Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 3: Miếu Hạt Dưa


Tôi nhìn bản in sách lụa dày kịt chữ, lại nhìn vẻ mặt chú Ba, không giống pha trò, lẽ nào chú Ba của tôi đã siêu thoát lên cảnh giới nhìn ra tranh từ trong chữ? Thế mà có ngắm cách nào cũng không thấy được chút cốt tiên từ ông chú hư hỏng ngày thường vẫn cờ bạc rượu chè.

Chú Ba hưng phấn đến nỗi phát run, vừa run vừa lẩm bẩm một mình: “Mấy người đó kiếm đâu ra đồ tốt như vậy chứ, sao mình chả bao giờ vớ được. Lần này đúng là run rủi rồi, xem ra đám đó không biết đây là cái gì, phải vượt mặt chúng đãi ngay đống âm phần này trước mới được”.

Tôi chả hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao: “Chú Ba, chắc tại cháu hơi ngốc, nhưng có đúng là chú nhìn ra bản đồ từ đống chữ lí nhí này không?”.

“Mày thì hiểu cái gì, đây là tranh chữ, tức là dùng chữ vẽ chi tiết cụ thể vị trí địa lý ra, thứ này nếu là người khác nhìn thì không thể hiểu, may chú Ba mày có chút kinh nghiệm. Trên đời này ngoài tao ra chỉ e không quá mười người hiểu được món này.”

Chú Ba tôi bản lĩnh khác thế nào không rõ, nhưng được cái từ bé đã rất rành mấy thứ ám ngữ với văn tự cổ ly kỳ cổ quái phi chính thống. Tóm lại, cái gì càng lạ càng hiếm thì chú càng đâm đầu nghiên cứu, kiểu như Ngũ Mộc thư đồ của Tây Hạ, Nha tự thời kỳ đầu của người Nữ Chân, chú đều cắt nghĩa đâu ra đấy. Vì thế tôi không mấy ngạc nhiên khi chú biết đây là tranh chữ loằng ngoằng gì đó.

Chẳng qua, con người ông ấy khi được hơn người thì hay làm bộ lên mặt, trước mặt ông ấy phải ra vẻ ngốc nghếch nếu không thì ông ấy đuổi người ta đi ngay, vì vậy tôi mới làm bộ cầu khẩn, hỏi: “Ừm, những thứ vẽ trên đó có phải đi sang trái sau đó lại đi sang phải, thấy phía trước có cái cây nghiêng về phải, thấy một cái giếng sau đó khoan xuống, có phải thế không?”.

Chú Ba thở dài: “Trẻ con khó dạy thật, ngộ tính của mày kém quá, cứ kiểu này nhà ta đến đời mày là đứt mất thôi”.

Nhìn bộ dạng thở vắn than dài như thật của chú, tôi thấy mắc cười: “Thế chú bảo như thế nào đây? Bố cháu có dạy cháu đâu, thứ này cũng đâu phải trời sinh ra đã biết?”.

Chú nhếch miệng cười đắc ý nói: “Loại tranh chữ này thực ra là một dạng mật mã, có nguyên tắc nghiêm ngặt, chỉ cần vẽ những thứ trên đó ra theo đúng quy cách sẽ thành một tấm bản đồ hoàn chỉnh. Mày đừng coi thường cuốn bạch thư vẻn vẹn vài chữ này, không biết được thông tin bên trong phức tạp thế nào đâu, chưa biết chừng, chỗ này dùng bao nhiêu viên gạch cũng có đánh dấu rõ ràng đấy”.

Tôi nổi hứng, từ bé đến lớn, gia đình chưa cho tôi đi đổ cái đấu nào, lần này nhất định phải đòi chú Ba đưa tôi đi mở mắt một phen, mò vài món bảo bối để tôi vượt qua cơn khủng hoảng kinh tế này nữa. Tôi vừa nghĩ vừa hỏi chú: “Chú có đọc được bên trong viết đây là mộ ai không? Chủ nhân lai lịch lớn không ạ?”.

Chú Ba đắc ý cười: “Giờ tao vẫn chưa hiểu hết, nhưng cái mộ này chắc là của một quý tộc nước Lỗ thời Chiến Quốc, vị trí mộ huyệt được người ta dùng cách thức tranh chữ kín đáo ghi lại trên bức thư này, chứng tỏ người này có địa vị khá cao. Mà cái mộ này chắc chắn rất ẩn mật, là một cái đấu hời, đáng đi một chuyến!”.

Tôi nom bộ dạng hai mắt sáng như đèn pha này của chú, liền thấy lạ lùng. Ngày thường ông chú già chả buồn bước chân ra khỏi cửa, thế mà lần này lại định đích thân xuất mã? Chuyện lạ ngàn năm có một đây, tôi vội hỏi: “Gì cơ ạ? Chú Ba, chú định đích thân đến đãi đống cát này thật à?”.

Chú vỗ vai tôi: “Mày không hiểu à, nói cho mày biết, mộ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh có của báu, nhưng tối đa chỉ có thể ở mức xảo đoạt thiên công. Còn mộ cổ hoàng tộc thời Chiến Quốc niên đại hết sức xa, mày không bao giờ lường được bên trong có những gì đâu. Mộ Chiến Quốc là nơi nảy ra các món thần khí, là thứ nhân gian không có! Mày nói xem tao không đi có được không?”.

“Chú có chắc không? Không chừng trong đó chẳng có gì hết thì sao?”

“Không đâu, mày không thấy hình vẽ này à?” Chú chỉ lên khuôn mặt cáo kỳ dị nọ: “Đây là mặt nạ sớm nhất mà người nước Lỗ đeo khi làm lễ tế bằng người sống, trong mộ nhất định là người có thân phận đặc biệt, chưa biết chừng còn tôn quý hơn cả hoàng đế khi ấy”.

Tôi buộc miệng: “Bố của hoàng đế!”.

Chú Ba trừng mắt nhìn tôi, đang định thu lấy tờ giấy in thì bị tôi giữ lại, cười: “Chú Ba, chú đừng vội thu, dù gì thứ này cũng là do cháu kiếm được, lần này chú phải cho cháu đi mở mắt với”.

Chú la lên: “Không được, đãi đống cát này không đơn giản đâu, chỗ đó chẳng phải nơi ngồi mát, còn đầy cơ quan bẫy rập khắp nơi, ngoẻo lúc nào không biết. Bố mày có mỗi mày là độc đinh, mày mà có mệnh hệ gì thì bố mày lột da tao mất”.

Tôi cũng nói lớn: “Thế thì thôi! Coi như cháu chưa đến đây!”, nói rồi tôi giật tờ giấy khỏi tay chú quay lưng đi thẳng. Tôi biết tính chú Ba, gặp được thứ mình thích là không còn biết nguyên tắc gì nữa, thấy đồ cổ hay đàn bà đều thế cả. Nắm được thóp chú, quả nhiên mới đi vài bước chú liền chịu thua, đuổi theo giữ lấy tờ giấy trong tay tôi: “Được, được, được, mày giỏi, nhưng nói trước là lúc xuống hang mày phải đợi ở trên, được chưa?”.

Tôi sướng rơn, nghĩ bụng: Đến lúc ấy cháu muốn xuống chú ngăn được chắc? Vội vàng gật đầu: “Một câu thôi! Ra ngoài cháu nghe chú hết! Chú bảo gì cháu nghe nấy!”.

Chú Ba thở dài ngán ngẩm: “Chỉ tao với mày thôi thì không đủ, mai tao điều thêm vài đứa có kinh nghiệm. Mấy bữa tới tao sẽ phá giải bức tranh chữ, mày giúp tao làm mấy việc”, nói rồi chú viết nhanh đưa tôi một mẩu giấy, bảo: “Đừng có mua đồ giả, còn nữa, chuẩn bị đồ giả dạng đi du lịch, kẻo chưa tới nơi cả lũ đã bị bắt hết rồi”. Tôi gật đầu đồng ý rồi chia nhau ra ai lo việc nấy.

Mấy thứ chú Ba yêu cầu toàn là đồ hiếm, tôi cho rằng ông chú ấy cố ý chơi khó tôi, bởi vì những thứ trong danh sách ở mấy tiệm thường đều không có, ví dụ như đèn mỏ chống nước kiểu phân thế, ống thép rãnh xoắn, đầu thuổng thử đất, dao găm đa năng, xẻng gấp, chùy cán ngắn, dây băng, dây thừng ni - lông… Tôi mất gần mười ngàn mới mua được một nửa, nghĩ mà xót cả ruột, chửi thầm lão cáo già này giàu thế mà bủn xỉn quá.

Ba hôm sau, tôi cùng hai đồng nghiệp đãi cát cũ của chú Ba, thêm cả gã trẻ mua món hàng “xương sống rồng” của chú hôm trước, năm người đi tới miếu Hạt Dưa ở Sơn Đông, rẽ về phía tây, đi tiếp một trăm dặm đến một nơi nọ.

Chỗ này, nói thế nào nhỉ, thật sự chỉ có thể miêu tả là nơi chó ăn đá gà ăn sỏi. Bọn tôi lên xe khách đường dài, rồi đi xe lam, tiếp đến là xe máy, xe bò. Lúc từ xe bò xuống nhìn quanh trái phải trước sau vẫn chẳng có gì ráo. Sau đó thấy một con chó chạy lại, chú Ba tôi hỏi người dẫn đường: “Ông già này, chặng tiếp theo chúng ta cưỡi chó à? Chỉ sợ con chó này nhọc chết mất?”.

“Không đâu.” Lão già cười lớn, “Con chó này dùng để báo tin, đây là chặng cuối cùng rồi, không còn xe gì nữa, phải đi thuyền. Con chó này sẽ đưa thuyền tới”.

“Con chó này còn biết bơi nữa à?”

“Bơi giỏi là đằng khác, bơi giỏi là đằng khác!” Lão già nhìn con chó: “Trứng Lừa, bơi một vòng xem nào!”.

Con chó khôn thật, lập tức nhảy xuống sông bơi một vòng rồi lên bờ giũ lông, nằm bò ra đất le lưỡi thở.

“Giờ vẫn còn sớm mà, nhà thuyền chưa đi đâu. Chúng ta nghĩ một lát làm điếu thuốc đã.”

Tôi nhìn đồng hồ: “Hai giờ chiều rồi mà còn chưa làm, nhà thuyền của ông làm việc kiểu gì đấy?”.

“Chỗ chúng tôi có mỗi mình anh ta làm, anh ta thành thạo nhất, ngủ dậy lúc nào thì làm lúc ấy, có hôm cả ngày không làm, sốt cả vó lên với anh ta.” Lão già cười cười: “Đành chịu, thần sông chỉ nể mặt mỗi anh ta thôi, người khác vào hang núi là khỏi ra luôn, riêng anh ta không sao cả. Nếu các vị biết cưỡi la thì chúng ta cũng có thể vòng theo đường núi, đi một ngày nữa cũng sẽ tới. Nhưng các vị nhiều đồ thế này, cả thôn chúng tôi cũng không đủ la cho các vị dùng đâu”.

“Ồ”, chú Ba vừa nghe nói đến hang núi liền phấn chấn hẳn lên, lôi tấm bản đồ đã phiên dịch ra. Tấm bản đồ này ông giữ như của báu, không cho tôi ngó phát nào. Ông vừa lôi ra tụi tôi liền xúm lại, chỉ có gã trẻ nọ vẫn ngồi im như thóc một chỗ.

Thật ra hai cộng sự của chú Ba rất hòa đồng, đều là người thật thà, chỉ có cái tên kia hệt như cái bình bị bưng kín miệng, suốt dọc đường đến cái rắm cũng chưa đánh phát nào, cả ngày chăm chăm nhìn lên trên như sợ trời sắp sập, ngứa cả mắt! Lúc đầu tôi còn nói chuyện vài câu với hắn, về sau mặc xác luôn, không hiểu sao chú Ba lại dẫn hắn theo nữa.

“Có hang, lại còn đúng là hang ngầm dưới sông, ở ngay sau núi.” Chú Ba nói, “Ông già ơi, hang núi này ăn thịt người được sao?”.

Lão già cười ha hả: “Lời đồn từ mấy đời nay rồi, tôi cũng không nhớ rõ, hồi ấy con sông này chưa thông, trong thôn ai cũng bảo có xà tinh trong đó, có vào mà không có ra. Một ngày nọ cụ cố của anh nhà thuyền chèo một con thuyền nhỏ từ trong động ra, nói rằng mình là người bán hàng bên ngoài tới. Làm gì có người bán hàng nào chèo thuyền đi khắp nơi thế chứ? Mọi người đổ rằng đó là do xà tinh hóa thành, cụ cố anh ta cười bảo thuyền mua ở thôn kế bên, không tin có thể đi hỏi. Mọi người đi hỏi thì đúng là thế thật. Bấy giờ những người khác mới tin, còn tưởng yêu quái trong động đã đi mất, cuối cùng mấy gã thanh niên lớn gan đi thám thính đều không thấy trở ra. Từ đó về sau chỉ có người nhà họ ra vào được. Các vị thấy có lạ không? Sau này nhà họ luôn làm nghề này đến tận bây giờ”.

“Con chó kia không việc gì à?” Tôi lấy làm lạ, “Chẳng phải dùng nó để báo tin sao?”.

“Con chó này nhà anh ta nuôi, nhà khác đừng nói đến chó, bò đi vào cũng không ra được.”

“Chuyện lạ như vậy mà chính quyền không ai lo à?”

“Nói ra phải có người tin mới được chứ.” Lão già đập đập thuốc cũ trong điếu xuống đất.

Chú Ba chau mày, vỗ tay: “Trứng Lừa, lại đây”.

Con chó thật biết nghe lời, lập tức cong mông chạy đến. Chú Ba nhấc lên ngửi, biến sắc: “Không phải chứ, chẳng lẽ trong động có thứ đó?”.

Tôi cũng bế con chó lên ngửi, mùi chó hôi rình khiến tôi sặc sụa. Chủ nhân con chó này lười quá, không biết đã bao lâu rồi chưa tắm rửa cho nó.

Người cộng sự tên là Phan Tử phá lên cười: “Cậu định học chú Ba nhà cậu à, vẫn còn non lắm”.

“Con chó chết tiệt, sao hôi thế nhỉ!” Tôi buồn nôn quá.

“Con chó này từ nhỏ đã ăn thịt người chết đấy.” Chú Ba nói, “Đó là một cái hang thây, chả trách phải đợi đến giờ mới qua được. Gã nhà thuyền này hồi nhỏ chỉ e là cũng…”

“Không phải chứ?!” Tôi sợ đến dựng tóc gáy, câu này chú Ba vừa thốt ra, ngay cả gã trẻ im như thóc kia cũng thay đổi.

Một cộng sự nữa của chú Ba là một người đàn ông cao lớn, chúng tôi gọi y là A Khuê. Vóc người y to gần bằng con bò kéo xe, vậy mà nhát gan lắm. Y lí nhí hỏi: “Thế rốt cuộc cái hang thây đó có gì? Đi vào có xảy ra chuyện không?”.

“Không biết nữa, mấy năm trước tao ở Thái Nguyên – Sơn Tây, cũng tìm thấy một cái hang như vậy, đó là chỗ quân Nhật giết người chất xác. Cứ chỗ nào có hang thây là chỗ đó từng có giết chóc, đó là điều chắc chắn. Hồi ấy thấy hay nên đã thử nghiệm ở đó. Đem nào chó nào vịt lên một cái bè tre, cắm máy quay phim rồi đẩy vào hang. Cái hang cùng lắm chỉ hơn một kilomet, tao chuẩn bị đầy đủ dây điện, vậy mà dây điện bị kéo sạch mà cái bè vẫn chưa qua được bên kia, bên trong tối như hũ nút chẳng biết đã trôi đến đâu rồi. Sau đó định kéo bè về, mới kéo vài phát bỗng dưng bè lật, rồi thì…” Chú Ba khoát tay, “Cuối cùng chỉ thấy một nửa khuôn mặt, ở gần màn hình quá nên không rõ là chó hay là cái gì. Muốn qua kiểu hang này, thời cổ đều cần một bè người sống và người chết cùng qua, nếu là vật sống đi vào sẽ không qua được! Nhưng nghe nói vùng Sơn Tây có nơi người ta cho trẻ con ăn xác người chết từ bé, tích tụ thi khí trong cơ thể, lúc lớn lên sẽ không khác gì người chết, cả ma quỷ cũng không nhận ra. Ông già này, nhà thuyền ở chỗ ông có phải từ Sơn Tây đến không?”.

Sắc mặt lão già hơi biến đổi, lắc lắc đầu: “Chịu, chuyện từ thời ông cố hắn, xa xôi lắm rồi”. Đoạn ông già ngước nhìn trời, gọi con chó: “Trứng Lừa, đem thuyền nhà mi sang đây!”. Con chó sủa lên một tiếng rồi nhảy xuống nước bơi về phía sau núi.

Lúc ấy tôi thấy chú Ba nháy mắt ra hiệu với Phan Tử, Phan Tử lén rút một cái ba lô trong đống hành lý ra đeo lên vai, gã trẻ ngồi bên cũng đứng dậy lấy túi của mình, Phan Tử đi vòng sau lưng tôi nói khẽ một câu bằng tiếng Hàng Châu: “Lão già này có vấn đề, cẩn thận đó”.