Tường Lạc Đà

Chương 21: Tường Lạc Đà Chương 21


Vào mùa chợ bán cúc, bà hai mua bốn chậu. Vú Dương đánh vỡ một chậu, bà ta mắng vú một trận. Vú ở nhà quê lên, cho rằng hoa thì có gì mà quý giá đến thế, nhưng đã đánh vỡ của người ta, dù thế nào cũng là mình sơ ý rồi, vì thế vú chẳng nói lại nửa lời. Đến khi thấy bà hai cứ làm ầm lên mãi, chửi bới thô tục, vú không chịu nổi cơn nóng nữa, cãi lại. Người nhà quê mà đã nổi nóng thì chẳng biết lựa lời, vú dốc ra những lời tục tĩu nhất. Bà hai giẫm chân đành đạch, chửi một hồi, rồi bảo vú cuốn xéo ngay.

Tường không lại can. Anh ta vốn không biết can chuyện cãi vã nhau, lại càng không biết can hai người đàn bà nổi cơn tam bành. Đến khi nghe vú Dương chửi bà hai là đổ "đĩ lậu", thì anh ta biết vú mất chỗ làm rồi. Đồng thời cũng thấy vú Dương mà bị đuổi thì anh ta cũng đến nước bị đuổi thôi. Bà hai chắc chẳng đời nào chịu giữ một người đã biết lai lịch của bà ta như thế. Vú Dương đi rồi, anh ta sẵn sàng chờ ngày mình bị tống cổ ra, và tính rằng, chắc khi nào thuê được người hầu gái mới là anh ta phải cuốn gói. Nhưng anh ta cũng chẳng buồn, sự từng trải đã rèn luyện cho anh ta sự bình tĩnh, thản nhiên, khi có việc làm cũng như khi mất việc, chẳng có gì gọi là xúc động cả.

Nhung vú Dương đi rồi, bà hai đối với Tường lại hết sức mềm mỏng. Không có người ở gái, bà ta phải xuống bếp làm cơm. Bà ta đưa tiền cho Tường, bảo anh ta đi chợ. Thức ăn mua về, bà ta bảo nên gọt cái gì, nên rửa cái gì. Anh ta gọt gọt, rửa rửa, bà ta thái thịt làm cơm, vừa làm vừa kiếm chuyện nói. Bà ta mặc chiếc áo lót màu hồng, chiếc quần xanh lơ, chân đi dép đoạn hoa trắng. Tường cứ cúi đầu làm, tay lóng nga lóng ngóng, không dám nhìn bà ta, nhưng lại rất muốn nhìn. Mùi nước hoa ở người bà ta cứ xộc vào mũi, như có ý bảo anh ta phải nhìn, không nhìn không được, giống như hoa thơm quyến rũ ong bướm. Tường bất giác đưa mắt liếc nhìn. Anh ta không hề coi thường bà ta, con người vốn là: "đĩ lậu", con người xinh đẹp này. Bà ta ghê gớm lắm, mà lại cũng chẳng ra gì. Anh ta nghĩ thầm, nếu có chỗ nào tha thứ được cho mình thì chính là chỗ lão Hạ như con khỉ hom hem kia đáng ghét quá, phải chịu ác báo. Lây người chồng như thế bà ta có làm gì cũng không có tội. Ở với người chủ như thế, anh ta - Tường - có làm gì cũng chẳng sao. Anh ta thấy mạnh dạn lên.

Nhưng bà hai chẳng để ý anh ta có nhìn mình hay không. Làm cơm xong, bà ta ngồi ăn một mình ở dưới bếp. Ăn xong, bà ta gọi Tường:

- Anh ăn đi, ăn xong rửa bát đĩa tí nhé. Chiều, lúc đi đón ông, tiện thể mua thức ăn tối, đỡ phải đi lượt nữa. Ngày mai chủ nhật, ông nghỉ, tôi đi tìm thuê một người vú già. Anh có quen ai, mách cho một người? Vú già khó kiếm lắm đây! Thôi được rồi! Ăn đi đã, không nguội cả!

Bà ta nói rất đàng hoàng, tự nhiên. Tường thấy chiếc áo lót màu hổng kia bỗng sạch sẽ, tinh khiết hẳn lên. Anh ta có vẻ hơi thất vọng, rồi từ chỗ thất vọng đâm ra xấu hổ. Anh ta thấy, mình không còn là người có chí khí nữa, không những thế mà đã trở thành một thằng không ra gì. Nuốt vội nuốt vàng hai bát cơm, anh ta thấy nhạt nhẽo vô cùng. Rửa xong bát đĩa, anh ta về buồng, hút một chặp, không biết đến mấy điếu "Sư tử vàng" nữa.

Chiều, lúc đi đón ông Hạ, chẳng hiếu sao, anh ta thấy căm giận ông ta vô cùng. Anh ta muốn chạy thật nhanh rồi buông tay ra cho ông ta ngã một cái thật đau. Anh ta cố ý lắc càng xe, làm cho con khỉ già ấy xóc một mẻ. Lão khỉ già ấy vẫn chẳng nói năng gì cả, khiến Tường thấy buồn rầu ngán ngẩm. Anh ta chưa từng làm những trò ấy bao giờ, thế mà nay lại giở ra, dù có lý do đi chăng nữa, cũng không thể tha thứ cho mình được.

Rồi anh ta trấn tĩnh lại, và quên hẳn cái việc đã không đem lại kết quả gì đó. Đôi khi tình cờ nhớ đến, anh ta thấy hơi buồn cười.

Hôm sau, bà hai đi thuê người. Một lát, bà ta dẫn về một người, ở thử ít ngày. Tường yên lòng, nhưng trong bụng vẫn cứ thấy thế nào ấy.

Thứ hai, sau bữa trưa, bà ta cho vú ấy ra, chê là bẩn quá. Rồi bà ta sai Tường đi mua một cân hạt dẻ.

Tường mua về, đứng ở cửa buồng, đánh tiếng.

- Đem vào đây!

Tường đem vào, bà ta đang soi gương đánh phấn, vẫn mặc chiếc áo lót hồng kia, nhưng quần đã thay chiếc màu xanh nhạt. Nhìn gương, thấy Tường vào, bà ta liền quay ngoắt ra, nhìn anh ta, cười. Tường bỗng như nhìn thấy ả Nĩu, một ả Nĩu trẻ, đẹp. Anh ta đực ra đó. Can đàm, hy vọng, sợ hãi, thận trọng biến đâu mất cả, chỉ còn lại một làn hơi nóng, có thể là nhiều mà cũng có thể là ít, giữ cho anh ta đứng vững. Chính nó bảo tiến thì anh ta tiến, bảo anh ta lùi thì anh ta lùi, chứ anh ta chẳng tự chủ nổi.

Ba bốn ngày sau, vào buổi tối, anh ta kéo theo chăn nệm, quay về hãng xe.

Chuyện mà ngày thường anh ta vẫn cho là đáng sợ, xấu hổ nhất, thì nay anh ta cười ha hả nói cho mọi người biết - anh ta không đái được nữa!

Họ tranh nhau mách thầy mách thuốc. Chẳng ai cho là xấu hổ, tất cả đều đồng tình, nghĩ hộ anh ta cách chữa chạy, và đem chuyện của mình thuật lại, mặt đỏ lên có vé đắc ý. Mấy anh trai trẻ đã từng mất tiền rước bệnh về. Mấy bác già thì mắc phải bệnh nhưng không mất tiền; mấy người đã từng kéo xe tháng, đều có những chuyện, khác nhau tí chút, nhưng tính chất thì giống nhau; một vài anh em khác cũng từng kéo xe tháng, tuy không gặp những chuyện như thế này, nhưng lại có những chuyện khác về nhà chủ, rất đáng đem ra kể lại. Bệnh của Tường khiến họ đâm ra cởi mở, vui vẻ tâm sự với anh ta. Anh ta cũng quên cả xấu hổ, tuy không lấy làm vẻ vang, nhưng cho rằng cứ bình tĩnh chịu đựng thì cũng như cảm nắng hoặc cảm lạnh mà thôi, chẳng có gì khác cả.

Thuốc thang chữa chạy làm anh ta tốn hơn chục bạc. Bệnh vẫn chưa trừ tận gốc. Qua quít cho xong, anh ta tưởng thế là khỏi rồi, không uống thuốc nữa. Gặp những ngày u ám trở trời, xương cốt cứ đau nhức lên, lúc đó anh ta lại uống tí thuốc, hoặc cố chịu đựng, không cho là quan trọng. Đã khổ đến thế này rồi, thì thần xác còn có nghĩa lý gì nữa!

Bệnh qua đi, anh ta hầu như biến thành một con người khác. Tầm vóc vẫn cao lớn như trước, nhưng không có cái vẻ đàng hoàng gì nữa. Vai cứ nhô ra phía trước, môi thì trề trề, ngậm lệch điếu thuốc; có khi anh ta lại giắt luôn cả mẩu thuốc đang hút dở lên vành tai, chẳng phải đó là nơi tiện lợi gì, nhưng cốt cho ra vẻ con người ăn chơi. Anh ta vẫn ít lời, nhưng lúc nói cũng cố tìm cách đùa giỡn, tuy không hay ho, nhưng vẫn cứ làm như vậy. Trong lòng buông lỏng như thế cho nên vẻ mặt, bộ điệu trông nghênh ngang, bừa bãi.

Có điều, so với các anh em phu xe khác, anh ta cũng không đến nỗi xâu xa, hư hỏng lắm. Những lúc vắng vẻ, ngồi một mình, nghĩ đến con người mình trước kia, anh ta lại muốn cố gắng làm ăn, chứ không muốn buông xuôi như thế này. Cố gắng cũng chẳng ích gì, nhưng tự hủy hoại thân mình cũng không phải là chuyện hay. Những lúc đó, anh ta lại nghĩ đến chuyện mua xe. Ba chục bạc, thuốc thang đã mất hơn mười đồng rồi! Oan uổng quá! Nhưng còn lại cái vốn khoảng hai chục đó, so với những người khác hoàn toàn tay trắng, thì cũng còn khá hơn nhiều. Nghĩ thế, anh ta rất muốn vứt béng nửa bao "Sư tử vàng" hút dở, từ nay rượu, thuốc xin chừa, chịu khó dành dụm đồng tiền, từ chỗ muốn dành dụm, anh ta nghĩ đến chuyện mua xe, từ chỗ mua xe lại nhớ đến Phúc. Anh ta thấy đối với Phúc như vậy cũng hơi tệ, từ khi đi khỏi cái xóm ấy đến nay, anh ta không hề quay lại thăm hỏi cô ta lần nào, mà mình thì chẳng khá hơn, trái lại, còn đi rước lây cái bệnh thổ tả ấy.

Nhưng đến khi gặp bạn bè, anh ta lại hút thuốc, có dịp cũng lại uống rượu, quên đứt cả Phúc. Tụ tập với bạn bè, anh ta chẳng còn biết phân biệt việc gì nên làm, việc gì không nên làm; mọi người làm gì, anh ta không thể không làm theo. Khó nhọc cả ngày, uất ức chất chứa trong lòng, chỉ có nói cười đùa bỡn với họ, anh ta mới tạm quên đi được. Thú vui trước mắt xua đuổi mọi ý chí tốt đẹp, anh ta muốn được thỏa thích trong chốc lát rồi ngủ một giấc không biết trời biết đất gì nữa cả. Đời đã vô vị, đau khổ, tuyệt vọng như vậy, thì ai mà chẳng muốn thế? Vết thương đau do cuộc đời gây ra, chỉ có thể dùng những vị độc như thuốc, rượu, đàn bà để làm tê dại đi trong chốc lát, lấy độc trị độc. Rồi một ngày kia, chất độc sẽ ngâm vào tim, ai chẳng biết vậy, nhưng nào ai có cách gì hơn thay thế cái đó đâu?

Càng không muốn cố gắng lại càng quý thân mình. Trước kia, anh ta chẳng quản gì cả, bây giờ anh ta thích an nhàn rỗi rãi: trời mưa gió là không ra xe; người mệt mỏi một tí cũng nghỉ hai ba ngày. Quý thân mình tất sinh ra ích kỷ. Số tiền ấy, anh ta không cho ai vay mượn một đồng, cứ giữ chặt để phụ vào tiêu những ngày mưa ngày gió. Rượu, thuốc lá, có thể mời mọc, nhưng tiền không thể cho vay được, ai cũng không bằng mình. Càng rỗi rãi, càng ngại việc, lại càng buồn, vì thế cứ phải luôn luôn tìm trò giải trí, hoặc ăn uống cho sướng miệng. Kịp đến khi sực nghĩ ra là không nên phí phạm thời giờ như thế thì trong lòng anh ta có sẵn một câu do bao nhiêu kinh nghiệm từng trải đúc kết nên: "Trước đây mình đã chịu thương chịu khó rồi, nhưng nào có được quái gì đâu!". Câu nói đó, không ai bẻ lại được mà cũng chẳng có ai có thể giải thích nổi. Vậy thì, ai có thể ngăn cản không cho Tường buông trôi.

Lười biếng hay sinh ra giận dữ. Anh ta bây giờ cũng đã biết trợn mắt lên. Khách, cảnh sát, hay bất cứ người nào, anh ta nhất quyết không chịu nín nhịn cho qua. Làm ăn cực khổ, anh ta không hề được đổi xử công bằng, bây giờ, đã biết mổ hôi quý giá như thế nào rồi, thì đỡ được giọt nào hay giọt ấy, đừng ai hòng lợi dụng anh ta. Xe bạ đâu đỗ đấy, đã đỗ rồi chẳng buồn nhúc nhích nữa, bất biết chỗ đó có phải là chỗ được đỗ hay không. Cảnh sát đến bảo đi đi, anh ta ầm ừ đầu miệng, vẫn ngồi yên, vẫn chần chừ, đỗ thêm được tí nào hay tí ấy. Đến lúc thấy không kéo đi không được, thì miệng anh ta cũng chẳng chịu im. Anh ta lẩm bẩm chửi liền. Cảnh sát không chịu nghe chửi, thì đánh nhau cũng chẳng cần. Vốn biết mình khỏe, anh ta cứ nện trước cho hắn một trận, rồi vào "bót" ngồi cũng không phải là thiệt. Đánh nhau, anh ta lại thấy được mình khỏe và giỏi. Đem sức lực của mình dồn cả xuống thân thể người khác, anh ta thấy vẻ vang hẳn lên, mặt trời hình như chói lọi thêm. Trước đây anh ta không hề nghĩ đến chuyện để dành sức để sẵn sàng choảng nhau, nay thì đã trở thành chuyện thực, mà lại là chuyện làm anh ta thích thú. Nghĩ thật buồn cười!

Không nói gì bọn cảnh sát, chân tay không, ngay đến cả những chiếc xe hơi phóng bừa trên phố, anh ta cũng chẳng sợ. Gặp ô tô đi ngược lại cuốn bụi lên, anh ta không tránh, cho bóp còi, khách ngồi trên xe cuống quít cả lên cũng mặc kệ. Ô tô đành chịu, phải chạy chậm lại. Tường lúc bấy giờ mới tránh, để khỏi phải ăn bụi. Ô tô phía sau đi lên, anh ta củng giở cái trò đó ra. Anh ta đã tính rồi, ô tô không dám đâm đâu, việc gì cứ phải tránh trước để cho nó phóng tung bụi lên? Bọn cảnh sát chuyên môn dọn đường cho ô tô, chỉ sợ ô tô phóng không được nhanh và cuốn lên ít bụi, mình có là cảnh sát đâu, việc gì lại để chịu cho ô tô hoành hành? Trước mắt bọn cảnh sát, Tường là cái "gai" nhọn hoắt, nhưng họ cũng chẳng dám trêu vào. Người nghèo mà chây lười ngại việc là vì đã cố gắng nhiều rồi, nhưng chẳng đi đến đâu. Người nghèo mà ngang bướng là muốn tìm một chút công lý.

Đối với khách, anh ta chẳng cần mềm mỏng lê phép. Mặc cả đến đâu, kéo đến đó, thêm một bước cũng không chịu. Thuê đến "đầu" ngõ mà lại bắt kéo vào "trong" ngõ thì đừng có hòng! Khách trợn mắt lên, thì mắt anh ta trợn lại to gấp mấy. Anh ta biết các ông ăn mặc tây chúa là sợ bẩn quần áo, và cũng biết phần lớn họ ngang ngược và hà tiện. Được, anh ta sẵn sàng rồi. Quá lời một tí là nắm luôn cái tay áo tây đáng giá năm sáu chục bạc kia, ít nhất cũng để lại vết bẩn to bằng bàn tay. Ấy thế mà tiền vẫn cứ phải trả; các ông ấy đã thấy bàn tay anh ta mạnh như thế nào rồi, mới nắm một tí thế mà cánh tay bé nhỏ của họ đã đau ê ẩm!

Anh ta chạy không chậm, nhưng cũng chẳng muốn chạy nhanh thêm làm gì cho phí sức. Khách giục, anh ta liền bước thong thả, hỏi luôn:
- Nhanh à? Cho thêm bao nhiêu đây?

Không khách sáo gì cả, anh ta bán mồ hôi nước mắt cơ mà! Anh ta không còn mong vào lòng tốt của khách thưởng cho vài ba xu nữa. Tiền nhiều thì hàng tốt, phải mặc cả rõ ràng đã rồi mới bỏ sức ra.

Đồi với cái xe anh ta không quí nó như trước nữa. Lòng anh ta đã nguội lạnh rồi, không ao ước mua xe nữa, còn xe của người ta thì anh ta không quan tâm lắm, xe nào cũng là xe, kéo, kiếm được tiền để mà ăn mà nạp thuế, thế là được rồi; không kéo, không nạp thuế. Vậy thì, miễn trong tay có đủ ăn một ngày chẳng cần kéo thêm làm quái gì nữa. Người với xe chỉ quan hệ với nhau như vậy mà thôi. Tất nhiên anh ta cũng chẳng cố ý làm hỏng xe người ta, nhưng cũng chẳng để ý giữ gìn. Lỡ có xe khác vô ý đâm vào, làm hư hỏng một chút, anh ta cũng chẳng hề chồm chồm lên chửi bới nữa, cứ thản nhiên như không, kéo về hãng đáng đền năm hào thì anh ta bỏ ra hai hào là xong. Chủ hãng không đồng ý? Càng tốt, cùng lắm thì nện nhau chứ gì? Nếu chủ hãng muốn, anh ta xin sẵn lòng "hầu tiếp".

Kinh nghiệm là phân bón của cuộc sống. Đã có kinh nghiệm như thế nào, sẽ trở thành con người như thế. Giữa bãi sa mạc làm gì trồng được hoa mẫu đơn. Tường đã "vào khuôn” rồi, không tốt hơn các phu xe khác mà cũng chẳng có gì xấu xa hư hỏng hơn, nghĩa là đã trở thành một anh phu xe ra phu xe. Như vậy, anh ta thấy dễ chịu hơn trước đây, và những anh em khác cũng thấy thuận mắt. Quạ đều đen cả, anh ta cũng chẳng mong gì riêng mình là con quạ có bộ lông trắng.

Mùa đông lại tới. Gió từ sa mạc thổi về, một đêm làm chết bao nhiêu người. Nghe tiếng gió rít, Tường rúc đầu vào trong chăn, không dám dậy. Cho mãi đến khi gió không gào lên như sói kêu quỷ khóc nữa, anh ta mới miên cưỡng trở dậy, lưỡng lự mãi không biết nên cho xe ra, hay nên nghỉ một ngày. Anh ta ngại cầm cái càng xe lạnh như băng, ngại hớp cái gió ghê người kia. "Gió mạnh sợ mặt trời lặn", cho mãi tới hơn bốn giờ chiều, gió mới yên hẳn, bầu trời chiều nhuốm màu hồng nhạt của ánh tà dương. Anh ta gắng gượng kéo xe ra. Hai tay thủ trong bọc, ngực ưỡn ra, ghì đầu vào càng xe, anh ta uể oải bước lững thững, miệng ngậm nửa điếu thuốc cháy dở. Một lát, trời tối, anh ta định bụng kéo được độ một hai món khách nữa là cho xe về sớm. Anh ta ngại chẳng muốn thắp đèn lên, cho đến khi cảnh sát ở dọc đường giục bốn năm lần, anh ta mới thắp.

Đến trước lầu trống, thì tranh được món khách, về khu Đông Thành, anh ta chẳng cởi áo bông dài ra, cứ thế lùng thùng mà chạy nước kiệu. Anh ta cũng biết như vậy là "không ra làm sao", nhưng "ra làm sao" thì liệu có ai cho thêm được đồng xu nào không? Đây có phải là kéo xe đâu, chỉ là kiếm miếng ăn thôi! Trán đã thấy có mồ hôi, anh ta vẫn không chịu cởi áo dài ra, xong chuyện thì thôi. Rẽ vào một cái ngõ, một con chó chắc là thấy người mặc áo dài kéo xe, lạ mắt, cứ đuổi theo sủa. Anh ta đỗ xe lại, cầm ngược chiếc phất trần, chạy đuổi theo, đánh. Mãi cho đến khi chó chạy mất tăm, anh ta còn đứng chờ một lúc, xem có dám quay lại nữa hay không. Con chó không dám quay lại, Tường lấy làm khoái chí lắm:

- Mẹ mày chứ! Mày tưởng ông sợ mày à?

Khách ngồi trên xe có vẻ bực mình:

- Này, anh kéo xe cái kiểu gì thế?

Tường chột dạ, nghe giọng nói quen lắm. Ngõ tôi đen, tuy xe có thắp đèn, nhưng chi là chiếu sáng mặt đường, anh ta không trông rõ là ai. Người đó đội mũ che gió, chiếc khăn quàng phủ kín cả mồm lẫn mũi, chỉ chừa hai con mắt. Tường đang đoán thầm thì người kia lại hỏi:

- Tường đấy phải không?

Tường rõ rồi! Chính là lão Tư Lưu. Anh ta giật mình, thấy toàn thân mình nóng bừng bùng, không biết nên xử trí ra sao.

- Con gái tao đâu rồi?

- Chết rồi!

Tường đúng đờ ra đấy, chẳng hiểu chính mình hay là người nào khác vừa trả lời.

- Sao, chết rồi à?

- Chết rồi!

- Mẹ kiếp! Rơi vào tay mày mà lại sống được à?

Tường bỗng sực tỉnh:

- Xuống! Xuống ngay! Mày già quá rồi, chẳng đáng để tao cho một trận! Xuống!

Lão Tư Lưu, tay run lẩy bẩy, bước xuống:

- Chôn ở đâu hở?

- Hỏi làm gì?

Tường kéo xe đi thẳng.

Anh ta đi đã khá xa, mới quay lại nhìn, lão già vẫn đứng ở đấy, lù lù y như một cái bóng.
Đăng bởi: