Đạo Mộ Bút Ký 1

Chương 74: Tổng Kết


Tôi kiểm tra lại máy móc trên buồng lái thấy vẫn bình thường, nói: “Thuyền vẫn ổn, không giống như gặp nạn… Ông nói xem, có khi nào họ bị hải quân bắt áp tải hết về rồi không?”. Tên mập lắc đầu bảo: “Người đi thì chắc chắn thuyền cũng phải bị kéo theo, để ở đây làm gì? Chắc chắn không liên quan đến hải quân, vùng này loạn lắm, có đủ mọi loại thuyền. Chúng ta đến khoang chứa hàng xem, nếu đồ mất hết thì chắc là gặp cướp biển rồi!”.

Tôi biết chuyện cướp biển, lúc đến ông thuyền trưởng từng kể khá nhiều với tôi, lòng cứ có cảm giác chuyện này không chân thực lắm. Tên mập nói ra vẫn khiến tôi hơi kinh ngạc, hỏi y: “Chỗ này cách bờ không gần nhưng cũng chẳng xa, hải tặc ngông cuồng đến mức đó sao?”.

Tên mập cười tôi ấu trĩ: “Mới quá đi, cậu tưởng quân Giải phóng nhân dân vạn năng chắc? Hổ cũng có lúc ngủ gật nữa là. Tôi nói cho cậu biết, vùng biển này có cả người mấy nước lân cận, ngoài mặt thì không nhìn ra nhưng thực chất hoạt động ngầm diễn ra sôi nổi lắm, không biết bao nhiêu là thuyền buôn lậu, vượt biên, ma túy, hải tặc đâu. Bọn chúng ai cũng có súng trong tay, ở đây xuất hiện một chiếc thuyền không người cũng không có gì kỳ quái”.

Chúng tôi đi vào khoang hàng, mới xuống đã ngửi thấy mùi lá trà. Tên mập đi trước tôi theo sau, nhìn khắp lượt từ trong ra ngoài thấy hàng hóa còn đủ cả, sắp xếp y nguyên như trước lúc chúng tôi xuống biển, thậm chí trên tấm phản chúng tôi từng nằm vẫn còn một tách trà. Tôi sờ thử, nói: “Bà nó chứ, đúng là kỳ quái thật, vẫn còn ấm đây này”.

Tên mập cười bất đắc dĩ: “Chuyện lạ ngày nào chẳng có, hôm nay nhiều hơn hẳn, lẽ nào người trên thuyền này đã bị ma bắt hết rồi?”.

Tôi nói: “Ông nhìn đi, trà mới uống mấy ngụm nhưng tách trà vẫn đậy nắp, chứng tỏ họ đi vội vàng nhưng không hoảng loạn. Gặp tình huống gì sẽ khiến ông bỏ đi vội vàng nhưng không hoảng loạn đây?”.

Tên mập nhún vai nói y không biết. Tôi nghĩ một lúc cũng không tưởng tượng nổi ở đây đã xảy ra chuyện gì, vừa nghĩ vừa quay trở lại buồng lái. Tên mập giật máy vô tuyến lên hô mấy câu cầu cứu nhưng không ai đáp lời. Lúc này tôi trông thấy có cái radio để bên cạnh, liền bật lên nghe vừa vặn nghe thấy tin cảnh báo bão của đài phát thanh Ngư nghiệp Đài Loan.

Lúc lên thuyền chúng tôi đã cảm thấy gió mạnh hơn, có điều giờ đã hoàng hôn nên không nhìn ra xa được. Trong bản tin có dùng một vài thuật ngữ tôi nghe không hiểu, nhưng câu cuối cùng: “Thuyền bè trên biển hãy vào cảng lánh nạn” thì được nhấn mạnh những mấy lần.

Tôi và tên mập xám mặt. Vốn dĩ lúc này chúng tôi chẳng phải quan tâm cái gì hết, chỉ cần nằm đó mặc cho thuyền trưởng nghĩ cách. Giờ người trên thuyền bỏ đi hết rồi, ông trời thật biết đùa với chúng tôi.

Tên mập nhìn đồng hồ nói: “Xem ra chúng ta ở lại đây cũng không phải là cách, chiếc thuyền nhỏ xíu ọp ẹp này chắc lát nữa sẽ bị thổi tung lên trời mất. Tôi lái thuyền ra ngoài, ở chỗ nước sâu nếu gặp bão thì may ra chỉ xóc nảy thôi, chứ ở đây khắp nới toàn đá ngầm, sóng đánh một cái là đụng phải ngay. Cậu đi nhổ neo đi”.

Nói rồi y châm thuốc, bật máy móc lên, động tác cũng ra hồn lắm. Tôi lấy làm lạ hỏi: “Con bà nó, ông có biết lái không? Chuyện này không đùa được đâu, bốn người chúng ta khó khăn lắm mới thoát được, lát nữa bị ông cho đâm vào đá ngầm nuôi cá thì nhục lắm”.

Tên mập nhìn tôi hăng hắc cười, bảo y có năng khiếu. Đừng nói là thuyền, đến máy bay y cũng chỉ cần tọc mạch một chút là lái được ngay.

Tôi nghe mà không biết y có nghiêm túc hay không nên vẫn chưa yên tâm lắm. Tên mập lão luyện kéo cần khởi động, bảo tôi rằng trước kia y tham gia phong trào Lên rừng núi, về nông thôn[1] đã từng làm tổ trưởng tổ sản xuất của đội Đánh bắt cá, mấy ngón cơ bản y cũng biết. Cộng thêm lúc đến y từng xem lái thuyền thao tác, nắm được đại khái kỹ thuật mới rồi, tin rằng nếu không gặp phải bão quá lớn thì lái thuyền về cũng không phải vấn đề gì to tát.

[1] Phong trào Lên rừng núi, về nông thôn: Là một phần của cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, kéo dài từ cuối thập kỷ 1960 đến đầu thập kỷ 1970. Phong trào này đã huy động hàng trăm ngàn trí thức trẻ sống ở các thành phố đi về các vùng nông thôn để sống, lao động và học hỏi kinh nghiệm của những người công nhân và nông dân.

Thực ra cái gọi là “tổ trưởng đội sản xuất” của y chẳng qua là chống sào tre bắt cá dưới khe. Có điều lúc ấy tôi thấy y tự tin lắm, không giống như đang gạt mình nên tôi tin thật, lại còn tung tẩy đi nhổ neo cho y.

Sau khi thuyền chạy, tên mập bảo tôi đừng làm phiền, nói rằng bây giờ vẫn còn ở khu đá ngầm, y phải tập trung tinh lực. Tôi thấy trán y toát mồ hôi, vẻ mặt chăm chú nên biết y đang nói nghiêm túc, liền đi lên boong.

Bình Kín Miệng đang xoa tay cho A Ninh, giúp cô ta tuần hoàn máu. Cô ta có vẻ khá hơn lúc mới lên một chút, nhưng sắc mặt vẫn còn rất khó coi, hít vào thì ít mà thở ra thì nhiều, rất không ổn định. Tôi hỏi Bình Kín Miệng cô ta sao rồi, hắn gật đầu, có lẽ vấn đề không lớn lắm.

Tôi lấy ra chút lương khô chia cho mỗi người ăn một ít. Trải qua bao nhiêu chuyện, tuy lúc này vẫn chưa thoát khỏi nguy hiểm nhưng dù sao cũng đã quay trở lại nơi mà chúng tôi quen thuộc. Vừa thả lỏng tinh thần, cả người liền buồn ngủ. Tôi thay quần áo thường ngày, cuốn một tấm chăn lông tựa lưng vào cửa buồng lái chợp mắt một lúc.

Tôi vốn chỉ định ngủ mấy tiếng rồi đi xem tên mập có cần thay ca không, nhưng đến khi tỉnh lại thì đã sang ngày hôm sau mất rồi, không biết đang là trưa hay chiều nữa.

Tôi nhìn mặt biển bên cạnh, sóng to lắm, loáng thoáng trông thấy có mấy con chim biển bay rất thấp, trời âm u, mây đen kéo đến từng lớp như sắp mưa. Đứng trước cảnh tượng này, con người luôn cảm thấy mình nhỏ bé. Thứ áp lực này ở trong thành phố không thể nào so sánh được.

Tôi liếc nhìn buồng lái, tên mập cuộn người ngủ một bên ngáy to như sấm, Bình Kín Miệng đang lái thuyền. Tôi vừa tỉnh ngủ, tuy cảm thấy tình hình không ổn lắm nhưng cũng không quá để ý, tiếp tục quay đầu ngủ tiếp cho đến tận trưa mới bị tên mập gọi dậy.

“Đồng chí ‘thiên chân vô tà [2] ơi, ăn cơm thôi, tự cầm đũa đi”.

[2] Thiên chân vô tà: Ở đây có thể hiểu là “hồn nhiên như cô tiên”. Nhân vật chính tên là Ngô Tà, đồng âm với “vô tà”. Vương mập dùng cụm từ “thiên chân vô tà” để trêu cậu quá hồn nhiên ngây thơ, về sau có đôi lúc Vương mập gọi tắt thành Thiên Chân.

Tôi mở mắt thấy tên mập đã nấu một nồi lẩu cá, đang dùng đũa quấy. Nước dùng đã ngả sang màu trắng đục, vừa chín tới. Tôi nhìn con cá khá quen, hình như chính là con cá mú của ông thuyền trưởng. Cười thầm một tiếng, con cá này tên mập thèm nhỏ dãi từ lâu nhưng ông thuyền trưởng sống chết không cho ăn, nói để đem bán cho khách sạn. Ai ngờ cuối cùng vẫn không thoát được bàn tay tên mập.

Tên mập bận rộn bóc hành, bỏ ớt, lóc cá, xem ra y cũng là tay nhà nghề. Tôi cười nói: “Mập, ông được đấy, chiêu này học ở đâu thế?”.

Y nói: “Ông đây lúc tham gia phong trào Lên rừng núi, về nông thôn không vợ không mẹ, việc gì cũng phải tự làm. Hồi ấy ở vùng núi chuyên đi săn bắt cá, chọc tổ ong, có gì chưa từng làm chứ. Mỗi nồi canh cá tép riu này, chuyện vặt thôi”.

Tôi giơ ngón tay cái lên với y: “Anh mập, ông mập, tôi rất hiếm khi thực lòng khâm phục ai. Bà nó chứ, ông quá lợi hại, tôi phải học tập ông”.

Y không khoái món này, mắng: “Bớt nịnh đi, muốn ăn thì mau ăn, không ăn cút ra chỗ khác, đừng có bắn nước bọt vào đây!”.

Đương nhiên tôi sẽ không bỏ qua món ngon, vội vàng cầm đũa lên tranh cướp. Chưa đầy hai mươi phút con cá nặng cân rưỡi đã chui hết vào bụng chúng tôi, tôi ăn no đến nỗi ợ chua liên hồi.

Tên mập ăn no rồi liền đi thay ca cho Bình Kín Miệng. Chiếc thuyền này có chế độ tự động lái nhưng chúng tôi không biết dùng, nếu không thì thuyền tự chạy cũng được. Tên mập ăn no uống say rồi một tay cầm bánh lái, tay kia móc viên dạ minh châu ra ngắm, miệng ngâm nga hát: “Cô em trong lầu trúc, lung linh chói mắt như dạ minh châu”.

Y ư ử hát, thấy tôi ngồi ngẩn đó liền đưa viên ngọc cho tôi, nói: “Đằng nào cậu cũng rảnh, định giá giùm tôi xem đáng bao nhiêu tiền cái”.

Tôi đón lấy viên ngọc xem xét, nói: “Giả đấy, không phải dạ minh châu”.

Tên mập suýt ngất, y trừng mắt nhìn tôi. Tôi vội an ủi: “Đừng kích động, giả nhưng vẫn đáng tiền. Đây là Ngư Nhãn thạch. Ông có biết thế nào gọi là ‘mắt cá lẫn châu’ không? Là chỉ cái này đấy. Thứ này rất hiếm gặp, phải xem có người mua không. Lúc mới nhìn tôi đã biết rồi. Ông nghĩ xem, một cái bảo đỉnh mà gắn nhiều dạ minh châu như vậy, ông nghĩ Uông Tàng Hải là ai chứ? Có khả năng không? Cả hoàng thất Trung Quốc tích lũy mấy trăm năm cũng không nổi mười viên ấy”.

Tên mập nghe thế lòng cũng dịu đi phần nào, chửi: “Bà nó, sau này cậu nói chuyện thì đừng có nói nửa chừng, ai yếu tim chắc bị cậu làm cho nội thương mất. Cậu tính thử xem thứ này đáng bao nhiêu?”.

Tôi chưa qua tay món này bao giờ nên chỉ có thể đoán đại khái mấy khách hàng tôi quen trả được từng nào. Tôi báo ra vài giá, tên mập đều không hài lòng, nói y dùng mạng đổi về, nếu không được giá thì thà để ở nhà làm đèn chứ không chịu bán. Tôi thở dài, nói: “Được, lần trước ở Tế Nam tôi có quen một khách sộp, để về tôi hỏi hộ ông. Tôi đoán chắc đổi lấy một căn biệt thự không thành vấn đề, ông đừng nghĩ nữa”.

Tên mập nói: “Vậy cậu phải cố vào nhé, biệt thự của tôi trông cậy cả vào cậu đấy. Mà này, nếu sớm biết thế thì nhịn thêm mấy phút kiếm viên nữa chắc đổi được cái máy bay nhỏ về lái ấy chứ. Chúng ta cũng học theo tỷ phú Mỹ xem thế nào”.

Tôi thấy y nằm mơ giữa ban ngày, mơ đến tận trời rồi nên cũng mặc kệ. Y cất viên ngọc vào túi quần, hỏi tôi: “Lần này không tìm thấy chú Ba cậu, cậu có dự định gì không? Tôi thấy chuyện này chưa xong đâu, cậu còn mệt đấy”.

Tôi vốn định quay về lục tung nhà chú Ba lên xem rốt cuộc chú đang giở trò quỷ gì, nghe tên mập hỏi lại không thể trả lời thực, đành cười: “Tôi còn làm gì được nữa, về nhà tiếp tục bán hàng. Cái đấu này tôi tuyệt đối sẽ không quay lại, kiếm tiền nhưng mất mạng, lỗ lắm”.

Tên mập phá ra cười, cũng không nói gì thêm.

Mấy tiếng sau chúng tôi đến đảo Hà Giải, trên đảo đang chuẩn bị phòng chống bão, có rất nhiều ngư thuyền vào lánh nạn. Chúng tôi chỉnh trang lại hành lý rồi thừa lúc hỗn loạn bỏ thuyền chạy lên. Tên mập cõng A Ninh lên viện quân y trên đảo trước, sau đó chúng tôi kiếm một nhà khách nghỉ tạm. Ngư dân thường thì đều ở lại trên thuyền của mình để kịp ứng phó khi có chuyện. Bão sắp đến nên không có mấy du khách, nhà nghỉ cơ bản đều trống.

Chúng tôi ở lại đảo cho đến tận khi các chuyến tàu khôi phục lại, đại khái khoảng bảy ngày. Trong thời gian ấy đã thảo luận mấy lần về ngôi mộ đáy biển, rút ra được không ít nhận thức chung.

Đầu tiên chúng tôi đều thừa nhận đây là mộ của Uông Tàng Hải, nhưng kim thân xếp bằng trên bục đá có phải ông ta hay không thì không khẳng định được. Bởi vì cái xác khô đó rõ ràng đã bị người khác động chân động tay vào. Uông Tàng Hải tuy cổ quái nhưng cũng không đến mức điên rồ bệnh hoạn như thế.

Thứ hai, Vân Đỉnh Thiên Cung ở trên Trường Bạch Sơn. Còn về bên trong chôn cất ai thì chúng tôi không biết, chỉ có thể đoán chắc là một người Mông Cổ, rất có khả năng là một người phụ nữ có thân phận địa vị cực kỳ đặc biệt.

Thứ ba, Xà Mi Đồng Ngư xuất hiện trong Lỗ vương cung và ngôi mộ đáy biển, lục lạc đồng sáu cạnh cũng xuất hiện ở cả hai nơi, chứng tỏ lục lạc đồng sáu cạnh và Xà Mi Đồng Ngư rất có thể liên quan đến nhau. Lỗ Thương vương là dân trộm mộ, Uông Tàng Hải là dân xây dựng, hai người họ chỉ có một điểm chung duy nhất là thường xuyên khoét đất. Có phải họ đã đào được thứ gì đó ở nơi nào đó, điều này cũng chưa biết được.

Thứ tư, là điều tên Bình Kín Miệng đưa ra. Hắn vẽ một bức phác thảo cho chúng tôi xem, vẽ lại lộ tuyến hành động của chúng tôi trong mộ cổ, vạch đại khái kết cấu ngôi mộ, sau đó chỉ vào mấy chỗ. Những khu vực này kẹp ở giữa gian đỉnh (nơi chúng tôi đục lỗ) và căn phòng dưới đáy, có lẽ còn mấy gian phòng nữa. Bình Kín Miệng ước tính kết cấu ngôi mộ hơi giống hoàng lăng thời Chiến Quốc, mấy gian phòng lơ lửng, một trong số đó có lẽ là hố chim thú hiếm, những thứ kỳ lạ cổ quái kia chưa biết chừng đều xuất phát từ đây.

Tôi nghe mà toát mồ hôi, hỏi hắn: “Ý cậu là lão Uông Tàng Hải đó bắt Hạn Bạt với Cấm Bà về làm thú cưng à? Bà nó chứ, lão này dị hợm quá!”.

Bình Kín Miệng gật đầu, nói: “Ông ta không phải người đầu tiên, mấy hoàng lăng thời Thương Chu, Thủy Hoàng lăng cũng có. Nhất là Uông Tàng Hải mê mấy thứ này, ông ta làm như vậy cũng không có gì lạ”.

Những lúc rãnh rỗi thi thoảng tôi lại lấy máy tính xách tay ra lên mạng định tra tư liệu về Uông Tàng Hải, nhưng thông tin chẳng có mấy, chỉ biết Ma Cao do ông ta thiết kế, còn là sao chép lại hình dạng của một tòa thành khác. Mấy ngày tiếp đó chán muốn chết, gió to không ra ngoài được, ngày thứ tư thì đứt cáp điện thoại, chúng tôi đành phải đánh bài với tên mập. Bình Kín Miệng không mê món này, cả ngày ngồi tựa đầu giường ngó trần nhà, ngó cả ngày không chán. Tôi cũng hết cách với hắn.

Mớ lông trắng trên lưng tên mập về sau mặc kệ, không ngờ tự nhiên lại khỏi. Tôi nghi ngờ rằng nước bọt của tôi có tác dụng thật, cảm giác quái quái thế nào ấy, nhưng tôi không muốn tìm hiểu kỹ chuyện này, về sau cũng quên bẵng đi. Thực ra, đáng lẽ lúc bấy giờ tôi phải thấy không ổn, nhưng vì tính tôi là thế, qua là qua luôn, đáng đời tôi về sau phải chịu bao nhiêu kiếp nạn.

Mấy ngày nay tôi cũng thử hỏi dò thân thế tên Bình Kín Miệng, nhưng hắn cứ như không nghe thấy gì hết, bản lĩnh giả ngu của tên này còn hơn cả A Ninh.

Ngày thứ năm cáp điện thoại nối lại, tôi tiếp tục lên mạng. Lúc này đầu óc tôi chỉ toàn nghĩ về thân thế của Trương Khởi Linh. Một linh cảm chợt lóe, Trương Khởi Linh có thể khôi phục trí nhớ, vậy những người khác nếu cũng có trải nghiệm giống hắn, chưa biết chừng có người đã khôi phục trí nhớ rồi. Nghĩ thế, ma xui quỷ khiến thế nào tôi liền nhập tên hắn vào ô tra cứu. Vừa tra một cái đã ra một dãy cùng họ cùng tên, tôi nhấp bừa mấy cái, phát hiện chỉ toàn những thông tin vô ích.

Tìm kiểu này không được, tôi đưa cả tên chú Ba vào tra, lúc này chỉ còn lại một kết quả. Xem tiêu đề thì là một thông báo tìm người.

Phát hiện này nằm ngoài dự đoán, tôi lập tức cảm thấy hơi nghẹt thở. Nhấp chuột vào đường dẫn, không ngờ chính là bức ảnh cả đội chụp chung trên bến tàu trước khi xuất phát, được scan rồi đưa lên, phía dưới còn liệt kê ra tên tuổi tất cả mọi người. Tôi đọc hết, phát hiện dưới cùng có viết một câu.

Câu nói vẻn vẹn có vài chữ nhưng đã thu hút toàn bộ tâm trí tôi.

“Cá ở chỗ tôi.”