Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 16: Bàn Tay Nhỏ


Mấy năm nay làm nghề buôn đồ cổ và thác bản khiến tôi tích lũy được không ít kinh nghiệm nhìn người. Làm nghề này quan trọng nhất là nhãn lực, vừa cần biết xem hàng vừa cần biết nhìn người. Tôi nhìn tên mập là biết ngay y không phải người thực tế lắm, muốn dò la tin tức từ miệng y thì dùng kế khích tướng có khi còn hiệu quả hơn. Thế là tôi liền làm bộ không tin, nói: “Nói nghe như đúng rồi ấy, ông mà biết thật thì đã không đến nỗi chạy quắn lên như ruồi mất đầu thế này!”.

Quả nhiên tên mập dính chiêu ngay, y lấy đèn pin ra chiếu lên mặt tôi, nói: “Oắt con không tin à? Ông mập đây trước khi đến đã chuẩn bị mất một tháng trời ròng rã. Các người có biết lão Lỗ Thương vương này làm gì không? Có biết mượn âm binh là thế nào không? Biết ấn ma có tác dụng gì không?”. Thấy tôi im lặng, y đắc chí cười: “Tôi nói cho ông biết nhé, lão Lỗ Thương vương này nói dễ nghe một chút thì là một vị tướng quân, chứ nói trắng ra thì chẳng khác gì chúng mình, đều là dân đổ đấu ráo!”.

Tôi bỗng dưng nhớ ra chú Ba từng nói mấy lời đại loại như thế, có điều tôi không hiểu lắm rốt cuộc thì họ đã nhận ra điều này bằng cách nào. Tên mập nói tiếp: “Nhưng người ta lợi hại hơn tụi này, đổ đấu đổ đến mức được phong vương. Trên sách lụa có ghi lại, đội quân của Lỗ Thương vương đại đa số đều hành quân ban đêm, nghỉ ngơi ban ngày, mà còn thường xuyên biến mất cả một nhánh quân rồi sau đó bỗng dưng xuất hiện ở một nơi khác, những chỗ họ đi qua thường là ‘mồ mả tan tành, hỏi thì bảo là âm binh phá ra’. Ông nói xem, những người làm cách mạng giai cấp vô sản theo chủ nghĩa duy vật chúng ta sao có thể tin trên đời này tồn tại âm binh? Có mà đám đó đi khắp nơi đào mộ ấy! Nếu ai đó phát hiện đất mồ bị đào xới thì bảo đó là do Lỗ Thương vương mượn hồn phách của chủ mộ, thế nên mới khiến tin đồn về việc mượn âm binh lan truyền. Người thời đó rất mê tín, sau này đồn đại càng thêm sắc màu thần thánh.”.

Tôi không tin lắm: “Các ông chỉ dựa vào mấy thông tin này để kết luận có khỏi võ đoán quá không?”.

Tên mập trừng mắt nhìn tôi, trách tôi chen ngang: “Đương nhiên là không chỉ có những chứng cứ này. Chứng cứ trực tiếp nhất là Thất Tinh Nghi Quan đó. Lịch sử có ghi lại đây là thứ dân trộm mộ dùng đầu tiên, bởi vì họ trộm quá nhiều mộ nên sợ sau khi chết cũng phải chịu số mệnh tương tự. Dựa vào kinh nghiệm của mình, họ đã thiết kế ra một cái bẫy quan tài rỗng. Họ cho rằng dù bẫy có tinh xảo đến đâu cũng không thể ngăn cản được dân trộm mộ, chỉ có một cách duy nhất đó là khiến đối phương do dự không quyết định nổi, từ đó khó mà xuống tay! Bảy cỗ quan tài ngoại trừ một cỗ quan tài chính thực sự, sáu cái còn lại bất kỳ cái nào bị mở nhầm cũng sẽ khiến người mở rơi vào cảnh thập tử nhất sinh. Bên trong nếu không phải nỏ ngầm thì cũng là tà thuật. Sau thời Tống, bẫy này mới dần dần được một số người có tài cải tiến. Thứ thiết kế này bắt nguồn từ một nghề nghiệp không đàng hoàng, người thường cho rằng không may mắn, hơn nữa một cái mộ phải đặt những bảy cỗ quan tài thì cũng quá tốn kém”.

Tên mập này trông bề ngoài thô kệch thế mà lại có kiến thức uyên bác đến không ngờ khiến tôi sinh lòng kính phục, nhưng tôi thấy y hình như vẫn chưa nói hết, liền hỏi tiếp: “Nói như ông thì có cách nào phân biệt được quan tài chính ở đâu không?”. Tên mập vỗ vai tôi, có lẽ thấy thái độ tôi thay đổi nên y đắc chí lắm: “Nể mặt đồng chí có lòng hiếu học, tôi sẽ noi gương tinh thần dạy dỗ không mệt mỏi của Khổng lão nhị vậy. Ông nghe đây, không phải là không có cách phân biệt Thất Tinh Nghi Quan! Nhưng theo quy định trong nghề của chúng ta, thường thì khi dân đổ đấu gặp phải quan tài Thất Tinh đều phải dập đầu lạy mấy cái rồi tự giác rút lui, các tiền bối sẽ không trách tội. Trước kia, thời binh hoàng mã loạn, có mấy đạo sĩ lang thang không có cái ăn cái mặc, hết cách nên mới phạm quy. Hồi đó có một vị cao nhân đã nghĩ ra một cách phá bẫy, đó chính là dùng hai cái xà beng nhấc một góc quan tài lên rồi đục một lỗ nhỏ dưới đáy, lấy móc sắt luồn vào xem móc ra được cái gì, làm như vậy sẽ có thể phán đoán được bên trong quan tài có thứ gì”.

Tôi không khỏi cảm thán trước sự đấu trí giữa người thiết kế và dân trộm mộ, thật đúng là có thể viết được hẳn một bộ sách. Tên mập bất chợt ghé lại, ra vẻ thần bí: “Nhưng cỗ quan tài Thất Tinh ở đây chỉ e là đồ giả, cả mộ Lỗ Thương vương này sợ rằng cũng là giả nốt”.

Y lại dùng đèn mắt sói soi vào đường thạch đạo mà chúng tôi vừa rớt xuống lúc nãy để xem có thứ gì bò đến không, sau đó mới nói tiếp: “Lúc trước tôi nghĩ mãi mà không hiểu được chỗ này, nhưng lúc rơi xuống thạch đạo trong mê cung, tôi mới đột nhiên phát hiện, đây hẳn chính một ngôi mộ thời Tây Chu”. Tôi kinh ngạc quá: “Chẳng lẽ chỗ này không phải đường hầm thoát nạn do đội thợ xây mộ đào hay sao?”.

Đúng lúc ấy Phan Tử ở trong góc chợt chửi một câu: “Tôi đã bảo cậu rồi, chỗ này làm sao có thể là lối thoát. Cậu đã thấy ai đào hầm thoát hiểm mà như mê cung thế này chưa? Ai hứng chí đến thế này cơ chứ?”.

Trong lòng tôi đầy nghi hoặc, dường như có ý nghĩ gì đó xẹt qua nhưng lại không nắm bắt được: “Sao lại có người xây mộ của mình lên trên mộ phần người khác? Làm thế này khác nào muốn tuyệt tử tuyệt tôn?”.

Tên mập xoa mồm nói: “Ông cũng là dân đổ đấu, đương nhiên phải biết mấy thuyết phong thủy đó dân đổ đấu chúng ta thấy chẳng có giá trị mấy. Trừ việc phong thủy chỉ dẫn được chút ít cho chúng ta hành nghề ra, tôi thực sự không thấy còn tác dụng gì khác. Phong thủy là một môn học cố vấn, nhưng học vấn của cổ nhân, học vấn của người chết chả liên quan đếch gì đến những thanh niên ưu tú thời chủ nghĩa xã hội này”. Y còn trịnh trọng vỗ ngực mình, “Hơn nữa cái chuyện chôn mình trong mồ kẻ khác cũng có nhắc đến phong thủy, hình như gọi là… gọi là… cái gì nhỉ… Tàng Long Huyệt, đại loại có tên như thế. Cái tên thô thiển đó chúng ta mặc kệ, việc chôn cất chính mình vào huyệt mộ người khác, chỉ cần hợp mệnh, bố trí ổn thỏa thì cũng không sao. Thế cho nên quan tài của Lỗ Thương vương kia chắc chắn ẩn giấu trong cái mộ Tây Chu này, tuyệt đối không sai được!”.

Phan tử nghe y nói thế liền phì cười: “Sao, to xác như ông mà cũng hiểu phong thủy cơ à?”.

Tên mập nổi giận: “Cái gì mà hiểu với không hiểu, nếu tôi không hiểu… làm sao tôi có thể biết nhiều chuyện như thế?”. Phan Tử cười ha hả khiến vết thương nhói đau, gã vội ôm bụng nói: “Không biết ông nghe mớ nhảm nhí này ở đâu ra nữa. Ông mà hiểu phong thủy thật thì hãy đưa bọn tôi ra khỏi cái mê cung này xem? Tôi đã thử lượn bảy, tám vòng rồi mà còn không tìm ra đường đấy”.

Tôi nghe Phan Tử nói thế liền nhớ ra một chuyện, vội hỏi: “Đúng rồi, lúc nãy mọi người bỏ tôi lại chạy mất, ông có biết tôi sợ suýt chết không hả? Đám chú Ba đâu rồi?”.

Phan Tử khó khăn lắm mới ngồi thẳng dậy được: “Tôi cũng không rõ, lúc ấy Tiểu Ca đuổi theo tên mập chết tiệt này. Tuy ông Ba bảo tôi không được đuổi theo nhưng tôi nghĩ bụng tên nhóc đó mỗi lần căng thẳng là đều có chuyện quan trọng. À mà có chuyện này tôi chưa cho cậu biết, tôi cứ thấy mục đích của tên nhóc đó không đơn giản chút nào, tôi không tin hắn lắm, muốn đi xem thế nào nên mới chạy theo”. Gã chau mày, bộ dạng cực kỳ khó hiểu: “Tôi chạy mấy phút chợt thấy đường hầm phía trước có thứ gì đó, vừa chiếu đèn thứ ấy đã xoẹt một cái không thấy đâu nữa. Tôi hơi căng thẳng nên đã đến chỗ ấy xem, giữa khe đá hình như có kẹt một bàn tay người có năm ngón tay dài bằng nhau”.

Tên mập giật thót, miệng mấp máy như đang muốn nói điều gì, nhưng rồi cuối cùng y cũng không phát ra âm thanh nào hết.

Phan Tử nhớ lại những tình tiết lúc ấy, nói: “Thế là tôi liền nhào tới xem sao, cậu cũng biết tôi là thằng không biết kìm chế sự hiếu kỳ của mình, đến cứt còn muốn nếm thử xem mùi vị ra sao nữa. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn sợ, tôi thực sự không ngờ cái thứ giống bàn tay ấy lại bất thình lình thò ra bóp chặt cổ tôi, sức nó cực khỏe, nó bóp tôi gần như nghẹt thở. Lúc ấy tôi không biết phải làm thế nào, may mà trên người vẫn còn con dao găm, tôi vừa giẫy đạp vừa rạch bàn tay đó, phát hiện ra cổ tay nó nhỏ đến phát sợ, gần như chỉ to hơn một ngón tay có chút xíu thôi. Không biết sức nó đâu ra mà khỏe thế, tôi đâm một nhát làm rách một vết dài, bàn tay lập tức buông lỏng rụt về kẽ tường”. Phan Tử xoa xoa cổ, “Con bà nó, tôi nghĩ chắc chắn đằng sau bức tường này có điều mờ ám, thế nên tôi liền đi kiểm tra bức tường. Gõ trái gõ phải một hồi bỗng dưng không biết ấn phải thứ gì, tổ sư nó, cả người tôi rơi xuống!” Gã vỗ lên tường, “Sau này thì hai người cũng biết rồi đấy, tôi rớt xuống một gian nhà đá giống chỗ này, sau đó phát hiện ra đường hầm. May mà bố mày thân thủ tốt nên một lúc cũng nhảy lên được, chứ nếu không thì chắc chẳng biết bao giờ mới gặp được cậu Ba đây”.

“Thế tức là ông cũng không biết tung tích đám chú Ba sao?”, tôi thở dài. Phan Tử hiển nhiên cũng vừa mới biết chuyện mấy người chú Ba mất tích, vẻ mặt gã trở nên vô cùng lo âu. Tôi quay sang hỏi tên mập: “Đồ mập chết tiệt, thế ông xuống kiểu gì? Khai thật ra đi, cái đồ quỷ đó có phải do ông chọc phải không đấy?”.

Tên mập đáp: “Ôi, ông nói thế này thì oan cho tôi quá! Lúc tôi chạy đến chỗ đó thì chẳng rõ có lão già ở đâu ra đã thả con quái vật rồi. Thằng nhóc theo sau tôi trông thấy kêu lên một tiếng rồi cắm đầu bỏ chạy. Tôi ngoái nhìn nghĩ bụng nếu mình phải kiều mạng với con quái này chắc cũng không đến mức không có cơ hội thắng, nhưng kiểu gì thì kiểu vẫn phải giữ gìn ngọn lửa làm cách mạng, hơn nữa nhiệm vụ mà tổ chức giao cho tôi còn chưa làm xong, cho nên tôi cũng cắm đầu chạy luôn. Chạy được một chặp, tôi thấy tên nhóc kia dừng lại trước mặt tôi bảo tôi đứng yên đó. Tôi còn chưa hiểu mô tê gì thì hắn đạp một lúc lên tường, tôi liền rơi xuống. Lúc đầu tôi vẫn nghĩ hắn định cứu mạng mình cơ, ai ngờ bên dưới lại lắm bọ thế, mẹ nó!”, nói đến đây, y nhìn quanh như sợ lũ bọ xác lại bò ra cắn mình.

Phan Tử liếc nhìn tôi, nói: “Cậu thấy chưa, thằng nhóc đó có vẻ cực kỳ am hiểu ngôi mộ cổ này, không hề đơn giản đâu, chắc chắn có vấn đề đó”.

Tôi vẫn luôn cảm thấy Bình Kín Miệng là một tên khá được, bởi vì chỉ cần có hắn là tôi liền có cảm giác an toàn. Nhưng nghe Phan Tử nói thế tôi bắt đầu cũng thấy nghi ngờ, suốt dọc đường tên đó hình như biết quá nhiều, giống như hắn lường trước được mọi thứ vậy. Trong ba lô của tôi vẫn còn mấy miếng lương khô tìm được từ chỗ tên mập, tôi nhớ ra đã lâu lắm rồi chưa được ăn gì, liền lấy ra chia cho mỗi người một chút. Phan Tử ăn rất ít, gã bảo nhỡ đâu ruột gã thủng rồi, ăn nhiều lại rớt hết ra ngoài lãng phí, thà để cho bọn tôi ăn còn hơn, bởi vì không biết khi nào mới ra ngoài được. Gã nói thế khiến tên mập tuy đói nhưng cũng ngại chẳng dám ăn nhiều. Tôi đem chuyện mình gặp phải kể lại cho gã và tên mập, tinh thần cũng dần thoải mái hơn một chút.

Chúng tôi im lặng một lúc rồi nói sang chuyện khác. Tên mập bảo cứ ngồi không thế này mãi cũng không giải quyết được gì, hay là cả đám cứ chui vào đường hầm đá kia thử vận may xem sao. Phan Tử cũng nghĩ như vậy, thế là chúng tôi quyết định nghỉ thêm một lát rồi xuất phát.

Tôi mơ màng ngủ một giấc chập chờn, trong lúc nửa tỉnh nửa mê, đột nhiên trông thấy tên mập đang ra sức nhíu mày đánh mắt với mình. Tôi vốn đã thấy tên mập này vô cùng không đáng tin cậy, cảm giác có chút tâm thần phân liệt. Mọi người nói xem có ai ở trong mộ cổ lại nghĩ ra trò đội bình gốm đi dọa người khác chứ? Loại người này nếu không phải gan to thì chính là óc quả nho. Bây giờ chúng tôi đang trong tình cảnh một kẻ bị thương, ba người mất tích, vậy mà y vẫn còn tâm trí làm mặt nhát ma với tôi nữa. Nếu tôi có sức thì thế nào cũng xông ra nện cho y một trận.

Nhưng đúng lúc này tôi lại phát hiện ra cả Phan Tử cũng đang ra sức nhát mắt với mình, tôi nghĩ bụng: Thôi chết, bệnh tâm thần lây nhiễm được sao? Chỉ thấy hai tên đó cứ thi nhau vỗ vai trái của mình, miệng giật giật như đang nói: “Tay, tay!”. Tôi lấy làm lạ khi thấy hai tên toát hết cả mồ hôi lạnh, nhìn xuống tay mình thì không thấy có gì khác thường, chẳng lẽ là vai? Tùy tiện ngoảnh sang, tôi bỗng phát hiện trên vai mình chễm chệ một bàn tay nhỏ màu lục.