Nhã Tao (Lẳng Lơ Tao Nhã)

Chương 231: Lửa thiêu Đổng họan (2)


Hôm nay Đổng phủ đại loạn, lúc chập choạng tối, Tông Dực Thiện đã lặng lẽ đưa cha mẹ đang làm công ở nhà bếp Đổng phủ trốn ra ngoài. Y tìm được một nhà trọ ở thành Bắc rồi bố trí cho cha mẹ ở đó. Tông Dực Thiện lo lắng nhất vẫn là cha mẹ, nếu không thì năm ngoái y đã không từ Nam Kinh quay về. Nửa năm nay cha con Đổng thị làm nhục y và cha mẹ y khiến cho một chút niệm tình cũ của y đối với Đổng thị hoàn toàn tan biến. Y ổn định cho phụ mẫu xong, chuẩn bị đi tìm Trương Nguyên, nhất thời không biết Trương Nguyên đang ở đâu, đoán rằng Trương Nguyên cũng sẽ đi tìm mình nên quay lại khu vực gần Đổng phủ, may mà gặp được Vũ Lăng và Lai Phúc. Vũ Lăng mời Tông Dực Thiện đến nhà trọ Vũ Hạc, lúc ba người Tông Dực Thiện, Vũ Lăng và Lai Phúc đi khỏi thì nhìn thấy kiệu của Tùng Giang tri phủ từ Đổng phủ đi ra. Tông Dực Thiện đến nhà trọ Vũ Hạc gặp gỡ bọn Trương Nguyên. Trương Nguyên chắp tay hàn huyên chào hỏi Tông Dực Thiện, những người khác thấy Trương Nguyên cư xử tương kính, cũng đều đối xử khách khí lịch sự với Dực Thiện, không dám coi y là người hầu. Nói tới khả năng Đổng Kỳ Xương sử dụng độc kế, Tông Dực Thiện nói:

- Vậy thì để tôi quay lại thăm dò xem sao.

Trương Nguyên nói:

- Không cần đâu, Đổng thị nếu như muốn dùng độc kế, Dực Thiện huynh quay trở lại thì có khác nào dê vào miệng cọp, sẽ không còn đường ra. Đệ sẽ phái người khác đi thăm dò.

Trương Nguyên sai Mục Kính Nham và Lai Phúc đi, đem theo chút ngân lượng để dễ bề hối lộ cho đám nô bộc Đổng thị, Trương Ngạc cũng muốn đi, gã và Năng Trụ đem theo cả kính viễn vọng, Dực Thiện cũng theo đi.

Năm người bọn Trương Ngạc đi tới cửa sau Đổng phủ đợi một hồi lâu, không thấy có người ra kẻ vào. Trương Ngạc trèo lên một cây đại thụ bên bờ sông, dùng kính viễn vọng nhìn vào Đổng phủ. Đêm nay có ánh trăng nhưng loại kính viễn vọng này sao có thể nhìn được trong bóng tối. Mặc dù trong phủ có ánh đèn nhưng nhìn bằng kính viễn vọng thì chỉ thấy những đốm sáng lay động, chẳng thà nhìn bằng mắt thường còn rõ hơn. Mục Kính Nham thị lực tốt, để Mục Kính Nham trèo lên cao nhìn. Mục Kính Nham tập trung nhìn một lúc rồi nói:

- Mọi người trong Đổng phủ đi lại bận rộn, đang chuyển đồ đạc, từ tây chuyển sang đông.

Trương Ngạc vỗ đùi một cái rồi nói:

- Vậy là đúng rồi, Đổng Kỳ Xương quả là muốn dùng độc kế này!

Bọn Trương Nguyên, Lục Thao, Dương Thạch Hương cũng ở cách Đổng phủ không xa chờ đợi tin tức. Nhận được hồi báo của Trương Ngạc, Trương Nguyên lập tức mời bọn Ông Nguyên Thăng, Tưởng Sĩ Kiều đi tập hợp chư sinh nhanh chóng đến Tùng Giang phủ nha. Có đến hơn mười sinh đồ thuê trọ gần Vọng Hải Lầu vừa gọi liền có mặt. Cùng lúc đó, Trương Nguyên cũng lệnh cho nô bộc của mọi người vào các nơi trong thành phát tán thông tin, nói rằng Đổng thị muốn phóng hỏa đốt nhà hòng vu oan cho sinh đồ và bách tính. Kim Lang Chi có chút lo lắng nói:

- Giới Tử huynh, nếu như Đổng phủ chỉ là đang thu dọn đồ đạc để dọn ra trang viên ngoài thành, vậy thì chúng ta chẳng phải là mắc tội vu khống hay sao?

Trương Nguyên nói:

- Chuyện này thà tin là có chứ không nên tin là không, cho dù Đổng phủ chưa nghĩ ra được kế này, chúng ta cứ phải bắt nọn, chặn ngay con đường đi này của lão, cho dù là vu khống thì cũng không sao. Chúng ta có thể nói là Đổng thị tự tính được kế hoạch sẽ thất bại nên không dám hành động phóng hỏa đốt nhà. Việc này Đổng phủ không thể nào tự biện minh được.

Trương Ngạc cười nói:

- Quá hay, cái này gọi là không cần biết có hay không, chúng ta bảo rằng có thì sẽ có, ha ha.

Bởi vì Hoàng Quốc Đỉnh vừa mới qua Đổng phủ, nếu như Đổng Kỳ Xương thực muốn phóng hỏa đốt nhà, vậy thì Hoàng Quốc Đỉnh nhất định là đồng mưu. Thông qua đám tú tài Hoa Đình, Trương Nguyên biết rằng Lý Hình Thính Thôi quan Ngô Huyền Thủy thường ngày không hòa thuận với Hoàng Quốc Đỉnh và Đổng Kỳ Xương, bèn ngay lúc đó cùng một nhóm tú tài đi cầu kiến Ngô Huyền Thủy.

Đã qua thời gian canh ba, Ngô Huyền Thủy đã tắm rửa và lên giường đi ngủ, bị chư sinh đánh thức, rất bực bội. Nhưng khi nghe Trương Nguyên và đám chư sinh khiếu nại, thái độ lập tức thay đổi, trong lòng nghĩ: “Hoàng Quốc Đỉnh ban nãy phái quan sai tới Lý Hình Thính điều hơn bốn mươi sai dịch đi nghe lệnh, hóa ra là để phục vụ cho việc này”. Cảm thấy bực tức tột độ: “Đổng Kỳ Xương, Hoàng Quốc Đỉnh thật là ác độc, bọn chúng thực hiện độc kế này nhưng không thèm bàn bạc với ta tiếng nào, Hoàng Quốc Đỉnh ắt hẳn là muốn mượn chuyện này mà một mũi tên bắn hai con chim. Vừa có thể trừng trị được bọn Trương Nguyên, lại vừa có thể mượn cớ sơ xuất trong vụ cháy nhà Đổng thị mà bãi chức quan của ta.”

Ngô Huyền Thủy lập tức cho người đi mời Lưu Đồng Tri đến gặp mặt, nói là có chuyện gấp cần bàn bạc. Lưu Đồng Tri và Hoàng Quốc Đỉnh cũng vừa mặt nhưng không vừa lòng, Tá nhị quan và trưởng quan rất ít khi có mối quan hệ tốt. Lưu Đồng Tri nhanh chóng đến chỗ Ngô Huyền Thủy nói chuyện chư sinh tố cáo, Lưu Đồng Tri trầm ngâm nói:

- Ngô đại nhân lát nữa định ứng phó thế nào?

Ngô Huyền Thủy cười nham hiểm nói:

- Trước tiên cứ đến Đổng phủ xem Đổng thị phóng hỏa đốt nhà đã.

Trương Nguyên và chư sinh hết sức kinh ngạc, bọn họ đến đây tố cáo với Ngô Huyền Thủy, mục đích là mong Ngô Thôi quan sẽ làm chứng cho bọn họ. Thực ra đến bọn họ cũng không chắc chắn Đổng thị có thật là sẽ phóng hỏa đốt nhà hay không, vậy mà Ngô Huyền Thủy lại nhận định chuyện đốt nhà sẽ xảy ra, còn muốn tới Đổng phủ xem xét tình hình, lẽ nào Ngô Thôi quan đã có thêm được thông tin gì chăng?

Dưới ánh trăng nhạt, Ngô Huyền Thủy, Lưu Đồng Tri và hơn ba mươi người bọn Trương Nguyên, lại thêm bốn mươi sai dịch của Lý Hình Thính nhanh chóng đến khu vực gần Đổng phủ, trước tiên phong tỏa đường phố, lặng lẽ chờ ngóng Đổng phủ nổi lửa.

Đổng Kỳ Xương lệnh cho những gia nhân đắc lực canh giữ cửa trước, cửa sau, chỉ được vào không được ra. Lão nghĩ rằng như vậy có thể đảm bảo không bị lộ tin tức, cho nên lão cơ bản không biết rằng xung quanh phủ của lão đều có người đang theo dõi. Đổng Kỳ Xương sai người đi bắt trói ba người nhà Tông Dực Thiện, gia nhân hồi báo rằng Dực Thiện và phụ mẫu của y đã trốn thoát rồi. Đổng Kỳ Xương nội giận nói:

- Tên tiện nô, để xem nó có thể chạy đi đâu!

Lão nhăn trán suy nghĩ một lúc rồi sai người trói một tên gia nhân già đang mang bệnh ném vào kho gạo.

Lúc này vạn vật yên lặng, Đổng Kỳ Xương ngồi trên kiệu, hai người kiệu phu khỏe mạnh khiêng lão, Đổng Kỳ Xương ngẩng đầu nhìn trời, mặt trăng đã nghiêng hướng Tây rồi, sớm đã qua canh ba, đến lúc rồi, lão bèn ra hiệu cho tên gia nô bên cạnh mình, tên hầu thưa một tiếng rồi nhanh chóng đến kho gạo, châm lửa đốt cháy hai chiếc chiếu lau rách đã được tẩm dầu. Một lúc sau kho gạo bốc cháy, nhanh chóng ngọn lửa đã lan đến nhà bếp.

Đổng Kỳ Xương ngắm nhìn ngọn lửa cháy một hồi rồi nói:

- Đi thôi.

Hai người kiệu phu nhấc kiệu lên vàkhiêng Đổng Kỳ Xương đến đông viện, đồng thời hét lớn. Những tên người hầu biết rõ sự tình bèn hét lớn là do Trương Nguyên vùng Sơn Âm dẫn đầu đám điêu dân phóng hỏa cướp bóc. Trong Đổng phủ vẫn còn rất nhiều gia nhân và người hầu không biết sự tình tưởng điêu dân đến đốt nhá cướp bóc thì sợ hãi hồn bay phách lạc, chạy loạn ầm ĩ, bọn chúng được kêu chạy đến đông viện.

Cửa lớn đông viện vừa mở, gia nhân, người hầu Đổng thị nhốn nháo chạy ra, rất nhiều nô bộc đang vận chuyển đồ đạc từ tây sang đông từng hòm từng hòm, đến trước cửa nhìn ra ngoài bỗng thấy dưới ánh trăng mờ nhạt là một toán người đen đen mờ mờ đang đứng đó. Làm cho người trong phủ sợ hết vía, không dám vác hòm nữa, vội vàng chạy ngược lại, lớn tiếng gọi:

- Đại lão gia, quả thật là có cướp đến.

Đổng Kỳ Xương quát:

- Gọi loạn lên cái gì thế?

Lão không tin là những kẻ đục nước béo cò lại đến nhanh như vậy, bèn sai kiệu phu khiêng lão ra ngoài xem. Lúc này, những tên sai dịch của Lý Hình Thính đứng ngoài cửa đã thắp đèn, ba chữ : “Lý Hình Thính” sáng lên dưới ánh đèn khiến người ta tỉnh mắt. Đổng Kỳ Xương chỉ cho đó là người của Hoàng Quốc Đỉnh, trong lòng thầm nghĩ: “Hoàng Quốc Đỉnh vội vã quá, còn sớm vậy mà đã đến rồi. Lão nên lập tức đi bắt đám người Trương Nguyên mới đúng chứ.”

Ngô Huyền Thủy và Lưu Đồng Tri bước ra từ sau hàng đèn thứ nhất, im lặng nhìn Đổng Kỳ Xương. Ngô Huyền Thủy hỏi một câu:

- Đổng Hàn lâm, quý phủ cháy lớn cần cứu hay là không?

Hàng chục chư sinh cùng đồng thanh nói:

- Đổng Hàn lâm, vụ cháy này cứu hay không cứu?

Giọng điệu đầy châm chọc.

Lại có một người lớn tiếng nói:

- Đổng công tính kế trấn động cả Tùng Giang, một ngọn lửa mà thiêu cho rụi sạch.

Cổ họng Đổng Kỳ Xương rên lên hai tiếng: “Ôi, ôi”, chân tay phát run, sắc mặt tím ngắt, đột nhiên toàn thân nghiêng ngả, rồi ngã xuống kiệu.

Đổng Kỳ Xương phóng hỏa đốt nhà hòng vu cáo cho chư sinh đã trở thành trò cười cho thiên hạ. Tên nô bộc già ốm bị Đổng Kỳ Xương sai người trói lại ném vào kho gạo cũng được cứu thoát. Người cứu không phải là thuộc hạ của Ngô Huyền Thủy mà là người của Đổng phủ. Tên người hầu đó không biết chuyện Đổng lão gia tự tay phóng hỏa đốt nhà, y cho rằng có người phóng hỏa cướp của thật, bèn lấy gậy gộc đi tới tây viện quyết sống mái với lũ cướp để bảo vệ Đổng phủ, nghe thấy có tiếng kêu cứu phát ra từ kho gạo bèn đạp đổ cửa xông đến cứu người ra.

Đương nhiên là nếu như trước cửa phủ không có đám người Ngô Huyền Thủy thì chắc chắn rằng tên nô bộc kia vừa được cứu ra cũng sẽ bị Đổng Kỳ Xương sai người ném y trở lại biển lửa.

Ngọn lửa thiêu Đổng phủ tây viện được dập tắt, cũng may là nhờ có trận mưa hôm qua, khiến cho ngọn lửa lan chậm, nếu không thì Đổng phủ sẽ bị thiêu rụi chẳng còn thứ gì, mà lại còn liên lụy đến cả những nhà xung quanh.

Hoàng Quốc Đỉnh nhìn thấy lửa cháy ở Đổng phủ, bèn lập tức sai người đi bắt bọn Trương Nguyên, nhưng lại không bắt được gì. Cùng lúc đó mới hay tin Ngô Huyền Thủy, Lưu Đồng Tri và một nhóm chư sinh đi tới Đổng phủ, ông ta mới ngộ ra sự việc đã bị bại lộ, tức giận tột cùng, lần này thì đúng là tức giận mà đổ bệnh.

Dân chúng Hoa Đình không đốt Đổng hoạn, cũng không cướp bóc Đổng hoạn, nhưng Đổng hoạn đã hoàn toàn bị hủy hoại rồi, danh tiếng của Đổng Kỳ Xương đã bị bôi thối. Đổng Kỳ Xương thường ngày đối với những người tới xin họa của lão chỉ cần gửi cho lão nhuận bút hậu hĩnh, lão sẽ đều không từ chối. Tất nhiên đại bộ phận trong số đó đều là gia nô của lão thế bút. Nhưng hiện tại thì ở Tùng Giang phàm nhà nào có họa của Đổng Kỳ Xương thì hoặc là nhanh chóng thu cất lại, hoặc là tự thiêu hủy, không dám công khai tự hào treo bày, nếu khống sẽ bị người khác cười nhạo. Trên đường phố những cửa hàng có biển hiệu là bút tích của Đổng Kỳ Xương thì phải nhanh chóng gỡ xuống, nếu không sẽ bị người khác ném đá cho vỡ tan. Tọa Hóa Tự phía đông thành có bốn chữ “Đại Hùng Bảo Điện” treo ngay trước chính điện là bút tích của Đổng Kỳ Xương. Ngày hôm đó từ sáng sớm đã có một kẻ nhàn rỗi lấy đá ném vào tấm hoành phi. Đến nỗi hòa thượng sợ quá bèn tự bắc thăng lên gỡ bức hoành phi xuống, tên nhàn rỗi đó đập nát bức hoành phi, nói đó là “Đập nát Đổng Kỳ Xương”. Thực ra tên nhàn rỗi đó chẳng có thù oán gì với Đổng thị, mà chỉ là hiện tại đang có một phong trào đánh đổ Đổng thị, nên tên nhàn rỗi đó chắc chắn là không tự cho mình lạc hậu được.

Sáng sớm ngày hai mươi tháng năm, Trần Kế Nho cưỡi nai sừng tấm ( đến Hoa Đình thăm bạn cũ Đổng Kỳ Xương, nữ đồ đệ Vương Vi cũng đi theo cùng. Chạng vạng tối qua ở Đông Xa Sơn, Trần Kế Nho đã được nghe kể chuyện Đổng Kỳ Xương bức tử tú tài Phạm Sưởng, Trương Nguyên dẫn đầu đám chư sinh đến Đổng phủ đòi công lý, lại có đến hàng nghìn bách tính đến vây quanh Đổng phủ, mưa to cũng mặc nhất định không chịu giải tán. Cuối cùng thì Đổng Tổ Thường và Đổng Tổ Nguyên bị dẫn trói giải đến công đường. Trần Kế Nho kinh ngạc vô cùng, mới trước đó một hôm thôi Trương Nguyên vẫn còn ở đây đánh cờ, xem mẫu chữ khắc bia cùng ông ta, vậy mà ngày hôm sau đã gây ra chuyện lớn như vậy!

Còn về chuyện đêm nay Đổng thị bị thiêu rụi nhà cửa thì Trần Kế Nho vẫn chưa được biết, đến khi vào huyện thành Hoa Đình rồi mới được nghe nói, khắp thành đang bình luận về Đổng Kỳ Xương. Trần Kế Nho thường ngày hành thiện tích đức, được người người ngợi khen, rất được dân chúng tôn trọng, nhưng hôm nay vào thành rõ ràng cảm nhận được thấy những ánh nhìn khác lạ. Có một người quen cũ bước tới nắm chặt dây cương của con nai sừng tấm nói:

- Mi công, chúng ta nói chuyện một chút nhé.

Trần Kế Nho bước xuống cùng với cố nhân tới gốc cây bên đường nói chuyện, người đó hỏi:

- Mi công đi thăm Đổng Kỳ Xương phải không?

Gọi trực tiếp tên của người khác là rất bất kính, Trần Kế Nho chau cặp mày dài đáp lại:

- Đúng vậy.

Người đó bèn nói:

- Mi công không biết những tội lỗi mà cha con Đổng thị đã gây ra hay sao? Mi công cao phong lượng tiết, sao lại có thể cùng hàng ngũ với Đổng hoạn được, tuyệt đối không nên đi, Mi công hãy xem cái này đi:

Người đó đưa cho Trần Kế Nho một bản “Thư họa khó luận tiếng lòng” chép tay.

Trần Kế Nho xem cuốn “Thư họa khó luận tiếng lòng”, cặp lông mày dài chuyển động liên hồi, rồi hỏi:

- Bản này là do ai viết vậy?

Người đó nói:

- Nghe nói là do Tiểu Tam Nguyên Trương Giới Tử vùng Sơn Âm viết, nhưng không biết thực hư ra sao.

Vương Vi đạo quan vải bào, không quá trang hoàng nhưng xinh đẹp chẳng gì sánh được, nghe nói bài văn này là do Trương Nguyên viết thì bèn đến xem, nét mặt vô cùng ngạc nhiên.

Người quen cũ của Trần Kế Nho còn kể lại chuyện hôm qua cùng với chuyện nửa đêm Đổng Kỳ Xương phóng hỏa đốt nhà hòng vu oan cho chư sinh một cách rành rọt. Trong lúc người đó kể có đến vài người bước tới vây quanh, bọn họ đều mắng nhiếc Đổng Kỳ Xương, yêu cầu Mi công không nên qua lại với tên ác quan đó nữa, phải cắt đứt mọi quan hệ mới đúng, nếu không sẽ làm ảnh hưởng đến thanh danh của Mi công.

Trần Kế Nho thản nhiên nói:

- Tình bạn hơn bốn mươi năm, sao lại không đi thăm hỏi cơ chứ?

Biểu ý cho mọi người giãn ra, Trần Kế Nho đi ra khỏi đám đông, người hầu đằng sau dắt con nai sừng tấm, và còn cả mấy người Vương Vi cũng đi theo đằng sau.

Đến trước cửa Đổng phủ, chỉ nhìn thấy cửa đóng chặt, gõ cửa một hồi cũng không có người ra mở cửa. Trần Kế Nho đi đi lại lại trước cửa không chịu về, miệng nói nhỏ:

Hiểu giác hàn thanh tán liễu đê,

Thiên lâm tuyết sắc áp chi đê.

Hành nhân bất đáo hàm đan đạo,

Nhất chủng yên sương dã tự mê

(Tạm dịch: Tiếng kèn báo sáng vọng bờ đê đầy liễu. Nghìn cây tuyết trắng nặng trĩu cành. Người đi không đến Hàm Đan đạo, Một làn khói trắng cũng làm người tự say.)

Vương Vi biết đó chính là đề họa thơ của Đổng Kỳ Xương, cô có thể cảm nhận được thương cảm của Mi công. Mi công và Đổng Kỳ Xương đã là bạn thư họa, bạn thư pháp hơn bốn mươi năm, hôm nay đột nhiên biết được nhưng hành động ác độc của Đổng Kỳ Xương nhiều như vậy, đó rốt cục là do đám người Trương Nguyên bày đặt hãm hại, hay thực chất Đổng Kỳ Xương là con người như vậy? Hoặc giống như Trương Nguyên đã nói trong “Thư họa khó luận tiếng lòng”, trong thư họa là một Đổng Kỳ Xương, tham tài háo sắc, tâm địa bất lương lại là một Đổng Kỳ Xương khác, có thật là như vậy không?

Một hồi lâu, Trần Kế Nho cưỡi lên lưng con nai rồi nói:

- Về thôi.

Con nai đi được vài bước, Trần Kế Nho ngoái đầu hỏi Vương Vi:

- Vương Vi, con có cần ngồi kiệu không?

- Không cần, chân của đệ tử rất khỏe.

Vương Vi đi nhanh vài bước, đi bên cạnh con nai.

Toán người rời khỏi huyện thành Hoa Đình, chậm rãi đi theo hướng Đông Xa Sơn, Trần Kế Nho ngồi trên lưng con nai yên lặng không nói, Vương Vi cuối cùng không kìm nổi nữa, bèn hỏi:

- Đổng Hàn lâm mắc phải nạn này, Mi công thấy thế nào?

Trần Kế Nho không đáp, đợi một lát mới từ tứ nói:

- Nhược phi bễ nghễ càn khôn,

Định thị lưu liên quang ảnh,

Bán biều bạch tửu sơ tỉnh,

Nhất cuốn hoàng đình cao chẩm.

Vương Vi trộm làm cái mặt xấu, trong lòng nghĩ: “Mi công đây là suy nghĩ mọi bề mà nói giúp lão, nhưng Mi công không đấu tranh cho Đổng Hàn lâm, có lẽ là Mi công cũng nhận định rằng Đổng Hàn lâm thật có điều sai trái, chỉ là vì nghĩa tình bạn bè mà không bình luận thôi.”

Xa Sơn đã hiện ra trước mắt, Trần Kế Nho thở phào nhẹ nhõm hỏi:

- Vương quan, tên Trương Nguyên đó xem chừng đã giải quyết xong mọi việc, tới đây sẽ tới Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, con có còn muốn đi cùng hắn không?

Vương Vi sắc mặt ửng hồng, diễm lệ như hoa đào nói:

- Mi công đang nói gì vậy, đệ tử chỉ là ngồi cùng thuyền thôi, làm gì có chuyện đi cùng hắn ta.

Trần Kế Nho nói:

- Trương Nguyên người này tâm cơ khó lường, tuổi còn nhỏ nhưng đã tàn nhẫn như vậy, không cùng một đường với chúng ta, đạo bất đồng bất tương vi mưu. Vương Vi con không nên bị cuốn vào, đó đối với con là họa phi phúc, con là đứa con gái, hãy luyện cho thành thạo cầm kỳ thi họa rồi tìm một người hiền lành mà kết tóc xe duyên, cuộc đời như vậy là đủ đầy.

Vương Vi cúi đầu “Vâng” một tiếng, nhưng trong lòng lại không nghĩ như vậy.

Sáng sớm khi Trần Kế Nho và Vương Vi đến Hoa Đình, Trương Nguyên vẫn còn nằm ngáy khò khò ở khách điếm Vũ Hạc, hắn thực sự đã quá mệt mỏi. Hắn lo lắng suốt một ngày đêm, đến tận bây giờ mới có thể yên lòng ngủ ngon, tiếng pháo khi xa khi gần cũng khó mà đánh thức được. Đa phần dân chúng đều hùa theo, có nhà đốt pháo chúc mừng cha con Đổng thị rớt đài, thấy vậy các nhà lân cận cũng nháo nhào bắt chước, tựa như khắp nơi đều giẫm đạp những tấm biển do Đổng Kỳ Xương viết. Phong khí hôm nay chính là phải đốt pháo như đón giao thừa, song tình cảnh hỗn loạn bát nháo đó không liên quan gì đến Trương Nguyên. Hắn đang đắm chìm trong mộng đẹp, tiếng pháo dẫn dắt hắn trở về thời thơ ấu, hình bóng người thân qua lại như đèn kéo quân. Ký ức hai kiếp tuy giao hòa lẫn lộn nhưng bầu không khí ấm áp, háo hức chờ đợi đó không hề có chút khác biệt, vì vậy hắn ngủ rất bình yên.

Mục Chân Chân không quen ngủ ban ngày, nàng chỉ ngủ hơn một canh giờ thì đã tỉnh giấc. Lúc này là cuối giờ Thìn, mặt trời đỏ treo cao trên đỉnh, trong khách điếm lại vắng tanh không ai qua lại, chư sinh và kẻ hầu của họ vẫn còn an giấc nồng. Khách điếm Vũ Hạc đã được ba huynh đệ Trương thị bao hết, vì vậy không có ai khác bước vào.

Mục Chân Chân tìm đến giếng nước ở hậu viện khách điếm để xách nước rửa mặt. Nàng còn muốn giặt giũ y phục mà thiếu gia cùng cha nàng thay ra tối qua, vừa đến hậu viện thì thấy phụ thân Mục Kính Nham đã dậy từ sớm. Ông ở trần, tóc buộc cao lên, tay cầm cây sào múa máy phát ra tiếng xé gió vun vút như đại thương.