Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 8: Sơn Cốc


Chú Ba chau mày: “Có mỗi đầu thôi à? Không có thân?”.

Cô gái đáp: “Vâng, chú bảo có hãi không? Từ hồi chỗ đó bị lở thì chẳng còn đường nào mà đi được. Nếu các chú muốn đến đó thì chỉ còn nước tự đi từng bước một thôi. Mà cháu nghĩ cho dù sang được cũng chỉ có thể đứng nhìn. Đợt trước có mấy toán sang bên ấy rồi, mấy vị đó vừa nhìn núi lở đã lắc đầu quầy quậy”.

Chú Ba nhìn tên Bình Kín Miệng, hắn vẫn nhởn nhơ chẳng có chút phản ứng nào. Chú đành hỏi cô phục vụ: “Thế trước khi núi lở phải có người vào rồi chứ?”.

“Có thì có, nhưng chả được mấy ngày, cuối cùng vào thế nào thì ra thế ấy, chẳng thêm được chứ gì. Lúc đến thì hớn hở, khi về áo quần tơi tả chả khác gì ăn mày, lại còn thối hoắc. Ông nội cháu nói có lẽ họ còn chưa tìm ra đấu ở chỗ nào. Sao ạ, mấy người cũng muốn thử ư?”.

“Trông cô kìa, đã đến đây là phải đi xem sao chứ. Không thì phí công vô ích à?”, chú Ba cười xòa, không nói gì thêm.

Cô phục vụ đi xuống bếp giục đồ ăn, Phan Tử nói: “Xem ra cái đấu lớn chúng ta sắp đi đúng là ở chỗ đó rồi. Theo lời cô em kia nói, cả xe trang bị chúng ta mang theo, chỉ sợ khó mà vận chuyển vào trong núi được”.

“Có trang bị ta đổ đấu kiểu có trang bị, không có trang bị thì đổ kiểu khác. Mộ Chiến Quốc thường là hố đất thẳng từ trên xuống dưới, không có hầm mộ. Không biết cái này có giống thế không. Phải đến hiện trường xem mộ lớn cỡ nào, sâu bao nhiêu. Chỉ sợ nó khác với những cái đấu chúng ta đổ ngày trước. Núi sạt lở ra đầu người, đó chính là Hố Đầu Ma mà các bậc tiền bối nhắc đến. Nó chắc chắn là chỗ ngày xưa họ tế người sống rồi bồi táng.” Chú Ba lấy bản đồ ra chỉ một vòng tròn bên trên, “Mọi người nhìn đi, chính là chỗ này, chỗ này cách mộ chính còn xa lắm. Đám người hồi trước nếu theo cách Tầm long điểm huyệt thì chắc chắn đã dừng lại ở đây. Chỗ này là đầu rồng, thường thì bên dưới sẽ có mộ, nhưng mọi người xem, nếu vào bên trong thêm chút nữa, ở chỗ này là một cái miệng hồ lô, nếu không đi vào thì không thể biết bên trong còn hẳn một cái động tiên. Đấy mới là vị trí đích thực của đầu rồng. Người thiết kế ngôi mộ này hẳn phải hiểu rất sâu về Tầm long điểm huyệt, bày ra một cái bẫy cho người khác chui vào. Nếu tôi liệu không sai thì bên dưới cái đầu rồng giả ắt có mộ giả đầy những bẫy rập!”. Chú Ba thấy chúng tôi nghe say sưa liền đắc ý nói tiếp, “Nếu không có tấm bản đồ này thì cho dù ông tổ chúng ta đến đây cũng dính bẫy. Ngày mai chúng ta phải mang hết những thứ cần thiết theo, trang bị gọn nhẹ lên đường, trước là đi thăm dò đã, nếu không được thì mới quay lại lấy thêm đồ”.

Chúng tôi gật đầu đồng ý, uống thêm chút rượu rồi ai về phòng nấy.

Sau đó đến màn dỡ trang bị. Thời buổi này dĩ nhiên không dùng đến thuổng Lạc Dương truyền thống nữa rồi. Chú Ba lôi ra một cái thuổng thăm dò khảo cổ, cái thuổng này dùng ống thép nối từng đoạn lại với nhau, muốn dài chừng nào thì nối thêm chừng ấy, tiện dụng hơn cán gỗ của thuổng Lạc Dương nhiều. Mộ thời Chiếc Quốc xưa nay thường phải sâu trên mười mấy mét, dùng kiểu thuổng này rút ngắn được nhiều công đoạn. Lôi hết các đoạn ống thép ra, mỗi người vác theo mười khúc và một lưỡi xẻng. Phan Tử có một khẩu súng bộ binh đầu ngắn ngày thường vẫn cất kỹ trong bao da, bây giờ cũng lấy ra dùng. Khẩu súng này ngắn hơn súng hai nòng bán ngoài chợ đen nhiều, có thể nhét vào trong áo mà người ngoài không nhìn ra được. Gã nhét cả súng lẫn mấy băng đạn vào trong ba lô. Chú Ba nói khi xuống dưới dùng súng hai nòng đến xoay lưng cũng không cách nào xoay được, khẩu súng của Phan Tử thực dụng hơn nhiều. Tôi chuẩn bị một cái máy ảnh kỹ thuật số, một con dao găm, nghĩ đi nghĩ lại không còn thứ gì cần mang nữa, vốn tôi cũng mới chỉ là một tay trộm mộ thực tập thôi mà.

Cả đêm im lặng, suốt một ngày đi đường mệt mỏi, tôi ngủ một giấc say, lúc dậy thấy xương cốt mình mẩy đau ê ẩm. Chúng tôi ăn sáng qua loa, mang theo chút lương khô rồi xuất phát. Cô em hôm qua nhiệt tình lắm, gọi hẳn một đứa nhóc trong làng dẫn chúng tôi đi. Đi được chừng hơn hai tiếng đường núi, thằng bé cởi truồng đó chỉ lên phía trước: “Chính là chỗ kia!”.

Tôi nhìn theo, quả nhiên có thể thấy rõ ràng một đoạn núi phía trước bị lở sụt hết cả bùn đất cát đá ra ngoài. Chúng tôi bây giờ đang đứng giữa hai dãy núi. Thung lũng này rất dài, mùa mưa có lẽ ở đây có một dòng sông, nhưng đã bị bùn đá lấp hết, lại thêm mấy tháng hạn nên chỉ còn lại một con suối nhỏ ở giữa.

Hai bên sườn núi rất dốc, căn bản không thể nào đi được. Đường sông phía trước thì lại bị đá trên núi sạt xuống chặn mất rồi.

Tôi vỗ đầu thằng nhóc cởi truồng, bảo nó: “Chú mày về chơi đi, cho anh cảm ơn chị mày nhé!”.

Thằng bé chìa tay: “Cho tờ năm mươi đi!”.

Tôi ngẩn người, thằng bé không nói gì nữa mà cứ nhìn tôi chòng chọc. Tôi hỏi nó: “Năm mươi gì cơ?”.

Chú Ba phá ra cười, móc hẳn tờ một trăm đồng đưa cho nó. Nó giật phắt lấy rồi tung tăng chạy mất.

Lúc bấy giờ tôi mới vỡ lẽ ra, cũng bật cười: “Bây giờ trẻ con miền núi cũng chợ búa ra phết”.

“Người chết vì chim…”, Khuê béo ê a, Phan Tử đá y một cú: “Ông có văn hóa không đấy? Chết vì chim! Ông đi mà chết vì chim đi!”.

Chúng tôi bắt đầu leo núi, đá núi cũng không đến nỗi lỏng lẻo lắm, chẳng mấy chốc chúng tôi đã leo qua. Không đến mức đáng sợ như lời cô em kể, cũng không thấy những cái đầu người. Phía sau sườn núi ban đầu là một thung lũng, rồi dần dần có cây cối. Đi xa một chút liền gặp một khoảng rừng rậm um tùm. Không biết hệ sinh thái nơi đây sinh trưởng như thế nào nữa.

Lúc này chúng tôi trông thấy bên trong thung lũng dưới vách núi có một lão già đang gánh nước. Tôi nhìn kỹ mới biết, tổ sư nhà nó, chính là lão già chết tiệt đã dẫn chúng tôi vào hang thây. Lão già bất thình lình thấy chúng tôi thì sợ đến nỗi rơi tùm xuống suối, lóp ngóp bò lên bỏ chạy. Phan Tử vừa cười vừa mắng, ông giỏi thì chạy đi, rồi gã rút khẩu súng ngắn ra bắn một phát vào bãi cát ngay dưới chân lão già. Lão già sợ quá nhảy dựng lên, lại bỏ chạy về phía sau. Phan Tử bắn liền ba phát, mỗi phát đều trúng dấu chân lão. Lão già cũng khôn, thấy mình bị đối phương lôi ra giỡn, biết không chạy thoát nổi liền quỳ thụp xuống.

Chúng tôi chạy xuống dưới, lão già dập đầu lạy chúng tôi: “Các ông lớn tha mạng, lão già này thực sự cũng không còn cách nào khác nên mới dòm ngó đến mấy ông lớn, không ngờ các ông là bậc thần tiên. Tôi đúng là có mắt không biết Thái Sơn!”.

Vừa nói lão vừa khóc tu tu, nước mắt nước mũi giàn giụa. Chú Ba hỏi: “Sao, tôi thấy ông cũng khỏe mạnh lắm cơ mà, làm sao lại không còn cách nào khác chứ?”.

“Thật chẳng dám giấu các ông, thân già này của tôi đúng là đang mang bệnh. Các ông nhìn bề ngoài tôi cứng cáp thế này, chứ thực ra ngày nào tôi cũng phải uống mấy thang thuốc đấy. Ông xem, tôi đi gánh nước về sắc thuốc đây này”, lão chỉ vào thùng nước bên cạnh.

“Tôi hỏi ông, lão quỷ già này, sao lúc trong hang bỗng dưng không thấy ông đâu nữa?”

“Tôi nói ra thì các ông lớn sẽ không giết tôi nữa chứ?” Lão già nhìn chúng tôi.

“Yên tâm, giờ là xã hội pháp trị”, chú Ba nói, “Khai thật sẽ được hưởng khoan hồng, kháng cự sẽ bị trừng trị nghiêm khắc”.

“Vâng, vâng, tôi khai thật”, lão già nói, “Thực ra cũng chẳng có gì khó hiểu, các ông đừng nghĩ cái hang đó là hang thẳng, trên đỉnh hang có không ít hốc nhỏ, mấy cái hốc đó đều rất kín đáo, nếu các ông không để ý tìm thì khó mà phát hiện ra. Tôi đã nhằm lúc các ông không chú ý mà đứng dậy chui vào trong hốc. Đợi thuyền của các ông đi qua tôi mới ra ngoài. Con Trứng Lừa nghe tôi huýt sáo đã kéo một cái chậu gỗ vào, tôi đã ra ngoài như thế đấy. Chuyện xong xuôi gã nhà thuyền Lỗ lão nhị kia sẽ chia phần cho tôi. Kỳ thực tôi cũng không cầm nhiều”. Lão chợt nhớ ra điều gì, liền hỏi: “Đúng rồi, Lỗ lão nhị đâu? Cũng mất mạng trong tay các ông rồi ạ?”.

Phan Tử làm động tác cứa cổ, “Đã tiễn hắn đi báo danh âm phủ rồi”.

Lão già thoạt nghe thì ngẩn người, rồi chợt vỗ đùi đánh đét: “Chết hay lắm, thực ra tôi cũng không muốn làm chuyện đó đâu nhưng tên Lỗ lão nhị bảo nếu tôi không làm thì sẽ xử luôn tôi cả thể. Các ông thấy đấy, tôi cũng là bất đắc dĩ thôi, các ông tha cho tôi với”.

“Ông thôi cái trò đó đi”, chú Ba nói, “Ông ở chỗ nào? Sao lại đến đây gánh nước?”.

“Nhà tôi ở trong ngọn núi kia”, lão già chỉ lên một cái hang trên núi, “Ông thấy đấy, tôi thân già cả, không có ruộng vườn gì, con trai lại chết sớm, nhà cửa chẳng có, tôi bây giờ chỉ biết chờ chết thôi, khổ lắm”.

“Thế chắc ông rành vùng này lắm nhỉ, đang lúc cần, muốn tụi này tha cho ông cũng được, nhưng ông phải đưa tụi này đến một nơi.” Chú Ba chỉ vào rừng rậm, lão già sợ tái mặt, “Ông nội tôi ơi, chắc các ông đến đây đổ đấu phỏng, cái đấu đó không đổ được đâu! Bên trong có yêu quái đó!”.

Tôi nghe lão nói vậy liền biết ngay có cửa, chắc chắn lão già này biết được điều gì đó. Chú Ba hỏi lão: “Sao? Ông gặp rồi à?”.

“Ôi chao, mấy năm trước tôi cũng dẫn một toán người vào trong đó, bảo là đi khảo cổ nhưng tôi nhìn là biết đi đổ đấu. Cơ mà đám đó không giống những người khác, đám trộm tép riu tôi gặp hồi trước cứ thấy mộ là trộm, nhưng đám này, chắng giấu gì các ông, nhìn khí độ đã thấy không phải hạng tầm thường. Đám mộ bên cạnh họ chả thèm ngó tới mà nói thẳng luôn muốn vào trong khe núi, hồi ấy làng chúng tôi có mỗi mình tôi từng đến đó, nhóm người ấy hào phóng lắm, trả cho tôi tận mười tờ to. Tôi thấy tiến lóa mắt nên mới nhận lời dẫn họ vào rừng. Cứ đi mãi đi mãi đến chỗ trước kia tôi từng đến, tôi bảo mười tờ bạc của ông không đủ mua mạng sống của tôi. Bọn họ bảo sẽ trả thêm cho tôi mười tờ, tôi lại bảo có trả thêm một trăm tờ nữa tôi cũng không dẫn đường đâu. Người cầm đầu liền trở mặt gí súng lên đầu tôi, hết cách, tôi đành dẫn họ vào sâu bên trong nữa.”

Lão vò đầu nói tiếp: “Rồi họ bảo đến nơi rồi, mừng ra mặt. Hó lắp ráp thứ gì đó ở đấy, bảo cái gì mà ở ngay bên dưới. Chúng tôi tìm một chỗ cắm trại, tối hôm ấy tôi uống hơi nhiều nên ngủ say không biết gì hết, đến khi tỉnh lại, các ông đoán xem, đám người đó biến mất hết sạch, đồ đạc vẫn còn ở đấy, lửa còn chưa tắt. Tôi sợ quá hô hoán khắp nơi, thế nhưng hô cả nửa ngày cũng không thấy ai đáp. Tôi cảm thấy chắc đã có chuyện xảy ra rồi, nghĩ bụng dù sao họ cũng không ở đây, tôi cứ thế chuồn đi cho lẹ”.

Lão già như thể đang nhớ lại cảnh tượng gì đáng sợ lắm, nheo mắt nói: “Mới chạy được vài bước tôi đã nghe có tiếng người gọi mình, ngoái đầu nhìn thì thấy một người phụ nữ trong đội của họ vẫy tay với tôi. Tôi đang định mắng sao mới sáng sớm đã chạy đi mất hút hết cả đám, chợt thất sau lưng cô ta có một cây đại thụ đang nhe nanh múa vuốt, nhìn lên trên mới hãi, tôi thấy cái cây đó treo đầy xác chết, tròng mắt lồi hết cả. Tôi sợ vãi cả ra, chạy một ngày một đêm mới về đến thôn. Ông nói xem, đó chắc chắn là ma cây! Nếu không phải lão già này từ bé đã ăn thịt người chết thì chắc cũng bị con yêu quái đó cướp mất hồn phách rồi!”.

Chú Ba thở dài: “Quả nhiên ông cũng là kẻ ăn thịt người chết!”, nói rồi chú khua tay, Phan Tử hiểu ý liền trói lão già lại. Có lão dẫn đường chúng tôi cũng đỡ được khối chuyện.

Lão già không bằng lòng chút nào nhưng cũng chẳng còn cách nào khác, theo lời lão nói, từ đây đến chỗ lão kể phải đi mất một ngày. Khuê béo đi trước mở đường, chúng tôi tăng tốc theo sau, vừa đi vừa xem bản đồ hy vọng dựa vào bản đồ và trí nhớ của lão già để đến đó trước khi trời tối. Đi được một lúc lâu, mới đầu còn nói chuyện nhưng đi mãi thấy khắp nơi toàn màu lục rồi màu lục khiến mắt hoa lên, chúng tôi cứ ngáp liên tục chỉ chực ngủ.

Bất chợt lão già dừng lại không đi nữa. Phan Tử mắng: “Ông lại định giở trò gì đây?”.

Lão già nhìn bụi cây bên cạnh, giọng run lên: “Đó… là… cái gì?”.

Chúng tôi quay sang nhìn, chỉ thấy bên trong bụi có ánh sáng lấp lóa, không ngờ là một chiếc điện thoại.