Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 33: Tấm Ảnh Cũ


Đầu óc quay trở về thực tại, tôi đã hoàn toàn bị câu chuyện cúa chú hấp dẫn nên cứ nghĩ mình đang ở trong mộ cổ, trong vòng tay là Văn Cẩm ấm áp ngọc ngà. Chú Ba hắng giọng một tiếng khiến tôi ngẩn ra, bất chợt phát hiện mình đang ôm gối khiến tôi thẹn quá, thầm nhủ sao mình có thế nảy sinh ảo tưởng về người phụ nữ của chú Ba được nhỉ? Tôi vội đỏ mặt hỏi: “Sao chú không nói tiếp, cuối cùng ra sao ạ?.”

Chú Ba cười khổ: “Chẳng còn gì đáng nói nữa, câu chuyện đến đó là kết thúc, tới giờ tao còn không hiểu lúc tao ngủ thiếp đi trong mộ cổ đã phát sinh những chuyện gì.” Môi chú run lên, “Tao không rõ mình đã ngủ bao lâu, đến khi tỉnh lại thì phát hiện trong căn buồng mé chỉ còn lại mình tao, những người khác không biết đã đi đâu hết. Tao cứ tưởng họ tranh thủ lúc tao ngủ chạy vào hầm mộ chính nên giận lắm. Mọi lần Văn Cẩm vẫn rất nghe lời tao, thế mà lần này lại hùa theo tụi kia làm bậy, tao đang định đuổi theo.”

Chú móc một điếu thuốc ra ngậm trên miệng, sắc mặt có chút khó coi: “Lúc ấy tao chợt thấy cánh cửa trên tường biến mất! Ngoái đầu nhìn thì phát hiện ra chỗ này không phải gian buồng mé nơi tao ngủ thiếp đi mà là một nơi rất lạ, sau lưng tao là một cỗ quan tài làm bằng sụ nam mộc.”

Tôi cười nói: “Với bản lĩnh của chú đây thì dám cá đã không chút do dự vác luôn cỗ áo quan đi, đổ hết đồ xịn bên trong ra ngoài.”

Chú Ba mắng: “Cái rắm, tao nói cho mày biết, lúc ấy tao sợ vãi cả đái ra ấy. Quan tài tao gặp thiếu gì, nhưng cỗ quan tài đó cứ không ngừng rỉ nước ra, hết lớp này đến lớp khác. Mẹ nó chứ, cứ như thể thứ gì đó đang tắm bên trong vậy. Tao nhớ đến mộ ma biển mà gã Lý Tứ đó nói, mày biết thừa tao không sợ bánh tông, nhưng ma biển thì mới gặp lần đầu, tao sợ đến nỗi tè cả ra quần, lại lo nghĩ cho Văn Cẩm nên cao giọng gọi mấy câu mà không thấy ai đáp trả. Đúng lúc đó thì cỗ quan tài bỗng dưng lật úp.”

Chú Ba nói đến đây sắc mặt trông kỳ cục lắm, chú nói tiếp: “Khi ấy tao không kịp nghĩ ngợi gì, thấy tay vẫn cầm mũ liền chụp thẳng lên đầu rồi nhảy vào trong lỗ phun nước. Sau đó tao đã thoát ra ngoài.”

Tôi vội nói: “Không đúng, chẳng phải căn phòng đã biến đổi rồi ư? Sao vẫn còn lỗ phun nước đó?”

Chú Ba xanh mặt, lấp bắp nói: “Còn, đương nhiên là còn, lỗ phun nước vẫn còn. Bà nó chứ mày đừng có chen ngang! Tao đã kể xong đâu!.” Chú định thần lại rồi nói tiếp “Tao cũng mặc kệ có sóng thần hay không, tìm thấy cửa hang là tao bơi ra liền, vừa nhìn đã thấy mặt trời treo trên đỉnh đầu, không biết là đang tầm nào nữa. Tao ngoi lên mặt nước, liếc thấy có mấy chiếc thuyền lớn ở cách đó không xa trông bộ dạng thì có vẻ như đến vớt tụi tao. Tao bèn lên thuyền, hỏi ra mới biết không ngờ đã sang trưa hôm sau rồi. Mày nói xem tao đánh một giấc còm trong mộ sao lại qua cả một ngày được hả?.”

Tôi chăm chăm nhìn chú Ba, giả quá đi, chắc chắn cuối cùng chú còn đụng phải chuyện gì đó có tính quyết định nữa, không hiểu sao chú không chịu kể cho tôi. Lão già này rốt cuộc đã làm những gì trong mộ nhỉ? Mẹ nó chứ, tôi không thể ép lão, nhìn lão kể úp úp mở mở mà tôi ngứa hết cả mề.

Thấy chú không nói gì thêm, lòng tôi lo cho Văn Cẩm lắm, liền hỏi chú: “Thế những người kia đâu? Bọn họ đều không ra ạ?”

Chú Ba ảo não vỗ đùi: “Tao lên thuyền, không biết tại sao mới nói được vài câu đã lăn ra ngất. Về sau được đưa đến bệnh viện tỉnh, hôn mê mất chẵn một tuần. Đến lúc tao muốn quay lại kiếm mọi người thì đã không tìm thấy lão lái tàu đưa bọn tao đến chỗ đó hồi đầu nữa. Ở trên biển nếu không biết tọa độ chính xác thì mày không tìm nổi đâu, mặt biển chỗ nào trông cũng giống nhau.” Chú ngừng lại. “Sau đó đến cục Quản lý sự vụ biển hỏi thăm, đến cả phòng nghiên cứu của đội kia nữa, phát hiện mấy thanh niên ấy mất tích hết rồi, Văn Cẩm cũng mất tích cùng đám đó. Gần hai mươi năm trôi qua, đến bây giờ vẫn không có lấy một chút tin tức, tao thực sự không hiểu nổi ngôi mộ đó là thế nào nữa, đang yên đang lành sao lại mất tích hết được?.” Chú gõ mạnh xuống bàn, mắt đỏ lên: “Bà nó chứ tao ân hận lắm, lúc ấy tao đánh liều để làm gì, nếu tao không đi đổ cái đấu biến ấy thì đám đó bây giờ chắc có cháu bế rồi! Cả Văn Cẩm nữa, tao có lỗi với bà ấy!”

Chú Ba sụt sùi lau nước mắt. Tôi chưa bao giờ thấy chú như thế này nên cũng không biết phải làm sao. Chú cầm cái Xà Mi Đông Ngư lên nói: “Cuối cùng tao cứ nghĩ mãi tại sao chỉ có một mình tao thoát ra được mà những người khác lại không, điều duy nhất tao khác bọn họ chính là trên người tao có món này.”

Tôi nhìn con cá, nghĩ bụng: “Nếu Lỗ Thương vương cũng từng đổ đấu biển, trên tay lão lại có một cái Xà Mi Đồng Ngư như thế này thì có thể nói Lỗ vương cũng có liên quan đến đến ngôi mộ chìm thuyền đó không nhỉ?.” Có điều nghĩ kỹ thì thấy không đúng lắm, hai ngôi mộ có niên đại xa nhau tít tắp, một cái thời Chiến quốc, cái kia đầu thời Minh, có đánh chết cũng không liên quan chút nào. Bí ẩn bên trong, tôi nghĩ mãi mà không tìm ra manh mối.

Chú Ba kể xong chuyện này thì suy nghĩ bắt đầu hơi hỗn loạn, nằm xuống một lát. Tôi nghĩ chú vừa mới trải qua hồi ức đau khổ một lần nữa, phải để cho chú bình tĩnh lại. Ai dè chú bỗng dưng ngồi bật dậy, quay đầu bảo tôi: “Thằng Cả, tao vừa mới nhớ ra một chuyện.”

Tôi thấy mặt chú tái mét, nghĩ bụng chắc chú lại nhớ ra chuyện đáng sợ nào rồi. Chú gãi đầu nói: “Trong số mấy tên nhóc cùng vào đấu biển với tao có một tên hình như rất giống Tiểu Ca im thít kiệm lời kia.”

Tôi nghe mà bại cả da đầu: “Chú không nhớ nhầm đấy chứ, lúc ấy hắn chắc chắn còn bé xíu!.”

Chú Ba nhớ kỹ lại, hai chân mày càng lúc càng nhíu chặt, cuối cùng chú nói: “Thời gian lâu quá rồi nên tao không dám chắc trăm phần trăm, nhưng tao vẫn còn một bức ảnh chụp tập thể hồi đó, cả nhóm chụp trước khi ra biển. Để tao bảo người ở nhà scan một bản gửi qua đây.”

Nói là làm, chú Ba gọi điện về dặn dò. năm phút sau, có email gửi đến. Chú Ba vừa mở ra tôi đã lạnh toát cả người, bức ảnh đen trắng chụp mười người trong đội, hàng trước ngồi, hàng sau đứng. Tôi trông thấy chú Ba thời trẻ ngồi chính giữa hàng đầu, sau lưng chú không ngờ chính là tên Bình Kín Miệng nọ!

Tôi toát cả mồ hôi lạnh, thoạt tiên cứ tưởng mình nhìn nhầm nên nhìn thêm lần nữa, quả đúng là hắn. Ánh mắt và biểu cảm hoàn toàn giống hệt, tay tôi run lên. Chú Ba nhìn tôi đầy nghi hoặc, lời nói nghẹn trong cổ họng hồi lâu mới hỏi thành câu: “Tại... tại... tại sao hai mươi năm rồi mà hắn không hề già đi chút nào?.” Chú nói xong câu này thì bỗng như vừa tỉnh ngộ, kêu lên: “Tao hiểu rồi! Tao hiểu rồi!.”

Tôi thấy chú như phát điên, thất thần tay chân luống cuống không biết làm gì cho phải. Chỉ thấy chú xách hành lý lên bỏ ra ngoài, tôi định níu lại nhưng bị chú gạt ra. quay đầu nói: “Mày ở đây canh Phan Tử, tao phải đi Tề Ânthêm một chuyến ngay mới được!”, nói rồi chú chạy đi luôn không thèm ngoái nhìn thêm lần nào nữa.