Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 30: Mộ Hai Lớp Tường


Văn Cẩm và chú Ba có lai lịch hoàn toàn khác nhau. Chú Ba là kẻ lông bông, nếu không sinh nhằm nhà thế gia đãi cát thì chắc chắn sẽ trở thành thổ phỉ. Chuyện gì chú cũng phải tính rõ thiệt hơn trước, nhìn người cũng phải nhìn ra chỗ có lợi cho mình. Văn Cẩm khác hẳn, cô là người du học nước ngoài về, tư tưởng cởi mở, chủ yếu là hứng thú với việc đổ đấu, nhất là vừa đổ vừa khảo cổ. Vì thế nghe chú Ba nói vậy, điều đầu tiên cô nghĩ đến chính là giá trị khảo cổ của ngôi mộ cổ kia, lúc ấy cô chỉ muốn nói ngay giả thiết này cho những người cùng đội.

Mộ thuyền chìm chôn đáy biển cực kỳ hiếm gặp, nghe đồn chôn cất bằng cách này chỉ có một mình con trai của Thẩm Vạn Tam[1], vì thế cách nghĩ của Văn Cẩm vô cùng nhân đạo. Thế nhưng chú Ba thì lại lấy làm khó xử lắm, bởi cứ nghĩ đến chuyện những thứ vớt lên bị sung công là chú thấy không thoải mái rồi. Nhưng Văn Cẩm đương nhiên có cách, chỉ cần mỉm cười và trao một nụ hôn liền khiến chú Ba từ một lục lâm hảo hán trở thành một nhà nghiên cứu khảo cổ cống hiến cho đất nước, mà còn hoàn toàn tự nguyện nữa.

[1] Thẩm Vạn Tam (1306 - 1376): Tên thật là Thẩm Phú, người thời hậu Nguyên tiền Minh, tiền tài vô cùng giàu có, từng góp một phần ba số tiền vào công trình xây dựng Tường thành Nam Kinh kéo dài hai mươi mốt năm, là tường thành cổ dài nhất được bảo tồn trên thế giới hiện nay. Dân gian lưu truyền Thẩm Vạn Tam giàu có như vậy là vì có “tụ bảo bồn” (chậu châu báu), bất cứ thứ gì cho vào chiếc chậu này cũng đều trở thành châu báu.

Tối hôm đó chú Ba suy tính cả đêm, chú chưa đổ đấu biển bao giờ nhưng đã trót bốc phét với đám kia rằng mình từng xuống biển, ngày mai nếu không thể hiện thì không được. Chú nghĩ mãi, dưới đáy biển không dùng thuổng được, một là khó dùng sức xới, hai là cho dù đào ra được thì cũng không biết phải làm sao. Đất liền và biển hoàn toàn khác nhau chút kinh nghiệm vụn vặt của chú chắc chắn là vô hiệu. Chú nhớ lại ghi chép trong bút ký của ông nội tôi, đúng là ông từng đổ đấu biển mấy lần, nhưng không thấy có phương pháp đặc biệt nào, chủ yếu vẫn phải xem địa hình cụ thể.

Mộ thuyền chìm chôn đáy biển, kỳ thực chính là xây lăng mộ trên một chiếc thuyền, sau đó tìm một vùng trũng hoặc rãnh ngầm dưới biển rồi đục thuyền cho mộ chìm xuống dưới, lấp đất phía trên. Về bản chất cũng không khác trên đất liền là mấy, chỉ có điều đổi thành đáy biển. Chú Ba nhẩm tính nơi cả đội đang ở ban đầu chắc chắn là một hố trũng nhỏ về sau được lấp bằng. Lúc đánh chìm thuyền, chắc chắn cần rất nhiều mỏ neo để cố định bốn phía. Nói như vậy thì vị trí trung tâm của các mỏ neo, hoặc giả lệch đi một chút ắt hẳn chính là nơi chôn cất.

Chú Ba càng nghĩ càng thấy có lý, tức thì lòng tự tin dâng cao. Thời tiết ngày hôm sau cũng thuận lợi, chú liền dẫn theo mấy người xuống nước lấy dây thừng kết nối đám mỏ neo đá lại với nhau rồi đánh dấu một điểm ở chính giữa. Chú đâm thuổng xuống mấy chỗ quanh khu vực, quả nhiên chếch về mé đông điểm trung tâm, họ đã phát hiện ra phía dưới có những thanh gỗ.

Tiếp đó cả đội dùng phương pháp định vị truyền thống, không ngờ lại xác định ra được một địa cung hình chữ “Thổ” [2] khổng lồ, tổ thành từ hai gian buồng mé, hai gian buồng phụ, một thông đạo và một gian hậu điện, diện tích công trình ước khoảng hơn một ngàn mét vuông, trong đó hậu điện là rộng nhất, dài hơn mười mét, rộng hơn mười mét. Xem ra đó chính là chỗ đặt quan tài.

[2] Chữ “Thổ”: 土

Chú Ba ngẩn người, thầm chặc lưỡi không biết nhân vật trong cái đấu này là ai, trông kiểu này thực sự không đơn giản chút nào. Quy mô cỡ này có thể sánh ngang với lăng hoàng đế được.

Đêm hôm đó tất cả mọi người ai cũng hưng phấn đến mất ngủ, cả đám tụm lại vừa ăn hải sản vừa thảo luận cách đi vào. Chú Ba phân tích cho mọi người nghe kết cấu của mộ thuyền chìm. Mồ chôn kỵ nhất là nước, gió không biết minh điện[3] bên trong đã bị ngấm nước vào chưa. Nếu đã ngấm nước thì chỉ cần đục một lỗ nhỏ là có thể đi vào. Mọi người đều có đồ lặn, chắc vấn đề không lớn lắm. Nếu hầm mộ dưới kia vẫn còn phong kín thì hơi khó xử lý, bởi vì một khi đục hở để nước xối vào thì có nguy cơ tạo thành hậu quả tai hại. Nhìn những mảnh gỗ lấy được khi đâm thuổng thăm dò thì phía dưới có lẽ vẫn còn không khí. Toàn thể ngôi mộ rất lớn, dễ dàng tạo thành kết cấu lỗ chân lông, có khả năng mấy phòng bên trong vẫn còn nhiều không khí.

[3] Minh điện: Chỉ nơi đặt quan quách của chủ mộ.

Cả bài lý luận của chú Ba được đúc rút từ nhiều năm kinh nghiệm đi trộm mộ, đám mọt sách nghe chú nói mà ai nấy cứ gọi là há hốc mồm. Cuối cùng chú đúc kết lại tất cả vấn đề khó khăn đều tập trung ở việc làm cách nào để khoét hang, dưới nước toàn là cát, rất khó định hình và dễ dàng lún sập. Chuyện này không phải trò đùa, ở dưới nước mà bị đè bẹp thì chỉ còn đường chết. Cuối cùng cả đội sau một hồi thảo luận ngược xuôi đã quyết định dùng một cách cũ rích, trên tàu có mìn chuyên dùng đánh cá, trước tiên cho nổ ở bên cạnh tạo thành một hố đất, đám cát trên bề mặt sẽ bị vụ nổ đánh bay đi để lại lớp bụi đáy biển phía dưới khá chắc, sau đó khoét một đường hầm chênh chếch xuống sâu. Đây là một công trình lớn nhưng cả đội ai cũng hừng hực đấu chí. Chú Ba tính toán một chặp, có lẽ mất khoảng một tuần. Nhưng thi thể người nọ vẫn còn ở trên thuyền, nếu không đưa về thì sẽ bốc mùi lên mất.

Cả đội nghĩ ra một cách chữa cháy, trước tiên cứ để thuyền lớn mang cái xác về, mọi người làm việc trên thuyền nhỏ. Vì mấy ngày đó thời tiết rất đẹp nên ai cũng yên tâm, cả đám buộc ba chiếc thuyền con lại với nhau rồi chuyển tất cả những trang bị cần thiết lên trên một tảng đá ngầm.

Ngày hôm sau thuyền lớn lên đường trở về, chú Ba thấy hơi bất an một chút. Thuyền lớn đi rồi thì cả đội đã mất chỗ dựa giữa chốn biển khơi. Nhưng lúc bấy giờ ai nấy đều phát cuồng lên vì ngôi mộ, chỉ hơi gợn một chút rồi lại lao đầu vào công việc. Hang trộm khoét khá thuận lợi, tốc độ nhanh hơn chú Ba ước tính nhiều. Thế nhưng bốn ngày trôi qua, khi cả đội đã khoét đến tường mộ mà vẫn chưa thấy thuyền quay lại, mọi người bắt đầu lo lắng. Chú Ba bây giờ chỉ còn nước tiếp tục làm việc thì mới giữ được trật tự ổn định, nếu không có khả năng sẽ gây ra khủng hoảng mất. Chú an ủi cả đội, thi thoảng lại nói mấy lời cổ vũ nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của mọi người.

Một mảng tường mộ xuất hiện ở cuối hang, chú Ba gõ nhẹ, mấy viên gạch này rỗng ruột, có lẽ để giảm thiểu trọng lượng cho cả ngôi mộ, nếu không thì cho dù thuyền lớn đến mấy đáy thuyền cũng không đỡ nổi. Chú trông thấy cứ cách năm mét lại có một lỗ nhỏ đường kính bằng cái bút máy đục trên tường, xem ra khi thiết kế ngôi mộ người ta có ý dùng nước để bịt kín mộ. Bên trong tường có lẽ đã đầy ứ nước. Mọi người tập trung tinh thần dỡ gạch.

Trước khi vào trong mộ, thực ra chú Ba đã từng tính đến chuyện ở dưới nước sẽ không có cơ quan bẫy rập gì hữu dụng, bởi vì sức cản của nước biển rất lớn, nếu cài nỏ ngầm thì giả sử chưa mục nát cũng chỉ bắn ra được mấy mũi tên chậm rì. Hố bẫy cũng không khả thi, bởi vì chưa tính đến chuyện căn bản không thể rớt xuống được, mà cho dù có rớt xuống cũng dễ dàng bơi lên. Những loại cơ quan thả đá khác đều cần dùng thủy ngân kích hoạt, vì thế ở dưới nước chúng hoàn toàn mất tác dụng, tốc độ chảy của thủy ngân trong nước cực chậm mà lại còn dễ tan ra. Kỳ thực nước chính là một cái bẫy trí mạng, thời cổ chưa có các thiết bị trợ khí, hoàn toàn không thể đổ đấu biển, bởi vậy cái đấu này gần như không có khả năng tồn tại bẫy rập.

Cả đội dỡ bức tường mộ xuống, bên trong là một mảng tối trống trải. Chú Ba bảo rằng không thể dựa dẫm vào mấy người này nên đã bảo họ đừng đụng chạm gì, một mình chú bật đèn chui vào trước. Mới vào được một mét đã gặp một bức tường nữa, vách tường bên trong được xây bằng loại gạch lớn hơn tầng ngoài nhiều, hơn nữa còn được phong kín bằng đất sét trắng. Chú Ba bị kẹt giữa hai bức tường, soi đèn một vòng xung quanh thì phát hiện ở bức tường trong phía trên đỉnh đầu mình có một cửa hầm mộ hình vuông rộng chừng nửa mét. Chú Ba hiểu ngay đại khái vấn đề, xem ra muốn vào trong mộ không thể chỉ dựa vào đào khoét.

Trở lại mặt nước, cả đội trèo lên một tảng đá ngầm họp bàn. Chú Ba nói: “Ngôi mộ này có hai tầng tường, giữa tầng ngoài và tầng trong tích đầy nước biển, tiếp đến là một thông đạo dẫn dòng nước xoáy vào trong. Với thiết kế này chắc chắn không gian bên trong khô ráo, tận dụng nguyên lý áp suất khí giữ một phần không khí lại trong gian mộ. Bây giờ không biết đường hầm đó dài cỡ nào, ngày mai chúng ta sẽ xuống dưới ba người, mỗi người cầm theo bốn bình oxy xem có trụ được đến đó không.”

Cả đám ngồi thảo luận qua lại, chú Ba chắc chắn sẽ đi xuống, hai người nữa thì cần bốc thăm. Nếu bên trong ráo nước thì tình huống sẽ khá phức tạp, có thế sẽ rất nguy hiểm. Lúc này Văn Cẩm bỗng nhiên kêu lên khiến cả đám rụng rời, thì ra không biết từ lúc nào tảng đá ngầm mọi người ngồi đã dâng cao. Chủ Ba nhìn xuống dưới, tảng đá vốn dĩ chỉ cách mặt nước biển chưa tới nửa mét, nay đã cao hơn năm mét.

Nhận thấy tình hình không ổn, chú ngẩng đầu nhìn trời, chỉ thấy ở phía đường chân trời xa xa xuất hiện vạch đen đang ập đến. Trong đội có một nam sinh tên là Lý Tứ, bố mẹ làm nghề đánh cá, thấy cảnh này anh chàng sợ tái mặt: “Sắp có bão lớn rồi!”