Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 2: Năm Mươi Năm Sau


Năm mươi năm sau, cạnh nhà in Tây Lĩnh – Hàng Châu.

Mạch suy nghĩ bị một lão già làm đứt đoạn, tôi đóng tập bút ký của ông nội lại, dò xét đối phương một loáng.

“Chỗ các cậu có thu mua thác bản[1] không?”, lão hỏi, trông bộ dạng dường như chỉ hỏi vu vơ. Tôi cũng có khiếu làm nghề này lắm, liền ra vẻ với ông ta: “Mua, nhưng giá không cao đâu nhé”. Ý tứ là, ông không có hàng tốt thì mau biến đi, đừng để đại gia lỡ việc đọc sách.

[1] Thác bản: Hay còn gọi là bàn đập, là bản sao nguyên khổ hình một vật hoặc mô típ chạm khắc hay đắp nổi, chủ yếu nhằm truyền đạt tác phẩm nổi như tấm bia, tiền kim loại, huy chương.

Cái nghề này, làm một mùa ăn cả năm, ngày thường rãnh rỗi quen rồi, ghét nhất là phải hầu đám khách nửa mùa kiểu ấy. Về sau, chỉ cần gặp đám khách qua đường này là tôi mở miệng đuổi ngay. Chẳng qua gần đây cũng nhàn rỗi quá thể, sắp hết mùa làm ăn rồi mà chưa nhập được món hời nào, tôi vì vậy mới nhẫn nại hơn.

“Tôi muốn hỏi thăm một chút, ở đây có thác bản bạch thư[2] thời Chiến Quốc không? Bản mà năm mươi năm trước, mấy tay khoét đất trộm được ở Hồ Nam, rồi bị người Mỹ lừa lấy mất đấy”, người đó vừa dòm những đồ vật trưng trong quầy của tôi vừa hỏi.

[2] Thác bản bạch thư: Bản dập để dùng khắc văn bản trên lụa (bạch thư).

“Chính ông cũng nói là bị người Mỹ gạt mất rồi thì làm gì còn nữa”, tôi nghe mà cáu tiết, “Muốn tìm thác bản thì đương nhiên là phải mò mẫm trên thị trường, làm gì có ai chỉ đích danh một bản rồi tìm, tìm thế nào được?”.

Lão thấp giọng xuống: “Tôi nghe nói cậu có cửa tìm, lão Dương giới thiệu tôi đến đây mà”.

Tôi bắt đầu cảnh giác, thầm kinh ngạc. Lão Dương ngồi tù từ năm kia, lẽ nào lão khai tôi ra rồi? Tôi lo quá, mồ hôi lạnh toát ra ướt lưng áo, “Lão… lão Dương nào, tôi không quen”.

“Tôi hiểu, tôi hiểu.” Người nọ cười khà khà, móc từ trong ngực ra một chiếc đồng hồ, “Cậu xem, lão Dương nói cậu nhìn thấy cái này sẽ rõ”.

Chiếc đồng hồ đó là quà mà mối tình đầu của lão Dương tặng cho lão hồi lão ở Đông Bắc, lão quý như tính mạng vậy, mỗi lần uống say lại lôi ra vừa ngắm vừa lải nhải “Quyên ơi, Lệ ơi”. Tôi hỏi lão rốt cuộc con mụ đó tên gọi là gì, lão nghĩ hồi lâu rồi òa khóc, bảo rằng lão quên con bà nó rồi. Lão chịu đưa chiếc đồng hồ cho người này, chứng tỏ y hẳn phải có gì đặc biệt.

Dẫu tôi nhìn kiểu gì cũng chỉ thấy lão già này mặt mũi ngứa mắt, nhưng mà người ta đã tìm đến tận nơi, cứ nói thẳng vào chuyện chính cho nhanh: “Vậy ra ông là bạn của lão Dương, tìm tôi có việc gì?”.

Lão nhe răng cười, lộ ra một cái răng vàng bự: “Tôi có người bạn mang từ Sơn Tây về chút đồ, muốn nhờ cậu xem giúp có phải hàng thật hay không”.

“Ông nói giọng trong Kinh, đại gia Bắc Kinh như ông lặn lội xuống tận miền nam nhờ tôi tư vấn, có đề cao tôi quá không vậy? Bắc Kinh thiếu gì hảo thủ, tôi nghĩ chắc ông còn ý đồ gì khác nữa!”

Lão cười hì hì: “Người ta nói dân miền nam tinh tường quả không sai. Xem cậu tuổi trẻ mà con mắt cũng thấu đáo. Nói thực nhé, lần này tôi tới đúng là không tìm cậu mà tôi muốn gặp ông nội cậu”.

Tôi nghe xong lập tức biếc sắc: “Tìm ông nội tôi? Ông có mục đích gì?”.

“Ông nội cậu năm đó, sau khi đào trộm được bạch thư thời chiến quốc, có phải đã lưu lại một vài bức thác bản không? Bạn tôi chỉ muốn biết, chúng có giống cái cuộn trong tay chúng tôi này không thôi.”

Lão chưa nói hết câu, tôi đã gọi ra với đứa làm công đang gà gật gần đó: “Vương Minh, tiễn khách!”.

Lão răng vàng cuống quýt: “Sao mới nói thế mà đã muốn đuổi khách rồi?”.

“Ông nói thì không sai, nhưng ông tới quá trễ rồi, ông nội tôi đã khuất núi năm ngoái, ông muốn tìm thì về tự cứa cổ tay đi!” Tôi nghĩ bụng: Chuyện năm xưa kinh động đến cả trung ương, tày đình như vậy mà để ông lật lại thì nhà tôi yên ổn làm sao được?

“Thằng cháu này nói năng khó nghe quá.” Lão răng vàng cười nham hiểm: “Ông nhà không còn cũng không sao. Tôi có nói gì đâu, tốt xấu gì cậu cũng phải xem qua mấy thứ tôi đem đến, nể mặt lão Dương tí chứ?”.

Tôi liếc lão, bộ dạng cười giả lả này xem chừng không xem cho lão thì lão sẽ ở lỳ đây. Bụng bảo dạ thôi nể mặt lão Dương, mai kia lão ra khỏi tù khỏi phải trách móc mình, tôi liền gật đầu bảo: “Xem thì xem, nhưng có phải hàng thật hay không tôi không dám phán đâu”.

Thực ra bạch thư thời Chiến Quốc này có tới hơn hai mươi cuốn, không cuốn nào giống cuốn nào, ông nội tôi hồi đó dập được từ một bức, chỉ là một phần rất ngắn trong đó, nhưng lại là phần cực kỳ quan trọng. Giờ đây đó cũng chính là mấy thác bản mà tôi coi như bảo bối cất dưới đáy hòm, người ngoài có tiền cũng chẳng mua nổi. Lão răng vàng rút từ trong bọc ra một tờ giấy trắng, tôi nhìn mà điên tiết, con bà nó, thì ra là một bản phô tô.

“Chứ sao nữa, đồ quý như thế thì làm sao mà đem đi lung tung được, động một tí đã rách”, lão vừa nói vừa làm ra vẻ thần bí, hạ giọng: “Nếu không có Lộ Tử Quảng tôi thì thứ này đã chạy ra nước ngoài lâu rồi. Coi như tôi phục vụ nhân dân vậy”.

Tôi cười: “Xem bộ dạng của ông không phải là dân “đổ đấu”, tôi nghĩ ông chẳng dám ra tay đâu, bảo vật quốc gia, ông chán sống rồi chắc?”.

Câu nói vừa thốt khỏi miệng tôi, gương mặt lão già chuyển sang tái mét, nhưng lão còn đang nhờ vả tôi nên nhẫn nhịn, nói: “Cũng không thể nói ra được. Làm nghề nào phải theo luật nghề ấy, ông nội nhà cậu năm xưa trộm mộ cũng nức tiếng xa gần đấy thôi…”

Tôi nghĩ sắc mặt mình lúc này chắc hẳn rất khó coi, nghiến răng: “Ông còn nhắc đến ông nội tôi thì khỏi cần xem xét gì nữa!”.

“Được được, tôi dừng ngay. Cậu mau xem cho tôi cái để tôi rút cho lẹ.”

Tôi mở tờ giấy trắng, vừa nhìn đã biết đây là một cuốn bạch thư thời Chiến Quốc được bảo tồn nguyên vẹn, nhưng không phải là phần ông nội tôi trộm được năm xưa. Phần này tuy niên đại cũng khá xa nhưng chắc là đồ nhạn phẩm của mấy triều đại sau đó, hay còn có cách gọi khác là đồ giả cổ, giá trị của thứ này rất khó nói. Vì thế tôi liền cười: “Chắc đây là đồ nhạn phẩm thời Hán, nói thế nào nhỉ, ông bảo nó là đồ giả cũng không phải, mà nói là hàng thật cũng không đúng, có giời mới biết bức này chép lại bản gốc hay là viết bậy. Thế nên tôi cũng không biết nói thế nào cho chính xác”.

“Vậy đây có phải là phần ông nội cậu trộm được không?”

“Nói thực với ông, phần ông nội tôi trộm được đến chính ông còn chưa kịp nhìn đã bị tay người Mỹ đó lừa mất rồi. Câu hỏi của ông thực sự tôi không có cách nào giải đáp.” Tôi nghĩ bụng, gạt lão này dễ ợt, nhưng ngoài mặt vẫn làm ra vẻ chân thành. Lão răng vàng cũng tin là thật, thở dài một tiếng: “Thật không may, xem ra không tìm tay người Mỹ kia thì không còn hy vọng gì rồi”.

“Ồ, các ông có vẻ quan tâm đến cuốn này nhỉ?” Lạ đây, việc sưu tầm sách cổ phải có duyên, muốn tìm đủ cả bộ hai mươi cuốn sách cổ thời Chiến Quốc xem ra cũng quá tham lam.

“Không giấu gì chú em, tôi thực sự không phải dân đổ đấu. Cậu nhìn tôi xem, bộ dạng này theo làm sao được. Chẳng qua ông bạn tôi là dân chính tông trong nghề, tôi cũng không biết hắn có ý gì nữa, tóm lại, người ta hẳn có lý riêng.” Lão cười khà khà, lắc đầu nói: “Tôi cũng không tiện hỏi nhiều, thôi được, tôi đi đây”, nói rồi, lão quay đầu đi thẳng.

Tôi cúi xuống nhìn, tờ giấy phô tô vẫn còn trong tay, đột nhiên, tôi phát hiện ra một hình tượng trên tờ giấy, đó là gương mặt một người như mặt cáo, hai con mắt không có đồng tử tạo cảm giác ba chiều, dường như muốn lồi khỏi mặt giấy, tôi xem mà phải hít vào một luồng khí lạnh, mảnh bạch thư này tôi chưa từng thấy bao giờ, hẳn phải là một món quý. Tôi nghĩ đợi lão Dương ra tù, dùng bản phô tô này để làm mấy thác bản giả cũng đủ để mình sung sướng, liền vội vã chạy ra cửa ngó nghiêng, chỉ thấy lão già răng vàng đang quay trở lại.

Tôi nghĩ bụng hẳn là lão quay lại lấy món đồ này, vội chạy vào trong, cầm máy ảnh kỹ thuật số chụp lại, sau đó cầm tờ giấy chạy ra ngoài cửa. Mặt đụng ngay vào mũi lão già răng vàng: “Đồ của ông để quên đây”, tôi nói.

Ông nội tôi là “dân khoét” đất ở Hồ Nam, hay gọi theo cách thông thường thì là “quân trộm mộ”.

Lý do ông nội tôi vào nghề cũng chẳng có gì kỳ lạ, theo cách nói hiện nay thì đó là nghề gia truyền. Năm ông cố của ông cố tôi mười ba tuổi, một dải Trung Hoa bị hạn hán, thời buổi ấy, có hạn hán là có nạn đói, anh có tiền cũng không mua nổi thứ gì để ăn. Lúc đó, Hồ Nam thì hang cùng ngõ hẻm chẳng có gì, chỉ có mỗi mộ cổ là nhiều, thế là có gì làm nấy, cả làng cùng đi đổ đấu. Những năm đó không rõ bao nhiêu người chết đói chứ làng của họ chẳng ai chết, ngược lại ai nấy đều ăn tới béo núc, được thế đều nhờ vào việc quật các thứ lên rồi đổi lương thực cho người Tây.

Dần dà về sau, nghề trộm mộ giống như những thứ khác, cũng tích lũy được văn hóa, đến đời ông nội tôi đã có sự phân định các quy tắc nghề nghiệp, môn phái. Khi đó nghề trộm mộ chia thành hai phái Nam Bắc. Nam phái là phái của ông nội tôi, sở trường dùng thuổng dò đất, cao thủ chỉ cần dựa vào cái mũi là có thể đoán định độ nông sâu, triều đại. Hiện giờ rất nhiều tiểu thuyết hơi tí là tả về cái thuổng Lạc Dương, kỳ thực Bắc phái không dùng thuổng Lạc Dương, họ giỏi về phán đoán chuẩn xác vị trí, kết cấu lăng mộ, cũng chính là “tầm long điểm huyệt”. Nhưng người Bắc phái có chút cổ quái, nói thế nào nhỉ, theo cách nói của ông nội tôi là họ không thực tế, hoa hòe hoa sói quá nhiều, trộm một cái mộ mà cứ phải vẽ vời lắm thứ, vào đó lấy đồ xong đi là được rồi, còn phải một lạy hai bái nữa, theo cách nói hiện đại thì rất quan liêu chủ nghĩa. Ngược lại, quy củ của Nam phái không nhiều, xưa nay chưa bao giờ kỵ húy người chết, người Bắc phái chửi Nam phái là loại chó đất, chà đạp văn vật, đổ được một đấu thì chẳng chừa thứ gì, đến người chết cũng lôi ra ngoài bán, Nam phái chửi Bắc phái là đồ ngụy quân tử, rõ là quân trộm còn ra vẻ ta đây, về sau càng đấu tới mức sống còn, thậm chí còn phát sinh vụ việc kiểu như “xác sống” [3], rốt cuộc hai phái phân chia ranh giới ở Trường Giang, Bắc phái gọi là “đổ đấu”, Nam phái thì gọi là “đãi cát” hoặc “đãi đất”, sau cuộc phân chia thì thuổng Lạc Dương mới được phát minh ra, người Bắc phái về cơ bản không thèm sử dụng.

[3] Ngày trước có tin đồn dân trộm mộ có những người có khả năng điều khiển xác sống, khi xảy ra xung đột về mặt lợi ích thì những người này sẽ điều khiển xác sống, cho chúng thay mặt mình đánh nhau để phân thắng bại.

Ông nội tôi không biết chữ, về sau mới được học lớp xóa mù, hồi ấy ông chỉ biết “đãi cát”, học một chữ mà vất vả muốn chết, cũng may mà ông được học văn hóa mới có thể viết ra được những gì từng trải qua. Thằng Ba ở dãy Phiêu Tử ngày ấy, chính là ông nội tôi, những việc đó đều được ông viết lại từng chữ một trong cuốn bút ký cũ kỹ đó. Bà nội tôi là một người có văn hóa, tiểu thư khuê các, cũng vì bị những câu chuyện của ông mê hoặc mà kết quả là ông tôi ở rể tại Hàng Châu, an cư ở đây.

Cuốn bút ký đó xem như của báu gia truyền nhà tôi, mũi của ông nội tôi sau việc ấy đã mất khả năng hoàn toàn, sau này ông huấn luyện một con chó để ngửi đất, người ta mới tặng cho cái tên là “Cẩu Vương”. Việc này là có thực, lớp tiền bối làm nghề khoét đất ở Hồ Nam đều biết danh hiệu đó.

Về việc sau đó ông nội tôi làm sao sống được, kết cục của ông hai, của cụ và của kỵ ra sao thì ông nội tôi chẳng bao giờ chịu nói cho tôi. Trong ký ức của tôi, tôi cũng chưa từng gặp qua ông Hai một mắt một tay, có lẽ đúng là dữ nhiều lành ít, mỗi khi đề cập đến việc này, ông nội tôi lại khóc và nói luôn: “Đó không phải là chuyện kể cho trẻ con nghe”. Cho dù chúng tôi có hỏi thế nào, van vi thế nào, ông cũng không chịu hé ra nửa chữ. Cuối cùng, tuổi tác lớn thêm, tôi cũng dần quên đi sự hiếu kỳ thuở nhỏ.

Chập tối, tiệm đóng cửa, lại một ngày chán ngắt nữa trôi qua mà không thu được gì. Tôi cho nhân viên về, đúng lúc này thì có một tin nhắn đến.

“Chín giờ, mắt gà, cát vàng.”

Là tin của chú Ba, dùng ám hiệu, ý nói có hàng mới đến. Liền đó lại thêm một tin: “Xương sống rồng, đến mau”.

Mắt tôi sáng lên, chú Ba rất kén, “xương sống rồng” ý nói đồ tốt, đến cả chú cũng thấy tốt thì tôi phải đi xem mới được.

Đóng cửa tiệm, tôi lái con xe Kim Bôi cà tàng đến thẳng chỗ chú Ba, một mặt để xem món đồ tốt mà chú nói là cái gì, mặt khác cũng muốn nhờ chú xem hộ hình vẽ trên phần sách lụa tôi chụp được hôm nay. Nói cho cùng, ông ấy là người duy nhất trong thế hệ của chúng tôi còn được tiếp xúc trực tiếp với dân khoét đất.

Vừa lái xe đến dưới lầu đã nghe tiếng chú gọi với xuống: “Con bà nó, thằng ranh này, bảo đến ngay mà mày la cà cả nửa ngày, giờ mới tới làm khỉ gì nữa?”.

Tôi chửi thề một tiếng, “Không phải chứ, đồ tốt phải để cho cháu, chú bán nhanh thế”.

Đang nói thì thấy một gã trẻ tuổi từ cửa chính đi ra, lưng đeo một vật dài bọc kín mít, nhìn qua biết ngay là binh khí cổ. Thứ này đúng là rất đáng tiền, nếu bán khéo có thể lãi đến mười mấy lần là ít.

Tôi trỏ gã thanh niên, chú Ba gật đầu làm động tác bất đắc dĩ. Tôi thấy lòng tê tái, chẳng lẽ năm nay cửa hiệu nhỏ của tôi phá sản thật sao?

Tôi lên lầu, tự tay pha một tách cà phê, đem chuyện lão già răng vàng đến tiệm thám thính kể cho chú Ba, vốn tưởng chú sẽ đồng cảm với sự tức giận của tôi, ai dè chú như biến thành một người hoàn toàn khác. Chú không nói gì, lẳng lặng in bức ảnh trong máy ra đặt dưới đèn, khuôn mặt lập tức biến sắc.

“Sao ạ?”, tôi hỏi, “Thứ này có vấn đề gì ạ?”.

Chú chau mày nói: “Chẳng lẽ thế, dường như là một tấm địa đồ mộ cổ!!!”.