Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 29: Xà Mi Đồng Ngư


Chiếc hộp từ từ mở ra, không gian bên trong chỉ rộng cỡ một ngón tay cái, đặt một con cá bằng đồng nho nhỏ. Tôi lấy ra xem, con cá này trông hình dáng rất bình thường nhưng được chế tác cực kỳ tinh xảo, đặc biệt chỗ lông mày phía trên mắt cá có hình dạng như một con rắn, sinh động như thật khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Thứ này quý báu đến mức nào mà phải cất kỹ thế này?

Lúc ấy chú Ba cũng vừa lôi cái bình xì cắt về, thấy hộp đã mở, chú sửng sốt lắm: “Sao đã mở được rồi? Mày mở kiểu gì vậy?”

Tôi kể cho chú nghe chuyện dãy số, chú chau mày nói: “Càng ngày càng rối, xem ra đám người Tây này cũng không chỉ đơn giản là đi đổ đấu đâu.” Chú cầm con cá đồng lên, mặt chợt biến sắc, ủa lên một tiếng: “Đây chẳng phải là Xà Mi Đồng Ngư sao?”

Tôi thấy có vẻ như chú biết, vội hỏi rõ nguồn cơn. Chú rút trong hầu bao ra một thứ đưa cho tôi. Tôi thấy, cũng là một con cá đồng cực kỳ tinh xảo to cỡ ngón út của tôi, đôi hàng lông mày cũng có hình hai con rắn biển, tay nghề chế tác thuộc hạng thượng thừa, mỗi cái vảy đều được làm vô cùng tỉ mỉ. Có lẽ con cá này cùng chung nguồn gốc với con cá trong hộp, duy chỉ có một điều đáng tiếc là giữa những kẽ vây của nó bị bám đầy cặn trắng tựa bột đá, cặn bám chắc như xi măng, tôi nhìn qua liền biết: “Hàng biển hở chú?”

Chú Ba gật đầu, tôi ngạc nhiên lắm. Hàng biển, chính là thứ đồ cổ vớt từ dưới biển lên, thường thì là đồ gốm sứ Thanh Hoa. Kiếm đồ cổ ngoài biển dễ dàng hơn ở đất liền bởi vì rất nhiều thứ đều lộ hết ra trên bề mặt đáy biển. Có điều dưới biển nhiều vi sinh vật quá nên những thứ vớt lên phần lớn đều bị phủ cặn màu trắng như tro, rất khó làm sạch. Cũng vì thế mà giá trị bị giảm đi không ít.

Tôi thấy nghi hoặc, trong trí nhớ của mình thì chú Ba không hề có hứng thú với loại hàng giá trị thấp này. Tôi hỏi chú: “Chẳng lẽ chú từng đi đổ đấu ngoài biển rồi à?”

Chú Ba gật đầu nói; “Có mỗi một lần, tao hối hận lắm. Nếu lần đó tao kìm được, không đi khuấy vũng nước đục ấy thì chắc giờ tao đã có một đống con cháu rồi.”

Chuyện của chú Ba tôi có biết chút ít. Trước kia chú Ba yêu một cô cũng thuộc hàng nữ trung hào kiệt, thấy bảo hai người quen nhau trong “đấu”, cô gái tên Văn Cẩm, nghe nói là một người con gái khá nết na, nhìn bề ngoài khó mà đoán được cô ấy là dân Mô kim Bắc phái. Chú Ba qua lại với cô khoảng năm năm, nàng thì tầm long điểm huyệt, chàng thì dò huyệt định vị. Hai người nổi danh là cặp Thần điêu Hiệp lữ trong giới đổ đấu. Về sau bỗng dưng nghe nói cô gái mất tích, tôi chỉ biết là sảy tay khi xuống mộ. Đàn bà con gái theo cái nghiệp này vốn đã không phù hợp, người nhà ai cũng tiếc thương cho cô, nhưng dạo đó tôi mới mấy tuổi đầu nên chưa hiểu biết nhiều, chỉ thấy chú Ba thẫn thờ như khúc gỗ suốt một tuần liền, đau khổ buồn bã mãi rồi sau này cũng nguôi ngoai bớt. Chuyện hồi nhỏ nên tôi không nhớ rõ, bây giờ thấy chú có vẻ như sắp kể ra, trong lòng tôi tuy muốn tìm hiểu lắm nhưng cũng không dám tỏ ra nôn nóng: “Hồi gặp chuyện chẳng lành ấy chẳng lẽ là cái đấu ngoài biển ạ?”

Chú Ba thở dài nói: “Lúc đó tao với bà ấy còn trẻ, bà ấy có mấy người bạn học đều là dân khảo cổ, họ lờ mờ đoán ra tao là dân nhà nghề, tao cũng không định giấu. Mọi người chơi với nhau khá thân, về sau bọn họ đi đảo Tề Ânkhảo cổ một vụ đắm tàu, tao đi theo, ai ngờ…”, chú ngập ngừng chừng không muốn nhớ lại chuyện này: “Ai ngờ cái thứ bị chìm dưới nước đó lại khổng lồ đến thế.”

Tính ra thì chuyện cũng đã mười mấy năm rồi, kỳ thực chú Ba không có mấy kinh nghiệm đổ đấu ngoài biển, chắc là bị tình yêu làm cho mê muội nên mới ba hoa trước mặt Văn Cẩm rằng mình từng xuống biển, rằng mình lợi hại ra sao, thế rồi chú đi theo đoàn khảo cổ ra biển. Cả đoàn bao trọn một chiếc tàu của ngư dân, mất hai ngày trời mới đến gần khu vực đảo Tề n. Thời cổ đại nơi đó chính là một trong những đoạn đường nguy hiểm nhất của con đường tơ lụa trên biển, tàu chìm vô số. Chú Ba vừa xuống xem đã sững người, khắp nơi trên đáy biển cơ man là đồ sứ Thanh Hoa vỡ, quy mô đủ khiến ai trông thấy cũng phải trầm trồ.

Văn Cẩm bảo chú rằng những thứ này rớt ra khi tàu đắm, bị nước biển xô dạt khắp nơi. Trước kia mỗi lần ngư dân thả lưới đều vớt lên được bốn, năm món đồ sứ, có điều họ cho rằng những thứ rơi xuống nước là của Long Vương, thường thì đều thả hết xuống.

Thật đáng tiếc, những thứ này gần như đã vỡ nát cả, hiếm lắm mới thấy một món còn nguyên vẹn. Cho dù tìm ra thì bề mặt cũng bám đầy sinh vật biển sống ký sinh khó mà cọ sạch. Bạn của Văn Cẩm đều nhìn nhận những món này dưới góc nhìn khảo cổ nên hưng phấn lắm. Chú Ba thì nhìn mà tê tái, không cảm xúc, nghĩ bụng, bà nó chứ, sao lúc đắm tàu mình lại chưa ra đời, nhưng chú không nghĩ ra rằng thời ấy thì mấy thứ đồ sứ Thanh Hoa này vốn chẳng phải đồ cổ.

Cả đám mò mẫm dưới nước mấy ngày, vớt lên từng sọt từng sọt đồ sứ. Chú Ba thích đồ sứ nên hiểu rõ như lòng bàn tay, tiện tay cầm lên một cái cũng có thể thao thao bất tuyệt cả nửa ngày. Ngay lập tức, chú biến thành lãnh tụ tinh thần của đoàn khảo cổ. Chú họ Ngô, tên Tam Tinh, mấy anh bạn trẻ trong đoàn liền gọi chú là anh Tam Tinh khiến chú sướng rơn, tưởng mình thành sếp sòng của cả đoàn luôn.

Đến hôm thứ tư thì có chuyện xảy ra, một người trong đội khảo cổ đi xuồng cao su ra ngoài, đến tận chập tối vẫn chưa về. Những người còn lại sốt ruột nên cho tàu lớn nhổ neo đi tìm. Sau đó tìm thấy cái xuồng cao su mắc cạn ở một chỗ cách tàu lớn hai kilomet, nhưng người trên thuyền thì không thấy đâu cả.

Chú Ba nghĩ ngay đến tình huống xấu, có lẽ anh ta đi xuống biển kiếm đồ rồi gặp chuyện không hay, vội vàng đeo trang bị lên người, lặn xuống ngay đêm đó. Mò mẫm cả nửa đêm mới tìm thấy xác người nọ, chân anh ta bị kẹt trong một cụm san hô, xác đã trương phềnh. Mọi người kéo thi thể lên bờ, chú Ba thấy tay trái anh ta cầm khư khư một món đó, cạy ra xem thì thấy một cái Xà Mi Đông Ngư. Tuy chết mất một người khiến cả đoàn đau xót nhưng chú Ba cũng đã hiểu ra rằng dưới nước ắt hẳn có thứ gì đó, nếu không người này đã không đến mò vớt giữa đêm hôm như thế.

Chú Ba đoán có lẽ ban ngày lúc rê tìm[1] người này đã trông thấy cái gì đó nhưng không nói ra, định bụng đến tối, nhân lúc không có ai sẽ quay lại kiếm, rốt cuộc lại xảy ra chuyện. Đương nhiên chú Ba không nói suy nghĩ ấy ra, bởi vì người đã chết rồi, nói ra cái đó không còn ý nghĩa nữa. Có điều tay y cầm Xà Mi Đồng Ngư chắc chắn muốn ám thị điều gì đó.

[1] Rê tìm: Dùng thuyền kéo theo người để tìm kiếm.

Ngày hôm sau, chú Ba đem chuyện ra bàn với mấy người, đương nhiên chú đã nói thế này: Đồng chí ABC vì sự nghiệp khảo cổ nên đã làm thêm giờ thêm ca, không may gặp chuyện chẳng lành, nhưng nhìn thành quả lao động trong tay anh ta thì đủ thấy đồng chí ấy đã phát hiện ra thứ gì đó dưới đáy biển. Anh ta đã dùng cả mạng sống của mình để đổi lấy cái Xà Mi Đồng Ngư này, vì thế chúng ta không thể phụ lòng anh ta, v. v… Sau một hồi làm công tác tư tưởng, tâm trạng mọi người cũng khá lên đôi chút, thế là cả đoàn quay lại khu vực xảy ra tai nạn lặn xuống tìm kiếm theo hình thức trải thảm, cuối cùng cũng thấy chút manh mối.

Mọi người tìm thấy ở khu vực phụ cận hơn bốn mươi cái mỏ neo bằng đá khổng lồ (bộ phận của thuyền cổ), kích cỡ lớn nhỏ giống hệt nhau, trên mặt có khắc chữ nhưng không còn nhìn rõ nữa. Chú Ba đoán hơn bốn mươi cái mỏ neo này nếu không phải bị rơi ra từ bốn mươi chiếc thuyền cùng kiểu thì chắc chắn là thuộc cùng một chiếc thuyền. Quá rõ ràng, không thể nào có chuyện bốn mươi chiếc thuyền cùng bị đắm ở một chỗ, dưới kia chắc hẳn là một chiếc thuyền cực kỳ khổng lồ, thậm chí to đến mức cần tới bốn mươi mỏ neo mới cố định nổi.

Chú Ba là người rất rành lịch sử, nghĩ đến đây trong chú bèn nảy ra một suy đoán hết sức táo bạo. Lúc trồi lên mặt nước, chú nói với Văn Cẩm: “Dưới kia hình như có một ngôi mộ chôn cất nơi đáy biển.”