Tường Lạc Đà

Chương 4: Tường Lạc Đà Chương 4


Tường nằm lại ba ngày ở một cái quán nhỏ tại Hải Điện, lúc lên cơn nóng, lúc lên cơn rét, mê sảng, lợi rộp lên tím bầm lại, chỉ khát nước chứ không muốn ăn gì cả. Nhịn đói ba ngày, chân hỏa suy, người mềm nhũn như cái kẹo hồng. Có lẽ ba ngày đó, trong cơn mê, anh ta đã đem cái mối liên lạc giữa anh ta và ba con lạc đà nói ra để người ngoài nghe được, nên vừa tỉnh dậy anh ta đã trở thành Tường "lạc đà" rồi!

Từ ngày lên tình, anh ta đã bị gọi là "Tường", dường như anh ta không có họ; nay, chữ "Tường" lại đệm thêm hai chữ "lạc đà", do đó mà càng không ai để ý xem anh ta họ gì. Có họ hay không có họ, anh ta cũng chẳng để ý. Có điều, ba con lạc đà bán được có mấy đồng bạc, mà lại rước thêm một cái tên hiệu, anh ta cảm thấy như thế là lỗ vốn.

Vừa gượng dậy được, anh ta đã định ra ngoài xem tình hình ra sao. Anh ta không ngờ chân mình lại yếu đến thế, ra đến cửa đã phải ngồi thụp xuống đất, ngồi một hồi rõ lâu, xây xẩm cả mặt mũi, trán toát mồ hôi lạnh. Gắng gượng một lúc nữa, anh ta mở mắt ra, bụng sôi ùng ục, thấy hơi đói. Anh ta hết sức chậm rãi đứng lên, tìm một gánh "vằn thắn" bán rong, mua một bát. Anh ta vẫn ngồi ở dưới đất húp một ngụm nước dùng, thấy lợm giọng, ngậm mãi trong miệng, cố nhắm mắt nuốt, không muốn húp thêm nữa. Nhưng một lát sau, nước dùng nóng cứ thế là trôi tuồn tuột vào bụng, anh ta ợ hai cái rõ to. Anh ta biết mình sống lại rồi.

Bụng đã hơi no, anh ta mới ngắm thân mình. Người gầy xọp đi, cái quần rách bẩn đến mức không thể nào bẩn hơn được nữa. Anh ta ngại cử động, nhưng lại muốn sạch sẽ gọn gàng ngay. Anh ta không muốn nhếch nhác bẩn thỉu như thế này mà vào phố. Có điều, muốn sạch sẽ gọn gàng thì phải mất tiền, phải húi tóc, thay quần áo, mua giày, bít tất, cái gì cũng tiền cả. Ba mươi lăm đồng nắm trong tay, không nên động đến một đồng nào, thế mà so với số tiền mua xe, cũng chưa thấm vào đâu! Nhưng anh ta thương cho cái thân anh ta. Tuy bị bọn lính bắt không bao lâu, nhưng bây giờ nghĩ lại, tất cả như trong một cơn ác mộng. Cơn ác mộng đó làm anh ta già hẳn đi, dường như bỗng chốc anh ta tăng lên hàng bao nhiêu tuổi. Nhìn chân tay to tướng của mình, anh ta biết rõ ràng là của mình, nhưng bỗng anh ta lại thấy như vớ được ở đâu ấy. Anh ta buồn lắm. Anh ta không dám nhớ lại những chuyện uất ức và nguy hiểm trước đây nữa. Tuy không nghĩ đến, nhưng chúng vẫn cứ hiện lên, cũng giống như những ngày u ám, tuy không ngẩng đầu nhìn trời, nhưng cũng biết trời đầy mây đen. Anh ta thấy con người anh ta đáng quý hết sức, không nên kham khổ quá. Anh ta đứng lên, biết mình còn yếu lắm, nhưng nóng ruột muốn đi sắm sửa ngay, dường như chi cắt tóc, thay quần áo, thế là khỏe liền.

Sắm sửa xong, tất cả chỉ mất có hai đồng hai hào. Một bộ quần áo vải thô, khổ hẹp và thưa, giá một đồng, đôi giày vải xanh, giá tám hào, bít tất sợi, giá một hào rưỡi, và một cái mũ cói, giá hai hào rưỡi. Bộ quần áo cũ cởi ra, đổi được hai bao diêm.

Cẩm hai bao diêm trong tay, anh ta theo con đường lớn, đi thẳng tới cửa Tây. Đi chưa được bao xa, đã thấy mệt mỏi rã rời. Nhưng anh ta nghiến chặt răng lại. Anh ta không thể đi xe. về mặt nào, đi xe cũng đều thấy không tiện cả: người nhà quê mà lại cho chín mười dặm đường là xa ư? Nói đùa đây chứ! Dù có ngã nhào xuống đây, không bò dậy được nữa, anh ta cũng sẽ cứ nằm như thế mà lăn vào thành, chứ quyết không chịu thua! Anh ta nghĩ, hôm nay nếu không vào tỉnh được, thế là đi đời thằng Tường! Anh ta nghĩ như vậy. Anh ta chi tin vào sức vóc mình, mặc kệ mọi bệnh tật!

Anh ta loạng choạng rảo bước. Đi khỏi Hài Điện chưa xa, anh ta thấy mắt toé đom đóm. Vịn vào cây liễu, anh ta định thần một hổi lâu. Trời đất quay cuồng rồi dần dẩn cũng đúng yên. Trái tim anh ta dường như từ một nơi rất xa quay trở về lồng ngực. Lau mổ hôi trên trán, anh ta lại rảo bước. Đã cắt tóc rồi, đã thay quần áo mới, giày mới rồi, anh ta cho rằng đối với bản thân mình, như vậy là chu đáo lắm; vậy thì cặp giò phải làm tròn trách nhiệm của nó chứ! Đi nào! Anh ta đi thẳng một mạch tới cửa ô. Nhìn người ngựa đi lại rộn rịp, nghe những tiếng ồn ào inh ỏi, ngửi cái mùi hôi, khô ráo, dẫm lên lớp bụi đường bẩn thỉu nhưng mềm mịn, Tường tưởng chừng như muốn nằm bò xuống mà hôn mảnh đất màu xám hôi hám, mảnh đất nảy sinh ra tiền bạc kia! Không có cha mẹ anh em, không có nhà cửa họ hàng, người bạn duy nhất của anh ta chính là cái thành phố cổ xưa này. Thành phố này đã cung cấp cho anh ta đủ thứ, dù cho ở đây có đói cũng dễ chịu hơn ở nhà quê nhiều. Ở đây có cái mà nhìn, có cái mà nghe, khắp nơi là ánh sáng, màu sắc, khắp nơi là âm thanh. Chỉ cần mình dốc sức ra, ở đây chẳng thiếu gì tiền, ở đây có đủ mọi thứ tốt đẹp, ăn không hết, mặc không hết. Ở đây dù đi ăn xin cũng còn xin được cá thịt, ở nhà quê thì chi bánh đúc ngô là hết. Vừa đến phía tây cầu Cao Lượng, anh ta liền ngồi xuống cạnh bờ sông, mấy giọt nước mắt nóng hổi trào ra.

Mặt trời đã ngả về tây. Hàng liễu già bên bờ sông nghiêng ngả, ngọn cây nhuốm vàng. Sông không có mấy tí nước, nhưng đầy rong, trông giống như cái đai bóng loáng, hẹp mà dài, màu xanh sẫm, bốc lên một mùi tanh tanh ẩm ướt. Lúa mạch ở bờ bắc đã trổ bông, trông thấp bé và khô, lá phủ một lớp bụi. Trong hồ sen ở phía nam sông, lá sen xanh, bé tí, yếu ớt lềnh bềnh trên mặt nước, xung quanh thỉnh thoảng nổi lên một ít bong bóng nước lăn tăn. Trên cầu, về phía đông, người và xe cộ qua lại, dưới bóng chiều trông có vẻ vội vàng, dường như tất cả đều cảm thấy bổn chồn lo lắng trước bóng hoàng hôn đang lấn tới. Tất cả những cảnh mắt thấy tai nghe đó đối với Tường đều thú vị đáng yêu vô cùng. Dường như chỉ có con sông nhỏ như thế mới xứng đáng gọi là sông; chỉ có cây, lúa, sen, cầu như thế kia mới đáng gọi là cây, là lúa, là sen, là cầu, bởi vì chúng là của đất Bắc Bình.

Ngồi ở đây, anh ta không cần phải vội nữa. Mọi cái trước mắt đều quen thuộc, đáng yêu. Hình như dù cho ngồi đây mà chết lịm đi, anh ta cũng rất vui lòng. Nghĩ một lúc rõ lâu, anh ta đến đầu cầu ăn một bát canh đậu: dấm, xì dầu, tương ớt, hành thái nhỏ, canh đậu trắng xóa, nóng sôi, bốc lên một mùi thơm ngào ngạt, thơm đến nỗi Tường phải nín thở. Anh ta bưng bát canh, nhìn những lát hành hoa xanh sẫm, tay cứ run run. Húp một miếng, đậu vào tới đâu, nóng ran tới đó. Anh ta lại múc thêm hai thìa nhỏ tương ớt nữa. Ăn hết một bát, mồ hôi vã ra ướt cả cạp quần. Anh ta nheo mắt lại, đưa bát:

- Cho bát nữa đây!

Anh ta đứng lên, thấy mình ra dáng con người lắm rồi. Mặt trời vẫn còn ở chỗ thấp nhất bên phía Tây. Ráng chiều chiếu xuống mặt sông đỏ hồng. Anh ta vui vẻ muốn reo lên. Sờ vết sẹo nhẵn nhụi trên mặt, nắn số tiền trong túi áo, rồi lại nhìn ánh mặt trời còn rớt lại trên thành lầu, anh ta cố quên bệnh tật, quên đi tất cả, và như có chút mơ ước gì đó anh ta quyết định đi thẳng vào trong thành.

Đủ mọi thứ xe cộ, đủ mọi hạng người chen chúc nhau ở cổng thành. Chẳng ai dám đi nhanh, nhưng ai cũng muốn vượt lên trước, tiếng roi quất, tiếng hò hét, tiếng chửi rủa, tiếng còi, tiếng nhạc, tiếng cười đều bị cổng thành - giống như cái máy phóng thanh - làm vang lên oang oang, dường như ai nấy đều có nói cả, đều ổn ào cả. Tường chen chân bước, tay rẽ lối, y như con cá to mà gầy nhang, đang rỡn sóng; anh ta len vào thành. Vừa nhìn thấy ngã tư phố Mới, đường xá rộng rãi, thẳng tắp, mắt anh ta sáng lên, sáng như thể luồng ánh sáng phản chiếu trên nóc nhà phía đằng đông kia. Đầu anh ta gật gù.

Chăn chiếu anh ta còn để cả đằng hãng xe Nhân Hòa đường cửa Tây An, tất nhiên anh ta muốn chạy thẳng tới đó. Vì chưa có vợ con, nên trước nay anh ta vẫn ở trong hãng xe Nhân Hòa, mặc dù không phải lúc nào cũng kéo xe cho hãng này. Lão Tư Lưu, chủ hãng, đã gần bảy mươi. Già nhưng vẫn láu cá. Thời còn trẻ, lão ta đã từng đăng lính gác kho, mở sòng bạc, buôn người, cho vay nợ lãi cắt cổ. Tư cách, tài năng cần thiết để làm những nghề ấy, sức mạnh, mánh khóe, thù đoạn, giao du, tiếng tăm v.v. lão ta đều có đủ, thời nhà Thanh, lão ta đã từng đánh nhau để hôi của, cướp đoạt đàn bà con gái nhà tử tế, đã từng bị cùm kẹp, nhưng lão ta không chau mày, không van xin. Việc kiện cáo đã làm lão ta thêm cứng rắn, đó chính là "tiếng tăm" của lão ta. Ra tù, vừa vặn gặp thời dân quốc, thế lực của bọn hiến binh cảnh sát ngày càng lớn, lão Tư Lưu thấy đã hết thời làm anh hùng rồi, dù Hoàng thiên bá sống lại cũng không ăn thua mấy nữa. Thế là lão ta mở một cửa hàng cho thuê xe kéo. Lăn lóc mãi với đời, lão ta đã biết được những mánh khóe đối phó với người nghèo. Lúc nào nên cứng, lúc nào nên mềm, lão ta khéo điều hòa cho đúng mức. Anh em phu xe không ai dám ngỗ ngược với lão ta. Lão ta trừng mắt hay lão ta cười hà hà, đều có thể làm cho anh em hồn xiêu phách lạc, như lơ lửng giữa thiên đường và địa ngục, đành phải làm theo lão ta. Đến bây giờ, lão ta có hơn sáu mươi chiếc xe, cái tàng nhất cũng vào loại còn mới tám chín mươi phần trăm. Lão ta không giữ xe cũ. Thuế xe ở xưởng lão so với các nơi khác cao hơn, nhưng ngày mồng ba tết, lão ta lại thu ít hơn các nơi khác độ hai ngày thuế. Xưởng của lão ta có chỗ ở, những anh chưa vợ con kéo xe của lão ta đều có thể đến đó ở mà không mất tiền - nhưng phải nộp đủ thuế xe mới được. Ai không nộp đủ mà còn lằng nhằng với lão ta thì lão ta giữ chăn chiếu lại, rồi tống cổ ra đường y như quẳng cái ấm vỡ. Ai có việc gì cần cấp, ốm đau nguy kịch, chỉ cần nói với lão ta một tiếng là lão ta không bỏ qua; khó khăn mấy lão ta cũng sốt sắng giúp đỡ. Đó cũng là "tiếng tăm" của lão ta.

Lão Tư Lưu có cái tướng hổ. Gần bảy mươi mà lưng chưa còng, cặp giò vẫn có thể cuốc bộ được một hai chục dặm. Hai con mắt tròn xoe, mũi to, mồm vuông, hai cái răng nanh gộc, mở miệng ra, y hệt ông ba mươi. Lão ta cũng cao bằng Tường, đầu cạo nhẵn thín, không để râu. Lão ta tự cho mình là ông Cọp, nhưng tiếc thay lại không có con giai, chỉ có một cô con gái băm bảy băm tám tuổi rồi mà vẫn chưa đi lấy chồng. Đã biết lão Tư Lưu thì cũng nên biết qua cô con gái lão ta. Ả cũng có dáng dấp một con cọp cái, vì thế mà bọn đàn ông sợ khiếp vía cả. Ả giúp bố trông coi công việc thì cừ lắm, nhưng chẳng ai dám lấy. Cái gì ả cũng giống đàn ông, ngay cả khi quát mắng người ta cũng hùng hổ như đàn ông, có khi lại còn nhiều kiểu hơn nữa kia. Lão Tư Lưu thì lo việc ở ngoài, cô con gái thì lo việc ở trong, hai cha con kinh doanh cái hãng xe vững như thành. Hãng Nhân Hòa trở thành một hãng có thế lực trong giới xe tay. Cách thức làm ăn của cha con lão ta thường được anh em phu xe và các chủ xe nhắc tới luôn, y như các nhà trí thức nhắc tới kinh điển.

Trước kia khi chưa mua được xe riêng, Tường thuê xe của hãng Nhân Hòa. Tiền để dành, anh ta đưa cho lão Tư Lưu giữ hộ. Khi gom được đủ số , anh ta lấy ra mua xe mới.

Anh ta kéo chiếc xe đó về hãng:

- Cụ Tư ạ, cụ xem cái xe của cháu này!

Lão ta nhìn qua gật gù:

- Khá đấy!

Tường nói, vẻ tự đắc:

- Cháu vẫn xin ờ lại đây cụ ạ! Bao giờ cháu kéo xe tháng lúc ấy cháu sẽ đến nhà chủ ở.

Lão Tư Lưu lại gật đầu:

- Được thôi!

Thế là, tìm được chỗ kéo xe tháng thì Tường đến nhà chủ ở, mất việc, kéo lẻ, anh ta lại quay về hãng Nhân Hòa.

Không kéo xe của lão Tư Lưu, mà vẫn được ở lại hãng Nhân Hòa, theo các anh em phu xe khác, thì đó là một việc hiếm có. Vì thế, đã có người đoán mò, chắc là Tường có họ hàng gì đó với lão Tư Lưu. Lại có người còn nói, lão Tư Lưu đã nhắm Tường để gả cô con gái cho. Đoán mò như thế, tuy có ý ghen tị, nhưng vạn nhất mà đúng như vậy, mai sau lão Tư Lưu chết, hãng xe Nhân Hòa nhất định thuộc về Tường. Điều đó, họ chỉ dám đoán thế thôi, chứ trước mặt Tường họ chẳng dám nói câu gì khó nghe. Thực ra, lão Tư Lưu có ý biệt đãi Tường cũng là có lý do. Tường vốn là người ở vào hoàn cảnh mới, nhưng vẫn giữ được những tập quán cũ. Giả dụ anh ta có đi lính thì quyết cũng chẳng mặc quần áo lính vào là hoạnh hoẹ người khác. Ở hãng xe, anh ta chẳng bao giờ ngồi không, ráo mồ hôi là kiếm việc gì làm: lau xe, bơm xe, phơi áo tơi cánh gà, cho dầu mỡ... chẳng cần phải sai bảo, cứ tự ý làm, vui vẻ lắm, như một trò giải trí rất thú vị. Hãng xe thường vẫn có khoảng hai mươi anh em phu xe ở. Lúc cho xe về, họ không ngồi tán gẫu thì vùi đầu vào ngủ. Chỉ có Tường là không chịu để rảnh tay lúc nào. Thoạt đầu, mọi người tưởng anh ta muốn nịnh hót, bợ đỡ lão Tư Lưu. Mấy ngày sau, họ thấy anh ta không hề có cái ý ấy, anh ta thẳng thắn tự nhiên lắm, cho nên cũng chẳng nói vào đâu được nữa. Lão Tư Lưu không hề khen Tường một câu nào, cũng không hề biệt đãi anh ta. Nhưng lão ta trong bụng đã có ý định. Lão ta biết Tường là tay làm ăn được, dù cho không kéo xe lão ta nữa, lão ta vẫn cứ ưng cho Tường ở lại hãng. Có Tường ở đây, trước hết không cần nói đâu xa, sân cửa ngõ cứ sạch như li như lau. Ả Nĩu thì lại có vẻ thích anh chàng ngốc nghếch này hơn cả. Ả nói gì, anh ta cũng chú ý lắng nghe, không cãi lại. Những anh em phu xe khác, vì phải khổ sở nhiều nên ăn nói thường ngang bướng. Ả không sợ họ đâu, nhưng cũng chẳng thích đôi co với họ làm gì. Vì thế cho nên, bao nhiêu lời của ả, ả đều để dành cho Tường nghe cả. Khi Tường kéo xe tháng, bố con lão Tư Lưu dường như mất một người bạn. Đến khi anh quay về, thì lão ta chửi mắng mọi người cũng có phần nhẹ nhàng hơn...

Tường cầm hai bao diêm, vào hãng xe Nhân Hòa. Trời chưa tối, hai bố con lão Tư Lưu đang ăn cơm. Thấy anh ta về, ả Nĩu liền bỏ đũa xuống:

Anh Tường! Sói nó tha anh đi hay anh sang Phi châu đào mỏ vàng đây!

Ờ!...

Tường chẳng trả lời sao cả.

Đôi mắt tròn xoay của lão Tư Lưu đưa khắp người Tường. Lão ta cũng chẳng nói gì.

Tường đội cái mũ cói mới, ngồi ngay trước mặt hai bố con lão.

Ả Nĩu mời, như đối với một người bạn thân:

- Chưa ăn cơm thì ăn cả thể đi!

Tường vẫn ngồi nguyên, cảm thấy một niềm thân thiết không sao tả được. Trước nay, anh vẫn xem hãng xe Nhân Hòa này như nhà mình: kéo xe tháng, thường đổi chủ luôn; kéo lẻ, bây giờ người này, lát nữa người khác. Chỉ có đây là anh ta ở được lâu, là có người chuyện trò với anh. Nay, vừa thoát chết, lại được về với người quen thuộc, lại được mời mọc ăn uống, anh ta nửa như hơi nghi ngờ không hiểu có phải họ muốn trêu mình chăng, nửa như muốn rớt nước mắt.

Anh ta từ chối, hơi có vẻ làm khách:

- Tôi vừa ăn hai bát canh đậu rồi!

Mắt vẫn nhìn Tường chằm chặp, lão Tư Lưu hỏi:
- Anh đi làm gì thế? Xe đâu rồi?

Tường nhổ một bãi nước bọt:

- Xe ấy à?

Ả Nĩu cầm tay anh ta kéo tới bên mâm cơm, y như bà chị dâu chiều chú em chồng:

- Lại đây ăn bát cơm đã, không ai thuốc độc anh chết đâu mà sợ! Hai bát canh đậu thì ăn thua gì!

Tường chưa bưng bát vội, trước hết móc tiền trong túi ra:

- Cụ ạ, cụ giữ hộ cháu ba mươi đồng!

Rồi anh ta bỏ chỗ tiền lẻ vào túi.

Lão Tư Lưu dướn đuôi lông mày lên hỏi:

- Ở đâu ra thế?

Tường vừa ăn, vừa kể chuyện bị lính bắt.

Nghe xong lão Tư lắc đầu:

- Hừ, ngốc thật! Dắt về đây bán cho hàng thịt cũng được mấy chục bạc một con. Nếu vào mùa đông, lạc đà còn đủ lông thì ba con cũng phải sáu chục!

Tường vốn đã có ý tiếc, nay nghe nói thế, càng buồn hơn. Nhưng tiếp đó anh ta lại nghĩ rằng, đem ba con vật sống sờ sờ như thế mà bán cho cửa hàng thịt để họ chọc tiết thì cũng có phần thất đức. Anh ta và lạc đà đều cùng trốn thoát, nên cùng phải được sống cả. Anh ta chẳng nói gì hết, lòng anh ta bình tĩnh lại rồi.

Ả Nĩu dọn mâm bát, lão Tư thì ngửa cổ lên, như suy nghĩ điều gì. Bỗng lão ta cười, để lòi hai cái răng nanh, càng già lại càng chắc ra.

- Này, anh nói anh bị ốm ở Hải Điện phải không? Sao lại không theo đường cái Hoàng Thôn mà về thẳng đây?

- Cháu vòng phía Tây Sơn về đây, sợ đi đường cái có người đuổi theo, có khi người trong làng lại nghĩ quá đi, cho là đào ngũ!

Lão Tư lại cười, tròng con mắt đảo hai cái. Lão ta sợ Tường bịa chuyện ra như vậy. Ngộ nhỡ số ba mươi đồng bạc kia là của ăn cướp thì sao? Lão ta không thể oa trữ tang vật được. Lúc trẻ, mọi việc phạm pháp, lão ta làm cả rồi, bây giờ lão ta tự cho là đã cải tà quy chính, cho nên không thể không cẩn thận, mà còn biết nên cẩn thận như thế nào nữa. Câu chuyện của Tường chỉ có mỗi một khe hở đó thôi, nhưng nghe Tường giải thích như vậy, điềm nhiên chẳng chút lúng túng sợ hãi, nên lão ta cũng yên tâm. Lão ta chỉ số tiền, hỏi:

- Bây giờ làm thế nào đây?

- Xin theo lời cụ dạy thôi!

- Mua cái xe nữa nhá?

Lão ta lại cười, để lòi hai cái răng nanh ra, như có ý nói: "Mua xe riêng, rồi lại ở nhờ đây?"

Tường không nhìn vào răng của lão Tư mà chỉ băn khoăn suy nghĩ:

- Không đủ cụ ạ! Mua thì phải mua xe mới!

- Cho anh vay nhé? Lãi một phân thôi. Người ta thì hai phân rưỡi!

Tường lắc đầu.

- Mua xe trả góp cho người ta chẳng bằng trả tôi một phần lãi đâu!

Tường trả lời, vẻ suy nghĩ lung lắm:

- Cháu cũng chả mua trả góp. Cháu cứ để dành dần dần, đủ số rồi thì tiền trao cháo múc!

Lão Tư nhìn Tường, y như nhìn một vật gì kỳ quặc lắm, tuy đáng ghét đấy, nhưng không thể nào giận được. Một lát, lão ta cầm lấy tiền:

- Ba chục à? Đủ đấy chứ?

- Đủ đấy ạ!

Tường đứng dậy nói tiếp:

- Cháu đi ngủ đây. Biếu cụ bao diêm.

Anh ta đặt bao diêm lên bàn, đứng bần thần một lúc, rồi lại nói tiếp:

- Chuyện lạc đà, xin cụ đừng nói với ai.
Đăng bởi: