Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 10: Cái Bóng


Ban đầu còn tưởng hắn cố ý dọa mình, có điều nhìn vẻ mặt của hắn thì không giống. Bình Kín Miệng cứ không ngừng phát ra tiêng “oạp oạp”, nhưng lại không thấy mồm hắn mấp máy. Bốn người chúng tôi nhìn hắn, cả người lạnh toát, nghĩ bụng chẳng lẽ Bình Kín Miệng hóa ra lại là một “bánh tông nằm vùng”?

Chú Ba nhìn cách thể hiện đáng sợ của hắn, lôi tuột Phan Tử ra ngoài. Bỗng dưng Bình Kín Miệng không phát ra tiếng nữa, cả gian mộ lặng ngắt như tờ. Không biết qua bao lâu sau, tôi bắt đầu hơi sốt ruột đang định hỏi hắn bị làm sao thì cỗ quan tài chợt bật lên và rung dữ dội. Rồi phía trong quan tài đá có tiếng kêu âm u rợn người, tiếng kêu này giống hệt như mô tả của ông nội tôi trong bút ký, thực sự rất giống với tiếng ếch kêu.

Khuê béo thấy vậy, sợ quá ngồi bệt xuống sàn. Tôi cũng nhũn cả gối, gần như ngồi phịch xuống. Chú Ba dù gì vẫn là người từng trải, tuy chân có run lên nhưng còn không ngã gục.

Tên Bình Kín Miệng nghe thấy tiếng kêu này thì sắc mặt càng trở nên khó coi hơn, hắn quỳ phốc xuống hướng về phía quan tài đá dập đầu một cái thật mạnh. Chúng tôi thấy thế liền học theo, tất cả quỳ xuống dập đầu. Bình Kín Miệng ngẩng lên, lại phát ra một tràng tiếng kêu quái dị như đang niệm chú. Chú Ba toát mồ hôi lạnh, khẽ nói: “Không phải cậu ta đang nói chuyện với nó đấy chứ?”.

Cỗ quan tài đá cuối cùng cũng ổn định lại không rung nữa, Bình Kín Miệng dập đầu lạy thêm một lạy rồi mới đứng lên, bảo chúng tôi: “Chúng ta phải rời khỏi đây trước khi trời sáng”.

Chú Ba lau mồ hôi: “Tiểu Ca, chắc vừa nãy cậu mặc cả với ông bánh tông đấy đúng không?”.

Bình Kín Miệng ra hiệu đừng hỏi gì hết: “Đừng chạm vào bất cứ thứ gì ở đây, chủ nhân cỗ quan tài này vô cùng lợi hại, nếu thả ra thì Đại La thần tiên cũng không thoát được”.

Phan Tử điếc không sợ súng, cười hỏi: “Tiểu Ca, cậu vừa mới nói ngoại ngữ gì vậy?”.

Bình Kín Miệng mặc kệ gã, chỉ vào đường hầm phía nam: “Khẽ khàng đi qua, nhất định đừng có chạm vào quan tài!”. Chú Ba định thần lại, nói thực, có một kẻ như thế này ở bên, chúng tôi cũng vững dạ hơn nhiều lắm. Cả đám thu dọn đồ nghề, chú Ba dẫn đầu, Bình Kín Miệng đi chót, bật đèn mỏ tiến thẳng vào trong đường hầm đó. Lúc đi qua quan tài, Khuê béo ép sát lưng lên tường, cố gắng hết sức tránh xa, bộ dạng y cực kỳ khôi hài. Có điều lúc này chúng tôi không ai có tâm trí đâu mà cười nhạo y.

Mộ đạo dốc xuống dưới, hai bên đường hầm có khắc chữ, còn có một ít đồ khắc đá. Tôi xem nhưng không hiểu nội dung. Thực ra tôi làm nghề buôn đồ cổ và thác bản nên cũng có nghiên cứu đôi chút về lĩnh vực này, có thể đọc hiểu được vài từ.

Nhưng tôi có thể nói thế này, cho dù tôi hiểu toàn bộ những chữ đó nhưng cũng rất khó nắm bắt toàn bộ nội dung, bởi không có cái dấu câu nào hết. Người xưa nói năng cực kỳ giản ước, mà còn rất có nghệ thuật. Ví dụ như một chữ “nhiên”, tôi nhớ có một vị vua nước Tề hỏi quân sư của ông ta một câu, quân sư gật đầu cười, bảo “nhiên”, vị vua suy ngẫm mãi không biết chữ “nhiên” này rốt cuộc là đồng ý hay phản đối, cuối cùng lao lực ngã bệnh. Lúc hấp hối mới đem đáp án mình nghĩ mãi này hỏi quân sư xem có phải ý đó không, quân sư vẫn cười bào “nhiên”. Hoàng đế nghe xong liền lăn ra chết.

Chú Ba đi rất thận trọng, mỗi một bước đều mất rất nhiều thời gian, đèn mỏ không chiếu xa được, trước mắt tối thui, đằng sau cũng thế. Cảm giác này giống hệt như khi chúng tôi ở trong thủy động. Tôi cảm thấy vô cùng khó chịu. Đi được khoảng nửa tiếng thì đường hầm bắt đầu chếch lên, chúng tôi biết có lẽ đã đi được nửa quãng đường. Lúc này mọi người trông thấy một cái hang trộm, chú Ba giật thót. Chú sợ nhất là có kẻ nẫng tay trên, vội vàng qua đó xem sao.

Hang trộm này chắc hẳn mới đào cách đây không lâu, đất còn khá mới. Tôi hỏi chú Ba: “Lão già kia bảo hai tuần trước có một toán người vào trong thung lũng, liệu có phải do đám đó đào không ạ?”.

“Tao không nhìn ra được, nhưng cái hang này đào vội, có vẻ như không giống đào để đi vào mà giống như đào lối ra hơn! Sợ rằng chúng ta bị nẫng tay trên thật rồi!”.

“Đừng nản chứ ông Ba, nếu chúng nó đổ đấu ngon thì kiểu gì chẳng theo lối cũ ra ngoài. Xem ra ắt hẳn có biến cố rồi, tôi nghĩ bảo bối vẫn còn đấy”, Phan Tử an ủi.

Chú Ba gật đầu, bọn tôi đi tiếp. Nếu đã có người giẫm mìn thế cho rồi thì chúng tôi không cần phải lề mề thế này thêm nữa.

Cả đám tăng tốc, đi thêm mười lăm phút nữa thì đến một hành lang mở rộng. Đoạn này rộng gấp đôi đoạn chúng tôi vừa đi, trang hoàng cũng hơn hẳn, có lẽ đã đến khu mộ chính rồi. Cuối hành lang này là một cánh cửa khổng lồ bằng ngọc trong suốt, cánh cửa đã mở, chắc bị ai đó mở ra từ bên trong. Hai bên cánh cửa có hai bức tượng quỷ đói, một cái tay cầm quỷ trảo, cái kia cầm ngọc tỷ, toàn thân đen sì.

Chú Ba kiểm tra cánh cửa phát hiện bẫy trên đó đã được phá, chúng tôi lách qua khe cửa đi vào, không gian bên trong rất rộng và tối, đèn mỏ sắp hết điện nên chiếu không sáng lắm.

Tuy vậy chúng tôi vẫn nhìn ra kết cấu đại khái, đây có lẽ là mộ chính, Phan Tử lia đèn khắp một vòng, la lên: “Sao lắm quan tài vậy?”.

Trong tình trạng ánh sáng yếu, muốn nhìn rõ trong mộ còn gì là một việc rất khó khăn. Mắt tôi quét qua, quả nhiên hầm mộ kê đầy quan tài đá, mà chỉ cần liếc nhìn thì đã có thể nhận ra chúng được sắp xếp theo một thứ tự nào đó, hoàn toàn không phải sắp xếp theo kiểu ngăn nắp thông thường. Phía trên hầm mộ là đỉnh vòm rộng lớn vẽ đầy bích họa, bốn phía lát đá tảng vuông vắn khắc đầy những chữ nhỏ li ti. Tôi đặt đèn xuống, Phan Tử cũng bỏ đèn của mình gần đó, để cho hai cái chiếu chéo nhau mới nhìn ra đại khái. Tôi trông thấy mé bên hầm mộ có hai buồng nhỏ.

Chú Ba và tôi đến gần cỗ quan tài đầu tiên, đánh lửa soi mới thấy cỗ quan tài này đẳng cấp khác hẳn cái chúng tôi vừa thấy trong hang trộm. Chiếc này khắc đầy hoa văn, tôi xem một lúc không ngờ cũng hiểu được đôi phần!

Chữ trên đó ghi chép lại tiểu sử của chủ nhân quan tài đá. Thì ra chủ mộ là một chư hầu nước Lỗ, người này sinh ra đã có một chiếc ấn ma có thể mượn âm binh từ địa phủ, vì thế đánh đâu thắng đó, được Lỗ Quốc công phong làm Lỗ Thương vương. Một ngày nọ, ông đột ngột cầu kiến Lỗ Quốc công, nói mình nhiều năm mượn âm binh địa phủ, giờ địa quân có tiểu quỷ tạo phản nên phải về địa phủ trả nợ ân tình địa quân (đương nhiên câu gốc không phải thế này), mong Lỗ Quốc công ân chuẩn để ông về địa phủ phục mệnh. Lỗ Quốc công lúc ấy liền chuẩn tấu, Lỗ Thương vương dập đầu một lạy rồi tọa hóa[1] luôn.

[1] Tọa hóa: Từ trong đạo Phật, chỉ ngồi chết.

Lỗ Quốc công cứ tưởng ông sẽ còn quay lại nên đã xây cho ông địa cung này, đưa thi thể ông vào cất giữ với hy vọng khi quay về ông sẽ tiếp tục ra sức cho mình, v. v… cực kỳ lằng nhằng. Bên trong còn thuật lại chi tiết các chiến dịch ông từng đánh, gần như trận nào cũng thế, chỉ cần ấn ma lóe sáng liền có một toán âm binh hiện ra đoạt hồn phách quân địch. Phan Tử nghe tôi giải thích liền cảm thán: “Lợi hại nhỉ, may mà ông ta chết sớm chứ không nước Lỗ đã thống nhất sáu nước rồi”.

Tôi phá ra cười: “Chưa chắc đâu, người cổ đại giỏi bốc phét lắm, Lỗ Thương vương nhà ông biết mượn âm binh, chả lẽ ai đó nước Tề lại không biết mượn thiên binh? Tôi nhớ có một vị tướng quân biết bay nữa cơ, chắc ông đọc qua Sơn Hải kinh rồi chứ?”.

“Dù sao thì cũng biết được chúng ta đang đổ đấu nhà ai, nhưng ở đây có nhiều quan tài như vậy, cái nào mới là cái chôn ông ta chứ?”, Phan Tử hỏi.

Tôi xem tiếp chữ khắc trên mấy cỗ quan tài khác, nội dung phần lớn đều như nhau. Tôi đếm một lượt thấy có cả thảy bảy chiếc vừa đúng bảy ngôi sao Bắc Đẩu. Trên bảy cỗ quan tài không hề có bất kỳ gợi ý nào. Lúc tôi đang nghiên cứu một đoạn văn tự chưa hiểu thì Khuê béo rú lên: “Mọi người nhìn kìa, cỗ quan tài này đã bị mở ra rồi”.

Tôi lại nhìn thì quả đúng vậy, nắp quan tài không khít hẳn, hơn nữa trên quan tài còn có rất nhiều dấu vết bị cạy còn rất mới. Chú Ba lấy trong túi ra cái xà beng để cạy nắm quan tài lên từng chút một sau đó chiếu đèn vào, Phan Tử kêu lên một tiếng quái dị, nhìn chúng tôi với vẻ mặt nghi hoặc; “Sao bên trong lại có một gã nước ngoài?”.

Chúng tôi nhìn theo, quả đúng là bên trong có một gã nước ngoài, không chỉ vậy, cái xác còn rất mới, chắc chắn mới chết chưa đầy một tuần. Phan Tử định thò tay vào móc đồ thì bị Bình Kín Miệng túm lấy vai, có vẻ dùng sức cực mạnh khiến Phan Tử đau méo miệng, “Đừng có động vào, chính chủ ở bên dưới hắn đó”.

Chúng tôi nhìn kỹ thì đúng thật. Phía dưới gã nước ngoài còn một cái xác nữa, nhìn không rõ hình dáng. Chú Ba lấy cái móng lừa đen ra bảo: “Chắc là một cái ‘lông đen’, tiên hạ thủ vi cường đã”.

Lúc này Khuê béo đứng sau lưng giật áo, kéo tôi sang một bên.

Ngày thường y phóng khoáng lắm, tôi thấy lạ nên hỏi y có chuyện gì. Y chỉ lên mấy cái bóng bị đèn mỏ hắt lên bức tường đối diện, hạ giọng nói: “Cậu nhìn kỹ đi, đây có phải là bóng của cậu không?”.

Tôi bực dọc đáp: “Sao vậy, bây giờ ông sợ cả cái bóng nữa à?”.

Sắc mặt y không tốt lắm, nghe tôi nói vậy khóe miệng liền giật giật mấy cái. Tôi nghĩ bụng chắc không đến nỗi sợ tới mức ấy chứ? Y xua tay bảo tôi đừng nói gì rồi lại chỉ vào mấy cái bóng: “Đây là của tôi, đây là của Phan Tử, đây là ông Ba, đây là Tiểu Ca, cậu thấy rồi chứ? Thêm cả cậu nữa là có tất cà năm cái đúng không?”.

Tôi gật đầu, bất chợt dường như cũng phát hiện ra điều gì. Khuê béo nuốt nước miếng, chỉ lên một cái bóng đứng lẻ loi một mình tách biệt hẳn với chúng tôi, hỏi bằng giọng như sắp phát khóc: “Thế kia là bóng của ai?”.