Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 31: Bão Tố


Anh chàng Lý Tứ này rất giỏi bơi lặn, toàn bộ công việc dưới nước của nhóm đều giao cho gã phụ trách, gã nói: “Trong vòng một giờ đồng hồ nơi này chắc chắn sẽ có một cơn bão cực lớn, nước biển rút xuống nhiều như vậy chính là một bằng chứng. Lát nữa số nước bị áp thấp hút đi tống hết trở về thì sẽ tạo thành một cơn sóng thần cỡ nhỏ. Đội chúng ta chỉ có ba chiếc thuyền con, chỉ sợ không hay cho lắm.”

Gã nói bằng lời lẽ vô cùng tế nhị, nhưng chú Ba quan sát nét mặt thì thấy rõ rằng gã đoán định mười mươi cả đám chết chắc rồi. Mấy người này chưa trải đời nên ai nấy sợ tái mặt, có mấy cô gái òa lên khóc.

Chú Ba cầm tay Văn Cẩm, phát hiện tay cô đẫm mồ hôi. Chú biết cô cũng sợ lắm, hồi ấy chú Ba chưa từng xử lý mấy chuyện này bao giờ nhưng dù gì chú cũng là dân đãi cát chuyên nghiệp, tố chất tâm lý rất vững vàng. Lúc ấy chú không ngừng cảnh tỉnh bản thân không được cuống, giờ mà cuống lên là vô phương cứu chữa!

Chủ kiểm tra lại sĩ số, lúc đến cả đoàn có tổng cộng mười người, hiện tại một người đã chết, một người nữa đã theo thuyền lớn quay về để báo cáo lại vụ việc và những phát hiện dưới đáy biển cho cấp trên. Bấy giờ cả nhóm chỉ có tám người, chú Ba hỏi Lý Tứ: “Cơn bão này sẽ kéo dài khoảng bao lâu?”

Lý Tứ đáp: “Bão mùa hè thời gian thường rất ngắn, chắc chỉ mấy chục phút là tan, nhưng lúc đó mực nước biển ít nhất phải dâng lên năm sáu mét, tảng đá chúng ta đang ngồi đây sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn.” Gã lắc đầu, “Mấy chục phút đó không phải chuyện chuyện đùa đâu, nhỡ mà bị sóng đánh không xô vào đá ngầm chết thì cũng bị cuốn xuống đáy biển. Không phải tôi dọa anh chứ lần này phiền phức lớn rồi.”

Chú Ba cấp tốc suy tính. Đầu óc chú trong nháy mắt nảy ra mấy phương án nhưng rồi lập tức bị gạt ngay. Nếu chèo thuyền hơi trở về thì khác gì tìm chết, chèo nhanh tới mấy cũng không thoát được cơn bão. Nếu đeo máy thở trốn xuống nước cũng không được, vì khu vực biển này chỉ sâu có bảy, tám mét thôi.

Chú Ba nhìn đáy biển gần như lồ lộ ra trước mắt, một kế hoạch vô cùng mạo hiểm chợt nảy ra trong đầu như tia sét lóe sáng giữa màn đêm. Tình thế lúc bấy giờ căn bản không cho phép chú thảo luận tính khả thi với mọi người, chú nói với đám người còn lại: “Chúng ta đừng nghĩ ngợi nhiều nữa, mọi người tập hợp hết bình oxy lại xem còn được bao nhiêu, chúng ta xuống mộ lánh nạn.”

Chú Ba xuống mộ là chuyện thường như cơm bữa nên cũng không có vấn đề gì, có điều những người còn lại đều thuộc hàng mọt sách, đề nghị này quá táo bạo, vừa thốt lên đã khiến cả đám nhao nhao. Chú Ba thấy ý kiến bất đồng liền vội vàng phân tích lợi hại cho mọi người hiểu rõ.

Chú chỉ ra đường chân trời, nói: “Mọi người hãy xem cơn bão này, giờ chúng ta còn chưa có cảm giác gì nhưng chắc ai cũng đã xem phim tư liệu về sóng thần rồi. Thứ này không đùa được, nếu cứ ở đây đợi bão đến thì chết chắc mười mươi, đến xác cũng chẳng tìm được. Trong khi ngay dưới kia có một chỗ lánh nạn sẵn sàng, mọi người ai cũng biết trong mộ cổ chắc chắn có không khí, mà không khí đó chắc chắn là khí tươi, vì ngôi mộ có nước lưu thông. Chất lượng không khí bên trong có lẽ cũng tạm chấp nhận được, đoàn chúng ta không quá đông người, ở trong dó một tiếng rồi ra là cơ hội sống sót duy nhất.”

Chú Ba có năng khiếu bẩm sinh trong chuyện khích lệ người khác, chứ nếu không về sau việc làm ăn của chú sao phát đạt như thế được. Cả đám ai cũng gật gù, lòng nảy sinh một tia hy vọng. Mọi người gom hết thiết bị lặn, xả hơi cho thuyền xẹp lại gấp gọn gàng. Chuẩn bị xong xuôi, chú Ba quy định trước một vài ngôn ngữ bằng tay sử dụng dưới nước với cả đội, bật đèn chống nước lên và dẫn đầu tiến vào trong mộ đạo.

Thiết bị lặn thời ấy là một cái mũ bự chảng trông rất cồng kềnh, nhưng cũng vô cùng chắc chắn, nếu phía trước gặp sinh vật biển kích cỡ lớn nào mà đội mũ này thì con vật đó khó mà nuốt chửng anh được. Chú Ba cố hết sức thả lỏng bản thân, vừa bơi vừa quan sát. Mộ đạo càng vào trong càng hẹp, cứ đà này cuối cùng cả đội có chui lọt qua không cũng là vấn đề. May mà chú đã mang đầy đủ công cụ trên người, cùng lắm thì phá đường mở lối.

Trên vách mộ đạo có rất nhiều phù điêu mặt người, phía trên bám một lớp vật ký sinh dày cộp nên khó mà xác định được triều đại. Mấy người kia chưa từng trải nên nhất thời quên mất tình cảnh khó khăn trước mắt, đua nhau xúm lại nghiên cứu mấy khuôn mặt đó. Chú Ba đau đầu lắm, cứ chốc chốc lại phải dừng để giục họ đi tiếp.

Cả đội bơi về phía trước được khoảng mười lăm phút sau khi rẽ mấy khúc thì không còn nhận ra phương hướng nữa rồi. Chú ba thấy đám người kia lộn xộn quá cần phải chỉnh đốn lại nên đã ra hiệu cho họ dừng bước. Chủ bảo Văn Cẩm kiểm kê sĩ số xem có ai rớt lại không. Bơi trong mộ đạo chật hẹp rất tốn sức, cả đám mệt phờ, thấy hiệu lệnh của chú Ba thì như được đại xá, liền ngã vật ta đất ngổn ngang.

Chú Ba ngán ngẩm nhìn họ, nghĩ thầm làm đầu sỏ thật chẳng dễ chút nào. Chú soi đèn định quan sát phía trước, đúng lúc ấy thì Văn Cẩm vỗ chân chú. Ngoái đầu nhìn thấy vẻ mặt cô hoảng hốt vô cùng, chú thót dạ, nhủ thầm lẽ nào có người rớt lại đằng sau thật

Văn Cẩm luống cuống không biết phải diễn đạt thế nào, cô giơ một ngón tay ra liên tục vẫy trước mặt chú Ba. Chú Ba không hiểu ý cô muốn nói, liền hỏi cô có phải bị thiếu mất một người không? Văn Cẩm nhìn khẩu hình của chú Ba thì lắc đầu, một bàn tay xòe mở, tay kia giơ ra bốn ngón, cả hai tay đặt cạnh nhau, Chú Ba vẫn không hiểu, quan sát ký khẩu hình của Văn Cẩm thì bỗng nhận ra điều cô muốn nói: “Dôi ra một người!”