lo!

Tường trong bụng hoảng lắm, dường như có rất nhiều điều muốn hỏi, nhưng vì phải nhớ những lời ông Tào dặn dò, nên không dám hỏi.

Tắc-xi đến, Tường thẫn thờ lên xe. Tuyết rơi không nhiều, cũng không ít. Cảnh vật bên ngoài nhìn không được rõ lắm. Anh ta ngồi thẳng lưng ra, đầu gần chạm mui xe. Anh ta muốn nghĩ ngợi một tí, nhưng mắt lại cứ nhìn vào cái mũi tên đỏ ở phía mui xe, đỏ tươi, trông rất đẹp! Cái bàn chải nhỏ ở phía trước, cứ tự động gạt sang phải rồi lại gạt sang trái, lau hết hơi mờ trên kính, trông cũng hay hay. Nhìn những trò ấy gần phát ngấy lên, thì xe đã tới nhà. Tường xuống xe, trong lòng thấy ngán ngẩm.

Vừa định bấm chuông ở cổng, thì có một người từ phía trong tường chui ra, nắm chặt lấy cổ tay anh ta. Theo bản năng, anh ta định giật tay ra, nhưng nhìn rõ mặt người kia, anh ta không dám động đậy nữa. Chính là tên mật thám cưỡi xe đạp lúc nãy.

Tên mật thám buông tay ra, cười:

- Tường, không nhận ra tớ nữa hay sao?

Tường nín thở, không biết trả lời như thế nào.

- Không nhớ ngày cậu bị bọn tớ đưa lên núi Tây Sơn à? Tớ là Tôn, trung đội trưởng Tôn đây mà! Nhớ ra rồi chứ!

- À! Ông Tôn!

Tường không sao nhớ ra được. Lúc anh ta bị bọn lính tóm cổ đưa lên núi, anh ta có để ý xem ai là trung đội trưởng, ai là đại đội trưởng đâu!

- Cậu không nhớ tớ, ấy thế mà tớ lại nhớ cậu đây! Cái sẹo kia trên mặt cậu là một cái dấu rất rõ. Tớ vừa theo dõi cậu một hồi lâu, thoạt đầu không dám nhận cậu đâu, nhìn đi nhìn lại mãi, nghĩ cái sẹo kia thì không sai vào đâu được...

Tường lại định bấm chuông:

- Có chuyện gì không ạ?

- Tất nhiên là có chuyện, mà lại là chuyện rất quan trọng. Chúng ta vào nhà nói chuyện, có được không?

Trung đội trưởng Tôn - bây giờ là mật thám - giơ tay bấm chuông.

- Tôi đang bận!

Tường toát mồ hôi trán, lo lắng nghĩ thầm: "Tránh nó chẳng được lại còn mời nó vào nhà à!"

Tôn cười, xảo quyệt:

- Cậu đừng lo. Tớ đến đây cốt để giúp cậu thôi!

Vú Cao mở cổng, hắn đi thẳng vào trong:

- Cám ơn!

Chẳng đợi Tường và vú Cao nói gì với nhau, hắn kéo Tường đi vào, chỉ gian buồng xép:
- Cậu ở đây phải không?

Bước vào buồng, hắn nhìn ngang nhìn ngửa, rồi lại nói tiếp:

- Buồng nhỏ mà sạch quá nhỉ! Cậu làm ăn thế khá đây!

Tường không bụng dạ nào nghe những câu vớ vẩn ấy nữa:

- Có việc gì thế ạ? Tôi đang bận!

- Kìa, đã bảo cậu rồi cơ mà! Có một chuyện rất quan trọng! - Tôn vẫn cười, nhưng giống nói rất nghiêm - Này, nói thẳng cho cậu rõ, thằng Tào đây vào đảng làm loạn, bắt được sẽ xử bắn liền, nó chạy không thoát đâu! Chúng ta dù sao cũng là chỗ quen biết cũ, trong quân đội, cậu đã từng phục vụ tớ. Lại nữa, chúng ta đều cùng một phố cả, vì thế tớ mới nghĩ đến cậu, nói cho cậu biết. Nếu cậu không mau mau chuồn sớm, lát nữa sẽ bao vây lục soát, không thoát được đâu. Bọn ta bán sức kiếm ăn, theo chúng nó rồi kiện cáo vào đâu. Có phải thế không nào?

- Như thế không phải với người ta quá!

- Không phải với ai? - Tôn nhếch mép mỉm cười, mắt sắc sảo - Chúng nó tự rước lấy vạ. Không phải với ai nào? Chúng nó có gan ăn cướp thì có gan chịu đòn. Bọn ta chịu vạ lây vì chúng, mới là không phải chứ! Đừng nói gì khác, cứ tống giam cậu ba tháng; như con chim bay nhảy quen rồi, bấy giờ ngồi xà lim, liệu có chịu được không nào? Lại nữa, bọn chúng vào tù, có tiền chạy chọt, thì chẳng tội vạ gì hết. Còn cậu, trong tay cóc có đồng nào, nhất định là nằm nhà xí! Thế còn chưa thấm vào đâu, ngộ nhỡ bọn chúng bỏ tiền ra đút lót, cái án mấy năm tù, trước mặt quan trên, lại không quàng vào cổ cậu mới là lạ! Bọn ta không trêu ghẹo ai, rút cục phải chịu tù tội, thế có oan hay không. Cậu là người biết điều. Người biết điều không đời nào hứng lấy vạ trước mắt. Không phải với người ta à?... Hừ, này anh bạn, trên đời này, chẳng có chuyện gì là phải với cánh nghèo chúng ta cả!

Tường sợ. Nhớ lại những nỗi cực khổ khi bị bọn lính tóm đi, anh ta tưởng tượng thấy được mùi ở tù.

- Vậy thì tôi cứ đi, bỏ mặc họ à?

- Cậu lo cho họ, ai lo cho cậu?

Tường không biết nói lại thế nào được. Thừ người ra một lúc, anh ta gật đầu, lương tâm không cắn rứt nữa.

- Thôi được, tôi đi đây!

Tôn cười nhạt:

- Cứ thế mà đi thôi à?

Tường ngơ ngác không hiếu.

- Này, anh bạn! Cậu ngốc quá! Tớ là mật thám, tớ lại buông tha cậu à?

- Thế...

Tường sợ quá, không biết nói thế nào.

- Đừng giả vờ ngốc nữa - ánh mắt Tôn chiếu thẳng vào người Tường - Chắc cậu cũng có để dành được ít nhiều, đem ra đây chuộc mạng! Tớ làm cả tháng chẳng bằng cậu, lại phải ăn, phải mặc, phải nuôi gia đình, đành phải kiếm bổng ngoại vậy. Nói thực tình với cậu thế đấy! Cậu thử nghĩ xem, liệu tớ có thể thả cho cậu đi dễ dàng như thế được không? Anh em quen biết nhau là quen biết nhau, không quen biết nhau liệu tớ có đến khuyên nhủ cậu hay không? Nhưng công việc là công việc, tớ không kiếm được tí chút, thì cả nhà tớ ăn sương mà sống à? Người biết điều, không cần phải nhiều lời vô ích. Cậu cứ nói thật đi!

Tường ngồi xuống đầu giường:

- Bao nhiêu?

- Có bao nhiêu lấy bấy nhiêu! Không có giá nhất định nào cả!

- Tôi ngồi tù cũng được!

- Chính mồm cậu nói đây nhé! Rồi đừng có hối! - Tôn xọc tay vào túi áo bông - Nhìn đây này. Tớ có thể tóm cậu ngay lập tức, kháng cự lại, sẽ bắn luôn! Tớ mà điệu đi thì đừng nói đến tiền, ngay cả quần áo đang mặc kia, đến cổng nhà lao, cũng phải lột ra. Cậu là người biết điều, cứ thử ngẫm mà xem!

Tường lắp bắp hồi lâu mới bật ra lời:

- Bắt nạt tôi thế, sao không bắt nạt ông Tào ây?

- Hắn là chính phạm. Tóm được có thưởng, không tóm được thì lôi thôi. Còn cậu, hừ, thả cậu thì cũng như đánh phát rắm, mà giết cậu thì cũng như giết con rệp! Đưa tiền ra thì được tha! Không đưa tiền ra, hừ, vào tù! Đừng lôi thôi mất thì giờ, mau mau lên, người nhớn với nhau! Lại nữa, cũng chẳng phải một mình tớ nuốt trôi được món tiền ấy đâu, bọn anh em cũng còn xà xẻo vào đây, chẳng hiểu là còn được mấy đồng. Rẻ thế mà còn không chịu bỏ ra chuộc lấy mạng, thì tớ cũng chẳng có cách nào khác nữa! Cậu có bao nhiêu nào?

Tường đứng phắt dậy, đầu óc căng thẳng, tay nắm chắc lại.

- Tay để im, không thì đi đứt bây giờ! Nói cho mà biết, này, ngoài kia còn nhiều người nữa kia! Mau, tiền đâu, đưa ra đây! Tớ nể mặt phải biết điều chứ!

Ánh mắt Tôn lúc đó trông thật dễ sợ!

- Tôi nào có trêu ghẹo ai đâu!

Tường mếu máo, nói xong ngồi phịch xuống mép giường.

- Cậu không trêu ghẹo ai cả, nhưng lại có được ít tiền. Người ta thì giàu từ trong bụng mẹ, bọn ta thì từ dưới ngoi lên! Thôi đừng nói lôi thôi nữa.

Tôn lắc đầu, dường như có vẻ cảm khái lắm:

- Ừ thôi, cứ cho là tớ bắt nạt cậu vậy! Đừng làm mất thì giờ nữa!

Tường lại nghĩ một lát nữa, thấy chẳng có cách nào cả. Tay anh ta run lên, móc con lợn đất trong đống chăn ra.

Tôn cười, đỡ lấy con lợn đất, đập vào tường:

- Xem nào!

Tường nhìn tiền tung toé trên mặt đất, lòng đau như xé:

- Ít thế này thôi à?

Tường không đáp, chỉ đứng run.

- Thôi được, tớ cũng không đành cạn tình, bạn bè vẫn là bạn bè. Cậu cũng phải biết rằng, ít thế này mà chuộc được mạng là rẻ lắm đấy nhé!

Tường vẫn không nói năng gì cả, người run lập cập, định chui vào trong chăn cuộn tròn lại.

- Đừng có đụng vào đó!

Mắt Tường trợn trừng, như nẩy lửa:

- Rét mướt thế này...

- Đã bảo không được đụng là không được đụng! Cút!

Tường nín thở, cắn môi, đẩy cửa đi ra.

Tuyết xuống dầy hơn một tấc , Tường cúi đầu bước đi. Khắp nơi trắng toát một màu, chỉ có những vết chân đen ngòm của anh ta để lại phía sau.
Đăng bởi: